Đã có cách ‘giải cứu’ cá tra

  • Thread starter starfoods
  • Ngày gửi
S

starfoods

Guest
Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra được đánh giá là hiệu quả.
Sau một năm thực hiện thí điểm “Chuỗi liên kết dọc cá tra” cho thấy mô hình này đã giải quyết được những khó khăn, bế tắc tồn tại hàng chục năm nay đối với lĩnh vực này.
Nông dân sướng
Gia đình ông Lê Quang Vinh ở xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, An Giang) vốn gắn bó với nghề nuôi cá tra từ lâu. Sau thời điểm năm 2008, do nuôi cá tra gặp khó khăn, giá giảm, thua lỗ nặng nên ông Vinh tính chuyện “treo ao” bỏ nghề nuôi cá.
“Khi có chương trình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra, tôi đã đăng ký tham gia” - ông Vinh kể. Theo ông Vinh, trước đây khi còn nuôi tự do, tự kiếm mối bán thì gặp đủ thứ khó khăn. Có khi bức bách chuyện thức ăn cho cá phải vay nóng với lãi suất cao. Cá tới lứa bán phải chạy vạy tìm nơi tiêu thụ nhưng nhiều khi bán không được.
“Nay vô chuỗi khỏe re. Cá tới lứa, thu hoạch ngay đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu. Sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng…, phần dôi dư là lợi nhuận, nông dân chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền” - ông Vinh nói vẻ hào hứng.
Cũng như ông Vinh, ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú) vừa thu hoạch 196 tấn cá với lợi nhuận hơn 300 triệu đồng cho biết: “Nuôi cá mà không phải lo vốn, chẳng phải lo chuyện bán cá, không phải đi đòi nợ dài dài. Gia đình tôi chỉ tập trung nuôi cá sao cho tốt, thu hoạch xong ao nào là tới ngân hàng lãnh tiền lời về. Chưa bao giờ dân nuôi cá tra tụi tui... sướng được như vầy!”.
Không chỉ ông Vinh, ông Tuấn mà nhiều nông dân tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra cũng cho biết giá thành nuôi cá trong chuỗi giảm trên 500 đồng/kg so với nuôi tự do (không tham gia chuỗi liên kết) và lợi nhuận mỗi kg cá thấp nhất 1.500 đồng. Tính chung, nếu so với nuôi tự do, lợi nhuận cao hơn từ 48,7 - 57,4 triệu đồng/ha/vụ. Trong tình hình nuôi cá tra đang khó khăn như hiện nay, đây là mức lãi tốt.

Đi vào con đường hợp tác, liên kết để sản xuất cá tra có lợi cho tất cả các bên. Ảnh: Gia Tuệ

Các bên đều thắng
Đầu tháng 8-2014, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra đi vào hoạt động với tám nông dân và các công ty xuất khẩu, chế biến thức ăn thủy sản, cung cấp thuốc thú y thủy sản… tham gia. Tổng diện tích thả nuôi trên 41 ha.
Khi tham gia chuỗi này, nông dân được vay vốn bằng hình thức tín chấp lên đến 90%, 10% còn lại là thế chấp. Khi thu hoạch cá được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cho vay theo mô hình này cũng tạo thuận lợi rất lớn cho người nuôi cá và doanh nghiệp để họ chủ động đàm phán với các doanh nghiệp cung ứng thức ăn nuôi cá. Qua đó được cung cấp thức ăn với giá thấp hơn giá thị trường, hưởng mức chiết khấu cao hơn. Còn Nhà nước thực hiện được vai trò quản lý vĩ mô, dễ dàng nắm bắt được nhu cầu thị trường cũng như sản lượng nuôi của nông dân, trên cơ sở đó điều tiết cung cầu một cách hợp lý...
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc điều hành chuỗi của Công ty TNHH SXTMDV Thuận An (An Giang), cho biết:“Qua một chu kỳ nuôi, đến nay chúng tôi chưa thấy có phát sinh gây bất lợi cho các bên tham gia. Chỉ có yếu tố giá là phụ thuộc vào thị trường nhưng sẽ khắc phục được trong thời gian tới khi các nhà máy tiến hành liên kết ngang để đưa ra một giá sàn mua và bán. Lúc đó sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp tranh mua, tranh bán phá giá lẫn nhau. Điều quan trọng hơn là khách hàng nước ngoài an tâm về chất lượng sản phẩm của Việt Nam”.
Còn ở chuỗi liên kết tại Đồng Tháp, ông Trần Văn Hùng, đại diện Công ty TNHH Hùng Cá, cho hay: “Qua mô hình phát vay, doanh nghiệp thuận lợi và nông dân tham gia chuỗi đảm bảo được lợi nhuận nên thời gian tới công ty sẽ tiếp tục đề nghị mở rộng thêm các hộ dân tham gia chuỗi”.
Không chỉ doanh nghiệp mới nhìn thấy hướng mở và lợi ích từ chuỗi liên kết, mà chính người nông dân đã nhìn nhận được vấn đề. Nông dân Nguyễn Văn Tấn nói: “Nếu so sánh giữa nuôi cá tự do với nuôi cá theo mô hình liên kết chuỗi thì tôi khẳng định mô hình liên kết là mô hình bền vững. Ví dụ: Khi tham gia, nông dân không sợ mua phải thức ăn kém chất lượng mà giá lại tốt nhất. Thực tế trong gần 20 năm qua cho thấy nếu mãi làm ăn riêng lẻ thì chỉ có thua thiệt mà thôi. Đi vào con đường hợp tác, liên kết để sản xuất có lợi cho tất cả các bên”.
Đánh giá về mô hình này, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho rằng: “Mô hình trên đã đem lại hiệu quả thiết thực khi tất cả thành phần tham gia gắn kết cùng nhau nên giảm tối đa rủi ro và đều cùng được hưởng lợi. Mô hình là lối ra cho con cá tra trong bối cảnh khó khăn hiện nay và cũng là xu thế tất yếu để giúp con cá tra phát triển bền vững”.
Muốn chung “một nhà” với nông dânÔng Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho hay Ngân hàng Nhà nước đang triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14 đối với lĩnh vực cá tra. Việc thí điểm cho vay theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ.“Ngành ngân hàng muốn trở thành nhà thứ năm trong chuỗi liên kết gồm: Nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước và nhà ngân hàng” - ông Tuấn khẳng định.Khi cho vay theo chuỗi chúng tôi rất yên tâm. Ngân hàng kiểm soát được dòng tiền lưu chuyển - kể cả khi doanh nghiệp xuất bán sản phẩm cho nước ngoài, vì vậy mức độ rủi ro trong cho vay được hạ thấp. Cái lợi nhất ở đây là ngân hàng bơm được đồng vốn vào nền kinh tế một cách đúng lúc, kịp thời, đúng đối tượng để giúp cho ngành cá và nền kinh tế phát triển. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Agribank Chi nhánh An Giang
Gia Tuệ - Bình Minh (Báo Pháp luật TP.HCM)
 


Nói một cách khác, bà con nuôi cá tra bây giờ
Nuôi Gia Công Cá Tra.

Nuôi gia công có nghĩa người nuôi chỉ làm một
khâu nuôi thôi. Giống, Thức ăn, Bệnh Dịch, Bán
thì người khác lo.

Người Việt Nam ở Mỹ cũng Nuôi Gà Thịt Gia Công
như vậy. Trước hết, mình bỏ ra chừng 200 nghìn
đôla mua một trại nuôi gà. Các hợp đồng khác,
như giống, thức ăn, bệnh dịch, và bán thịt gà
trước kia của trại như thế nào, thì sang tên cho
mình cũng như thế. Có người vui vẻ sau khi làm
chủ trại Gà. Có người bực tức, vì thấy mình làm
gia công, bị người khác nắm đầu, cho đồng nào được
đồng ấy. Lý do là hợp đồng ghi tính bán theo ký,
nhưng thực tế, gà mình tới lứa, thì nó vào bắt hết,
chẳng cân gì cả, mà cân thì thường nhiều hơn con số
hợp đồng một chút. Ví dụ 100 đồng tiền gà giống,
100 đồng tiền thức ăn, mình bán giá 3 đồng 1 ký,
thì 100 ký được 300 đồng, trừ 200 đồng, còn 100 đồng.
Thực tế là 110 ký kia. Mình bị mất 10 đồng. Thế
nhưng nhìn vào vấn đề, thì ngay từ cổ xưa, các hợp
đồng đã ẩn náu rằng nó bao tiêu cho mình, có hơn 10
ký, hay hơn 5 ký thì cũng thôi, không tốn công cân
gà cho mệt. Còn bực một nỗi nữa là vài năm, thì nó
đòi mình phải thay chuồng cũ. Nếu không, nó sẽ
không ký hợp đồng tiếp theo nữa. Theo lý của mình,
chuồng cũ vẫn xài được. Nếu kéo dài thời gian sử
dụng, thì tiết kiệm được tiền chuồng trại. Theo lý
của nó, thì chuồng cũ ảnh hưởng năng suất, tốn
thêm tiền thức ăn, thuốc men. Nó muốn chuồng trại
mới đúng như sách kỹ thuật, thì sản lượng và chất
lượng mới đúng. Vì nhiều bực mình như thế, không ít
người Việt Nam bán trại gà, lấy tiền về kinh doanh
thứ khác, hay thôi kinh doanh bất cứ nghề gì.

Tôi là người ngoài nhìn vào, thấy người không có
bằng cấp Kỹ Sư, Bác Sỹ, Luật Sư, mà chỉ cậy có 200
nghìn đôla, làm nghề nuôi gà, cũng có thu nhập như
bác sỹ, thì tốt quá rồi, còn kêu ca chi nữa? Thử hỏi
tài ấy, vốn ấy, làm gì kiếm ra lương cao hơn bác sỹ?

Nhìn cả xã hội, những thằng sống vào nghề kinh doanh
gà, chúng nó cần người nuôi gia công gà như mình, thì
nước Mỹ mới có sản lượng gà cao, chất lượng ổng định
và giá cả ổn định như bây giờ. Mỗi người một chân một
tay. Mỗi người được hưởng một phần, tùy theo đóng góp
của mình. Kêu ca cái gì nữa? Cho nó ăn, thì minh cũng
có ăn. Nó tha không bóp mình thịt gà giá rẻ hơn nữa
để mình có đủ ăn là may rồi. Nó mà bóp giá xuống thấp
nữa, mình phá sản, thì nó cũng tiêu đời. Dựa vào nhau
mà sống là vậy.

Nghề cá tra cũng vậy. Mong bà con và các doanh nghiệp
chia nhau lợi ích mà cùng sống. Đừng một hôm nào đó
ma dẫn lối, quỷ đưa đường mà chẹt giá bà con thì chết
cả nút đó.
 
Nó là mô hình phù hợp với quy mô, hình thức chăn nuôi của Việt Nam mình. Nếu không làm quy mô lớn được thì phải liên kết, cùng hội cùng thuyền với nhau.
Sắp tới thì gà, lợn mình cũng phải như vậy mới có thể gần đấu được với TPP.
Cuối cùng phải làm cái dán nhãn GMO thì mới đuổi được gà Mỹ, bò Mỹ ra khỏi bờ cõi.
Đây là chiến tranh về kinh tế, anh em nên đoàn kết chiến đấu thôi.
 
Có 2 điểm đổi mới trong hình thức liên kết này mà mình đang còn băn khoăn:
1. Trong chuổi liên kết gồm: Nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước và nhà ngân hàng, theo mình thì còn thiếu một yêu tố nó là then chốt của chuỗi này đó là thị trường (người tiêu thụ), nếu chuổi liên kết chỉ có như vậy cũng dễ dàng phát sinh vấn đề khi mà ở thành phần thượng tầng (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) có tiêu cực.
2. Khi tham gia chuỗi này, nông dân được vay vốn bằng hình thức tín chấp lên đến 90%, 10% còn lại là thế chấp. Với tỷ lệ vay vốn như vậy thì ngân hàng nào mà tự nguyện đứng ra? Sức ép cho ngân hàng là quá lớn, vì bình thường theo mình biết mang máng là khi thế chấp đất đai, ngân hàng chỉ cho tối đa mức vay dưới 40% giá trị miếng đất đó mà đằng này lại là trong lĩnh vực chăn nuôi nữa, rủi ro là rất cao đối với họ!
Túm lại, dù sao đây cũng là liên kết đầu tiên trong 20 năm qua đối với nông dân nuôi cá tra (nếu trước đây có thì cũng chắc không chuyên nghiệp như thế này). Mong rằng mô hình liên kết này tồn tại và phát triển trọn vẹn hơn như việc thêm kiên kết thành phần thị trường vào chuổi liên kết này, và chắc chắn đó là trách nhiệm chính của nhà nước, thành phần quản lý vĩ mô trong hệ thống này.
 
Đọc bài này em có cảm giác là đang PR cho mấy công ty chế biến! Nếu gọi là gia công thì vẫn không phải vì cá vẫn thuộc sở hữu của bên người nuôi chứ không phải bên mua. Lấp liếm bằng việc cho vay tín chấp. Đã gọi là gia công thì anh cấp thức ăn, giống và thuốc. Tôi chỉ biết nuôi làm sao cho đạt sản phẩm. Những rủi ro trong chăn nuôi lớn nhất vẫn là bệnh dịch. Dù có làm hết tất cả các biện pháp phòng tránh không phải là không thể xảy ra. Mà đã xảy ra thì trường hợp này thiệt hại mất vốn vẫn là bên nuôi chịu thế thì còn gọi gì là gia công.

Trường hợp này không thể gọi là nuôi ra công. Thực ra là bên chế biến có tiền, hoặc liên kết với ngân hàng rót tiền để người nuôi nuôi. Họ sẽ có nguồn hàng và giá ổn định còn rủi ro người nuôi chịu.
 


Back
Top