Ảnh hưởng của bão số 1: Sử dụng mọi biện pháp giảm thiểu thiệt hại nông nghiệp

Ảnh hưởng của bão số 1: Sử dụng mọi biện pháp giảm thiểu thiệt hại nông nghiệp
Ngày 28/7, một quan chức của Bộ NN&PTNT nhấn mạnh các địa phương cần sử dụng mọi nguồn lực có thể, tìm mọi cách tiêu úng thoát nước cứu lúa, giảm thiểu thiệt hại.

121201_thai-binh-lua-va-hoa-mau-ngap-nang-do-con-bao-so-1.jpg


Nhiều diện tích lúa tại huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) ngập trắng đồng. Ảnh: Thu Hoài
Trước tình hình có hàng trăm nghìn héc ta lúa và hoa màu ở đồng bằng Bắc bộ bị ngập úng do bão số 1, trong đó hàng chục nghìn héc ta có nguy cơ mất trắng nếu không tiêu úng kịp thời, ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước mắt là phải tiêu úng thoát nước, cứu những diện tích đang bị ngập úng. Các địa phương cần sử dụng mọi nguồn lực có thể, tìm mọi cách tiêu úng thoát nước cứu lúa, giảm thiểu thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Như Cường, diện tích lúa mùa đang bị ngập khá lớn. Nếu như mưa lớn tiếp tục thì diện tích lúa thiệt hại sẽ tăng lên. Thời gian ngập úng kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa cũng như sản xuất rau màu, thậm chí cả cây ăn quả. Đối với những diện tích không thể cứu được, phải có các biện pháp tiếp theo đảm bảo sản xuất và thu nhập cho nông dân như sử dụng các giống lúa ngắn ngày, áp dụng biện pháp gieo xạ rút ngắn thời gian sinh trưởng, hoặc những loại cây rau màu thay thế để khôi phục sản xuất.

Hiện đoàn công tác của Cục Trồng trọt đã xuống địa phương đánh giá tình hình ngập úng về lúa, hoa màu và cây ăn quả. Đồng thời cùng với địa phương bàn các biện pháp tháo gỡ. Đoàn sẽ tập hợp thiệt hại để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Chính phủ để đề xuất những chính sách hỗ trợ, giải quyết nhanh nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, riêng thiệt hại về nông nghiệp có 196.279 ha lúa bị ngập úng; trong đó Hà Nam 18.000 ha, Hà Nội 1.541 ha, Thái Bình 50.000 ha, Nam Định 77.800 ha; Ninh Bình 37.000 ha, Hòa Bình 650 ha...

Về rau màu, có 20.794 ha bị hư hại; trong đó Thái Bình 8.000 ha; Nam Định 8.500 ha; Hải Phòng 430 ha, Ninh Bình 3.000 ha, Hòa Bình 614 ha, Thanh Hóa 250 ha...

Bên cạnh đó, có 12 tàu cá bị chìm; 130 ha nuôi trồng thủy sản ở Nam Định bị thiệt hại. Có 37 trạm bơn đang hoạt động; trong đó Hưng Yên 30 trạm, Công ty TNHH MTV Bắc Hưng Hải 1 trạm, Thái Bình 6 trạm. Các trạm bơm thuộc Công ty TNHH MTV Bắc Nam Hà chưa vận hành được do mất điện và hiện các địa phương đang tổ chức khắc phục sự cố mất điện.

Các hồ chứa của các tỉnh miền núi phía Bắc đạt từ 50-80% dung tích thiết kế. Một số hồ đã đạt mức cao như: Quán Chẽ (Thái Nguyên) 100%; Đồng Cốc 101%, Khuôn Thần 93%, Làng Thum 93%, Trại Muối 102% (Bắc Giang); Chúc Bài Sơn 82% (Quảng Ninh); Vĩnh Thành 102% (Vĩnh Phúc)… Riêng các hồ chứa tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đạt 90-100% dung tích thiết kế.

Hầu hết các hồ chứa vừa và lớn do công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý đã vận hành theo đúng quy trình đã phê duyệt của hồ chứa. Các hồ chứa nhỏ do các địa phương trực tiếp quản lý trực 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình. Nhìn chung các hồ chứa hiện an toàn, chưa có báo cáo nguy cơ mất an toàn hồ của các địa phương.

Đối với các hồ chứa đã đầy nước hoặc xấp xỉ đầy, các địa phương đang chỉ đạo xả nước qua các cống. Tuy nhiên, do cống nhỏ nên lưu lượng xả rất hạn chế./.
Bích Hồng/BNEWS
 




Back
Top