Hoa phun

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
- Tôi hỏi mua một bông hồng tại cửa hàng hoa đường Trần Xuân Soạn. Chị bán hàng hỏi thích màu xanh, đỏ, tím, hay vàng? Thấy hàng chỉ bày toàn hồng trắng, tôi nói đùa: hồng tím, có không? Chị bảo màu gì cũng có hết nhưng “hàng” tím thì hơi đắt, 6 ngàn! Chị rút ra một bông hồng trắng, vào trong nhà lấy ra một chiếc bình cũ, lắc lắc, rồi mở nắp, ấn tay vào phía đầu bình... bông hoa đã thành màu tím.
Trong không khí sực lên mùi hắc lạnh xộc vào mũi, tôi cúi xuống ngửi và thấy mùi hắc ấy thật ra chưa hoàn toàn át đi mùi hương của bông hồng nhỏ, nhưng lại trộn với nó thành một thứ mùi tổng hợp rất khó ngửi. Nhưng khi tôi nhìn kỹ lại thì quả là một sự kỳ diệu: Bông hồng màu tím đã hiện ra mịn màng, đầy vẻ thiên nhiên... Chị cho biết: “Các hoa thường được phun nhất là rum, hồng, sen. Đôi khi cả cúc nữa (tất nhiên là cúc trắng), nhưng ít hơn. Hoa cúc thì tự nó cũng có màu xanh, tím, là màu tự nhiên chứ không phải màu nhuộm”.
>
Theo lời mách của chị, tôi tìm đến những cửa hàng hoa chuyên hoa rum ở Thành Công. Đây là thứ hoa mà công nghệ phun ứng dụng vào nhiều nhất. Hoa dài gần gang tay, hình búp hơi cuộn, trông quý phái, như một chiếc lá chuối non, ''tình thư một bức'' phong hờ, giống như một thứ lá hơn là hoa. Có lẽ lý do sau này khiến cho rum có thể bắt các màu khác ngoài màu trắng tự nhiên của nó một cách tự nhiên và gợi cảm nhất. Ngoài ra do hoa hình ống dài lại hơi loe ở trên nên người bán có thể tạo ra được những dáng vẻ và sự phối màu rất phong phú. Họ có thể phun một nửa thân hoa. Hoặc phun bên ngoài mà không phun mặt trong của búp hoa. Hoặc ngược lại. Đường ranh giới giữa màu phun và màu trắng tự nhiên có thể thẳng, cũng có thể lượn sóng hoặc cao tay hơn nữa người phun phóng tay tạo ra một vẻ chểnh mảng làm như không có quy luật nào cả; kỳ thực là muốn tiến gần nhất đến bàn tay của tạo hoá.



Rum là thứ hoa được phun màu đa dạng nhất: vàng cam, phớt hồng, phớt tím, xanh lam, xanh lục, đỏ, vàng... Hoa hồng cũng là mảnh đất đắc địa cho màu phun. Nhiều hàng chỉ nhuộm hồng trắng. Nhưng có những địa điểm bán nhiều hoa phun như chỗ Trần Xuân Soạn cắt Thi Sách thì có thể điểm màu cho cả hoa hồng màu hồng, màu kem... Hồng trắng có thể được tạo thành bất cứ màu gì bạn thích. Dạo qua các hàng hoa, có thể bắt gặp những bó hồng màu xanh xi măng, hoặc xanh mai mái, hoặc tím nhạt... Có khi hoa vốn màu kem được phun một lớp sơn màu gạch non, chỗ đậm chỗ nhạt, loang loang lổ lổ, nhìn xa tưởng như không phải màu mà là khói màu hồng gạch lan toả trên cánh hoa.

Công nghệ phun màu cho hoa
Tại một hàng hoa trên phố Cầu Gỗ, anh thanh niên chuyên làm công việc phun màu cho hoa quê gốc ở Tản Hồng, Ba Vì, Hà Tây, người thấp đậm, rất nhanh nhẹn, đôi bàn tay to như của một bác nông phu nhưng rất khéo léo. Và anh trước ở quê làm ruộng thật, điều đó phản ánh ngay trong cách ví von của anh khi tôi hỏi phun màu cho hoa có khó không: “Dễ lắm, như phun thuốc sâu ấy mà!”.

Cách dùng bình xịt quả thực có vẻ đơn giản, chỉ cần xem qua là biết. Nguyên tắc đơn giản là trước khi phun lắc bình (như lắc sữa vinamilk,‘càng lắc càng ngon’ - càng lắc dung dịch càng hoà đều). Tất nhiên sự thành công nằm ở thẩm mỹ độc đáo của chính người phun màu. Cái bàn tay phải khéo léo, nhẹ nhàng, chừng mực, phối màu làm sao, chỗ nào đậm chố nào nhạt ... cho vừa mắt. Từ chỗ đơn giản, nó có thể đi đến một thứ nghệ thuật tinh vi. Bởi lẽ trong nghề nào cũng thế, kể cả những nghề tay chân, đều có nghệ thuật của nó. Huống hồ tạo màu cho hoa là công việc có vẻ rất gần với nghệ thuật.

Hai trong số những nơi bạn có thể mua sơn phun là Công ty Hoa Đà Lạt trên đường Nhật Tân hoặc Hàng Mã. Ở công ty hoa Đà Lạt chủng loại có thể phong phú hơn với nhiều loại nhiều mức giá hơn, còn ở Hàng Mã thì chỉ bán một hãng là Spring bản quyền sản xuất của Hà Lan. Giá mỗi bình loại này xê xích từ 60 đến 90 ngàn và mỗi bình sử dụng được cho một số lượng khá lớn hoa. Cửa hàng Trâm Thu, 12B – 26 Hàng Mã, cho biết có tất cả khoảng 7 đến 15 màu sắc từ lục, lam, đỏ, tím, vàng chanh, vàng thị, hồng, da cam cốm, ghi, xanh xi măng...Trên nhãn bình có ghi chỉ dẫn “dùng cho hoa tươi, hoa khô, hoa lụa và các phụ kiện về hoa...” Có lẽ từ lâu người ta đã dùng loại sơn này phun cho hoa khô, hoa giả, nhưng phải đến khi nó được ứng dụng cho chính các hoa tươi thì chuyện mới trở nên thú vị. Vì giờ đây người chơi hoa đã có thể có hoa hồng tươi màu tím, màu xanh nước biển, màu da cam, thậm chí hai màu trên cùng một cánh hoa. Điều ta tưởng chỉ có những người nặn tò te ven hồ Hoàn Kiếm nặn ra được! Và hoa rum cũng đủ màu, đủ sắc độ. Những gì mà tự nhiên không thể làm được hoặc phải mất hàng trăm năm các nhà khoa học thí nghiệm, lai tạo, thì nay, bất cứ chị hàng hoa nào, thậm chí cả tôi, cả bạn, cũng có thể làm được chỉ trong nháy mắt, với một cái ấn tay nhẹ nhàng còn hơn cả ấn bình xịt muỗi.

Các màu có sắc độ tươi và phù hợp với thị hiếu đông đảo như vàng, tím, cốm, hồng... thường bán chạy hơn và nhiều khi chủ đại lý phải ép các cửa hàng hoa mua kèm với các màu ít phổ biến như màu ghi chẳng hạn. Với bấy nhiêu màu sơn thì các loài hoa không phải chỉ còn là muôn hồng ngàn tía nữa mà bản thân mỗi một loài trong đó, đặc biệt là những loài trắng tự nhiên, đã có thể có gần như đủ sắc độ trong phổ màu, chỉ trừ màu đen là tuyệt đối không.

Nên hay không?



“Công nghệ” phun màu này đã bắt đầu xuất hiện một hay hai năm nay, nhưng đối với nhiều người nó vẫn còn là chuyện mới lạ. Rất rất nhiều người sống giữa thủ đô, hàng ngày đi qua không biết bao nhiêu cửa hàng hoa lớn nhỏ, nhưng không để ý cũng không biết thị trường hoa của mình đã sôi động lên bao nhiêu và đã xuất hiện biết bao nhiêu màu sắc mới lạ - mới lạ đối với chính lịch sử của mỗi loài hoa. Nhưng chơi hoa phun màu có vẻ đã thành một cái mốt của nhiều thanh niên. Với giá 25 đến 50 ngàn bạn đã có thể có được một bó hồng khoảng 20 bông, màu sắc tuỳ thích, có thể đặt nếu cầu kì phối màu còn nếu đơn giản có thể lấy ngay tại chỗ. Mấy cửa hàng hoa trên đường Trần Xuân Soạn cứ buổi chiều là đông nghịt. Chốc chốc lại một cô gái trẻ táp xe vào ôm một bó đem đi (thường là họ đặt trước để được làm cẩn thận).

Theo lời một chủ hàng hoa trên đường Bạch Mai thì hoa rum chẳng hạn, không phải chỉ có màu trắng (trồng trong nhà kính), nhưng những hoa màu ấy giá rất đắt, thường 15 đến 20 ngàn một bông, mà nguồn không phải ở Hà Nội, cho nên chỉ xuất hiện vào những dịp lễ như 8/3 hay 20/11, còn thông thường không tìm được khách có hầu bao phù hợp. Cho nên phun màu cũng một phần là một giải pháp tình thế, để cho người mua vẫn có được màu lạ mà không quá tốn kém. Vì một bông rum sau khi phun thường cũng chỉ giá 4 đến 5 ngàn. Vả lại, việc du nhập (chưa nói đến lai tạo) ra một giống hoa mới không phải là dễ. Ông Nguyễn Xuân Linh (chuyên gia hàng đâu về các giống hoa, Viện di truyền giống) cho biết: Mỗi năm Việt Nam chỉ “nhập” về vài ba giống hoa mới từ nước ngoài - các giống này cũng không khác biệt mấy so với các giống khác cùng loài. Và chính ông cũng khá ngỡ ngàng khi được biết trên thị trường “có lắm loài hoa mới đến thế”.

Đối với nhiều người, điểm cho hoa những màu mới như thế đã trở thành một thú chơi, một nghệ thuật, và hơn thế nữa, hoa phun màu còn được mua với giá cao hơn bình thường một chút. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cánh hoa phun sơn đã có vẻ nhàu, cũ, như khuôn mặt nhàu nhĩ của một cô đào trong lúc đêm khuya thanh vắng vừa trút bỏ phấn son. Màu phun không bay nhạt đi, nhưng bông hoa không còn tươi. Thực tế hoa phun trông rất giống hoa khô. Rất nhiều người thích nó. Và người ta thích nó vì màu săc của nó rất phong phú, và nó giống màu hoa khô, mà lại không phải là hoa khô!

Trong số những người bán hoa mà tôi gặp, chỉ duy nhất có anh phun hoa ở phố Cầu Gỗ nói trên thừa nhận rằng sơn phun làm cho hoa chóng tàn hơn. Anh nói giản dị: “đã là hoá chất thì phải độc, nhất lại là hoá chất tác động trực tiếp lên cánh hoa như thế. Bó hồng chưa phun màu để được độ 3 ngày thì phun màu để được gần 2 ngày. Để lâu màu sơn cũng không phai đi nhưng trông bông hoa có vẻ dài dại”.

Hoa phun hay dở thế nào là tuỳ theo sở thích của mỗi người. Nhưng là một thú chơi thì thể nào cũng đi đến lúc vãn hồi. Người ta phải hướng đến một cái gì bền vững hơn, theo đó không thể đè hoá chất lên trên những cánh hoa mỏng một cách sống sượng như thế, để sau đó đưa bông hoa lên mũi chỉ thấy mùi sơn là nhiều.

Đỗ Diễm Huyền
vietnamnet
 




Back
Top