Hoàng Cầm – Vị Thuốc Thanh Nhiệt

  • Thread starter danapha
  • Ngày gửi
Hoàng cầm là vị thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng từ rất lâu đã có mặt thường xuyên ở thị trường Việt Nam. Có tới hơn 100 loài được gọi là hoàng cầm. Trên thực tế, hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georgi là loài từ trước đến nay được Đông y sử dụng phổ biến nhất.

Đặc điểm của loài này cũng dễ nhận ra vì nó có dạng như chân của con gia cầm, bên ngoài có màu vàng, bên trong lõi thường xốp, có màu nâu đất, đôi khi rất dễ bị vỡ vụn ra. Các loài còn lại rễ thường nhỏ và phân nhiều nhánh con, vỏ rễ ít vàng hơn. Cũng cần biết rằng hoàng cầm chỉ có tác dụng tốt khi bên ngoài vỏ rễ còn giữ được màu vàng, một khi bên ngoài rễ đã biến thành màu xanh gỉ đồng thì hiệu quả trị bệnh của nó sẽ giảm đi rất nhiều, đôi khi hết tác dụng vì thành phần hóa học đã bị thay đổi nhiều. Hoạt chất của nó đã bị ôxy hóa chuyển thành các chất không có tác dụng nữa. Do vậy cần hết sức lưu ý khi sử dụng vị thuốc này. Trong hoàng cầm, thành phần hóa học chủ yết là các hợp chất flavonoid, ngoài ra còn có các thành phần chalcone, tinh dầu…

Tác dụng sinh học của hoàng cầm
Dịch sắc của hoàng cầm sau khi chế biến đều có phổ kháng khuẩn khá rộng, có tác dụng ức chế với nhiều loại vi khuẩn: trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, ho gà, lỵ, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn viêm não, viêm phổi, liên cầu khuẩn tan huyết, còn có tác dụng hạ nhiệt tốt, tác dụng kháng viêm, giảm ho, trừ đờm, lợi tiểu, hạ huyết áp. Hoàng cầm chế gừng có tác dụng trị ho tốt. Hoàng cầm sao đen tăng cường tính thu liễm cố sáp, nâng cao được tác dụng cầm máu. Hoàng cầm sau khi chế biến có tác dụng chống ôxy hóa tốt. Ngoài ra, người ta còn thấy rằng sau khi chế biến, hoàng cầm còn có khả năng tăng cường dẫn thuốc vào các kinh, làm thay đổi tác dụng và giảm đi một số tác dụng phụ của vị thuốc.

hoang-cam.jpg


Lệ giang hoàng cầm (ảnh trái) và Xuyên hoàng cầm (ảnh phải)

Công dụng trị bệnh của hoàng cầm
Theo Đông y, hoàng cầm có vị đắng, tính hàn, quy vào 6 kinh: phế, tâm, can, đởm, đại tràng, tiểu tràng với công năng thanh thấp nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, an thai. Trên lâm sàng, hoàng cầm được sử dụng để trị rất nhiều loại bệnh khác nhau như: sốt cao do viêm gan hoàng đản, viêm gan virut, viêm ruột, viêm túi mật, viêm bàng quang…, dùng hoàng cầm, long đởm, trạch tả, sài hồ, mộc thông, chi tử, sinh địa, mỗi vị 8g; đương quy, xa tiền tử, mỗi vị 6g; cam thảo 4g, sắc uống ngày một thang, uống liền 3 – 4 tuần.

- Được dùng để bào chế thuốc bài thạch kết hợp với kim tiền thảo, dùng để chữa sỏi thận, viêm tiết niệu, và một số thuốc khác

Viêm phổi, đặc biệt áp – xe phổi hoặc các bệnh viêm phế quản mạn tính kèm theo ho nhiều đờm và khó thở: Hoàng cầm phối hợp với hoàng liên chân gà (Rhizoma Coptidis), hoàng bá (Cortex Phellodendri), đồng lượng, trung bình mỗi vị khoảng 6-12g/ngày, có thể gia thêm bách bộ, mạch môn, cát cánh, mỗi vị 12g, cam thảo 8g. Sắc uống 2-3 lần trong ngày, uống liền 2-3 tuần, không nên uống lúc quá đói sẽ gây cảm giác cồn cào, khó chịu.

Trị các chứng viêm cơ, mụn nhọt, đinh độc… dùng phương hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá nói trên, gia thêm vị chi tử.

Khi sốt cao, lúc nóng, lúc rét, có thể dùng hoàng cầm, sinh khương mỗi vị 8g; sài hồ, bán hạ, đảng sâm, đại táo, mỗi vị 12g; cam thảo 4g, sắc uống ngày một thang, uống liền tới khi cắt cơn.

Trị động thai chảy máu: Hoàng cầm 8g phối hợp với chư ma căn (rễ củ gai), tô ngạnh (hoặc tô diệp), mỗi vị 12g, sắc uống ngày 1 thang. Chú ý, với trường hợp động thai, hoàng cầm cần được sao đen và cũng chỉ dùng khi bị động thai hoặc động thai có chảy máu.
 


Last edited by a moderator:


Back
Top