Chấp nhận cây trồng biến đổi gen: đã đến lúc nông dân làm ít “ăn” nhiều?

  • Thread starter dolanda19
  • Ngày gửi
Công luận lại xôn xao trước thông tin Việt Nam sẽ bắt đầu trồng cây trồng biến đổi gen (GMC) từ 2015 và ước tính đến năm 2020 thì sẽ có từ 30 đến 50% đất trồng trọt sẽ dùng để trồng cây GMC. Các nhà khoa học chia thành 2 phái ủng hộ và phản đối, mà chưa đưa ra được những lý lẽ thuyết phục, khiến cho chủ trương cho phép trồng GMC trở thành mối lo âu chung.

Việt Nam đã làm khảo nghiệm GMC từ năm 1996. Ngay từ khi ra đời nó đã gây ra tranh luận chung quanh câu hỏi “nó có an toàn hay không đối với sức khỏe con người?”. Phe CÓ nói: “Chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh nó có ảnh hưởng tới sức khỏe”, còn phe KHÔNG nói: “Chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh nó không ảnh hưởng tới sức khỏe”.


Phe CÓ dẫn nhiều nghiên cứu chỉ ra cái hay: năng suất cao đột xuất, kháng bệnh, an ninh lương thực, cứu đói, giảm thuốc sâu vv…Phe này, được các nhà khoa học lừng danh ủng hộ như N.Borlaug – giải thưởng Nobel về an ninh lương thực. Ông từng nói: “Khoa học kỹ thuật đang bị tấn công dồn dập khắp nơi bởi những nhà môi trường cực đoan ồn ào, chủ yếu từ các nước giầu có, khăng khăng cho rằng người tiêu dùng đang bị đầu độc bởi canh tác cao sản; họ khuyên trở lại cái gọi là năng suất thấp nhưng lâu bền”.

Phe KHÔNG bảo: “Nó có thể gây dị ứng, tạo ra độc tố, độc lâu dài cho cơ thể, làm nhờn kháng sinh vv… (cũng dẫn không ít chứng cứ). Trồng nhiều, chúng có thể sinh những cây quái thai, hại môi trường sinh học. Các công ty sản xuất hạt giống GM lợi nhuận khủng thực hiện sao mà tin được. Rõ ràng nông dân bị ép giá, lệ thuộc vào các công ty xuyên quốc gia lấy lợi nhuận làm mục tiêu.

Khoa học còn cãi lý bất phân thắng bại, khó bác ở lập luận “về lâu dài” nó ảnh hưởng. Lâu là bao nhiêu, nghiên cứu bao nhiêu cho đủ. Câu chuyện khoa học này còn quan hệ đến chính trị và tâm lý. Thế nên trong chính sách, các nước cũng do dự. Trước đây 30 năm chỉ các nước phát triển trồng, thì đến 2011 các nước đang phát triển chiếm đến 50% diện tích cây chuyển gen và đang đà mở rộng. Phe CÓ (an toàn) đang thắng thế.

Giới khoa học Việt Nam cũng chia phe như trên, khó ngã ngũ đúng-sai vì đơn giản là mình có nghiên cứu được gì đâu, toàn lấy của người ta. Tháng 8/2014, Hội đồng vừa cho phép sử dụng 4 giống ngô chuyển gen (Bt 11 và MIR162 của công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto) thì cũng là thủ tục hợp pháp hóa chứ làm gì có nghiên cứu nào khẳng định?. Khả năng nghiên cứu của ta không đủ sức để bác bỏ hay ủng hộ một trong hai phe CÓ/KHÔNG nói trên.

Năm 2013 tôi đã viết 2 bài báo “Công ước UPOV và giống cây trồng” và “ Nguy cơ về cây trồng biến đổi gen” báo động sự xâm chiếm của GMC thì nay đã trở thành hiện thực vì khả năng nghiên cứu của ta rất hạn chế, lãnh đạo ngành chưa đủ tầm để phân biệt được và mất.

Trong phạm vi bài viết này, với tư cách cử tri xin hỏi ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn việc triển khai đại trà GMC ở Việt Nam có vì hàng triệu nông dân, những người khốn khổ, chưa nói đến hàng chục triệu người tiêu dùng cũng không có cách nào tự bảo vệ mình khỏi những tác động không mong muốn của thực phẩm bán trên thị trường.

Nếu vì nông dân chúng ta nên đặt thẳng các câu hỏi trực tiếp cụ thể sau đây với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:

- Cây trồng biến đổi gen (GMC) mang lại gì cho người nông dân? Họ có lợi gì khi trồng GMC?

-Liệu không có GMC thì họ có phải ngồi chơi để đất trống và chịu chết đói hay họ vẫn có giống của chính họ (thường là phù hợp với điều kiện của họ như phù hợp túi tiền, phù hợp với điều kiện sinh thái hàng chục, hàng trăm năm vì trong quá trình canh tác họ cũng chẳng thể đợi các công ty đa quốc gia mang giống tốt đến cho họ mà đã phải tự tạo ra giống phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ) để trồng không?

-Giống GMC có mang lại các đặc tính mà họ mong muốn. Ở Việt Nam, đó là chịu hạn không? Xin lưu ý ông Bộ trưởng, ở Việt Nam sâu đục thân cũng có nhưng mà vấn đề nặng nhất ảnh hưởng có tính quyết định đến năng suất lại là hạn hán nhưng các công ty xuyên quốc gia không nghiên cứu ra được giống nào chịu hạn cả.?

- Hơn nữa, các giống GMC kháng sâu lại chỉ có thể kháng được 1 loại sâu nhất định nào đó thôi trong khi mỗi một cây trồng chịu sức ép về rất nhiều loại sâu bệnh. Khi sử dụng 1 loại giống GMC có khả năng kháng lại được 1 chủng sâu bệnh thì loại giống đó lại dễ dàng bị phơi nhiễm trước những loại sâu bệnh khác, chưa kể điều quan trọng nhất là cây GMC đòi hỏi đầu tư là điều hoàn toàn không thích hợp với nông dân mà đại đa số là người nghèo nên dễ dàng có thể nhận ra rằng sau khi trồng một thời gian ngắn thì những điều mà các công ty bán giống GMC quảng bá đã không trở thành sự thực.

-Xin đừng quên rằng giống mới với đất mới luôn mang lại kết quả cao lúc ban đầu nhưng điều này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn với điều kiện đầu tư đúng, đủ như khuyến cáo. Vấn đề là có bao nhiêu người sẽ có đủ điều kiện để đầu tư theo khuyến cáo, có bao nhiêu người có đất thích hợp để làm được như vậy?

- Câu hỏi cuối cùng là năng suất hiện tại của các giống mà nông dân Việt Nam hiện có là bao nhiêu? chúng có kém gì năng suất của các giống GMC không ? Lấy vì dụ ngô, ở Việt Nam cũng có những giống ngô lai có năng suất lên tới 12 tấn và đây là kết quả thực tế nông dân đạt được trên đồng ruộng của mình chứ không phải năng suất trong ruộng thí nghiệm trong khi những giống GMC được khảo nghiệm thời gian qua chỉ đạt được tới 8 tấn, lại là trên ruộng khảo nghiệm với đầy đủ các điều kiện thích hợp như đầu tư, chăm sóc, kiến thức vv…

Ở Mỹ càng ngày người ta càng chống GMO (sinh vật biến đổi gien cả cây và con) và các công ty thực phẩm càng ngày càng bớt dùng nguyên liệu có GMO. Tại châu Âu và phần lớn châu Á, châu Mỹ La tinh và cả ở châu Phi nữa, người dân và thường là chính phủ nữa cũng cho rằng giống GMO là một công nghệ đã lỗi thời và đã thất bại, không thực hiện được những gì đã hứa hẹn. Châu Âu bắt cả nền công nghiệp thực phẩm của họ phải bãi bỏ GMO hoàn toàn. Có lần châu Âu chặn lại 99% số bắp nhập khẩu từ Mỹ trong lúc chỉ có 25% bắp là GMO.

Năm 2013, Trung Quốc không nhận 887.000 tấn ngô của Mỹ vì có dùng sản phẩm GM maize MIR 162 của Syngenta, chính sản phẩm này lại được Việt Nam cho phép sử dụng ?

Với thực tế như vậy, liệu cử tri cả nước, nhất là người nông dân thấy có lý do gì mà chúng ta phải bỏ tiền ra để trả tiền bản quyền cho các công ty giống nước ngoài không? Câu trả lời là ở trách nhiệm và quyền hạn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Nguồn : motthegioi.vn
 




Back
Top