Hạn chế vải ra lộc đông

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Anh Nguyễn Thế Truyền ở thôn Húng, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là chủ cây vải đạt giải nhì tại Hội thi bình tuyển giống vải thiều năm 2003 do Viện Nghiên cứu Rau quả và Ban quản lý Dự án cây ăn quả tỉnh Bắc Giang tổ chức. Gia đình anh có vườn vải thiều rộng 4,7 ha với 1.300 cây. Vụ vải thiều vừa qua nhà anh thu được 16 tấn quả vải sớm và 7 tấn vải chính vụ, bán được 150 triệu đồng.

Khi được hỏi về kinh nghiệm thì anh Truyền cho biết: Để cây vải thiều cho quả ổn định, trước tiên cần phải có chế độ chăm sóc thật chu đáo như tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh. Tuy đã chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, nhưng để cây đậu quả thì phải trải qua 2 "cửa ải": Một là, vào tháng 11, 12 hằng năm, là thời kỳ hình thành đọt hoa, yêu cầu nghiêm ngặt là cần thời tiết khô và lạnh. Ở những cây cành ra lộc đông thì sẽ không có hoa hoặc ra ít hoa. Và "cửa ải" thứ hai là ở giai đoạn ra hoa, khoảng tháng 2, tháng 3 khi nở hoa, đậu quả cần có thời tiết khô ráo và mát mẻ. Nếu nhiệt độ quá lạnh hoặc có mưa phùn thì sẽ làm chết hạt phấn, không đậu được quả hoặc đậu tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, người trồng vải có thể dùng biện pháp cơ giới để hạn chế lộc đông. Đây là kỹ thuật cơ bản của nhà vườn để hạn chế năng suất bấp bênh và hiện tượng ra quả cách năm trên cây vải.
>
Anh Truyền cho biết, để cây vải chính vụ có thể phát hoa đúng thời điểm, có chùm hoa lớn sau này cho năng suất cao thì đợt lộc cuối cùng phải nhú trước ngày 31/10. Ở giai đoạn từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, đối với những cây vải khỏe, có bộ lá dày biểu hiện sức sinh trưởng tốt, đã nhú đợt lộc cuối cùng trong năm trong tháng 10, khi đó không được tưới ẩm cho vườn vải. Ngoài ra cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế ra lộc đông: Trên các cành cấp 2, cấp 3 dùng dao sắc khoanh đường xoắn từ 1 đến 3 vòng tròn/cành (tùy sức sinh trưởng của cây), vòng nọ cách vòng kia 1,5 – 2cm, vết khoanh vừa chạm đến gỗ. Khi khoanh không được nghiêng dao làm lật vỏ cây. Chỉ khoanh ở những cây đang sung sức, sinh trưởng tốt, có khả năng ra lộc đông, không khoanh ở những cây cằn cỗi. Khoanh ở những cây khi lá đã thành thục, lá đã chuyển sang màu xanh sẫm. Bớt lại 10 – 15% số cành không khoanh để có đủ nhựa luyện nuôi bộ rễ. Đồng thời với việc khoanh vỏ, tiến hành dùng cuốc vỡ lật đất thành một vòng tròn xung quanh tán cây, chiều rộng 40 – 50cm, sâu 25 – 30cm và để phơi ải. Việc làm này vừa làm đứt rễ tơ đang hoạt động mạnh, vừa làm cho đất chóng khô, hạn chế hút nước và hạn chế ra lộc đông.

Áp dụng biện pháp trên mà cây vẫn ra lộc đông thì có thể dùng thuốc trừ cỏ Ronstar 25EC pha với nồng độ 10cc thuốc/1 bình 10 lít phun để diệt trừ lộc. Cần phun sớm khi lộc mới dài từ 5 – 7cm thì mới có hiệu quả.

Đến khoảng tháng 2 năm sau tiến hành bón phân thúc hoa. Lượng bón 0,15kg đạm urê + 1–2kg Supe lân + 0,1–0,2kg Kali clorua cho 10m2 diện tích bóng tán. Bón vào rãnh quanh bóng tán đã cuốc lật từ đầu mùa đông. Mỗi loại phân thả thành 3 – 5 điểm. Sau đó tiến hành bơm xả nước xả trực tiếp vào cho tan phân và ngấm xuống phần rễ đang hoạt động bên dưới. Khi vườn vải thiều đã phát triển chùm hoa tương đối hoàn chỉnh cần kịp thời diệt trừ sâu tơ, sâu xanh sớm bằng các loại thuốc như Padan 95SP, Sherpa 25EC, Dipterex...



NNVN, 13/11/2003
 


Last edited:


Back
Top