Chăn nuôi dê cái sinh sản

  • Thread starter cobadethuong
  • Ngày gửi
[ Yêu Nông Nghiệp ] Thông thường tuổi động dục lần đầu của dê 6 - 8 tháng tuổi, tuổi phối giống lần đầu 8 đến 10 tháng và tuổi đẻ lứa đầu là 12 - 14 tháng. Dê thường động dục quanh năm. Chu kỳ động dục của dê là 19 - 21 ngày. Thời gian biểu hiện động dục kéo dài 1 - 3 ngày.


NUÔI DÊ CÁI SINH SẢN
1. Hoạt động sinh dục và sinh sản của dê cái:
Thông thường tuổi động dục lần đầu của dê 6 - 8 tháng tuổi, tuổi phối giống lần đầu 8 đến 10 tháng và tuổi đẻ lứa đầu là 12 - 14 tháng.
Dê thường động dục quanh năm. Chu kỳ động dục của dê là 19 - 21 ngày. Thời gian biểu hiện động dục kéo dài 1 - 3 ngày.
Biểu hiện động dục của dê cái gồm:
Phần ngoài của bộ phận sinh dục sưng, chảy dịch nhờn, đỏ và nóng lên.
Ðuôi luôn luôn ve vẩy.
Nhảy lên lưng con khác hoặc con dê khác nhảy lên.
Kêu la và giảm ăn.
Nếu đang tiết sữa thì giảm sữa đột ngột.

2. Phối giống cho dê cái:
Thời gian đưa vào phối giống
Đối với dê cái nên cho phối giống lần đầu khi dê đạt 7 - 9 tháng tuổi và khối lượng phải đạt 19 - 20 kg. Đối với dê cái sinh sản, thường sau khi đẻ 1,5 - 2 tháng khi dê đã phục hồi sức khoẻ mới cho phối giống lại.
Phát hiện động dục và phối giống
1. Nếu nhốt chung dê đực với dê cái thì dê đực dễ dàng phát hiện ra những con dê cái động dục.
2. Khi phát hiện được dê động dục thì sau 18 - 36 giờ cho dê giao phối là thích hợp.

3. Nuôi dưỡng và chăm sóc dê cái mang thai:
Đặc điểm của dê cái mang thai
Sau khi phối giống, sau 21 ngày mà không thấy dê động dục trở lại là có thể dê đã thụ thai. Thời gian mang thai của dê trung bình là 150 ngày (biến động 145 - 157 ngày).
Khi dê có chửa, nhu cầu dinh dưỡng của dê tăng dần lên, đặc biệt ở 2 tháng cuối cùng dê cái chịu kiếm ăn, phàm ăn hơn bình thường, biểu hiện là lông mượt và dê tăng cân, có thể tăng lên 5 kg hoặc hơn trong suốt giai đoạn chửa.
Chăm sóc dê cái mang thai
Hàng ngày nên cho dê chửa vận động ngoài sân chơi ít nhất 1 - 2 giờ, không chăn thả quá xa chuồng và tránh dồn đuổi, đánh đập dê.
Tuyệt đối không nhốt dê đực giống trong đàn cái đang chửa.
Dự tính ngày dê đẻ để chuẩn bị trực đỡ đẻ.

4. Hộ lý và chăm sóc dê đẻ:
Dấu hiệu dê sắp đẻ
Dê sắp đẻ có những biểu hiện khó chịu, đi đái luôn, bầu vú và âm hộ sưng đỏ, bụng sa, bầu vú căng, chân cào đất. Từ âm hộ có dịch đặc chảy thành dòng và khi thấy xuất hiện bọc nước ối là dê sắp đẻ. Khi nước ối vỡ ra là dê đẻ. Bình thường thai sẽ được đẩy ra từ từ theo nhịp rặn của dê mẹ. Thường dê đẻ trong 1 - 4 giờ tuỳ theo số lượng thai và vị trí thai.
Hộ lý dê đẻ
Khi dê sắp đẻ, phải chuẩn bị ngăn lồng chuồng sạch sẽ, rải lớp đệm lót như cỏ, rơm khô vào đáy chuồng để thấm sản dịch khi dê đẻ.
Dê sắp đẻ nên nhốt riêng từng con ở chuồng đã được vệ sinh tiêu độc khô, sạch, kín ấm và yên tĩnh.
Có người trực dê đẻ, chuẩn bị cũi, lót ổ nằm cho dê con sau khi sinh và các loại dụng cụ như cồn iốt, giẻ lau, kéo, chỉ để cắt rốn cho dê sơ sinh.
Khi dê đẻ nếu ngôi thai bình thường thì để dê tự đẻ, không cần can thiệp. Nếu dê con đang ra mà bị kẹt, khó đẻ, dê mẹ thường kêu la cần hỗ trợ bằng cách đưa tay đã sát trùng vào âm đạo đẩy thai theo chiều thuận. Khi lôi thai ra cần cẩn thận, hai tay nắm phần thân phía ngoài kéo nhẹ ra theo nhịp rặn của dê mẹ.
Hộ lý sau đẻ
Khi dê con ra được ngoài, dê mẹ tự liếm con, song vẫn phải lấy khăn sạch, mềm, khô lau hết nhớt từ miệng, mũi, tai, mình, 4 chân của dê. Sau đó, vuốt sạch máu từ cuống rốn trở ra phía ngoài, dùng dây chỉ chắc thắt chặt cuống rốn cách bụng khoảng 3 – 4 cm, dùng dao sắc hay kéo cắt cuống rốn phía ngoài 1 - 1,5 cm rồi sát trùng bằng cách nhúng cuống rốn vào lọ nhỏ đựng cồn iốt 5 % hoặc cồn 700.

" Cảm ơn các bạn, chúc các bạn chọn cho mình những phương pháp tốt nhất. Để đọc nhiều bài hay và chất lượng hơn các bạn có thể tham khảo tại trang web: www.yeunongnghiep.com"
 




Back
Top