Cây Giáng hương trái to

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Tên thường gọi: Cây Hương
Tên khoa học:   Pterocarpus macrocarpus Kurz
Họ đậu: Fabaceae
Bộ:Fabales
Nhóm: Cây gỗ lớn

Mô tả cây:</b>
Thuộc loại cây gỗ thân thẳng, tròn to có tán rộng, có chiều cao khoảng từ 25 đến 40 mét, thay lá vào mùa khô, gốc có bạnh vè, vỏ màu nâu sẫm, nứt dọc. Khi bị thương sẽ có nhựa đặc màu đỏ tươi chảy ra. Cành non mãnh và có lông. Lá kép lông chim mọc cách. Lá chét có hình bầu dục thuôn, gốc tròn, đầu có mũi nhọn cứng. Hoa có màu vàng và có mùi thơm, làm thành chùm ở nách lá, có cuống dài và nhiều lông màu nâu. Quả hình tròn dẹp, có mũi cong về hướng cuống, quả có cánh mỏng và màu vàng nâu, giữa quả có từ  1 đến 2 hạt.
Phân bổ sinh thái:
Là loài có lượng quả được sinh ra hàng năm rất nhiều, nhưng khả năng tái sinh hạt rất kém. Tuy nhiên, về khả năng tái sinh chồi thì rất khoẻ mạnh. Cây con được tạo từ hạt mang trồng sẽ phát triển nhanh trong thời gian rừng non, đến giai đoạn trung niên sẽ chậm dần. Giáng hương phân bổ chủ yếu trong rừng rậm nhiệt đới nửa rụng lá, thường mọc hỗn giao với một số loài cây lá rộng khác. Cây không chịu úng.
Trong tỉnh An Giang, phân bố nhiều nhất tập trung ở khu vực huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, theo từng cụm. Chi cục Kiểm lâm đã gây trồng được khoảng 25 ha từ năm 1993, tại khu vực xã An Phú, huyện Tịnh Biên, cây phát triển tốt.
Đặc điểm gỗ và công dụng:
Gỗ đẹp, có mùi thơm, màu nâu hồng, mịn, có vân đẹp do vòng năm khá rõ ràng, tia rất nhỏ, mật độ cao; mạch to , tỷ trọng 0,843 – 0,90.
Thuộc nhóm gỗ quý hiếm, có mùi thơm, hoa vân rất đẹp, được nhiều người ưa chuộng, dùng để làm đồ gỗ cao cấp và mặt hàng mỹ nghệ, ít bị nứt nẻ và không bị mối mọt.
Tình trạng:
Là loại cây rừng có giá trị kinh tế cao. Trong tỉnh ta hiện nay, không có diện tích rừng cây Giáng Hương mọc tập trung ở độ tuổi thành thục, chủ yếu là mọc rải rác, đan xen với những loài khác, hoặc tái sinh tự nhiên sau nương rẫy, do người dân bảo vệ, nuôi dưỡng trong đất vườn rẫy, đang ở tuổi còn non hoặc tuổi trung niên. Cây có đường kính lớn thì rất hiếm. Là loài cây quý hiếm của tỉnh đang bị người dân khai thác sử dụng không hợp lý, làm giảm dần về số lượng vốn đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn.
Giải pháp bảo vệ:
Đề nghị Kiểm lâm địa bàn và Chính quyền địa phương, quản lý chặt chẽ, bằng cách không cấp giấy phép chặt hạ đối với những loại cây trung niên, chưa đến tuổi thành thục, nhằm bảo vệ nguồn gen quý hiếm. Đồng thời, đề nghị trồng xen vào diện tích trồng keo lá tràm và vận động cộng đồng trồng theo ranh đất.
Bành Thanh Hùng, Chi cục Kiểm lâm An Giang</i>
 


Last edited:


Back
Top