Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính cho năng suất cao, tăng hiệu quả kinh tế

  • Thread starter nguyenthangnghean
  • Ngày gửi
nguyenthangnghean.wordpress.com - Biến đổi khí hậu hiện nay đang là một trong những vấn đề môi trường nóng bỏng nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động của con người . Trong các nguồn phát thải thì sản xuất nông nghiệp chiếm 14% trong đó trồng lúa nước chiếm một tỷ trọng lớn (gần 60% lượng phát thải trong nông nghiệp). Nguồn gây phát thải chủ yếu trong trồng lúa nước là do lạm dụng phân hóa học, làm tỷ lệ phân thất thoát cao gây ô nhiễm đất và phát thải oxit nito (N2O), giữ nước thường xuyên trong ruộng gây phát thải khí metan (CH4) và đốt phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch gây phát thải khí carbonic (CO2). Lượng khí CO2, CH4, N2O phát thải ngày càng tăng gây ra hiệu ứng khí nhà kính, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Thực hiện chủ trương của Bộ NN và PTNT, trong khuôn khổ dự án “Phát triển các chính sách đổi mới về việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và khai thác thị trường” được tài trợ bởi Viện chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Trung tâm NC và PT HTNN đã tiến hành thử nghiệm, trình diễn kỹ thuật canh tác lúa tổng hợp giảm thiểu phát thải, nhằm bảo vệ môi trường.
Dự án đưa ra ba mục tiêu: 1- Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, 2- Đảm bảo hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, 3 – Nông dân dễ thực hiện. Để thực hiện được ba mục tiêu trên chúng tôi đã khảo sát và tính toán hiệu quả kinh tế của một số hộ nông dân canh tác theo truyên thống của Tỉnh Hải Dương, kết quả khảo sát cho thấy tập quán canh tác hiện nay của nông dân bón quá nhiều phân đạm nhưng năng suất chưa cao. Với ba mục tiêu trên chúng tôi đã xây dựng mô hình “ Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”. Mô hình này dựa trên một số kỹ thuật của mô hình thâm canh lúa cải tiến để đảm bảo năng suất cao và thêm một số kỹ thuật giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo nguyên tắc “ 5 giảm, 2 phải”.
Các kỹ thuật đổi mới được áp dụng trong mô hình:
1. Đốt rơm rạ bằng kỹ thuật đốt than Biochar.
2. Bón phân chuồng để giảm bón phân hóa học, cải tạo đất.
3. Làm mạ sân tiết kiệm thóc giống
4. Cấy ít dảnh cấy thưa và cấy nông.
5. Bón phân hóa học đúng kỹ thuật để giảm phát thải (bay hơi).
6. Tưới tiêu khô ướt xen kẽ
7. Thực hiện 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV.
8. Xây dựng tổ nhóm: hỗ trợ và cùng nhau thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật được tập huấn.
Mô hình được gieo cấy trên diện tích 9 sào Bắc bộ với 5 hộ nông dân tham gia. Các hộ dân tham gia được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa SRI và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trực tiếp hướng dẫn trên đồng ruộng trong suốt quá trình từ chuẩn bị đồng ruộng, gieo cấy và chăm sóc trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó có theo dõi những khu ruộng đối chứng bên ngoài mô hình.
Mô hình áp dụng một số kỹ thuật khá đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất cao như: sử dụng thùng phi để sản xuất biochar (than sinh học) từ rơm. Kỹ thuật này thay thế biện pháp đốt rơm rạ sau thu hoạch giúp giảm phát thải CO2, đồng thời lượng than sinh học tạo ra làm đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm và phân hữu cơ cho lúa; Rút nước khỏi ruộng lúa trong những giai đoạn không cần thiết (tưới tiêu khô ướt xen kẽ) giúp tiết kiệm nước tưới và giảm phát thải CH4; giảm bón phân hóa học đặc biệt là phân đạm, giảm thuốc BVTV giúp giảm chi phí đồng thời bảo vệ môi trường. Mô hình chỉ sử dụng 4kg phân đạm trong khi các hộ ngoài mô hình sử dụng tới 13kg/sào; lượng phân lân và kali đều giảm từ 1-2kg/sào. Đặc biệt, mô hình chỉ phun thuốc BVTV một lần duy nhất để trừ khô vằn trong khi các ruộng khác đều phun đạo ôn; khô vằn; sâu cuốn lá; sâu đục thân từ 1-2 lần.
Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân, đặc biệt là Bà Lê Minh đại diện của tổ chức OXFAM Mỹ là cơ quan tài trợ chính cho chương trình “Hệ thống thâm canh lúa cải tiến – SRI” tại Việt Nam đánh giá rất cao. Đến thời điểm này có thể khẳng định năng xuất lúa trong mô hình không hề thua kém, thậm chí sẽ nhỉnh hơn các ruộng khác. Các hộ nông dân tham gia mô hình đều tin tưởng mô hình sẽ đạt được 2 mục tiêu là giảm chi phí và tăng năng xuất (đồng thời giảm phát thải khí nhà kính GHGs) và mong muốn mô hình được tiếp tục thực hiện và mở rộng để nhiều hộ khác được tham gia.
Ngày 16/6/2011, Trung tâm HTNN tổ chức hội nghị đầu bờ tại xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương để giới thiệu kết quả mô hình. Tham dự hội nghị có đại diện tổ chức oxfam Mỹ – một tổ chức tài trợ cho nhiều mô hình SRI; lãnh đạo Viện Cây lương thực-CTP, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, Trạm Khuyến nông; Trạm BVTV huyện Nam Sách, báo Nông nghiệp, báo Hải Dương… cùng các nông dân trong và ngoài mô hình và cả các nông dân từ các xã, huyện khác đến học hỏi kinh nghiệm. Hội nghị đánh gía cao ý nghĩa (đây là mô hình canh tác lúa giảm thiểu phát thải khí nhà kính đầu tiên tại Hải Dương) và kết quả của mô hình đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến sau (tóm lược):
- Cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật SRI, cụ thể với từng giống;
- Mở rộng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau để nông dân và cả lãnh đạo các cấp hiểu rõ hơn về lợi ích và quan tâm hơn đến canh tác giảm thiểu phát thải khí nhà kính;
- Tìm kiếm thêm nguồn kinh phí từ các tổ chức trong và ngoài nước, các cơ quan trong tỉnh để có thể mở rộng mô hình và xa hơn là xây dựng được một “dự án Cacbon” trong tương lai.
TS. Đào Thế Anh – Giám đốc TT HTNN; chủ nhiệm hợp phần dự án cho biết: “Trong thời gian tới, TT HTNN sẽ tiếp tục xây dựng mô hình trong vụ mùa năm 2011, mở rộng kỹ thuật canh tác Giảm thiểu phát thải theo nguyên tắc “5 giảm, 2 phải” này sang một số giống lúa chất lượng (giống hiện tại là giống Q5) đồng thời sẽ có những đánh giá khoa học và cụ thể về tác động của các mô hình này đối với môi trường cũng như hiệu quả kinh tế với hộ nông dân”./. Theo kết quả gặt thống kê trên ruộng canh tác giảm thiểu phát thải, năng xuất vụ xuân 2011 của giống Q5 đạt tới 8,9 tấn/ha, tăng 19% so với ruộng cấy và 23% so với ruộng gieo thẳng. Nông dân An bình nhờ đó thu được lãi trên đơn vị diện tích tăng từ 20-26% so với đối chứng và phấn khởi mở rộng tiếp diện tích lúa canh tác theo kỹ thuật cải tiến trong vụ mùa.

 




Back
Top