ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC CỦA CÂY HOA CÚC

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Tuy cây Cúc có nguồn gốc từ lâu đời nhưng đến năm 1688 Jacob Layn người Hà Lan mới trồng phát triển mang tính thương mại trên đất nước của ông.Đến tận đầu thế kỉ 18, cây hoa cúc mới được trồng rất nhiều và là cây hoa quan trọng nhất đối với Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Hà Lan, Cúc là cây hoa quan trọng thứ hai sau Hồng.


1.Rễ:

Rễ của cây hoa Cúc là loại rễ chùm, phần lớn phát triển theo chiều ngang, phân bố ở tầng đất mặt từ 5-20cm. Kích thước các rễ trong bộ rễ Cúc chênh lệch nhau không nhiều, số lượng rễ rất lớn do vậy khả năng hút nước và dinh dưỡng rất mạnh. Cúc chủ yếu trồng bằng nhân vô tính nên các rễ không phát sinh từ mầm rễ của hạt mà từ những rễ mọc ở mấu của thân (gọi là mắt) ở những phần ngay sát mặt đất.

2.Thân :

Cây thuộc thân thảo nhỏ, có nhiều đốt giòn dễ gãy càng lớn càng cứng, cây dạng đứng hoặc bò. Kích thước thân cao hay thấp, to hay nhỏ, cứng hay mềm phụ thuộc vào từng giống và thời vụ trồng. Những giống nhập nội thân thường to, mập, thẳng và giòn, ngược lại những giống Cúc dại hay giống cổ truyền Việt Nam thân nhỏ mảnh và cong. Thân có ống tiết nhựa mủ trắng, mạch có bản ngăn đơn.

3.Lá :

Thường là lá đơn không có lá kèm, mọc so le nhau, bản lá xẻ thùy lông chim, phiến lá mềm mỏng có thể to hay nhỏ, màu sắc xanh đậm hay nhạt phụ thuộc vào từng giống. Mặt dưới phiến lá bao phủ một lớp lông tơ, mặt trên nhẵn, gân hình mạng. Trong một chu kì sinh trưởng cây có từ 30-50 lá trên thân.

4.Hoa , Quả :

Hoa Cúc chủ yếu có 2 dạng :

Dạng lưỡng tính: Trong hoa có cả nhị đực và nhuỵ cái.

Dạng đơn tính : Trong hoa chỉ có nhị đực hoặc nhuỵ cái, đôi khi có loại vô tính (không có cả nhụy, nhị, hoa này thường ở phía ngoài đầu). Mỗi hoa gồm rất nhiều hoa nhỏ gộp lại trên một cuống hoa, hình thành hoa tự đầu trạng mà mỗi đầu trạng là một bông hoa. Trong thực tế tuỳ theo mục đích sử dụng mà người ta để một bông trên một cành hay nhiều bông trên một cành.

Màu sắc của hoa Cúc rất khác nhau, hầu như có tất cả các màu tự nhiên: Trắng, vàng, đỏ, tím, hồng, nâu, xanh. Trong đó, trên mỗi bông hoa có thể có một màu duy nhất, có thể có vài màu riêng biệt hoặc có rất nhiều màu pha trộn, tạo nên một thế giới màu sắc vô cùng phong phú và đa dạng.

Tuỳ theo cách sắp xếp của cánh hoa mà người ta phân ra thành nhóm hoa kép (có nhiều vòng hoa sắp xếp trên bông) và nhóm hoa đơn (chỉ có một vòng hoa trên bông). Những cánh hoa nằm ở phía ngoài có màu sắc đậm hơn, xếp nhiều tầng, sít nhau, chặt hay lỏng tuỳ từng giống, cánh hoa có nhiều hình dáng khác nhau: cong hoặc thẳng, có loại cánh ngắn, có loại cánh dài, cuốn ra ngoài hay cuốn vào trong.

Đường kính của bông hoa phụ thuộc vào giống, giống hoa to có đường kính 10-12cm, loại trung bình 5-7cm và loại nhỏ 1-2cm.

Hoa có 4-5 nhị đực dính vào nhau làm thành 1 ống bao xung quanh vòi nhụy, bao phấn nở phía trong theo khe nứt dọc, khi phấn nhị đực chín, bao phấn nở tung hạt phấn ra ngoài nhưng lúc này nhụy chưa đến tuổi trưởng thành, chưa có khả năng tiếp nhận hạt phấn vì vậy sự thụ phấn, thụ tinh không thành, dẫn đến quả không hạt, muốn có hạt giống phải thụ phấn nhờ sâu bọ hoặc thụ phấn nhân tạo cho hoa.

Quả bế, đóng, chứa một hạt, quả có chùm lông do đài tồn tại để phát tán hạt, có phôi thẳng mà không có nội nhũ.

 


Last edited:


Back
Top