Kỹ thuật trồng gừng

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
CÂY GỪNG
Tên khoa học: Zingiber offcinale Rosc
Họ gừng: Zingiberaceae
1. CHỌN VÀ CHUẨN BỊ GIỐNG
1.1 Chọn giống
Giống gừng Tàu già củ to, bóng, không khô héo, không nhăn nhúm, teo dọp, không sâu bệnh.
1.2 Chuẩn bị giống
Vì chúng ta trồng vào muà nắng do đó ủ giống cho nẩy mầm trước khi trồng là khâu rất cần thiết để khi trồng gừng lên đều. Đây là yếu tố quyết định trước tiên đến năng suất gừng sau này.
Gừng giống phải được chuẩn bị một tháng trước khi trồng. Đem gừng về để nơi thoáng mát cho nhót bớt nước khoảng một tuần rồi tiền hành bẻ hom:
* Khi bẻ hom giống phải to từ 40-60 gram, nguyên vẹn, không được dùng dao bổ đôi củ giống vì khi trồng mất nước dễ chết, hom giống to mới đủ sức nuôi cây con mạnh khoẻ trong giai đoạn đầu.
* Dùng tay bẻ hom chớ không dùng dao cắt vì dùng dao thì mầm bệnh sẽ từ củ này dễ dàng lan truyền sang củ khác, bẻ xong cho gừng vào ngâm trong dung dịch thuốc Topsin hoặc Dithane với liều lượng 200 g thuốc pha loãng với 50 lít nước ngâm khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra trãi chỗ khô ráo cho nhót nước khoảng một tuần, rồi tiến hành ủ giống: Gom gừng lại thành đống cao không quá 5 tấc phủ lên một lớp rơm rối tưới cho đủ ẩm.
Chú ý:
+ Nền ủ phải cao và thoát nước tốt, trãi lên nền ủ một lớp tro trấu dầy từ 10-20 cm, sau đó mới xếp gừng lên ủ.
+ Không quá khô, không quá ẩm, nếu khô gừng sẽ chậm nẩy mầm, còn quá ẩm sẽ bị thối.
+ Khoảng nửa tháng sau củ gừng u mầm thì mang đi trồng, không để mầm quá dài chuyên chở dễ gãy.
2. CHUẨN BỊ PHÂN HỮU CƠ
Phân hữu cơ là yếu tố quyết định rất lớn đến năng suất, dùng tro trấu mục, rơm mục: 2 tấn trộn với 2 tấn phân chuồng bón cho 1.000 m<sup>2</sup>. Nếu không có phân chuồng thì có thể sử dụng các loại phân hữu cơ khác để thay thế.
3. CHUẨN BỊ ĐẤT
Đất phải được cày sâu 25-30 cm, phơi ải, xới cho nhuyễn rồi lên liếp. Trường hợp đất cao thoát nước tốt không bị úng vào muà mưa thì không cần lên líp.
* Hướng liếp: phải vuông góc với mương tưới nước để tưới - tiêu nước được thuận lợi.
* Kích thước liếp: liếp có thể rộng từ 1- 1,2 m tùy khoảng cách trồng, chiều dài không quá dài làm cho tưới tiêu nước khó khăn. Tốt nhất ta đào thêm 1-2 mương dẫn nước ở giữa, giống như trồng dưa hấu để tưới tiêu nước được dễ dàng. Chiều cao liếp từ 20-30 cm.
* Làm đất trên mặt liếp: mặt liếp phải được làm thật bằng phẵng, bằm đất thật nhuyễn để rễ gừng dễ sinh trưởng.
4. KỸ THUẬT TRỒNG
* Bón phân lót: trước khi xới đất tác cuối, tiến hành rãi 2 tấn phân hữu cơ, toàn bộ Super lân và 5 kg Kali đều khắp mặt ruộng rồi xới trộn cho đều, sau đó lên líp.
* Khoảng cách và mật độ trồng: có thể áp dụng một trong các khoảng cách trồng như sau: 40 x 30 cm; 50 x 20 cm đối với liếp đôi, hoặc 70-20 cm đối với liếp đơn.
- Nếu trồng theo khoảng cách 50-20 cm thì lên liếp rộng 1 m, trồng hai hàng dọc, hàng cách hàng 50 cm và cây cách cây 20 cm.
- Nếu trồng theo khoảng cách 40-30 cm thì mặt liếp rộng 1,2 m, trồng hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 30 cm.
- Nếu trồng theo khoảng cách 70-20 cm thì liếp rộng 1,2 m, trồng hai hàng dọc theo liếp, hàng cách hàng 70 cm, cây cách cây 20 cm.
Sau này khi vun gốc, tiến hành lấy đất ở giữa liếp đấp vào hai hàng gừng hai bên, tạo thành liếp đơn như giồng khoai lang.
* Cách đặt hom giống: đào hốc sâu 10 cm, bằm đất dưới hốc thật nhuyễn, rãi Basudin xuống hốc 2 kg/1.000 m<sup>2</sup>, đặt củ gừng xuống đè cho tiếp xúc với đất rồi phũ lên một lớp phân hữu cơ 5-7 cm, dùng thùng vòi búp sen tưới đẩm rồi phũ lên một lớp rơm dầy giữ ẩm..
5. CHĂM SÓC
* Tưới nước: tưới 2 lần/ngày bằng thùng vòi búp sen đều đặn, tránh tình trạng tưới nước bằng máy ngập cả liếp rồi vài ngày sau đó mới tưới trở lại làm cho lèn đất gừng sẽ không nẩy mầm. Nếu có trời mưa thì không cần tưới thêm, nhưng trới nắng lại thì phải tưới nước.
Chú ý:
- Không để gừng thiếu nước, vì thiếu nước gừng chậm phát triển, kéo dài thời gian sinh trưởng. Gừng là cây rất háo nước nhưng lại không chịu úng.
- Chất lượng nước tưới: Nước phải tốt không bị nhiểm phèn chua, nếu tưới nước phèn thì gừng bị đén chậm phát triển.
- Khi gừng có củ có thể áp dụng phương pháp tưới thấm vào chiều mát rồi rút nước ra nhanh vì gừng không chịu ngập úng (chỉ áp dụng cho loại đất nhẹ thoát nước tốt).
* Bón phân: tổng lượng phân cần dùng cho 1.000 m<sup>2</sup>: Urea 50 kg, Super lân 100 kg (bón lót toàn bộ), Kali 10 kg (bón lót 5 kg).
Khi gừng lên cây khoảng 30% thì pha một muỗng canh ure vào thùng 20 lít tưới. Tưới 2-3 lần mỗi lần cách nhau 4-5 ngày.
Khi thấy bụi gừng có từ 2-3 cây con tiến hành bón thúc 7 ngày một lần với liều lượng 5 kg ure rãi cách gốc 10 cm. Mỗi tháng kết hợp làm cỏ và xới xung quanh chống lèn đất.
Kali còn lại bón rãi vào 90 ngày sau khi trồng.
Trong trường hợp có trồng xen: Khi ta bón phân cho cây trồng xen (phân này phải mua thêm) gừng cũng hấp thu lượng phân này nên không cần tưới phân thêm cho gừng. Khi thu hoạch dứt điểm cây trồng xen, ta tiến hành bón phân thúc như đã nêu trên.
Chú ý: Không cho phân bám trên lá gừng làm cháy lá
* Vun gốc: tiến hành vun gốc khi cây có 3-4 cây con/bụi, bỏ phân hữu cơ thẳng vào gốc cao khoảng 5 cm. Sau đó đấp lên một lớp đất mỏng khoảng 1-2 cm. Biện pháp tốt nhất là trộn 50% đất và 50% phân hữu cơ để vun gốc. Khi thấy củ non lồi lên mặt đất thì vun gốc tiếp tục.
Chú ý: Phải thường xuyên theo dõi gừng, nếu thấy lồi củ thì vun gốc. Không nhất thiết phải vun gốc đồng loạt. Tránh trường hợp vun gốc quá dầy sẽ làm củ gừng vươn dài, ốm không đạt yêu cầu.
* Làm cỏ xới gốc: cần làm sạch cỏ dại, vì cỏ dại mang mầm bệnh lây lan cho gừng, kết hợp xới xáo làm cho đất thoáng xốp tránh được hiện tượng lèn đất giúp gừng sinh trưởng dễ dàng.
* Trồng xen: việc trồng xen trên ruộng gừng vào mùa khô có ý nghĩa rất lớn. Ngoài việc làm tăng thu nhập nó còn giúp giữ ẩm, che mát và thúc bách chúng ta tưới nước cho gừng.
Cây trồng xen được chọn phải là những cây háo nước, thời gian sinh trưởng dưới 2 tháng như: Dưa leo chuột, bắp nù... Nếu trồng Bắp nù thì khi thu hoạch chỉ nên thu trái chừa cây lại che mát cho gừng hoặc chỉ cần chặt nữa cây, dần dần khi gừng quen nắng mới chặt hết cây và phủ lại để giữ ẩm.
6. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
* Cào cào, châu chấu: chỉ cắn phá lá, gây thiệt hại không lớn, nên phun các loại thuốc có mùi hôi để xua đuổi chúng.
* Bệnh cháy lá: là bệnh rất phổ biến, có hai dạng
+ Cháy từ chóp lá vào: vết bệnh màu vàng cam thường không có hình dạng đặt biệt, bệnh phát triển mạnh tơ nấm sẽ chui vào nách lá tấn công xuống củ làm chết cả cây.
+ Vết cháy: lúc đầu nhỏ hình tròn đến bầu dục, trong vết bệnh có những chấm đen, sau đó vết bệnh lớn dần và kết dính lại với nhau làm cháy cả lá. Đặc điểm nhận dạng là vết bệnh luôn có các chấm đen. Phòng trị: Carbebzim, Tilt, Bavistin... theo liều chỉ định.
* Bệnh thối củ: đây là bệnh gây hại lớn nhất trên gừng và không có thuốc trị hữu hiệu. Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanascerum và Ewinia sp. gây nên. Dùng thuốc gốc đồng để tưới vào rễ.
Triệu chứng: cây gừng đang xanh tốt, bổng dưng bị héo đột ngột vào giữa trưa, vài hôm sau toàn bộ cây bị vàng, khi nhổ lên đỉnh sinh trưởng sẽ có nhựa đục như sữa. Bệnh lây lan rất nhanh nếu thấy bệnh xuất hiện cần thu hoạch sớm để tránh thiệt hại.
7. THU HOẠCH
Tiến hành thu hoạch khi củ gừng chưa có xơ, tuy nhiên cũng không quá non vì thu khi chế biến củ bị nhăn nhúm giảm chất lượng. Nếu chăm sóc tốt, bón phân, tưới nước đầy đủ thì thu hoạch vào 110-120 ngày tuổi. Tiêu chuẩn củ thương phẩm:
* Loại I: Trọng lượng củ trên 200 g, đường kính chổ to nhất trên 4 cm, không có xơ.
* Loại II: Trọng lượng củ dưới 200 g, không xơ, hoặc đường kính củ chổ to nhất nhỏ hơn 4 cm.
Khi thu hoạch rữa sạch sẽ, chặt cây chừa lại 2 cm. Chú ý không làm gẫy củ vì củ gẫy nhỏ sẽ làm giảm tỉ lệ loại I.
<!-- InstanceEndEditable -->
 


Last edited:


Back
Top