Để gạo Việt không vô danh

Chuyện khó tin nhưng có thật, gạo VN thua gạo Campuchia trong cuộc cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Trong cùng thời điểm và gạo phẩm cấp như nhau, Campuchia XK với giá 480 USD/tấn, trong khi VN chỉ chào bán được 450 USD/tấn. Với mức giá chênh lệch như vậy, VN càng XK gạo càng thua thiệt lớn về giá trị so với Campuchia. Vì sao?

Agriviet.Com-6-gao_512x480.jpg

(Ảnh: Nguồn Internet)

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, tuy chỉ trong một thời gian ngắn tham gia trên thị trường lương thực của thế giới, hiện tại gạo của Campuchia đã có mặt tại hơn 30 quốc gia. Campuchia còn thực hiện chiến lược thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc nhập khẩu số lượng lớn và ổn định, giá mua rất cao.

Học kinh nghiệm Campuchia

Chính phủ nước này cũng thường xuyên khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao để nâng cao vị thế hạt gạo trên thương trường quốc tế. Gạo Campuchia đang dần trở thành mối đe dọa đối với các nước XK gạo lớn nhất thế giới, trong đó dĩ nhiên có cả VN.

Theo đánh giá của GS.TS Võ Tòng Xuân: “Gạo Campuchia được thế giới chú ý thông qua các hội chợ và tôi thấy rõ ràng khách hàng đến rất đông để ký hợp đồng. Campuchia hiện nay đã đi vào quy hoạch vùng nguyên liệu và có nhà máy để sản xuất gạo có chất lượng tốt. Chính vì vậy mà qua hai năm liên tiếp gạo Lài của Campuchia đều giành được Kỷ niệm Chương cho giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại “Hội nghị Các nhà buôn gạo thế giới”. Đây là giải thưởng mà VN chưa từng được nhận dù là nước có sản lượng XK lớn nhất nhì thế giới. Thông tin này đã tạo sự bất ngờ bởi từ trước đến nay, gạo Campuchia chưa hề được nhắc đến trong thị trường XK gạo thế giới”.

Ngoài ra, trong khi gạo Việt hoàn toàn vắng bóng tại các kỳ hội chợ lúa gạo ở Thái Lan thì Cục xúc tiến thương mại của Campuchia đã hỗ trợ để 8 DN XK gạo nước này tham dự hội chợ này. Thái Lan vốn dĩ đứng đầu thế giới về chất lượng gạo cao cấp nhưng Campuchia vẫn cố gắng tấn công vào thị trường này. Gạo chất lượng tốt và cách làm thương hiệu rất bài bản, đây là điều mà ngành gạo VN nên học hỏi kinh nghiệm, GS.TS Xuân chia sẻ.

Tạo dựng thương hiệu Việt

Mặc dù mỗi năm có hàng triệu tấn gạo được xuất đi, lại nằm trong Top 3 nước XK gạo lớn nhất thế giới, nhưng hạt gạo Việt hầu như vẫn vô danh trên bản đồ gạo thế giới, do chưa có thương hiệu riêng mà chỉ được gọi là “gạo hạt dài”, “gạo 5 - 10 - 25% tấm” và chỉ quanh quẩn ở một số nước Châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bờ biển Ngà và vài nước Châu Phi với gạo chất lượng thấp.

Ông Nguyễn Đình Bích - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương),cho rằng: “Từ trước tới nay, chất lượng gạo của VN không đồng đều, mà thẳng thắn nhìn nhận thì gạo VN chưa có chất lượng nào là chuẩn chung cả. Mọi thứ đều do nông dân tự làm. Họ tự lựa chọn cho mình các giống lúa khác nhau, chăm bón, thu hoạch… không đồng nhất. Đối với đầu ra, các DN XK không hề làm việc trực tiếp với nông dân, chỉ làm việc qua thương lái”. Do vậy, những việc phải làm hiện nay là câu chuyện nâng cao chất lượng gạo ra sao, xây dựng thương hiệu gạo XK thế nào, hay cần điều chỉnh gì trong chính sách XK gạo thì quan trọng nhất để tháo gỡ mọi khúc mắc và dần nâng cao giá trị hạt gạo Việt cần sự vào cuộc của các nhà quản lý.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, ở cả ba khâu từ sản xuất, chế biến đến XK gạo đều có bất cập, kể cả công tác điều hành cũng chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, vấn đề giá trị hạt gạo XK cần được xem xét một cách tổng thể trong chuỗi từ sản xuất, thu mua, tạm trữ, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và XK. Theo bà Lan, cần rà soát, tính toán lại để định hướng phát triển sản xuất lúa gạo theo ba hướng lớn: tổ chức sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường XK. Đặc biệt là xây dựng thương hiệu, bởi “tồn tại lớn nhất trong XK gạo là chưa xây dựng thương hiệu gạo, tự làm mất khả năng cạnh tranh của mình”.

Quốc Chánh
Nguồn: DĐDN
 


Đọc bài viết thấy.....Đau lòng cho hạt ngọc Việt Nam quá! Vậy ra các bác nhà ta cũng giỏi, mang cái sản phẩm không nhãn mác mà bán được chừng ấy thì giỏi quá rồi còn gì.
Sau này nên đặt tên thương hiệu gạo VN là.....gạo Hảo Hảo.......vị chua cay.
 
Bạn nói đúng. Gạo không nhãn mác mà bán được
thì giỏi thật.

Tôi đã ăn gạo Thái land ở Mỹ hai chục năm nay,
thấy gạo nó rất thường, thua xa gạo tôi đã từng
ăn ở ViệtNam. Thế mà tôi buộc phải ăn nó, vì nó
ngon nhất trong các chợ Mỹ. Muốn cho gạo ngon
hơn gạo Thái ở Mỹ cũng rất dễ. Chỉ việc xay lúa
giã gạo rồi đóng bao chở ngay ra chợ thì gạo ngon.
Lúa cũng phải vừa gặt xong thì mới được. Lúa và
gạo để lâu thì không cách nào ngon được. Điều này
trẻ con lên 3 tuổi cũng biết vì chúng từng trải
đã ăn gạo mới và gạo cũ.

Trong kinh doanh, câu "người 3 đấng của 3 loài"
rất nên để ý. Một sản phẩm, ở Mỹ bao giờ cũng bán
làm dăm bảy mặt hàng, để bán cho các đấng khách
hàng khác nhau, chỉ ở cái bao bì. Ví dụ, xà bông
gội đầu, pha màu đen, cho mùi hắc, in bán là bồ
kết, nhưng pha màu xanh, cho mùi xả, in bán là
chanh, pha loãng cho vào chai lớn, bán giá rẻ, pha
đặc, chai nhỏ, bán hàng cao cấp, vân vân.

Gạo cũng vậy. Gạo lúa mới bán 1 triệu, thì gạo 2
tháng bán 0,9 triệu, gạo 6 tháng bán nửa triệu thôi.
Thế thì lúc nào cũng chạy hàng, qua mặt các gạo Thái
gạo Cam.

Điều đó không dễ. Cho đến nay, cả thế giới mang gạo
đến Mỹ bán đều không làm được điều này. Đó mới là chỗ
mà ta có thể thành công, bán được gạo ở Mỹ.
 
Việt nam không bao giờ, và chẳng bao giờ chú trọng đến 1 sản phẩm mang thương hiệu Madein Vietnam,chí ít là rất nhiều năm nữa.
Từ Bắc vào Nam chỗ nào cũng thấy đồng lúa,vâng rất nhiều lúa,diện tích canh tác lúa chắc chắn đứng đầu thế giới.
Vậy theo quan điểm và tầm nhìn của giới lãnh đạo là:
Campuchia bán với giá 480usd ?
Việt ta bán chỉ được 450usd?
Nhưng Cam họ chỉ bán được 10 tấn,còn ta thì bán được những 100 tấn. Vậy rõ ràng là lấy '' cần cù bù thông minh rồi''.
Đào tạo Tiến sĩ,nhà khoa học mà không được Quốc tế công nhận.
Số lượng giáo sư,tiến sĩ, nhà khoa học đông gấp 3 lần Nhật bản.Nhưng chỉ toàn là không có chất lượng,không có 1 công trình nào giúp dân,giúp nước,việc hơi khó thì bó tay,nhà nước phải bỏ tiền mời chuyên gia nước ngoài.
Vậy kết luận:
Khi mà các giáo sư,tiến sĩ,nhà khoa học đào tạo còn tạp nham,nghiêng về số lượng thì ta đòi hỏi gì ở 1 hạt gạo phải có chất lượng và có thương hiệu đây?
Sẽ không lâu nữa giới giáo sư,tiến sĩ của Lào và Cam sẽ cầm thước gõ vào đầu các tiến sĩ,nhà khoa học của Việt nam.
 


Back
Top