Khổ vì cây chè

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Với tổng diện tích hiện có trên 26.500 nghìn ha, trong đó hơn 25 ngàn ha đang cho thu hoạch. Sản lượng bình quân đạt từ 170 - 180 ngàn tấn chè búp tươi mỗi năm, tương đương với 36 ngàn tấn chè thành phẩm, Lâm Đồng hiện là địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước. Thế nhưng người trồng chè Lâm Đồng lại đang phải đứng trước một tương lai ảm đạm vì không thể tìm đầu ra vững chắc cho sản phẩm do một tay mình làm ra.
Màu xanh của chè sẽ khó giữ được trong nay mai
 
  Cây chè ở Lâm Đồng được trồng tập trung chủ yếu ở thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Do đã có từ những năm 20 của thế kỷ trước nên hiện nhiều diện tích chè nơi đây nay đã già cỗi, cho năng suất thấp. Từ đó, việc tuyển chọn giống bị hạn chế không ít. Chính vì thế mà trong Đề án phát triển vùng nguyên liệu chè đưa ra từ năm 2000, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra mục tiêu nâng tổng diện tích chè lên 28 ngàn ha đến năm 2020, trong đó nâng các giống chè năng suất, chất lượng cao lên khoảng 55%. Đồng thời, triển khai nhiều dự án cải tạo vườn chè. Thế nhưng năng suất chè bình quân trên thực tế vẫn chỉ mới tăng từ 6,3 tấn vào năm 2002 lên 7,5 tấn chè búp tươi/1ha năm 2008. Còn chất lượng sản phẩm chè cũng chưa có gì thay đổi. Các sản phẩm chè xuất khẩu về mặt chất lượng hiện chỉ đạt 60% so với các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Srilanca…Và đó cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm chè của tỉnh chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. Ngành chè và người trồng chè ở Lâm Đồng đương nhiên khó tránh khỏi bị tác động xấu từ thực tế chung này.
  Đời sống người trồng chè, sự phát triển của cây chè luôn gắn chặt với thương hiệu và thế đứng của sản phẩm chè trên thị trường kể cả trong và ngoài nước. Từ đó việc phát triển các vùng chè nguyên liệu có năng suất và chất lượng cao, việc thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho cây chè là điều kiện không thể thiếu. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý cần phải hoạch định chiến lược, có những cơ chế chính sách, phát triển một cách phù hợp và mang tính đột phá từ khâu quản lý giống đến kỹ thuật canh tác. Tiến sĩ Phạm S, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng từng phân tích: “Để đưa sản phẩm chè ra ngoài thị trường có tính cạnh trạnh cao như hiện nay thì chè buộc phải đạt chất lượng hơn. Và muốn có chè đạt chất lượng không có cách nào khác là phải thay đổi giống cây trồng, đồng thời phải đưa công nghệ sản xuất chè an toàn theo hướng GAP vào từng nông hộ và từng làng trà. Để họ sản xuất ra một sản phẩm tốt nhất phục vụ cho chế biến và xuất khẩu sau này”. Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, tại Hội thảo nâng cao năng lực canh tranh cho các doanh nghiệp chè Việt Nam, vừa được tổ chức tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2008 thì cho rằng “Hiện vị thế của cây chè Việt Nam đứng thứ 5 thế giới nhưng giá thì đứng thứ 13 vì thế người nông dân chưa gắn bó với cây chè. Do đó, muốn phát triển một vùng chè nguyên liệu bền vững chúng ta cần phải tổ chức sản xuất vùng chè cho ra vùng chè chứ không nên manh mún như hiện nay”
  Trong khi đó, huyện Bảo Lâm, một trong những vùng chè tập trung lớn nhất của tỉnh lâm đồng với trên 13 ngàn ha thì hiện tại người dân nơi đây vẫn chủ yếu đang canh tác cây chè hạt truyền thống vốn cho năng suất và chất lượng kém trước sự thả nỗi của chính quyền và ngành chức năng địa phương. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá chè búp tươi của địa phương này bị rớt giá thảm hại khi đưa ra thị trường, hiện chỉ còn từ 800 đến 1.200 đồng/kg, thậm chí đối với những xã vùng sâu, vùng xa như Lộc Bắc, Lộc Bảo có lúc giảm xuống còn 400 đồng/kg chè búp tươi. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Nguyễn Bá Đông, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho rằng: “Hiện nay thị trường thế giới biến động theo xu thế giảm, trong đó giá trà nguyên liệu giảm rất là mạnh. Đây là một trong những yếu tố mà chúng tôi đang suy nghĩ là phải làm sao có một hướng đi tới đây phải xây dựng cho được vùng chè an toàn và chất lượng, sản xuất trên một quy trình công nghệ tốt, đưa ra một sản phẩm đạt chất lượng cao. Tuy nhiên muốn làm điều này chúng tôi phải được sự hỗ trợ của cấp trên chứ nếu như tình hình hiện nay thì chỉ trong vòng vài năm nữa là bà con sẽ chặt bỏ hết chè mất ”
    Một thực tế cần phải thẳng thắn nhìn nhận đó là lâu nay người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất chế biến trà ở Lâm Đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc liên kết sản xuất: Nông dân thì cứ tự phát mở rộng diện tích chè, tự chọn giống, còn doanh nghiệp thì không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân ngay khi xuống giống mà thực hiện chiêu “kê ghế canh bà hàng xóm” - thu mua chè bằng những cái giá rả mạt vào cuối mùa thu hoạch vì biết rằng người dân biết bán cho ai.. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành đầu ra không ổn định. Là một lão nông tri điền đã hơn 15 năm gắn bó với cây chè với hơn 5 sào đang cho thu hoạch nhưng vừa qua bác Nguyễn Quốc Chấn ở phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc đã phải chặt bỏ đi gần ½ diện tích vườn chè nhà mình để chuyển sang trồng cà phê vì giá chè xuống thấp, trong khi chi phí thuê nhân công thì lại quá cao. Cùng tâm sự như bác Chấn, anh Hoàng Văn Quang, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng trăn trở “tiền bán chè búp tươi từ 1 ha chè hạt gia đình tôi giờ không đủ trả tiền công thuê hái”. Không có cách nào khác, ông Quang đành phải chặt bỏ hơn 5 sào chè đang cho thu hoạch của vườn nhà để đầu tư trồng hoa màu lấy cái mà duy trì cái ăn cho cả gia đình.
    Theo tâm sự của hầu hết hộ dân trồng chè địa phương, để người nông dân gắn bó với cây chè cũng như để ngành chè địa phương phát triển, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người trồng chè và các doanh nghiệp chế biến trà cần phải xây dựng được mối liên kết bền chặt. Vì người nông dân là người trực tiếp làm ra nguyên liệu, nhà doanh nghiệp là người đứng ra thu mua nguyên liệu và làm ra thành phẩm nên 2 nhà này gặp nhau được thì mới tránh được tình trạng lúc chè được mùa thì không biết bán ở đâu, khi chè có giá thì không tìm đâu ra sản phẩm để bán.. Tuy nhiên cùng với doanh nghiệp, người nông dân thì vai trò của chính quyền địa phương và các nhà khoa học cũng hết sức quan trọng. Vì nếu không có họ thì người nông dân trồng chè cũng chẳng khác gì người sắp đẻ mà thiếu bà đỡ!
     Còn nhớ chỉ cách đây chưa đầy 3 tháng, Lễ hội Văn hóa Trà tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 được tổ chức hết sức hoành tráng tại thị xã Bảo Lộc để nhằm tôn vinh người trồng chè, khẳng định một thương hiệu trà Việt xứ B’lao. Thế nhưng điều đáng tiếc là vào cũng chính vào thời điểm này những người trồng chè nơi đây lại đang đứng trước một câu hỏi lớn là liệu  có thể tiếp tục sống được với cây chè hay không!?
  (Nhà báo Trần Minh Đức, số 27b, đường Ba Tháng Tư, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.  ĐT: 0916233264)
 


Last edited:


Back
Top