Làm mồi giả câu mực

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Trong hàng chục nghề truyền thống khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Kiên Giang, câu mực là một nghề khá độc đáo. Bởi lẽ, để nhử và bắt loài nhuyễn thể này cần phải có những miếng mồi giả đặc biệt, được làm bằng những vật liệu cũng khá đặc biệt.


Thực ra, trước đây hàng chục năm, ở Phú Quốc và một số nơi trên địa bàn Kiên Giang đã có những người chuyên làm mồi giả câu mực. Tuy nhiên, do điều kiện vốn, cơ sở vật chất hạn chế nên sản phẩm của họ được thực hiện hoàn toàn theo phương thức thủ công. Mặc dù nhu cầu của ngư dân khá cao, song do năng suất thấp, đầu ra thiếu ổn định nên những cơ sở này chưa thể phát triển.


Trong bối cảnh ấy, Cty TNHH Hải Đăng ở phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng chuyên làm mồi giả cho nghề câu mực. Đến thời điểm này, Cty TNHH Hải Đăng đã trải qua 4 năm hoạt động, sản xuất 100.000 sản phẩm/tháng. Với hơn 50 người buổi đầu thành lập, đến nay lực lượng công nhân của Cty đã là gần 200, thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của Cty cung cấp chủ yếu cho ngư dân các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ.


Ông Lý Triệu Điền, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Kiên Giang, nói: Để có được những sản phẩm hoàn chỉnh như hiện nay, trước hết phải cảm ơn những người thẻ mực. Quá trình lao động cực nhọc trên biển, họ đã từng bước góp phần cải tiến miếng mồi giả khiến việc câu mực đạt năng suất gấp đôi, gấp ba so với câu thủ công mà lại ít tốn sức. Miếng mồi giả được cấu thành bởi con tôm làm bằng nhựa cứng, toàn thân nó được phủ một lớp sơn dạ quang. Nhờ vậy, trong đêm tối mực có thể dễ dàng phát hiện mồi. Một miếng chì nhỏ được gắn vào phần dưới đầu tôm.


Tùy theo loại mồi lớn nhỏ, miếng chì có tác dụng như chiếc bánh lái giữ thăng bằng và duy trì độ nông sâu của con mồi trong lúc câu mực. Trên đầu tôm là sợi dây cước dài 20-25 m buộc “chết” lại rồi nối với cần, đuôi tôm gắn với chùm lưỡi câu sắc nhọn. Cái hay của mồi giả là khi được kéo đi, con tôm luôn trong tư thế “bơi” theo một đường zích zắc. Càng zích zắc thì lớp sơn dạ quang từ con mồi càng phát sáng, mực bị thu hút nhiều. Thường thì câu mực nang, độ dài của dây cước chìm dưới mặt nước biển chừng 2 m. Còn câu mực ống, dây cước phải chìm dưới mặt biển từ 4-6 m.


Anh Nguyễn Thanh Mến, một thợ thẻ mực có thâm niên hơn 30 năm, ngụ tại xã An Sơn (Kiên Hải - Kiên Giang), cho biết: Cánh nay chừng 10 năm, cứ vào ban đêm, những người đi thẻ mực đem theo đèn măng sông, cần câu, bơi thuyền thúng ra cách chân hòn 2-3 cây số là đã gặp mực. Khi ánh đèn măng sông bật sáng, họ đứng ré chân chèo, tay cầm cần câu gắn với sợi dây cước dài độ 7-10 m, vung mạnh ra phía trước, liên tục rê qua rê lại. Mồi là miếng vải đã được sơn dạ quang, buộc vào dây câu cùng với miếng chì nhỏ. Với đặc tính bắt sáng, con mực mải mê đuổi theo miếng mồi giả. Cứ thế, khi nó tiến sát bên thuyền thúng, người ta dùng vợt luồn xuống mặt nước xúc chúng lên. “Hồi ấy mực nhiều, thẻ mê lắm. Bình quân một đêm được khoảng 13-15 kg, người thẻ giỏi thì được 20 kg” – anh Mến nói.


Anh Vĩnh Khương, một thợ câu mực nổi tiếng ở vùng biển Phú Quốc khẳng định, cái thời tôm cá nhiều vô kể đã qua lâu rồi. Bây giờ, đi “chạy mực” phải có vỏ máy, đèn điện bình ắc quy. Ban đêm, đến địa điểm câu thì buông neo, gắn mồi câu (cách 1 m gắn 1 mồi). Bình quân cần 1.000-3.000 con mồi/giàn câu. Thay vì thẻ mực truyền thống phải luôn tay hoạt động, thì “chạy mực”, người ta ngồi điều khiển vỏ máy với 2 bên mạn là hàng trăm miếng mồi phát sáng theo đà chạy từ từ của vỏ máy để nhử mực. Khi mực dính câu, họ kéo mạnh dây cưới nhằm làm cho chùm lưỡi mắc sâu vào thân mực, chớ kéo nhẹ là nó buông ngay. Mỗi đêm bình quân một người câu được 5 kg, có khi trúng thì 10-12kg. Để phục vụ khách du lịch, họ quay về bờ lúc 11-12 giờ đêm. Và như thế, giá bán 1 kg mực cao gấp rưỡi so với mực ướp đá được bán vào buổi sáng hôm sau. Tính ra, thu nhập bình quân mỗi người từ 100.000-120.000 đồng/đêm.


Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho rằng: Thẻ và câu mực bằng mồi giả góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vì chỉ những con mực lớn mới dính câu. Mặt khác, quá trình hoạt động, ánh đèn măng sông cũng như đèn bình ắc quy không ảnh hưởng sự sinh trưởng của tôm cá. Vì thế, nghề này được Nhà nước khuyến khích phát triển.











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top