Kinh nghiệm chăm sóc cây mùa hè tươi tốt

  • Thread starter chisaicoi
  • Ngày gửi
Mùa hè là mùa nắng nóng và mưa nhiều, cây cảnh trồng trong chậu nếu không biết cách chăm sóc sẽ bị chết vì nhiệt độ cao, khô hạn hoặc bội chi về nước. Nhưng ngược lại, nếu biết cách chăm sóc tốt thì lại rất tốt.

Cây về mùa hè phát triển rất nhanh, thân to ra trông thấy, cành tán sum xuê, các vết cắt lại nhanh liền sẹo. Đặc biệt các cây thuộc họ sanh, đa, si, gừa, ngũ gia bì… bộ rễ từ các thân cành buông xuống tua tủa. Đây là thời gian rất thuận lợi cho việc tạo dáng và chỉnh sửa lại cây cảnh theo ý muốn.Sau nhiều năm gắn bó với nghề cây cảnh, tôi xin nêu một số biện pháp chăm sóc cây cảnh trong mùa hè mang lại hiệu quả cao:
1 . Chú ý chỗ kê đặt cây cảnh:

Địa điểm kê đặt cây cảnh trong khuôn viên gia đình hay công sở phải theo đặc tính của từng loại cây: những cây chịu hạn, nắng nóng cao (tùng, sanh, si, đa, vạn tuế, sứ…) đặt nơi dại nắng. Những cây chịu nắng nóng nhưng không chịu khô hạn (lộc vừng, sung, đào, mai…) đặt nơi dại nắng nhưng trên mặt chậu phủ một lớp rơm rạ mục hoặc bèo Tây… để luôn giữ ẩm. Những cây không chịu nắng nóng như bồng bồng, thiết mộc lan, trúc nhật, các loại hoa lan… thì làm giàn che hoặc kê đặt dưới các tán cây, nơi thoáng mát.

2. Tưới nước hàng ngày để giữ độ ẩm cho cây:

Cây trồng trong bồn, bầu đất nhỏ, lại chịu nắng nóng nên dù tưới nước đẫm độ ẩm cũng chỉ đủ cho cây sống, tươi xanh trong ngày. Vì vậy hàng ngày ta phải tưới nước bổ sung cho cây. Cách tưới tốt nhất là tưới vào trước buổi bình minh và sau lúc hoàng hôn. Khi tưới nước cho cây chú ý tưới từ bầu cây đến toàn bộ thân, cành và lá cây. Trước tiên là tưới bầu cây, phải tưới từ từ, tưới đi tưới lại nhiều lần, khi nào thấy lỗ thoát nước dưới đáy chậu chảy ra mới được. Tưới xong bầu cây ta tiếp tục dùng vòi phun tưới ướt toàn bộ lá và thân, cành cây.

Tưới nước đầy đủ và đúng quy trình như trên giúp cho cây luôn đủ độ ẩm, tươi xanh và phát triển bình thường.Lưu ý tuyệt đối không được tưới cây giữa lúc trời trưa nắng, cây có thể bị chết do chênh lệch nhiệt độ hoặc khúc xạ nhiệt. Để rõ hơn bạn có thể đọc bài viết ở link sau : http://huongsacvn.com/vi-sao-khong-duoc-tuoi-nuoc-cho-cay-luc-troi-trua-nang/

3.Chống úng cho cây:

Một số cây chịu hạn cao nhưng lại không chịu úng như vạn tuế, sứ… một số cây không chịu cả hạn và úng như đào, mai, tùng… Mùa hè mưa nhiều, nếu trồng trong chậu mà lỗ dưới đáy không thoát được nước thì cây sẽ bị bội chi về nước, bộ rễ trong chậu bị thâm đầu, thối rữa, cây héo rũ rồi chết. Vì vậy người trồng cây cảnh phải thường xuyên chú ý quan sát các chậu cây sau mỗi một trận mưa, nếu chậu cây nào nước bị đọng không thoát được thì phải có biện pháp khắc phục ngay (bằng cách nghiêng chậu khoan lại lỗ thoát nước dưới đáy cho nước thoát nhanh ra hoặc nhấc cả bầu cây ra để nơi râm mát cho khô bớt nước rồi trồng lại vào chậu có lỗ thoát nước tốt).
4. Bón phân bổ sung cho cây:

Mùa hè nắng nóng và mưa nhiều, độ ẩm cao nên thức ăn trong bầu đất phân hủy nhanh, một phần nuôi cây, một phần bị rửa trôi nên thức ăn trong bầu cây nhanh cạn kiệt, vì vậy hàng tháng ta phải bón phân bổ sung cho cây đủ thức ăn phát triển bình thường. Phân bón cho cây vào mùa hè tốt nhất là tận dụng các phế phẩm thực vật như đỗ tương, ngô, lúa… kém chất lượng, loại bỏ không ăn đến, đem ngâm nước cho thối mục, để hoai bớt mùi rồi đem pha loãng với nước tưới trực tiếp vào gốc cây.

Nếu không có điều kiện trên thì ngâm phân NPK với nước lã cho tan đều, rồi pha loãng tưới cho cây cũng rất tốt. Sau khi tưới nước phân xong phải tưới qua một lượt nước lã, cho nước phân ngấm sâu vào bầu đất, vừa giữ được chất phân, vừa hạn chế được sự ô nhiễm môi trường. Về mùa hè, không nên đào bới gốc cây ra bón phân trực tiếp, làm như vậy rễ bị đứt, cây bị chột và gặp nắng hạn kéo dài, nước tưới chỉ đủ độ ẩm cho cây sống, phân bón không phân hủy được dẫn đến rễ chết sót, cây phát triển không đều. Nếu chăm sóc không tốt cây sẽ bị bỏ cành hoặc bị chết.

5. Phòng trừ sâu bệnh cho cây:

Về mùa hè thời tiết nóng ẩm, là mùa các loại loại sâu bệnh phá hoại cây cảnh phát triển mạnh, nhất là sâu ăn lá và sâu đục thân, ngoài ra còn có một số các loài sâu khác như rệp cánh trắng, bọ trĩ, nấm mốc, kiến lên làm tổ v.v… Qua nhiều năm theo dõi tôi thấy thường mỗi loại cây cảnh có một loại sâu phá hoại khác nhau như: lộc vừng, sanh, sung, đa, tùng (bị sâu tàng hình – sâu có màu sắc giống vỏ cây hoặc lá cây – làm cho mắt người khó phân biệt, bọ róm ăn lá và búp ngọn), vạn tuế (nấm mốc), ngâu, sếu (rệp cánh trắng) v.v…

Người trồng cây cảnh phải thường xuyên theo dõi, phát hiện sâu bệnh sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nếu để kéo dài, cây sẽ xơ xác, mất vẻ đẹp; bị nặng sẽ khó cứu sống lại được. Xin nêu biện pháp phòng trừ hai loại sâu phá hoại cây cảnh phổ biến nhất là sâu ăn lá và sâu đục thân:Đối với sâu tàng hình, bọ rớm phải thường xuyên vệ sinh bồn gốc, thân, tán cành cây bằng cách quan sát, diệt bỏ các tổ kén sâu mới hình thành. Khi thấy có phân sâu rơi xung quanh chậu, dùng kẹp bắt hết từng con (ban ngày tìm sâu ẩn nấp dưới gốc, nơi các hốc cây; ban đêm soi đèn bắt vào lúc sâu ra ăn). Nếu sâu nhiều không bắt xuể, mới phải dùng thuốc phun.

Thuốc phun hiệu quả nhất là Sát trùng Đan, pha theo đúng tỷ lệ trên bao bì hướng dẫn và phun vào lúc chiều mát. Những cây gần nhà phải nhấc ra xa để tránh ô nhiễm, gây độc hại.Với sâu đục thân có nhiều cách trị: cho ít mỡ lợn vào trong ổ sâu đục làm mồi cho kiến vào ăn và diệt sâu luôn. Hoặc cho ít thuốc sâu bột như Vô-pha-tốc, sát trùng đan… vào trong lỗ sâu đục rồi dùng đất sét chét kín thì sâu không phá hoại được nữa.

Nhờ có những biện pháp chăm sóc cây trên mà năm nào cũng vậy, suốt cả mùa hè ngót 200 chậu cây cảnh trong vườn gia đình tôi lúc nào cũng sum suê, xanh tốt, nhiều cây như sung, lộc vừng, hoa giấy… vẫn đủ sức đơm hoa kết trái rất đẹp mắt.
 




Back
Top