An Giang: Ưu đãi cán bộ khuyến nông vùng khó khăn

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Quyết định 162 ngày 4/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn đang đi vào cuộc sống. An Giang là tỉnh có nhiều xã thuộc vùng khó khăn, ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang đã trả lời phỏng vấn PV  NNVN xung quanh vấn đề này.


- An Giang có 37 xã thuộc vùng khó khăn, phần lớn ở huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên và huyện biên giới An Phú. Xin ông giới thiệu một vài mô hình đã giúp tăng thu cho người sản xuất ở những địa bàn này?


Ở hai huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên và huyện biên giới An Phú, ngành nông nghiệp nói chung và Trung tâm Khuyến nông nói riêng đã triển khai nhiều chương trình về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp. Bên cạnh cây lúa, một số mô hình khác đem lại hiệu quả cao như cây màu (đậu phộng, mè, rau, sắn), mô hình nuôi cá lăng nha, chăn nuôi bò cái sinh sản, bò đực giống. Cụ thể, mô hình trồng mè (1.000m2): Chi phí 500.000-550.000đ (giống 0,4 kg); Năng suất từ 0,7-1,2 tấn/ha; Giá bán 20.000-21.000 đ/kg; Tổng thu từ 1.000.000-2.400.000đ; Lợi nhuận từ 500.000-1.500.000 đ. Mô hình trồng khoai cao (1.000m2): Chi phí 8.000.000 đ/1.000m2; Năng suất 3-3,5 tấn; Giá bán 5.000-7.000 đ/kg; Tổng thu từ 15.000.000-25.000.000 đ; Lợi nhuận từ 7-17 triệu đồng/1.000 m2/6 tháng. Hoặc mô hình nuôi cá lăng nha: Chi phí mua giống thả 4.000 đ/con; Thức ăn, thuốc 30.000 đ/kg; Công lao động, chi phí nhiên liệu 6.000 đ/kg; Khấu hao lồng bè 5.000 đ/kg; Tổng chi phí 45.000 đ/kg; Giá bán 60.000-100.000 đ/kg (tuỳ thời điểm); Lợi nhuận 15.000-55.000 đ/kg/13 tháng.


Vùng đất cát ven núi 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên điều kiện địa lý và xã hội tương đối giống nhau nên những mô hình hiệu quả cũng gần giống nhau. Mô hình trồng mè đen thu lợi nhuận gấp 3-4 lần so với trồng lúa (trồng lúa lợi nhuận từ 3.000.000-7.000.000 đ/ha), trồng mè đen lãi từ 8-15 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi bò cái sinh sản và bò đực giống là nghề gắn liền với các hộ đồng bào dân tộc Khmer.


Người dân ở đây tận dụng công lao động nhàn rỗi để chăn thả bò và cắt cỏ về nhà cho bò ăn mỗi khi làm đồng về. Hơn nữa con bò dễ nuôi, ít bệnh và không tốn chi phí thức ăn, do đó dễ áp dụng ở các hộ ít vốn. Nếu ban đầu mua con bò cái 18 - 24 tháng tuổi trung bình 6-8 triệu đồng, sau khoảng 15 tháng nuôi sẽ bán bê con giá từ 3-5 triệu đồng. Đối với mô hình chăn nuôi bò đực giống, TTKN đã thực hiện ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đạt hiệu quả cao. Con giống mua từ 12-14 triệu đồng, qua 1,5 – 2 năm cho phối giống với các bò cái trong vùng từ 200-300 bò cái, mỗi lần phối giống thu phí 70.000-100.000đ, khi bán bò đực giống giá tương đương lúc mua.


- Phần lớn các xã ở vùng khó khăn thường có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hoạt động khuyến nông ở những nơi này được thực hiện như thế nào để thu hút sự tham gia và hưởng ứng sự nhiệt tình của người dân?


Nhìn chung hoạt động khuyến nông ở các huyện này gặp nhiều khó khăn do phần lớn họ không hiểu rõ tiếng Việt, trình độ văn hóa thấp nên những tiến bộ kỹ thuật muốn truyền đạt và để họ áp dụng theo mất nhiều thời gian và công sức. Áp dụng phương pháp khuyến nông có sự tham gia. Đối với tập huấn: Thường cán bộ ấp, xã thông dịch giữa tiếng Việt và tiếng Khmer, sử dụng nhiều hình ảnh minh họa. Đối với trình diễn: Ở vùng đồng bào dân tộc thực sự rất quan trọng, vì qua thực tế trước mắt đạt hiệu quả cao thì họ mới tin và áp dụng theo. Hội thảo, tham quan: từ những kết quả đạt được của các điểm trình diễn, tổ chức các cuộc hội thảo tham quan để tận mắt thấy và nghe báo cáo hiệu quả từ bản thân người dân trực tiếp thực hiện thì họ sẽ tin tưởng.


- Xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở ở địa bàn khó khăn là một mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Chính sách hiện nay còn gì bất cập và sắp tới An Giang sẽ thực hiện những giải pháp nào mang tính địa phương để củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của nguồn nhân lực này?


Đối với tỉnh An Giang, hiện nay chính sách cho cán bộ khuyến nông của hệ thống khuyến nông cơ sở ở cả vùng đồng bằng, miền núi hay vùng sâu vùng xa, địa bàn khó khăn là như nhau. Cán bộ đều hưởng theo mức lương ngạch công chức quy định, chế độ phụ cấp là như nhau, chưa có chế độ ưu đãi đối với cán bộ khuyến nông công tác ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.


Do đó, để khuyến khích, khích lệ đội ngũ khuyến nông công tác ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa công tác tốt hơn hoặc muốn thu hút cán bộ khuyến nông về những vùng khó khăn này đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi: 1/ Có chế độ trợ cấp tiền lương hoặc tăng mức phụ cấp đi lại. 2/ Mức thưởng kinh phí ban đầu để kêu gọi cán bộ khuyến nông từ nơi khác về phục vụ. 3/ Ưu tiên đào tạo nâng cao công tác chuyên môn đới với người dân tộc Khmer, Chăm. 4/ Tăng cường hơn nữa việc triển khai, giới thiệu nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả phù hợp với địa phương và để nâng cao tay nghề cán bộ khuyến nông các cấp.


- Xin cám ơn ông!











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top