Giống lúa Japonica ở các tỉnh miền núi phía Bắc

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
LTS: Japonica là (loài phụ) lúa chịu lạnh mới xuất hiện ở Việt Nam. Đây là những giống lúa hạt tròn, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với SX vụ xuân và khu vực miền núi phía Bắc. NNVN trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Đỗ Năng Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Di truyền NN về loại lúa này.


Mấy năm gần đây, thị trường lúa gạo trong nước thường gặp các giống lúa Japonica có nguồn gốc Nhật Bản với giá bán cao gấp 2-3 lần giá gạo Indica. Nhu cầu đối với lúa gạo chất lượng cao của người tiêu dùng trong nước và người nước ngoài làm ăn tại Việt Nam ngày càng lớn là cơ hội để mở rộng sản xuất và thương mại một số giống lúa mới chất lượng cao - lúa hạt tròn Japonica.


Lúa trồng Oryza sativa (2n = 24 ) được phân làm các loài phụ là O.S. Indica, O.S. japonica và O.S. Javanica. Ngoài ra, còn có các nhóm giống lúa trung gian giữa các loài phụ trên (Glaszmann, 1987). Các giống lúa Japonica được sản xuất chủ yếu ở vùng lạnh và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, các giống lúa nương, lúa nếp thuộc nhóm lúa Japonica được đồng bào các dân tộc SX và sử dụng từ lâu đời. Một số nhà khoa học trên thế giới, dựa trên phân tích gen, cho rằng các giống lúa Japonica có nguồn gốc từ các vùng núi Việt - Trung.


Trên thế giới người ta biết đến 2 loại gạo chất lượng cao chính: gạo hạt dài chất lượng cao thuộc loài phụ Indica, được sản xuất ở các nước nhiệt đới và loại hạt tròn thuộc loài phụ Japonica được sản xuất chủ yếu ở vùng lạnh. Khác với lúa Indica, hạt gạo của lúa Japonica tròn, cơm dẻo do có hàm lượng amylose thấp hơn và có chứa amylopectin. Một số giống lúa Japonica, cơm có màu hơi vàng do có hàm lượng protein trong hạt khá cao.


Lúa Japonica thấp cây đến trung bình, chống đổ tốt, chịu thâm canh, chịu lạnh khoẻ, có khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng từ ngắn đến trung bình. Ưu điểm quan trọng của lúa Japonica là khả năng chịu lạnh, có khả năng sinh trưởng ở nhiệt độ thấp xung quanh 15oC. Lúa Japonica thích hợp với vùng trồng có khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và vùng cao nhiệt đới. Các nước trồng lúa Japonica chủ yếu tập trung ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trải dài tới Trung Cận Đông: Ai Cập, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ. Do sự đa dạng và tính thích ứng tốt của giống nên các châu lục khác cũng trồng lúa Japonica như châu Âu, bắc Mỹ, châu Úc, các nước Trung Á thuộc Liên Xô (cũ). Lúa Japonica có năng suất trung bình cao hơn lúa Indica từ 0,5 - 1 tấn/ha. Tại những trạm thực nghiệm năng suất có thể tới 13 tấn/ha. Úc và Ai Cập là nơi sản xuất lúa Japonica có năng suất bình quân 9-9,5 tấn/ha (Dat Van Tran 1998).


Theo thống kê của FAO từ năm 1982-1994 diện tích trồng lúa japonica trên thế giới thay đổi không nhiều, nhưng sản lượng lúa tăng 16,6% chủ yếu nhờ vào tăng năng suất trung bình từ 5 - 5,8 tấn/ha. Tổng sản lượng lúa Japonica của thế giới khoảng 100 triệu tấn trên diện tích 17,29 triệu ha, chiếm khoảng 11,9% tổng diện tích trồng lúa thế giới (source: FAO production yearbook, 1984 and 1994). Nhưng tình hình sản suất lúa Japonica trên thế giới hiện nay có những thay đổi, diện tích trồng lúa Japonica đã lên tới 20%. Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản xuất lúa Japonica với tổng diện tích khoảng 7,3 triệu ha, tiếp đó là Nhật bản 2,1 triệu ha, Triều Tiên và Hàn Quốc khoảng 2,5 triệu ha, Nepal 1,45 triệu ha... Nước Mỹ hàng năm sản xuất khoảng 10 triệu tấn lúa Japonica trên 1,3 triệu ha. (Source: FAO 2005). Bang California là bang sản xuất chính với 90% lúa Japonica, với năng suất bình quân 9 tấn/ha, trong đó xuất khẩu khoảng 30% (Mechel S. Paggi and Fumiko Yamazaki 2001).


Ba thị trường nhập khẩu lúa Japonica lớn nhất châu Á là Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan của Mỹ, Australia, Trung Quốc và Thái Lan. Riêng Nhật mỗi năm nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo Japonica. Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường lớn thứ nhì, nhập khẩu từ Ai Cập, Mỹ và Australia (Source: Japan Grain and Feed Annual 2002, March 2002. FAS/USDA). Ngoài ra còn khoảng 42 quốc gia khác nhập khẩu gạo Japonica (Mechel S. Paggi and Fumiko Yamazaki 2001).


Theo GS Nguyễn Văn Luật, vào thập niên 90, Viện Lúa ĐBSCL đã có hợp tác với Viện JIRCAS của Nhật Bản nghiên cứu khảo nghiệm các giống lúa Japonica do các nhà khoa học Nhật mang sang. Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp cũng đã hợp tác với Nhật trồng thử ở Thái Bình và một số địa phương khác. Đồng thời công ty của Nhật cũng hợp tác với tỉnh An Giang trồng thử nghiệm các giống lúa hạt tròn Japonica, năng suất đạt 8 – 8,5 tấn/ha. Tuy vậy, các nghiên cứu trên đây vẫn chưa xác định được giống lúa nào phù hợp với loại đất nào (GS. Nguyen Van Luat, 2007).


Viện Di truyền Nông nghiệp đang triển khai việc chọn tạo các giống lúa Japonica. Viện đã kết hợp với các Viện thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Hội Giống cây trồng TW triển khai việc chọn tạo, khảo nghiệm gần 100 giống lúa Japonica khác nhau ở các tỉnh phía Bắc. Trong đó, giống lúa Japonica ĐS1 do GS.TS Hoàng Tuyết Minh và cộng sự chọn tạo, được khảo nghiệm và nhân giống từ năm 2001, có năng suất cao, chất lượng tốt, được Bộ NN và PTNT công nhận là giống tạm thời. Hiện tại giống ĐS1 đang được mở rộng sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi như: Hưng Yên, Thái Bình, Hoà Bình, Thái Nguyên, Yên Bái và một số địa phương khác.


Giống ĐS1 trồng được cả hai vụ, thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất vụ xuân đạt trung bình 7-8 tấn/ha, có nhiều ưu điểm: cứng cây, chịu rét tốt, ít bị sâu bệnh... Đặc biệt, vụ xuân năm 2008 là vụ rét lịch sử, hàng trăm ngàn ha mạ và lúa bị chết rét, nhưng lúa ĐS1 mạ vẫn xanh tốt, bộ rễ trắng tinh, năng suất ở nhiều điểm đạt trên 8tấn/ha. Theo báo cáo của Trung tâm giống Hoà Bình, lúa ĐS1 càng lên vùng cao lạnh hơn thì năng suất cao hơn, một số gia đình đạt trên 10tấn/ha. Giá gạo bán tại địa phương cao hơn so với các giống khác 2.500đ/kg. Kết quả sản xuất giống ĐS1 tại các xã vùng cao Yên Bái, Thái Nguyên và một số tỉnh miền núi vụ xuân năm 2010 đã chứng tỏ điều đó. Ngoài ra, Viện DTNN đang tiếp tục khảo nghiệm và chọn tạo hàng chục giống Japonica khác, trong đó đang nhân nhanh một số giống: J01, J02 có thời gian sinh trưởng từ 100-110 ngày, năng suất tiềm cao và tỷ lệ gạo cao hơn, có thể tham gia cơ cấu mùa sớm kịp cho sản xuất vụ đông.


Chiến lược phát triển giống lúa Japonica thời gian tới là tuyển chọn những giống có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh để phát triển sản xuất ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là miền núi phía Bắc. Dự kiến sẽ đưa kỹ thuật gieo thẳng vào sản xuất và đưa vụ xuân sớm hơn nhờ đặc tính chịu lạnh, khai thác các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, bảo đảm sản xuất được 2 vụ lúa có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, chất lượng gạo cao hơn so với các giống Indica ở cùng khu vực. Khai thác thêm một vụ đông giữa 2 vụ lúa ở một số địa bàn. Gạo Japonica sản xuất ở Miền Núi cần trở thành thương hiệu với chất lượng và giá trị thương mại cao, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Sự tham gia của các công ty giống, các công ty chế biến cần được khuyến khích để đẩy mạnh sản xuất và quảng bá “Gạo núi Japonica”, “Gạo hữu cơ Japonica”.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top