Tôi làm nghề buôn ngựa và luyện ngựa được 3 năm, trong thời gian chiếm SàiGon.
*
Ngựa Chợ Rã là ngựa ta, nhỏ con, chịu khổ, dễ nuôi, nhưng yếu, và tính tình
cũng rất phong phú. Dân ở đấy trả giá cao cho những con cưỡi êm, đi nhanh, và
bước chắc chắn. Những con cưỡi xóc, đi chậm, và hay dẵm lên cuội thì rẻ.
*
Ngựa Lạng Sơn và Cao Bằng thường lai ngựa Trung Quốc, có con to khoẻ và nhanh,
có con chỉ là ngựa ta thôi. Ngựa Trung Quốc tuy có to, nhưng chậm, và ngốc,
hay có tai nạn, như cà chủ vào vách đá, đập đầu chủ vào cành cây, dẫm vó lên
đá rời hay cuội nên bưóc đi chập choạng. Ngựa ta cũng có những tật này, nhưng
nó nhỏ và thấp, nên tai nạn cũng nhẹ hơn, và giá mua ngựa to lại nhiều hơn.
*
Ngựa Sơn La cũng là ngựa ta, nhưng cao giỏng và gầy hơn ngựa chợ Rã, nên nói
chung không bằng ngựa chợ Rã (Bắc Kạn, gần hồ Ba Bể). Ở đó cũng có một số con
lai ngựa Liên Xô, rất tốt, mang lên Tuần Giáo, Lai Châu để cải thiện giống,
nhưng bà con ta không thích, nên số con cháu lai này còn rất ít, và vì tỷ lệ
đó, nên coi như tuyệt chủng. Ngựa Liên Xô rất cao to, nhưng khi lai, thì con
cháu cũng tuỳ mà có con tinh nhạy, có con khờ.
*
Ngựa Hà Giang và Tuyên Quang cũng như ngựa Chợ Rã, là giống ngựa Ta. Một số
ngựa ta quá bé, mặc dù chủ cưỡi được, nhưng tôi có thể bê bổng nó lên. Lúc đó
tôi nặng 58 kilô, một ngày đi núi hơn 40 cây số là thường.
*
Qua nhiều lần mua ngựa, tôi tìm ra ngựa Ngân Sơn, Đèo Gió là tốt nhất, vì chúng
lai ngựa Pháp, có sao trắng ở giữa trán. Chúng vừa cao to, vừa nhanh nhậy, vừa
thông minh. Bề cao vai trên 1 mét 2, tiếng nhà nghề gọi là 12 nắm, tiếng Mỹ gọi
là 12 hands, vì người ta tính tròn 1 nắm tay chừng 10 centimet. Chiều vòng ngực
ngay sát nách là to nhất thì chừng 1,8 mét. Chiều ngang móng vó 10 centimet.
Ngựa ta thì cao 11 nắm, vòng ngực 1,6 mét, vó rộng 8 centimet. Ngựa này khi làm
thịt có thể được 35 kilô, còn ngựa Ngân Sơn thì 60 kilô, ngang với một con bò lớn.
*
Ngựa Tuy Hoà, Đà Lạt cũng là ngựa ta, nhưng hiếm chứ không có hàng đàn như trên
Việt Bắc. Ngựa trường đua Phú Thọ, Sài Gòn, có lẫn ngựa nước ngoài, nhưng không
con nào hơn 13 nắm. Phần lớn ngựa già, và lai tạp lung tung, phẩm chất rất kém
cả về giống, lẫn về nuôi và huấn luyện.
*
Kinh nghiệm mua ngựa, thì bạn nhìn mặt khô, chân khô, mí mắt mỏng là tốt. Mặt
béo thì chậm và đần, còn mí mắt dầy cũng chậm chân chậm trí. Muốn biết thế nào
là mặt béo mặt gầy, thì phải tập nhìn vào một đàn ngựa, sẽ thấy khác nhau chứ
nhìn 1 con thì làm sao biết? Vả lại, ngựa đua của Mỹ thi mặt gầy và mí mắt mỏng,
còn ngựa ta thì không thể như thế được, vì khác giống. Ngựa Mỹ mặt béo và mí
mắt dầy thì cũng chậm khỏi chê, mặc dầu chúng to hơn, bước rất dài. Ngựa đua Mỹ
thường 13 nắm, còn ngựa to thì 15 nắm cho đến 19 nắm. Ngựa 13 nắm rất khó cưỡi,
nếu bạn không có máu thể thao, vì lắp yên vào sẽ cao 1 mét rưỡi, nhiều người
không thể lên yên được nếu không có người đỡ lên. Nài ngựa ở Mỹ đều có người
đỡ lên ngựa (nói nôm là bế lên). Ngày xưa tôi mua mấy con, từ 11 nắm rưỡi đến
con to nhất 12 nắm rưỡi, chỉ để kéo xe. Ngựa 11 nắm thì không thể phi được, vì
nhỏ bé quá, mình nặng 55 ký, cưỡi lên, nó chỉ chạy gằn được mấy bước, rồi lại
thủng thẳng đi bộ. Vòng ngực phải 1 mét 80 trở lên mới phi được mấy trăm mét,
và cưỡi được lâu.
*
Ngoài đầu, mặt, và mắt ra, nên chọn ngựa cổ mỏng và dài, bờm mỏng. Ngựa bờm dày
thì đẹp, nhưng chậm và đần. Nhìn vào ức ngựa, nếu đưa nắm đấm của mình qua được
2 chân trước, thì ngựa có thể lực. Nếu không qua được thì ngựa quá nhỏ bé. Nhìn
từ ức, thấy ngực ngựa hình tròn hay gần tròn, thì ngựa khoẻ. Nếu thấy hình trái
xoan, thì ngựa yếu. Yếu khoẻ chỉ nói về số lượng thịt nạc, chứ không nói về tốc
độ . Ngựa yếu có thể vẫn nhanh, cưỡi lên đi nhanh hơn ngựa khoẻ mà chậm, nhưng
nếu người cưỡi quá to (như tôi 58 ký là quá to, vì bà con thường chỉ 50 ký thôi).
thì đi chợ được nửa đường sẽ chậm lại. Bà con đi đóng thuế 1 tạ thóc, mới nửa
chặng đường đã phải cho ngựa nghỉ (ngựa Ngân Sơn). Ngựa Chợ Rã thì chỉ chở 5 chục
6 chục ký thóc thôi. Có ngựa khoẻ, nhìn ngực và bụng nó hình chữ O bẹt, căng tràn
sức sống, không thấy xương sườn đâu, mà chỉ là ngựa thả hoang thôi nhé, chẳng bao
giờ biết mùi ngô cám đâu.
*
Nhìn chân móng cũng quan trọng. Ngựa chân móng tốt, thì góc độ móng trên 45 độ .
Móng càng tốt thì độ dốc càng cao. Ngựa móng tốt có thể không cần đóng móng sắt
(giày sắt cho ngựa). Móng tốt xấu không ảnh hưởng đến phẩm chất ngựa: nhanh, êm,
và an toàn. Ngày xưa con ngựa móng xấu nhất của tôi lại là con có phẩm chất tốt
nhất, chỉ bị nhỏ yếu thôi. Móng trước bao giờ cũng dốc hơn móng sau. Ngựa tốt
thì móng sau dẵm đúng vào dấu móng trước in lên trên đường. Ngựa tốt bao giờ
cũng liếc thấy 2 móng trước đặt lên trên tảng đá vững chắc chứ không phải hòn
đá cuội lăn lông lốc trên đường. Bao giờ nó cũng nhanh, vì mắt phải nhìn trước,
nhìn quanh (cảnh giác) nhìn vó bước, nhìn thức ăn (cỏ bên đường).
*
Mua ngựa thì phải thử. Nếu là ngựa cưỡi, thì phải phi xem có được mấy trăm mét
không. Nếu cao dưới 12 nắm, ngực không tròn, và không lọt nắm đấm thì miễn thử,
vì không phi được 1 trăm mét đâu. Nếu ngựa thồ, thì phải dắt thử. Buộc cổ nó
một sợi dây, rồi cầm dây dắt đi, đầu của mình sát đầu của nó, đi lên núi, lội
xuống suối. Nếu 1 trăm mét mà nó đi bằng mình (6 km một giờ) thì là ngựa nhanh.
Cả một chục con ngựa tốt, mới có 1 con đi nhanh như thế thôi. Nói thế vì lúc đó
tôi đi nhanh lắm, ngang với người miền núi. Người SaiGon và HaNoi không thể đi
được 6 km một giờ đâu. Ngoài ra, còn thử ngựa nhanh bằng cách dẫm lên vó trước
của nó. Không được đi giày đâu, vì đi giày mà dẵm lên chân ngựa thì nó thối móng
còn gì. Đi chân không, đứng trước vai ngựa, rồi dẵm lên móng nó. Ngựa nhanh thì
nhấc ngay vó đó lên. Sau đó ta lại dẫm lên móng kia . Con nào nhanh thì cũng vẫn
nhấc vó kia lên ngay, nhưng con nào chậm nhấc vó thứ nhất lên, thì nhấc vó kia lên
cũng chậm. Nếu bạn chưa có khái niệm thế nào là nhanh chậm, thì thử vài con sẽ
biết. Chúng không nhanh như nhau dâu.
*
Cho Ngựa ăn, thì cũng như nuôi Trâu Bò. Nói chung, Ngựa tốt một ngày ăn một gánh
cỏ 20 kilogram, nhưng thật ra chỉ 10 kilô vào bụng, vì 10 kilô kia chỉ là rác
rưởi, cỏ úa, gốc rễ cỏ thôi. Nếu cắt cỏ kiểu Mỹ, thì phải trồng cỏ, và nó ăn hết.
Nếu gieo Ngô (Bắp) lớn thành cây cao ngang ngực, hay cỏ Voi cao ngập đầu người,
hay Mía, thì phải cắt ngắn ra từng đốt 2 centimet ngựa mới ăn được. Nó không thể
cắn ngắn thức ăn như thỏ và chuột lang, nên thức ăn quá dài, nó sẽ nhai rồi nhả
bã, không thể nuốt được, đành nhịn đói. Khi lao động nặng, thì nên cho ăn thêm vài
lạng cho đến 1 kí thóc nữa, hay ngô cũng được. Tốt nhất thì thóc ngâm mọc mậm, hay
xay tróc vỏ trấu ra . Ngô thì cũng xay vỡ chứ không cần xay ra bột. Có thể nấu
ngô chín như bánh đúc, rồi bóp tan trong nước cho Ngựa uống cả chậu. Ngựa mới mua
trên núi có thể chưa quen thức ăn nấu, thì vẩy vào cỏ cho nó quen dần, rồi sau đó
mồi lần thấy chậu cám từ xa nó đã muốn đến ăn ngay. Thức ăn cho Ngựa phải thật sạch
sẽ. Nếu đái vào cỏ, hay ngồi lên cỏ, hay mồ hôi rỏ lên cỏ, nó không ăn đâu . Thức
ăn có lẫn thịt cá lươn ốc hay mắm thì chỉ một chút nó cũng không ăn. Nên cho nó một
chậu nước sạch để nó tuỳ thích uống, mặc dù hầu như cả ngày nó không uống nước .
Ngựa không nhai lại, nên nó tiêu hoá không hết thức ăn . Cứt nó còn nguyên cọng cỏ
và lá cỏ chưa tiêu, chỉ tiêu ở hai đầu bị nhai, bị dịch tiêu hoá thấm vào thôi . Vì
vậy, còn lấy cứt nó nuôi giun nuôi bọ rất tốt. Ngày xưa gà nhà tôi thích bới đống
phân ngựa ăn giòi trong đó lắm. Ngựa tốt, cho ăn tốt, thì rất hăng máu, phải đưa
ra chạy hàng ngày. Nó rất thích được thả ra chạy, hay để mình thồ, cưỡi. Nếu nhốt
mà ít cho hoạt động, sẽ sinh bệnh, nhưng tôi chưa có dịp cho Ngựa được nghỉ bao giờ.
Nuôi ngựa phải thửa một con dao cầu để thái cỏ. Nó cũng giống như con dao trong nhà
máy in để xén sách, nhưng khác là mặt đế không phẳng lỳ, mà nên giợn sóng, để giữ
cỏ khỏi chạy ra xa, mà đứng lại để dao xén xuống. Bạn có thể đến tiệm thuốc bắc để
tham khảo thiết kế dao cầu nó ra sao. Ngựa thả có thể đẻ ngày, nhưng ngựa làm lụng
thì chỉ đẻ đêm thôi. Thường nó đẻ vào đêm đông rét mướt, rồi con bị chết, vì chủ
không có chuồng trại tốt che mưa gió, và lúc đó thì chủ quá mệt, ngủ rất say rồi.
*
Những kinh nghiệm của tôi, đã giốc hết ra cho bạn . Đi mua ngựa, cứ mang ra áp dụng,
phán câu nào, cả làng ngựa nghe cứ há hốc mồm ra, vì họ không biết đâu. Sau đó, bạn
mới tha hồ mà chê, mà phán giá cả. Tôi đã vào 1 trại ngựa của Mỹ chơi, lúc ấy đi bộ,
vì nhà chú tôi cách trại gần 1 cây số, rồi lúc ra về, chủ trại lái xe đưa về tận nhà.
Chỉ vì sau khi nghe tôi so sánh ngựa trong trại con nào chậm con nào nhanh, anh ta hỏi,
có thể biết trước con nào thắng giải cuộc đua không, thì tôi trả lời là không thể. Trại
anh ta nuôi ngựa của anh ta, và nuôi thuê cho người khác nữa. Ngựa đi đua đều là ngựa
tốt, bằng con tốt nhất ở đó, thì làm sao chỉ nhìn hình dáng mà biết được?
*