Kỹ thuật trồng hoa Thiên Lý

  • Thread starter ngongviet
  • Ngày gửi
Kỹ thuật trồng hoa thiên lý?


Xem hình

Cây thiên lý là loại cây dây leo, ra hoa thành từng chùm. Hoa thiên lý được dùng làm rau ăn. Người ta dùng hoa thiên lý để nấu canh cua, ăn với lẩu hoặc sào với các loại thịt. Rau thiên lý có vị ngọt tương tự như nêm bột ngọt, nên khi chế biến làm các món thức ăn người ta không cần nêm bột ngọt mà món ăn vẫn có vị ngọt vừa miệng và hấp dẫn. Thiên lý còn là cây làm cảnh và cho bóng mát. trước nhà mà có giàn thiên lý vừa có cảnh quan mát mẻ, vừa toả hương thơm ngát thật dễ chịu. Thiên lý là cây ra hoa kéo dài và liên tục, nên nếu trồng kinh doanh cần phải làm giàn riêng và có độ bền chắc chắn.

Hiện nay chưa có một tài liệu nào hưóng dẫn về kỹ thuật trồng cây hoa thiên lý, nên dựa vào kinh nghiệm của bản thân là người đã trồng đã từng trồng loại cây này để trao đổi cùng bà con nông dân, những người muốn trồng thiên lý.

1. Chuẩn bị cọc:
Cọc được đổ bằng beton bên trong có 3-4 cọng sắt (loại sắt 6), nếu cọc làm không chắc thì sau này khi căng dây kẽm và khi giàn nặng sẽ bị gãy.

2. Làm giàn:
Tuỳ theo diện tích đất trồng để bố trí giàn:
-Nếu đất rộng từ 1000m2 trở lên thì nên bố trí giàn thành băng để dễ chăm sóc và thu hoạch. Bố trí giàn theo hướng Đông Tây, giàn cách giàn 1m, chiều rộng của giàn từ 5-8m, chiều cao từ 1,6 –1,7m (đừng cao quá và cũng đừng thấp quá đối với người phải thường xuyên đi dưới giàn để thu hoạch hoa, vì đặc điểm của thiên lý thường ra hoa phía dưới giàn nhiều hơn, còn số hoa phía trên giàn thì có thể bắc ghế vạch lỗ chui lên để hái. Khoảng cách cọc từ 3,5 - 4m một cọc, chôn cọc hai dãy ở hai mép giàn, sau đó dùng dây kẽm căng đan xen ngang, dọc để làm giàn cho dây leo.

3. Chuẩn bị hom và trồng:
Dùng những đoạn dây bánh tẻ (không già quá và cũng không non quá) làm hom, cắt mỗi hom dài khoảng 1m, khoanh tròn phần phía dưới, chừa lại khoảng 1-2 mắt phía trên. Có thể xử lý hom bằng cách phun kích thích sinh trưởng Atonik để kích thích nhanh ra rễ. Nếu trong vườn đã có sẵn giàn thiên lý thì ta có thể dùng những dây lươn mọc gần gốc, vùi đoạn sát gốc xuống đất, khoảng 15-20 ngày sau rễ mọc nhiều, ta có thể cắt tách rời khỏi cây mẹ đem trồng.
Chú ý khi trồng bứng luôn cả đất và rễ thì cây đỡ mất sức, trồng đảm bảo tỷ lệ sống cao hơn.

Bố trí hố trồng: Hố trồng được đào vào giữa giàn để dây toả ra bốn bên hoặc nếu bố trí hai bên mép giàn thì phải bố trí trồng so le để dây thiên lý bò dàn đều khắp giàn, không bị chồng lên nhau. Khoảng cách nên 3-4m bố trí một hố, mỗi hố trồng khoảng 2 – 3 hom. Hố trồng: Được đào sâu khoảng 40cm, rộng, dài 0,5m-1m, đổ phân chuồng hoai, càng nhiều càng tốt, trộn với phân DAP, phân vi sinh, thuốc trừ nấm (Zineb hoặc copper Zine...) và một lượng đất mặt vừa phải. Toàn bộ hỗn hợp trộn đó được cho xuống hố (xấp xỉ với miệng hố), sau đó moi lỗ đặt phần khoanh tròn của hom xuống lấp đất chừa 1-2 mắt nằm phía trên mặt đất và nén chặt, tưới nước đủ ẩm, cắm cọc xung quanh và dùng lá chuối buộc che nắng bên trên. Phải thường xuyên tưới đảm bảo đủ độ ẩm. Làm như vậy chỉ khoảng 7-10 ngày sau các mắt trên mặt đất của hom sẽ nảy mầm. Cần phải bảo vệ các mầm này thật kỹ để khi cây bắt đầu leo lên giàn thì chọn những chồi tốt nhất để làm giây cái, những dây nhỏ không đạt yêu cầu thì cắt bỏ. Khi dây leo lên đến sát giàn thì bấm ngọn để cây cho cành cấp 1. Khi cành cấp 1 được khoảng 8-10 lá thì bấm ngọn tiếp để cho ra cành cấp 2, và khi cành cấp 2 được 8-10 lá thì bấm tiếp để cho ra cành cấp 3 và cứ tiếp tục cho đến khi dây leo kín giàn.

Rễ thiên lý là loại rễ ăn cạn nên khi bón phân không cần xới xáo, chỉ cần rải phân và sau đó phủ lên một lớp mùn và phủ lá khô là được. Phân bón dùng cho thiên lý chủ yếu là phân chuồng hoai, bổ sung thêm NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8. Bình quân 1 tháng bổ sung phân chuồng 1 lần khoảng 5-10 kg / gốc, đồng thời bón kết hợp khoảng 150 – 200g NPK trên 1 gốc.

Nhu cầu về nước: Thiên lý không chịu được úng nhưng nếu bị khô hạn thì cây phát triển cằn cỗi và cho năng suất thấp. Thường xuyên tưới giữ ẩm cho gốc. buổi trưa nắng cần tưới phun lên khắp giàn để hạ nhiệt độ và làm giảm bốc thoát hơi nước qua lá.

Về sâu hại: Qua nhiều năm trồng thiên lý cho thấy sâu hại chủ yếu là rầy mềm và bọ trĩ thường xuất hiện vào những tháng nắng nóng. Cần quan sát thường xuyên để phát hiện và kịp thời phun thuốc khi rệp, bọ trĩ mới xuất hiện để tránh lây lan. Thường xuyên cắt tỉa bớt những lá già và lá ở những chỗ dây leo chồng lên nhau rậm rạp. làm cho giàn thông thoáng, hạn chế rầy và sâu bệnh khác phát triển đồng thời kích thích cây cho hoa nhiều hơn. Việc tưới phun trên lá cũng hạn chế sự phát triển của bọ trĩ.

Vào những tháng có ngày ngắn (từ tháng 10-12 al) để đảm bảo cho cây ra hoa đều và đạt năng suất ổn định, ngoài việc đảm bảo chế độ bón phân và tưới nước, người ta còn mắc thêm bóng đèn tròn rải rác phía trên giàn thiên lý để kích thích cho cây ra hoa. Thời gian thắp đèn khoảng 4-5 giờ một đêm, chia làm 2 lần: Buổi tối từ 19 giờ đến 22 giờ và 3 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Thu hoạch khi chùm nụ hoa gần nở (khoảng 1 ngày trước khi nở hoa). Nếu thu hoạch buổi chiều thì khi đem về nhà nên rải ra và để trong bóng tối sẽ hạn chế hoa nở.

Thiên lý là cây lưu niên, nếu chăm sóc tốt, trồng một lần có thể cho thời gian kinh doanh từ 3-4 năm. Hàng năm vào khoảng tháng 11-12, tuỳ theo sức sinh trưởng phát triển của giàn thiên lý, nếu thấy dây leo rậm rạp, cành nhánh nhỏ thì có thể tiến hành cắt bỏ những cành nhánh phụ, để lại bộ khung và cây sẽ cho ra những nhánh mới và tiếp tục ra hoa.
 


Theo mình được biết ở Long An người ta trồng Thiên Lý làm giàn thấp khoản 1 mét hoặc 1,2 mét thôi. Bạn nói bông Thiên Lý mọc chủ yếu ở dưới nên phải làm giàn cao nghe có vẻ mâu thuẩn???
 


Back
Top