Diệt rệp sáp hại táo

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Cây táo có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt là rệp sáp. Loài rệp này thường làm cho cây táo mất sức, ra ít bông hoặc làm thui chột bông, hư hại trái... Chúng sinh sản rất nhanh và cũng rất khó diệt, vì cơ thể chúng có một lớp sáp trắng phủ bên ngoài để bảo vệ nên thuốc khó tiếp xúc được với chúng.


Không rõ các nhà chuyên môn đã có những nghiên cứu và kết luận gì về tính lờn kháng thuốc của loài rệp này hay chưa, nhưng theo những nhà vườn đã có nhiều năm kinh nghiệm về trồng táo thì con rệp sáp cũng có thể bị lờn thuốc (vì họ thấy rằng nhiều loại thuốc sau khi sử dụng một thời gian thì rệp sáp chết ít hơn, mặc dù liều lượng pha chế vẫn như cũ, hoặc còn cao hơn mức cũ).


Để khắc phục tình trạng này, một số nhà vườn ở xã Trung An, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết muốn diệt được rệp sáp có kết quả cao và dứt điểm thì nên có những biện pháp bổ trợ thêm cho thuốc hóa học. Cụ thể là trước khi phun xịt thuốc kết hợp với việc tưới vườn bà con ở đây đã dùng máy bơm nước tia mạnh vòi nước vào những chỗ có nhiều rệp tập trung để một mặt là rửa trôi bớt rệp, mặt khác để rửa trôi bớt lớp sáp bảo vệ bám trên mình rệp, khi xịt thuốc dễ dàng tiếp xúc với con rệp hơn.


Sau khi xịt thuốc 1-2 ngày, lúc tưới vườn lại tia xịt vòi nước vào những chỗ rệp còn bu bám để những con nào còn ngắc ngoải chưa chết sẽ rớt xuống đất mà chết. Về thuốc, bà con thường sử dụng luân phiên nhiều loại thuốc, hoặc pha thêm những loại thuốc khác mỗi khi rệp có biểu hiện chết ít hơn (lờn dần với thuốc), thí dụ trước đây bà con chỉ sử dụng thuốc Supracide là rệp đã chết, nhưng sau đó một thời gian rệp chết ít hơn, bà con đã pha thêm thuốc Applaud thì khả năng diệt rệp lại tốt hơn. Sau một thời gian rệp lại có biểu hiện chết ít thì bà con lại pha thêm thuốc Bassa thì rệp lại chết nhiều hơn...


Ngoài ra, bà con ở đây cũng còn một kinh nghiệm nữa là, trước đây mỗi khi làm gốc bà con thường cưa cắt hết số cành cấp 1, các cành này sẽ đồng loạt ra tược, ra bông, ra trái. Nhưng sau này bà con chỉ cưa cắt một nửa số cành này, số còn lại chỉ “róc bỏ” những cành cấp 2, rồi để nguyên độ dài của cành cấp 1 (đôi khi cành cấp 1 còn dài đến 2 mét), những cành dài này sẽ ra tược tra bông, ra trái sớm và cho thu hoạch sớm hơn nửa tháng so với những cành được cưa cắt ngắn đến gần gốc, lúc này là đầu vụ nên giá bán khá cao.


Sau khi thu hoạch trái trên những cành dài khoảng nửa tháng thì những cành được cưa cắt ngắn mới có trái bán, làm như vậy thời gian thu hái trái sẽ kéo dài (rải vụ), tránh được sự căng thẳng về nhân lực khi thu hoạch trái, mà lại bán được giá cao hơn.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top