Hỏi về con gà đông tảo

  • Thread starter Maiditim9999
  • Ngày gửi
Chào cả nhà
Cả nhà đã ai nuôi gà đông tảo chưa ạ, xin chia sẻ cho em một số kinh nghiệm ( chi tiết một tẹo ) về giống gà này được không ạ. Em xin cảm ơn.
 


Chào cả nhà
Cả nhà đã ai nuôi gà đông tảo chưa ạ, xin chia sẻ cho em một số kinh nghiệm ( chi tiết một tẹo ) về giống gà này được không ạ. Em xin cảm ơn.
Mình đang nuôi và đang cung cấp giống, hiện tại nơi mình bán đang hút hàng về số lượng, tại gà Đông Tảo ở đây thuộc dạng hiếm. Bạn cần hỏi về vấn đề gì cần quan tâm
 
Chào cả nhà
Cả nhà đã ai nuôi gà đông tảo chưa ạ, xin chia sẻ cho em một số kinh nghiệm ( chi tiết một tẹo ) về giống gà này được không ạ. Em xin cảm ơn.
I – Mô tả về giống gà Đông Tảo:
Gà Đông Tảo là một trong hai giống gà cổ còn sót lại ở Việt Nam. Gà Đông Tảo có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm 1986 khi giống gà này chỉ còn lại 10 cá thể gà trống thì yêu cầu bảo tồn và phát triển giống gà này được đặt ra. Khi đó gà Đông Tảo được lai với giống gà cổ còn lại là gà Hồ, có xuất xứ từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để cùng bảo tồn cả hai giống gà này. Chính vì thế giống gà Đông Tảo ngày nay hay gặp con có chân vảy sừng giống như các giống gà khác chứ nguyên gốc gà Đông Tảo chân chỉ có vẩy thịt.
Về hình dáng, gà Đông Tảo có da màu đỏ au, dáng đi hơi ục ịch do cơ thể to lớn, nhiều thịt, chân to nặng nề nên không nhanh nhẹn như các giống gà khác. Nếu so sánh gà Đông Tảo với gà Hồ thì gà Hồ có dáng cao to hơn, nặng hơn.
Gà trống Đông Tảo có màu sắc lông đặc trưng là tía mận, đen tía; thỉnh thoảng có các màu sắc khác như đỏ, xám tro, trắng. Các cá thể có màu lông đỏ, xám tro, trắng thường có trọng lượng nhỏ hơn gà có màu lông truyền thống, thể lực yếu hơn. Các loại gà có màu sắc khác biệt này chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng số con trong đàn gà tùy thuộc vào việc lai tạo. Nếu gà ở thế hệ thứ 2 của cùng một dòng gà cho lai tạo với nhau thì thế hệ thứ 3 cho tỷ lệ gà có các màu lông đỏ, xám tro, trắng càng nhiều. Do đó cần phải thường xuyên đổi giống gà để tăng tỷ lệ gà có màu lông truyền thống có nhiều đặt tính tốt hơn. Gà trống Đông Tảo có trọng lượng từ 3kg (gà bị còi) cho đến 5kg hoặc hơn nữa.
Gà mái Đông Tảo có hai màu lông chính là màu trắng sữa đi kèm lông ở đầu màu hanh vàng hoặc lông ở cổ màu pha đen và gà có lông màu lá chuối khô. Trong hai màu lông kể trên thì tỷ lệ thường là 50 – 50. Gà mái Đông Tảo có trọng lượng từ 2,5kg đến 3,5kg.
Điểm khác biệt rõ nét nhất của gà Đông Tảo với các giống gà khác là chân gà Đông Tảo rất to, chân gà trưởng thành có màu đỏ au đẹp mắt. Chân gà chia làm mấy loại:
• Chân to, xù xì, lồi lõm: loại chân này xuất hiện do con gà bị mắc bệnh sùi chân chứ không phải do chân to bẩm sinh. Loại gà này chân thường rất yếu, không dùng để đạp mái được và không phải loại gà chân to nên người ở Đông Tảo không sử dụng để làm giống.
• Chân to đều, trơn tru, chân cao: loại gà này thường to xác, chân đẹp, to bẩm sinh, khả năng đạp mái tốt nên được sử dụng chủ yếu để nhân giống.
• Chân to đều, trơn tru, chân ngắn: loại gà này thường không to xác, có trong lượng khoảng 4kg. Đây được coi là gà thuần Đông Tảo. Tuy nhiên khả năng đạp mái của loại gà này kém hơn loại chân cao. Ngày nay xu thế thích gà to xác nên người ta ít để ý đến loại gà này. Tuy nhiên nên giữ lại gà này để đạp mái nhằm giữ giống cho các thế hệ sau.
• Chân đỏ au toàn bộ, không có tý vảy nào hoặc chỉ có các nếp gấp do thịt bị chèn ép: đây là chân đúng của gà Đông Tảo. Nếu dùng để nhân giống thì nên chọn những con gà có chân thế này, cả gà trống lẫn mái.
• Chân to có màu đỏ ở hai bên cạnh chân, mặt trước là vảy sừng: loại chân này người ta thường gọi là chân vảy rồng. Với con gà có chân như vậy thì tỷ lệ gen gà Đông Tảo vẫn cao hơn gà Hồ nên trong trường hợp bí bách vẫn có thể dùng làm giống. Tuy nhiên về sau sẽ cho ra đời tỷ lệ gà con có chân nhỏ, chân xấu nhiều, khó chọn được con chân đẹp.
• Chân nhỏ có ít màu đỏ ở hai bên cạnh chân, còn lại là vảy sừng: loại gà này có tỷ lệ gen Đông Tảo thấp, tốt nhất để bán thịt.
II – Các giai đoạn phát triển và nhu cầu dinh dưỡng, phòng bệnh:
1) Gà con mới nở:
Gà Đông Tảo mới nở có màu tơ tằm vàng óng, rất dễ phân biệt với các giống gà khác. Kích cỡ gà không lớn hơn các giống gà khác là mấy vì trứng gà Đông Tảo cũng to như các giống gà bình thường khác. Những con gà bị yếu, còi cọc hoặc hở rốn khi vừa nở nên loại bỏ vì gà rất yếu, khó nuôi, khi lớn lên trọng lượng cũng chỉ tầm 2kg.
Gà con mới nở nên cho ăn càng sớm càng tốt để kích thích bộ máy tiêu hóa phát triển, tăng cường sức đề kháng về sau này cho gà. Điều này rất quan trọng vì gà Đông Tảo có thể lực hơi yếu hơn các giống gà địa phương khác. Gà càng chậm cho ăn sau khi nở thì sức đề kháng về sau càng kém.
Để phòng bệnh và tăng cường đề kháng cho gà ở giai đoạn này chỉ cần nhỏ vắc xin Lasota, mỗi con khoảng 2 giọt/lần, cách 12 tiếng lại nhỏ (sáng, chiều), liên tiếp trong ba ngày đầu. Làm như vậy về sau gà sẽ rất khỏe mạnh, ít bệnh tật. Đây là giai đoạn quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng gà làm giống về sau.
Dụng cụ úm gà con nên dùng thùng xốp cỡ lớn, có nắp đậy để giữ nhiệt độ úm gà con. Chỉ cần mua một bóng điện từ 4W đến 10W để úm là được. Khoảng cách từ đèn đến gà con tùy theo thời tiết để điều chỉnh cho phù hợp (nếu bị nóng gà đứng xa bóng đèn, bị lạnh sẽ co cụm lại với nhau dưới bóng đèn).
Chú ý: Nếu nhỏ vắc xin cách nhau 24h thì về sau sức đề kháng của gà kém hơn so với cách cứ 12h lại nhỏ một lần. Ngoài ra mỗi lọ vắc xin sau khi cắt thì chỉ dùng được trong 24h là phải bỏ; trong trường hợp có ít gà thì cứ dùng 1 lọ nhỏ liên tục trong vòng 2 ngày đầu rồi bỏ cũng được. Cám cho gà ăn nên dùng loại cám có hàm lượng đạm cao dùng cho gà siêu thịt vì yêu cầu về dinh dưỡng của gà Đông Tảo rất cao.
Gà con được 3 ngày tuổi thì cho ăn thêm sâu gạo (loại sâu nhỏ có ở cửa hàng chim cảnh). Cho ăn sâu riêng, đổ xuống dưới nền thùng để cho gà tự nhặt, kích thích khả năng tìm mồi của gà con, giúp gà nhanh lớn.
Gà con được 7 ngày tuổi thì nhỏ vắc xin phòng Gumboro lần 1 khoảng 3 giọt/con; sau đó 2 tuần (gà được 21 ngày tuổi) thì tiêm vắc xin phòng Gumboro (lần 2) cho mỗi con khoảng 1cc/con. Sau đó cứ 3 tháng tiêm nhắc lại 1 lần vì vắc xin này chỉ có tác dụng trọng 3 tháng.
Để điện úm gà cả ngày trong suốt 1 tháng nếu trời rét; trời nóng thì có thể tắt điện từ chiều khi gà úm được 20 ngày tuổi, sáng hôm sau bật lại. Nếu gà con có hiện tượng mổ lông nhau thi ban đêm nên tắt điện để gà quen với nhịp sinh học ngày và đêm
2) Gà con một tháng tuổi:
Gà con một tháng tuổi đã bắt đầu mọc lông cánh, có thể phân biệt được gà trống mái (gà trống lông đầu cánh màu đen, gà mái màu trắng, trắng xám). Lúc này tiêm vắc xin Niu – cat – xơn cho gà mũi 1 và tiêm mũi thứ 2 sau mũi 1 đúng 2 tuần vì nếu tiêm cách mũi 1 quá dài (21 ngày) thì không còn tác dụng tạo kháng nguyên cho con gà nữa. (tiêm nhắc lại sau mũi 2 khoảng 3 tháng vì vắc xin phòng bệnh này chỉ có tác dụng trong vòng 3 tháng). Sau khi tiêm mũi 1 được 1 tuần thì chuyển gà ra ngoài vườn để nuôi cho mau lớn (nhưng vẫn phải quây nhốt, che nắng, mưa cho gà).
Chuồng nuôi gà giai đoạn này nên quây kín xung quanh, chắn gió, chuột cắn gà; tốt nhất làm bằng tôn cao khoảng 1,20m, có cửa để vào chuồng quét dọn. Mái chuồng lợp che kín 2/3 chuồng. Nền chuồng nên cao ráo tránh nước mưa ngập. Diện tích chuồng tùy thuộc vào số lượng gà con nhưng càng rộng gà con càng nhanh lớn.
Để úm gà nhanh lớn nên trải dưới nền chuồng lớp vỏ trấu khoảng 10cm theo cách thức đệm lót sinh học, như vậy gà sẽ nhanh lớn hơn.
Ở giai đoạn này nên cho gà ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng để gà nhanh lớn; có thể nhổ ít cỏ non, rau muống,.. bỏ vào chuồng cho gà ăn thêm, vừa tăng cường khả năng tiêu hóa, vừa tăng cường dinh dưỡng cho gà. Khi gà được khoảng 45 ngày tuổi, gà đạt trọng lượng khoảng 400g/con thì tiêm vắc xin phòng Tụ huyết trùng cho gà với liều lượng 1cc/con. Vùng có khí hậu lạnh cần đặc biệt quan tâm đến loại vắc xin phòng bệnh này. Mũi sau tiêm cách mũi 1 khoảng 2 tuần và tiêm nhắc lại sau đó 6 tháng.
3) Gà con từ 1 đến 3 tháng tuổi:
Ở giai đoạn tuổi này nên chọn những con gà trống, mái lớn vượt so với các con khác trong đàn tách riêng ra nuôi để lựa chọn làm gà giống; đặc biệt là gà mái. Những con gà lớn vượt này thường có nết ăn tốt, sức đề kháng tốt, trọng lượng lớn nên giữ lại làm giống rất tốt.
Giai đoạn này nên tăng cường dinh dưỡng cho gà như: thức ăn ủ men, bột cá, ruột cá nấu chín, bã đậu,... Làm thức ăn ủ men rất dễ: mua cám gạo, bột ngô về trộn đều với nước cho dẻo, sau đó trộn thêm bánh men rượu nếp (loại men ngọt) vào rồi ủ trong thùng nhựa (đậy hờ để thông không khí) khoảng 2 ngày thấy thơm mùi men là dùng được. Tùy số lượng gà mà trộn thêm thức ăn ủ men vào thức ăn của gà để tăng cường tiêu hóa thức ăn, tẩy giun sán. Hoặc có thể dùng các loại chế phẩm sinh học trộn với thức ăn cho gà ăn mau lớn.
Giai đoạn này nên cho gà ăn thức ăn có trộn cám công nghiệp độ đạm cao dùng cho gà siêu thịt (chiếm một nửa khẩu phần ăn của gà) để gà nhanh lớn, tăng cường sức đề kháng, làm cơ sở để gà phát triển khung xương to lớn.
4) Gà từ 3 đến 5 tháng tuổi:
Ở độ tuổi này thì có thể phân biệt được chân gà to hay nhỏ (gà từ 1,0kg đến 2,0kg), vảy thịt hay vảy sừng. Lúc này nên chọn lựa những con đủ tiêu chuẩn làm giống để nuôi riêng với chế độ thức ăn giàu dinh dưỡng để gà tăng trọng nhanh, lớn tối đa kích cỡ. Giai đoạn này rất quan trọng với gà Đông Tảo vì đây là tiền đề để gà phát triển hết bộ khung của mình. Nhu cầu dinh dưỡng của gà ở giai đoạn này tăng mạnh. Nếu có điều kiện thì tăng tỉ lệ các thức ăn giàu đạm cho gà như bột cá đun chín, ruột cá đun chín, bã đậu, giun,… Giai đoạn này vẫn nên cho gà ăn cám công nghiệp loại dùng cho gà siêu thịt với tỉ lệ cám chiếm khoảng một phần ba khẩu phần thức ăn của gà.
Ở giai đoạn này bắt đầu tẩy giun cho gà và định kì cứ 1 tháng tẩy giun một lần để gà nhanh lớn.
Cho gà ăn 2 bữa chính: sáng và chiều, buổi trưa cho ăn bữa phụ hoặc nếu vườn rộng, nhiều thức ăn tự nhiên thì chỉ cần cho ăn 2 bữa chính là đủ, còn lại để gà tự kiếm thức ăn.
Khi gà đạt khoảng 5 tháng tuổi thì gà trống sẽ tập gáy, gà mái bắt đầu có biểu hiện trưởng thành.
5) Gà từ 6 đến 8 tháng tuổi:
Giai đoạn này đa phần gà trống đã gáy và một số con đã bắt đầu đạp mái; gà mái bắt đầu đẻ trứng so. Đây là giai đoạn quan trọng thứ 2 của gà Đông Tảo để gà phát triển tối đa kích cỡ, gà mái phát dục hoàn chỉnh, tạo đà cho sau này. Vì thế cần cho gà ăn 3 bữa một ngày: sáng, trưa, chiều.
Ở giai đoạn này thì chân gà đã hình thành rõ ràng, nên chọn lựa lần thứ 2 để chọn được con đẹp nhất. Tiêu chuẩn chọn gà giống: chân to vừa phải (để thời gian đạp mái được lâu) dáng to cao, mào tích phát triển nhưng không được che mất mắt gà, lông bóng đẹp, gà khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chân không bị tập tễnh. Nếu con gà trống có mào phát triển, nghiêng lệch về một bên thì cần tiến hành cắt bỏ 2/3 mào gà vì để lại con gà sẽ bị che mất một mắt, gà sẽ nhát, không thể dùng để đạp mái. Khi cắt mào gà nên có 2 người cùng thao tác, lấy dao lam sắc cắt, sau đó khử trùng, cầm máu; chỉ khoảng 2 tuần sau là mào gà trở lại bình thường. Chú ý cắt càng sớm càng tốt lúc gà tập gáy sẽ tránh được việc mắt gà bị che khuất.
Đến độ tuổi này gà mái thường có trọng lượng trên 2kg, gà trống từ 3kg trở lên. Những con trống mái nên tách, nhốt riêng thành từng ô quây lưới B40 để nhân giống.
Giai đoạn này nên cắt giảm khẩu phần thức ăn cám công nghiệp, tăng cường ăn bắp, lúa và bột cá, rau xanh để gà không quá béo, chuẩn bị vào giai đoạn sinh sản.
6) Gà từ 8 tháng tuổi trở lên:
Với độ tuổi này thì gà mái đã đẻ xong lứa đầu tiên, gà trống đạp mái thành thạo. Do đó cần nhốt riêng gà sinh sản thành từng ô riêng biệt. Nên ghép theo tỷ lệ 1 trống 4 mái trong diện tích khoảng 10m2 là vừa. Sau này muốn ghép thêm gà trống để chuẩn bị thay cho con trống trước đạp mái kém thì nên bắt con gà trống đang tập gáy bỏ vào. Nếu bắt gà trưởng thành bỏ vào thì hai con gà trống có thể sẽ đá nhau cho đến chết.
Thức ăn cho gà đẻ nên đa dạng và đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại Vitamin. Để gà tăng tỉ lệ nở, gà con khỏe thì nên pha B-Complex vào nước cho gà uống hàng ngày vì trên thực tế gà Đông Tảo mái rất lười kiếm ăn ngoài tự nhiên, do đó gà thiếu Vitamin thường xuyên. Nếu gà thiếu Vitamin B2 sẽ gây ra hiện tượng phôi chết sớm, gà con nở ra yếu. Trong chăn nuôi gà đẻ cần chú ý bổ sung đủ các loại Vitamin nhóm B.
Ngoài ra để gà duy trì khả năng đẻ của mình, trứng tròn đều thì cần bổ sung đủ can xi cho gà bằng nhiều cách khác nhau: thức ăn giàu can xi như bột cá, bột đầu cá, cám gạo, bột xương động vật hoặc đơn giản và tiện nhất là vỏ các loại trứng gia cầm. Với vỏ trứng gia cầm cứ bỏ vào trong chuồng cho gà tự mổ ăn.

III – Phòng trừ các loại bệnh trên gà Đông Tảo:
Gà Đông Tảo dễ mắc các bệnh sau:
- Bệnh khò khè: con gà thở khó nhọc, có tiếng khò khè khi thở, thỉnh thoảng gà kêu tóc tóc. Nguyên nhân là do trời nóng hoặc lạnh, thay đổi thời tiết đột ngột khiến gà sinh nhiều đờm, gây khó thở. Bệnh này dễ chữa trị nhưng cần chữa ngay: pha nước chanh đường cho gà uống (cho rẻ) hoặc mua thuốc trị bệnh khò khè ở các hiệu thuốc thú y (thuốc trị bệnh CRD) phòng bệnh cho đàn gà định kì.
- Bệnh về đường tiêu hóa: nếu cho gà ăn thức ăn trộn men thì gà sẽ ít bị mắc bệnh về đường tiêu hóa. Nếu gà bị mắc bệnh về đường tiêu hóa như ỉa phân xanh, phân trắng; bệnh chướng diều, khô chân (diều chướng to toàn nước, chân khô và lạnh); gà ỉa ra máu (bệnh cầu trùng) thì mua thuốc thú y tương ứng với bệnh kể trên về pha nước cho gà uống. Các loại thuốc trị bệnh trên rất phổ biến.
- Bệnh Newcastle: bệnh này có 5 biểu hiện bệnh khác nhau, có khi con gà chết rất nhanh, có khi ủ rũ lâu ngày mới chết và bệnh này thường kèm nhiều bệnh khác. Để điều trị bệnh này rất dễ: mua thuốc Kháng thể gà về tiêm dưới da theo hướng dẫn trên lọ thuốc. Cũng có thể phòng bệnh trên bằng cách thường xuyên giã tỏi trộn vào thức ăn cho gà ăn hàng ngày
- Bệnh tụ huyết trùng: bệnh này không làm chết con gà ngay nhưng khá nguy hiểm với gà Đông Tảo vì gà sẽ bị phá hủy các khớp xương, nhất là xương đầu gối. Gà sẽ nhanh chóng bị liệt hoặc què chân, không thể dùng để làm mái được nữa. Bệnh này hay gặp ở gà từ 3 đến 6 tháng tuổi. Cách tốt nhất để phòng bệnh này là tiêm vắc xin tụ huyết trùng lúc 1 tháng tuổi và nhắc lại sau 3 tháng tiêm mũi trước. Biểu hiện của gà khi mắc bệnh: gà đi chân run lẩy bẩy hoặc tập tễnh, đuôi cụp xuống, vẫn ăn uống bình thường, gà hay nằm một chỗ, phần mào đỏ hơi tím tái. Khi gà mắc bệnh thì dùng kháng sinh Tetacylin cho uống cả viên trực tiếp vào buổi sáng, chiều hoặc thỉnh thoảng hòa thuốc vào nước để phòng bệnh cho gà. Bệnh này hay xuất hiện khi trời mưa nhiều, trời lạnh.
- Bệnh mổ lông nhau: bệnh này hay gặp ở gà độ tuổi từ 2 đến 3 tháng trong điều kiện nuôi nhốt. Con gà nhỏ, yếu hay bị gà khác mổ vào phao câu, cánh và ăn lông mới mọc, sẽ khiến chảy máu lại càng kích thích các con khác tiếp tục mổ. Nguy hiểm có thể gây chết gà bị mổ, gà bị mổ chết sẽ bị ăn mất nửa dưới nếu không kịp phát hiện. Nguyên nhân do gà lớn không đồng đều, dinh dưỡng kém, gà bị bỏ đói nên cần tách đàn gà theo trọng lượng để nuôi riêng, cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, đúng giờ; buổi tối nên tắt điện để gà không mổ nhau.
IV – Một số lưu ý trong chăn nuôi giống gà Đông Tảo:
- Gà có sức đề kháng kém hơn gà khác (nếu nuôi ở các tỉnh phía Nam, các tỉnh có khí hậu khác với miền Bắc) vì thế công tác phòng bệnh hết sức quan trọng, nhất là tiêm phòng các loại vắc xin ở thời gian đầu.
- Thời gian lớn chậm, thường gấp đôi gà bình thường. Chất lượng thịt gà càng ngon ngọt và thơm khi gà nhiều tuổi. Tuy nhiên thịt gà lại không hề bị dai.
- Gà ăn nhiều gấp đôi các giống gà thịt khác, nhất là giai đoạn gà từ 6 tháng tuổi trở lên. Gà trống trưởng thành hoàn toàn khi tròn 12 tháng tuổi, lúc đó gà đã lớn hết cỡ; càng nuôi gà chỉ tăng lượng thịt và chân càng ngày càng to ra. Gà nuôi từ 2 năm trở lên thì xu thế chân gà sẽ hơi nhỏ lại.
 
Gà này mới lên hương mấy năm nay, và bây giờ đang xuống.
Nói chung, nuôi gà này thì lỗ chứ không lời. Lỗ vì bán khó, tỷ lệ đẻ thấp, ấp nở thấp, tỷ lệ thuần chủng thấp. Nói ra thì khó nghe, nhưng cứ nuôi thì biết.
 
Vậy ah bác em lên mạng thấy nói nuôi khoảng 6 tháng đã đc mấy kg mà
Thank các bác nha
được hơn 1kg thôi bác ạ. cơ bản nhà mình cũng không chăm, không cho ăn thêm các loại rau, chỉ ăn toàn cám nên nó chậm lớn mà tốn cám quá
 
Vớt lục bình cho ăn thêm, mấy con này ăn lục bình dữ lắm
32101556196_192f649ee9_o.jpg
 
Tôi đang nuôi gà Đông Tảo theo cách như dưới đây. Chẳng mấy khi tôi cho ăn bằng thân cây chuối, lục bình cả vì mấy thứ đó dinh dưỡng đâu có nhiều:

V – Một số phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gà:
- Bã đậu nành
- Các loại cá tạp, ruột và đầu cá biển
- Ngô và bột ngô
- Cám gạo, tấm gạo
- Khoai, sắn
- Cỏ voi và các loại cỏ cao sản khác bổ sung dinh dưỡng, chất xanh rất tốt cho gà mọi lứa tuổi
- Cây keo dậu, trà khổng lồ bổ sung protein thô xanh nhưng không nên cho ăn nhiều vì chứa chất độc và chất kích thích đi ỉa ở gà
- Các loại côn trùng, giun đất
- Cua, ốc xay nhuyễn; các loại vỏ trứng gia cầm, xương động vật xay nhuyễn
- Trồng một số loại cây ăn quả có vị ngọt, lớn nhanh để lấy quả cho gà ăn như cây trứng cá, cây roi (cây mận theo cách gọi ở miền Nam)
Gà này mới lên hương mấy năm nay, và bây giờ đang xuống.
Nói chung, nuôi gà này thì lỗ chứ không lời. Lỗ vì bán khó, tỷ lệ đẻ thấp, ấp nở thấp, tỷ lệ thuần chủng thấp. Nói ra thì khó nghe, nhưng cứ nuôi thì biết.

Bác nói đúng nhưng chưa hết nhẽ!
- Gà này nếu nuôi đúng kĩ thuật của gà Đông Tảo (nuôi đủ 1 năm tuổi) thì giá thành phẩm của con gà đã là 250 ngàn/kg rồi. Nếu bán với giá dưới giá đó thì chắc chắn lỗ vốn. Vậy tại sao thị trường giờ này có gà khoảng 150 ngàn/kg? Nếu bán gà với giá 300 ngàn/kg thì thị trường ít người chấp nhận được cái giá đó vì cái gì ngon lắm ăn nhiều cũng chán!
- Tỉ lệ đẻ, sinh sản của bọn gà này cũng như các giống gà khác của Việt Nam mình thôi, chứ không thấp.
- Tỉ lệ nở của loại gà này đúng là thấp hơn các giống gà khác nếu nuôi tự nhiên chủ yếu và không bổ sung các chất khoáng cho chúng. Nguyên nhân chính: loại gà này thường lười kiếm mồi trong tự nhiên, đặc tính này giống như gà công nghiệp. Do đo người nuôi phải bổ sung dinh dưỡng nếu muốn tỉ lệ nở cao hơn. Ngoài ra con gà này cũng cần khống chế cân nặng, nếu béo quá sẽ đẻ kém, dễ bị dập trứng: nặng sẽ chết trong vài ngày, nhẹ thì bị u nang buồng trứng.
- Loại gà Đông Tảo hiện nay là do bảo tồn từ năm 1986 đến nay thì tỉ lệ thuần chủng thấp là đương nhiên. Gà hiện nay là sản phẩm lai giữa 2 giống gà Hồ và gà Đông Tảo. Bên cạnh đó thì hiện nay thị trường đang tạo ra trào lưu nuôi gà Đông Tảo chân sùi. Với người Đông Tảo thì đây không phải là giống thuần nhưng một số trang trại ở nơi khác cứ tuyên truyền như vậy thì xu hướng hiểu sai, hiểu nhầm về gà Đông Tảo là tất yếu!

=> Tôi khuyên bà con nếu nuôi gà "thuần chủng" thì nên cân nhắc trước đầu ra, nếu không có đầu ra thì đừng mở rộng mô hình nuôi thịt. Nếu muốn nuôi thì nên chọn theo cách này: cho gà Đông Tảo "thuần chủng" lai với giống gà của bản địa tại địa phương như gà Nòi,.. Nên chọn các giống gà khỏe mạnh, có vóc dáng to cao. Như thế sẽ tạo ra giống gà lai khỏe, nhanh lớn, thích ứng với điều kiện ở địa phương, thịt nhiều, cho năng suất hơn gà thuần nhưng thời gian nuôi, lượng tiêu thụ thức ăn vẫn tương tự.

Hiện tại tôi cũng đang phát triển theo hướng này là chính vì thị trường tiêu thụ gà Đông Tảo thuần rất chậm!
 
Tôi đang nuôi gà Đông Tảo theo cách như dưới đây. Chẳng mấy khi tôi cho ăn bằng thân cây chuối, lục bình cả vì mấy thứ đó dinh dưỡng đâu có nhiều:

V – Một số phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gà:
- Bã đậu nành
- Các loại cá tạp, ruột và đầu cá biển
- Ngô và bột ngô
- Cám gạo, tấm gạo
- Khoai, sắn
- Cỏ voi và các loại cỏ cao sản khác bổ sung dinh dưỡng, chất xanh rất tốt cho gà mọi lứa tuổi
- Cây keo dậu, trà khổng lồ bổ sung protein thô xanh nhưng không nên cho ăn nhiều vì chứa chất độc và chất kích thích đi ỉa ở gà
- Các loại côn trùng, giun đất
- Cua, ốc xay nhuyễn; các loại vỏ trứng gia cầm, xương động vật xay nhuyễn
- Trồng một số loại cây ăn quả có vị ngọt, lớn nhanh để lấy quả cho gà ăn như cây trứng cá, cây roi (cây mận theo cách gọi ở miền Nam)


Bác nói đúng nhưng chưa hết nhẽ!
- Gà này nếu nuôi đúng kĩ thuật của gà Đông Tảo (nuôi đủ 1 năm tuổi) thì giá thành phẩm của con gà đã là 250 ngàn/kg rồi. Nếu bán với giá dưới giá đó thì chắc chắn lỗ vốn. Vậy tại sao thị trường giờ này có gà khoảng 150 ngàn/kg? Nếu bán gà với giá 300 ngàn/kg thì thị trường ít người chấp nhận được cái giá đó vì cái gì ngon lắm ăn nhiều cũng chán!
- Tỉ lệ đẻ, sinh sản của bọn gà này cũng như các giống gà khác của Việt Nam mình thôi, chứ không thấp.
- Tỉ lệ nở của loại gà này đúng là thấp hơn các giống gà khác nếu nuôi tự nhiên chủ yếu và không bổ sung các chất khoáng cho chúng. Nguyên nhân chính: loại gà này thường lười kiếm mồi trong tự nhiên, đặc tính này giống như gà công nghiệp. Do đo người nuôi phải bổ sung dinh dưỡng nếu muốn tỉ lệ nở cao hơn. Ngoài ra con gà này cũng cần khống chế cân nặng, nếu béo quá sẽ đẻ kém, dễ bị dập trứng: nặng sẽ chết trong vài ngày, nhẹ thì bị u nang buồng trứng.
- Loại gà Đông Tảo hiện nay là do bảo tồn từ năm 1986 đến nay thì tỉ lệ thuần chủng thấp là đương nhiên. Gà hiện nay là sản phẩm lai giữa 2 giống gà Hồ và gà Đông Tảo. Bên cạnh đó thì hiện nay thị trường đang tạo ra trào lưu nuôi gà Đông Tảo chân sùi. Với người Đông Tảo thì đây không phải là giống thuần nhưng một số trang trại ở nơi khác cứ tuyên truyền như vậy thì xu hướng hiểu sai, hiểu nhầm về gà Đông Tảo là tất yếu!

=> Tôi khuyên bà con nếu nuôi gà "thuần chủng" thì nên cân nhắc trước đầu ra, nếu không có đầu ra thì đừng mở rộng mô hình nuôi thịt. Nếu muốn nuôi thì nên chọn theo cách này: cho gà Đông Tảo "thuần chủng" lai với giống gà của bản địa tại địa phương như gà Nòi,.. Nên chọn các giống gà khỏe mạnh, có vóc dáng to cao. Như thế sẽ tạo ra giống gà lai khỏe, nhanh lớn, thích ứng với điều kiện ở địa phương, thịt nhiều, cho năng suất hơn gà thuần nhưng thời gian nuôi, lượng tiêu thụ thức ăn vẫn tương tự.

Hiện tại tôi cũng đang phát triển theo hướng này là chính vì thị trường tiêu thụ gà Đông Tảo thuần rất chậm!
Bài viết của bác rất hay, anh em sẽ học hỏi được nhiều từ đây.thank bác
 
Bài viết của bác rất hay, anh em sẽ học hỏi được nhiều từ đây.thank bác
Tôi chỉ muốn mọi người hiểu đúng về con gà Đông Tảo và có hướng đi phù hợp với điều kiện của mình
 


Back
Top