Cam Lâm, Khánh Hòa - Mong mùa cúc Tết thuận lợi

  • Thread starter 4tthanh
  • Ngày gửi
Hiện nay, nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã hoàn thành việc xuống giống cúc, chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2015. Tuy có chút khó khăn ban đầu nhưng nhiều người vẫn hy vọng vụ cúc này sẽ thuận lợi.
Những ngày này, tại thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc..., hầu hết các khu đất trống đã được phủ kín bởi hàng ngàn chậu cúc xanh non xếp san sát nhau. Khoảng 8 giờ sáng, có khá nhiều nông dân nhổ cỏ, tưới nước... cho cúc. Năm nay, các hộ đều xuống giống muộn hơn năm ngoái khoảng nửa tháng nhưng vẫn đảm bảo lịch nông vụ do nhuận 2 tháng 9 âm lịch.
Xã Cam Hải Tây có 7 hộ trồng cúc, bằng năm trước; mỗi hộ trồng từ hơn 2.000 chậu đến hơn 5.000 chậu. Bà Trần Thị Nhi, người có 22 năm trồng cúc ở thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây cho biết, gia đình bà có 3 mẫu đất, năm nay trồng 3.200 chậu cúc đại đóa và pha lê, trong đó có 2.000 chậu nhỏ do loại này dễ bán nhất. Bà đã mua 80 thiên cúc (1 thiên bằng 1.000 cây con) để trồng trong vụ này. Tính ra, tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Để tiết kiệm, bà Nhi cũng như hầu hết các hộ trồng cúc đều tự đúc chậu vì có thể giảm được một nửa chi phí so với đi mua, chỉ khoảng 4.000 - 10.000 đồng/chậu tùy kích cỡ. Năm ngoái, bà đầu tư 170 triệu đồng cho gần 3.000 chậu, lãi được vài chục triệu đồng.

images992077_Cuc_1.jpg

Chăm sóc cúc ở Cam Đức.

Thị trấn Cam Đức được coi là trung tâm trồng hoa cúc của huyện. Gia đình ông Ngô Biết (tổ dân phố Bãi Giếng 1) có thâm niên 18 năm trồng hoa, 7 năm trở lại đây, cả 5 người con của ông cũng theo nghề này. Vụ năm nay, vợ chồng ông trồng 1.000 chậu, bằng năm ngoái. Các con ông trung bình mỗi người trồng 3.000 chậu.
Được biết, từ sau Tết Nguyên đán 1 - 2 tháng, người trồng hoa cúc ở Cam Lâm đã bắt đầu đúc chậu, đặt giống ở Đà Lạt. Đến khoảng tháng 6 (âm lịch) thì làm đất, trộn tro, phân..., từ sau rằm tháng 7 bắt đầu trồng cây con vào chậu. Năm nay, do trời hạn, lại thêm nhuận 2 tháng 9 nên người dân trồng cúc muộn hơn khoảng nửa tháng.

Theo nhiều hộ trồng cúc, đầu ra của nông dân Cam Lâm khá ổn định do đa số bán cho bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phan Thiết... Nhưng vừa qua, trời ít mưa, chi phí đầu tư cho mỗi chậu hoa tăng so với năm ngoái nên khiến họ trăn trở. Ông Ngô Biết chia sẻ, đầu vụ năm nay hầu như không mưa, 11 giếng nước của đại gia đình ông đều cạn, vợ chồng ông phải bơm nước từ mương thủy lợi về tưới cho cúc nên tăng thêm chi phí tiền dầu, điện. Ước tính 1 ngày, 6 cha con ông chi 50.000 đồng tiền dầu, chưa kể tiền điện. Bà Đoàn Thị Thương (tổ dân phố Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức), người trồng cúc gần 20 năm cũng cho biết: Năm nay, tiền giống, phân bón, nhân công... đều tăng: Giống 170.000 đồng/thiên, tăng 30.000 đồng; tre cắm 150.000 đồng/thiên, tăng 30.000 đồng; công lao động 120.000 đồng/ngày, tăng 20.000 đồng... Rút kinh nghiệm năm ngoái không đủ hàng cung cấp, đồng thời hy vọng bù đắp chi phí nên năm nay bà tăng thêm 700 chậu cúc, tuy nhiên điều chỉnh giảm chậu lớn, tăng chậu nhỏ để phù hợp với nhu cầu thị trường. Năm ngoái, bà đầu tư 200 triệu đồng, bán được 350 triệu đồng. Năm nay, ước tính bà phải đầu tư 250 triệu đồng cho số chậu tương đương năm ngoái. Hiện nay, cúc nhà bà đã vào chậu được 16 ngày, chờ khi cúc qua 20 ngày thì sẽ thắp điện liền 3 tháng để hãm hoa ra sớm. Đầu vụ tuy hơi hạn nhưng với đà phát triển thuận lợi, nếu giá bán cao hơn, bà Nhi hy vọng vẫn có thể thu lãi tương đương năm ngoái. Bà Nhi cũng mong mỏi: “Tuy nông dân phải khắc phục bơm nước tưới do trời ít mưa nhưng thời tiết đầu vụ thế này vẫn là tương đối thuận lợi. Hy vọng cuối vụ, đầu ra cũng thuận lợi cho nông dân có cái Tết đủ đầy”.

Baokhanhhoa.com.vn
TIỂU MAI
 


Last edited by a moderator:


Back
Top