Gạo Việt thua đau: Philippines “nắm thóp” chiêu thắng thầu giá rẻ!

Philppines biết Việt Nam ham giật thầu bằng mọi giá, từng đưa ra mức giá thấp hơn các nước khác từ 28-32 USD/tấn nên đã đưa ra mức giá sàn cực thấp.

Chuyên gia nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm liên quan đến thương vụ đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines mới đây.

Philippines nắm “thóp” bài xuất khẩu giá rẻ

Trong đợt đấu thầu 500.000 tấn gạo của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines tổ chức vào ngày 28/7 vừa qua, dù Việt Nam cụ thể là 2 Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty lương thực miền Nam Vinafood 1, Vinafood 2 đưa ra mức giá là 460 USD/tấn, mức thấp nhất trong các nước dự thầu nhưng vẫn không trúng thầu do cao hơn mức giá trần Philippines đưa ra 456,6 USD/tấn.

Nêu quan điểm về thông tin này, chuyên gia nông nghiệp GS Võ Tòng Xuân cho biết, trong thương vụ bán 800.000 tấn trước đó Việt Nam đã trúng thầu và mức giá rất thấp, thấp hơn mức giá các nước khác đưa ra từ 28-30 USD/tấn, việc chào thầu thấp như vậy đã tạo điều kiện để Philippines đưa ra mức giá trần quá thấp như trong đợt đấu thầu cung cấp 500.000 tấn lần này.

“Lần đấu thầu trước đó Việt Nam hớ rồi, Philippines biết Việt Nam ham giật thầu bằng mọi giá nên mới đưa ra mức giá sàn thấp. Tốt nhất Việt Nam không giật thầu. Trong trường hợp Philippines vẫn cương quyết mua với mức giá thấp hơn mức giá Việt Nam đã chào thầu thì Philippines có thể kiếm chỗ khác.

Nếu thấy Philippines hạ giá Việt Nam cũng hạ nữa không được rõ ràng Việt Nam đang ở thế mạnh, Thái Lan cũng đang bán giá cao nên không dại gì Việt Nam phải xuống giá theo Philippines”, GS Võ Tòng Xuân nói.

GS Võ Tòng Xuân phân tích, trên thị trường xuất khẩu gạo quốc tế, chỉ có Việt Nam và Thái Lan có dư gạo nhiều, Ấn Độ có thể có nhưng không thể có nhiều như Việt Nam. Bây giờ đang là lúc Việt Nam trúng mùa và cũng muốn nhân dịp này giữ mặt bằng giá cao hơn để nông dân trồng lúa có giá hơn, không thể tiếp tục duy trì “điệp khúc” được mùa mất giá.

xuat-khau-gao-1-baodatviet.vn_28171996.jpg
Việt Nam đưa ra mức giá là 460 USD/tấn, mức thấp nhất trong các nước dự thầu nhưng vẫn không trúng thầu
Giá thu mua lúa gạo của Việt Nam thời gian gần đây ở mức khá cao nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn trước mắt trong hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, Trung Quốc cấm xuất khẩu tiểu ngạch, Mỹ cũng cho biết sẽ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng gạo.

Việc không thắng trong phiên đấu thầu 500.000 tấn dù đã bỏ thầu thấp nhất nguyên nhân theo GS Võ Tòng Xuân là vì Phillippines đã thấy Việt Nam dễ chơi, dễ tính và luôn luôn bán gạo giá rẻ.

“Việt Nam bây giờ nếu bán giá rẻ, một mặt bán tại thị trường Mỹ sẽ phạt vì bán phá giá trong khi đó Việt Nam đi bán giá rẻ bên Philippines là điều không thể được”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Không bán bằng mọi giá

Được biết, lãnh đạo phụ trách an ninh lương thực Philippines Francis Pangilinan cho biết nước này có thể sẽ tổ chức đấu thầu lại hoặc quay lại giải pháp ký kết thỏa thuận cấp chính phủ về việc mua 500.000 tấn gạo, trong trường hợp đấu thầu lại, bài toán đặt ra là có nên điều chỉnh để đạt được thầu hay không.

GS Võ Tòng Xuân khẳng định, Việt Nam không nên đưa ra giá thấp hơn mà tính đầy đủ giá.

“Theo tôi, nên tính khấu hao thủy lợi vào giá thành của gạo Việt Nam để Việt Nam nói với cả thế giới là từ trước đến giờ Việt Nam đã hi sinh, bao cấp và không thể bao cấp mãi nên giá của mình phải được định lại. Giá gạo phải được tăng sau khi tính đủ chi phí, giá thành, không phải vì mình muốn tăng lúc nào thì tăng, hạ lúc nào thì hạ”, GS Võ Tòng Xuân nói.

xuat-khau-gao-2-baodatviet.vn_281721595.jpg
Việc trúng thầu bằng mọi giá, mua rẻ, bán rẻ ép giá nông dân khiến nông dân luôn thua thiệt
Cũng theo phân tích của GS Võ Tòng Xuân, việc bán rẻ không có lợi cho Việt Nam vì xét ra Việt Nam còn gạo vẫn có thể xuất cho Trung Quốc và các nước khác trong khu vực ASEAN, các nước này đều có nhu cầu khá cao về sản lượng lúa gạo cần nhập khẩu nên trước sau sẽ mua.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho biết, Việt Nam có thể đàm phán với Thái Lan giữ mức giá theo đúng điều kiện để người nông dân có lời.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, ĐH Cần Thơ cũng cho biết, Việt Nam không bán bằng mọi giá, phải giữ thế của Việt Nam.

Cũng theo PGS TS Nguyễn Ngọc Đệ, mức giá chào thầu của 460 USD/tấn cũng là mức giá thấp, sự việc lần này từ Philippines đã đánh vào chính sách mua rẻ, bán rẻ của Việt Nam. “Người mua bao giờ cũng có tâm lý tìm nhà phân phối đưa ra mức giá rẻ nhất và kiểu làm của mình từ trước đến nay của Việt Nam là mua rẻ, bán rẻ bằng mọi cách nên theo tôi lần này Việt Nam phải giữ giá, không được bán bằng mọi giá”, ông Nguyễn Ngọc Đệ nói.

Mua rẻ bán rẻ: Gạo Việt thua đau dù giá thấp nhất!



Theo số liệu trên trang Thông tin lúa gạo toàn cầu Ozyza ngàu 28/8, giá gạo 25% tấm của Việt Nam đang được chào bán từ 400-410 USD/tấn, cao hơn giá của Pakistan 10-20 USD/tấn nhưng thấp hơn giá gạo của Campuchia từ 50-60 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam từ 445 -455 USD/tấn, cao hơn giá gạo của Ấn Độ và Pakistan là 10 USD/tấn nhưng thấp hơn gạo Campuchia là 20 USD/tấn.

Như vậy, khi so sánh với mức giá bỏ thầu 460 USD/tấn trong thương vụ 500.000 tấn gạo cung cấp cho Philippines giá gạo chào bán trên Ozyza vẫn thấp hơn nhiều, GS Võ Tòng Xuân cho rằng như vậy Việt Nam phải điều chỉnh lại mức giá này vì khi so sánh giá gạo này thấp hơn nhiều so với giá gạo Việt Nam đã bỏ thầu, thậm chí mức giá này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến giá gạo tổng thể của Việt Nam.

PGS TS Nguyễn Ngọc Đệ cũng cho rằng đây là mức giá thấp, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa.

“Các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu bất chấp giá thấp để ký được hợp đồng về ép nông dân theo quan điểm tôi không đồng ý nên tôi cho rằng không nên bán với bất kỳ giá nào”, PGS TS Nguyễn Ngọc Đệ khẳng định.

Nguyên Thảo
Nguồn: baodatviet.vn/
 


Vì lý do an ninh lương thực ...vì thế mạnh truyền thống lúa gạo,hay vì cái gì mà nhà nước 1 mét vuông đất lúa cũng ko được chuyển đổi ... cái đó chịu ko ai hiểu

Trước đây nhà nước ko cho tư nhân trong nước trực tiếp xuất khẩu gạo ? Lúa gạo đều do hai ông Tổng ở hai miền trực tiếp nắm giữ .. vì năng lực hạn chế nên nn đã nới lỏng cho tư nhân tham gia xuất khẩu ( có hạn chế số lượng doanh nghiệp)

Năm ngoái nhà nước chính thức cấp quyền kinh doanh xuất khẩu cho hơn 100 doanh nghiệp tư tham gia xuất khẩu trực tiếp . Nhưng những đơn vị có quyền này bị báo chí bóc mẽ là doanh nghiệp giấy tờ ... chức năng thì có phép ... nhưng năng lực thu mua,vận chuyển,kho bãi lại hoàn toàn không có .... Và họ chẳng cần làm gì chỉ cần ngồi không cho mượn tư cách pháp nhân để các doanh nghiệp khác mượn danh nghĩa xuất khẩu ... cách làm này rất nhàn ko mất sức,ngồi không ăn %

Cái hợp đồng mấy trăm ngàn tấn đấu thầu kia ... chưa chắc nó đã do một doanh nghiệp trực tiếp thu mua,vận chuyển,lưu kho mà xuất ( đòi hỏi vốn lớn)... mà thực chất nó chỉ là kiểu xuất khẩu trên danh nghĩa theo kiểu cổ phần góp ... mỗi công ty nho nhỏ góp vài ngàn,vài chục ngàn tấn ... gộp lại là miếng lớn ...

Tất nhiên để có lợi nhuận cho đơn vị ký cốp ... có lợi nhuận cho đơn vị thu mua từ cấp xã,huyện,tỉnh vv thì mỗi bên vẫn phải kiếm một tí ... mỗi kg gạo của bà con phải ép thêm một chút ... xâu xé nhau một chút thế nên người khổ vẫn là mấy bác nông dân thôi
 
Việt Nam bị philippines chơi cú này đau quá, xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới mà thua trên sân khách
 
không chi gạo mà cafe nữa,đúng là mấy anh việt nam mình khôn nhà dại chợ.mình ở thế chủ động mà không ở tại sao mình xuất khẩu gạo,cafe đâu thế giới mà mình không chi phối tụi nó.không bán nữa xem thế nào ,khi đói chúng không nhảy dựng lên mới lạ.
 


Back
Top