Gửi ACE 1 bài học tuy cũ nhưng đáng để đọc và suy nghĩ.

- Các cây trồng, vật nuôi mới xuất hiện thường là những mặt hàng độc và đặc biệt có thị trường tiêu thụ hẹp. Khi ít người làm thì sản phẩm sẽ có tính cạnh tranh cao.
- Nhưng khi nhiều người làm sẽ khiến cung vượt cầu, sản phẩm
không còn tính cạnh tranh nữa từ đó dẫn đến dư thừa, thua lỗ.

"Đầu voi đuôi chuột" là thực trạng hoạt động của các trại nuôi nhím của nhiều hộ nông dân ở khắp các tỉnh miền Bắc: Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Hải Dương... Nơi mà hàng trăm hộ nông dân đang ngày đêm "đỏ mắt" ngóng người mua. Trong khi đầu ra rớt giá thê thảm, giá nhím giống chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, Bắc Ninh ba năm về trước nhiều hộ hồ hởi rủ nhau làm trại nuôi nhím. Vì lúc đó nhím thương phẩm có giá trị cao, mang lợi nhuận bình quân mỗi năm cho mỗi hộ nuôi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc quy mô nuôi. Nhưng một năm trở lại đây, cảnh bán mua nhím trở nên đìu hiu. Giá nhím rớt "thê thảm", khiến nhiều nông dân lao đao. Thái Bảo từ chỗ có hơn hai chục hộ nuôi nhím, giờ chỉ còn lác đác hai, ba nhà cố cầm cự, với hy vọng mong cho mau qua giai đoạn khó khăn.

Anh Hoàng Văn Hoạt, thôn Tân Hương, xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh – một trong những hộ có trại nhím còn sót lại – buồn rầu: "Gia đình tôi nuôi nhím được 10 năm, trước đây trại của tôi nuôi 30-40 cặp, nhưng hiện tại không dám nuôi nhiều, chỉ để lại 10 cặp, vì giờ càng nuôi càng lỗ. Thời điểm trước, có những năm gia đình tôi thu lãi từ nuôi nhím lên tới gần 200 triệu/năm. Hiện tại giá nhím rớt "thê thảm" mà chẳng
ai mua.

Giá nhím giống còn rớt mạnh hơn. Thời điểm này năm ngoái, một cặp giống có giá 14-16 triệu đồng, nay chỉ còn 1,5 triệu đồng/con. Hầu hết các hộ chăn nuôi nay chuyển sang bán thịt thương phẩm, nhím giống không có người mua.

Cách đây vài năm, tại nhiều địa phương, nông dân rầm rộ lập trại nuôi nhím. hàng loạt trại nhím "mọc" lên với đủ quy mô. Trong đó, mục đích chính của các chủ trại là cung cấp nhím giống. Hiện nay, thị trường nhím cung đã vượt xa cầu. Những hộ từng kinh doanh nhím giống đành chuyển con giống thành nhím thịt, rao bán với giá rẻ mạt, nhưng vẫn cứ ế, trong khi thức ăn hàng ngày vẫn tiêu tốn lớn.

Ông Nguyễn Văn Long, một nông dân nuôi nhím ở Hải Dương cho biết, từ ngày nuôi nhím đến nay, đây là lần đầu tiên nhím giảm giá như vậy. Giá xuống mạnh quá, nhím đã đến ngày xuất bán, nhưng tình hình này cũng chẳng muốn bán. Ông sẽ chờ thêm một thời gian nữa, mỗi ngày chi phí tiền ăn cho nhím ngót nghét cũng lên đến 100.000 đồng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện giữ hàng chờ giá lên như nhà ông Long. Nhiều hộ nuôi nhím bằng vốn vay ngân hàng, buộc phải bán tống, bán tháo nhím thương phẩm để thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng.

Vào năm 2008, anh Nguyễn Văn Thành, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, Yên Bái, vay hơn 400 triệu đồng để mua 5 cặp nhím cha mẹ và xây dựng chuồng trại. "Thời điểm đó, một con nhím mẹ có giá không dưới 60 triệu đồng, nhím con 2 tuần tuổi có giá 13 triệu đồng/con. Thế nhưng đến nay, hàng loạt người nuôi nhím phá bỏ chuồng trại", anh Thành than thở. Anh Thành vừa mới thanh lý toàn bộ đàn nhím 500 con, với giá 200 triệu đồng (50.000 đồng/kg), phải chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.

<tbody>
</tbody>

Theo Tiến sĩ Võ Văn Sự, Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Động vật quý hiếm Việt Nam, việc thua lỗ của nhiều hộ nuôi nhím trên khắp miền Bắc là thực trạng đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng vẫn lặp đi lặp lại. Thực tế cho thấy, việc nuôi nhím ồ ạt mà không tính đến đầu ra đã tạo nên giá trị ảo của những con nhím. Khi giá con giống trở về giá trị thực thì những người nuôi phải chịu thiệt thòi.

Bài học này cũng tương tự như những đổ vỡ từ nhiều mô hình nuôi kỳ đà, kỳ nhông, ốc sên, kiến đen, rết, bò cạp đến dế… của nông dân miền Bắc những năm trước. Anh Nguyễn Văn Tuyên, ở xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương từng khốn đốn với nghề nuôi dế nhớ lại: khi mới bắt đầu nuôi dế, các thương lái khắp nơi đổ xô về lấy dế giống để bán cho nông dân với giá cao ngất ngưởng. Sau một thời gian có quá nhiều người nuôi nên dế đổ cho lợn, lợn cũng chẳng ăn, đành phải đào hố chôn, hủy hết tài sản bạc tỷ của mình.

Theo một chuyên gia trong ngành chăn nuôi, để phát triển ổn định một giống vật nuôi điều cơ bản là chúng ta cần "khống chế" được giá con giống, đồng thời cần nghiên cứu kỹ thị trường và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng cáo các sản phẩm. Trong đó phải chú ý đến sự hợp tác sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân.

http://vnexpress.net/


 




Back
Top