Lần đầu trồng đu đủ, một bài học đáng giá...

  • Thread starter iceman
  • Ngày gửi
Thân chào các bạn trong diễn đàn Agriviet,
Mình 33 tuổi, gia nhập diễn đàn gần một năm nay và thấy diễn đàn rất hay và hữu ích, là nơi bà con có thể chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận những vấn đề kỹ thuật trong nông nghiệp.
Mình rất yêu thích nông nghiệp. Nó như ăn vào máu của mình. Mặc dù làm trong ngành y tế, sống trong một đô thị phát triển và năng động như TPHCM nhưng mình không lúc nào nguôi ý định làm nông nghiệp. Ông bà và bố mẹ mình đã từng là nông dân, và mình tự hào về điều đó...
Thế rồi cách đây hai năm,sau một thời gian dài tích lũy mình cũng để dành đủ tiền mua một miếng đất nhỏ 1500 m2 ở Củ Chi. Miếng đất tuy nhỏ nhưng mình tính sẽ thử trồng rau sạch trong nhà lưới ở đó. Tuy nhiên, chưa kịp triển khai thì người hàng xóm xấu bụng nhân đêm hôm nhổ trụ bê tông phân ranh giới và lấn qua đất mình đến hơn 2 mét. Mình mấy tháng mới lên thăm đất một lần và khi phát hiện ra thì hắn đã làm luôn hàng rào kiên cố. Thưa kiện, đàm phán, thương lượng mệt mỏi, cuối cùng mình đành chào thua bán rẻ đất đi chỗ khác mua đất mới.
Mua một miếng đất hơn 2 công, rút kinh nghiệm mình liền tiến hành làm luôn cổng và hàng rào kiên cố. Sau đó mua giống đu đủ ruột vàng cao sản về ươm. Nói chung lần đầu tiên trồng nên mình chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu nghiên cứu tài liệu và học hỏi bà con trong diễn đàn agriviet. Mình cũng ươm hạt trong bầu, làm đất, vô phân, lên liếp...nói chung là khá bài bản.
Do mình bận công việc ở cơ quan nên một tuần mình mới về Củ Chi một lần. Mình thuê hai vợ chồng người hàng xóm sát bên miếng đất để chăm sóc đu đủ. Và sai lầm bắt đầu từ đây.
Mới đầu thấy họ không có công ăn việc làm, chỉ làm phụ hồ và bẻ bắp thuê mình thấy tội nghiệp nên mới thuê họ. Lương hàng tháng trả 1.6 triệu/một người. Đồng thời giao cho họ thầu làm hàng rào, làm cổng và liên hệ mua vật tư, phân bón.
Thoạt đầu cũng tạm chấp nhận được. Nhưng càng về sau họ càng lười. Trả 3.2 triệu cho 2 vợ chồng mà họ hầu như chỉ tưới nước hàng ngày. Họ không chịu làm cỏ, vô phân, phun thuốc sâu, thuốc dưỡng...Mấy việc đó họ nói độc hại nên không chịu làm. Họ giới thiệu người khác làm mấy công việc đó và mình phải tốn thêm tiền nhân công. Sau này mới biết họ ăn tiền "cò" cho việc giới thiệu này.
Khi đu đủ bắt đầu thu hoạch thì mình nhận thấy trái bị trộm rất nhiều. Hỏi thì hai vợ chồng này nói ăn trộm leo rào vào hái. Tuy nhiên, điều tra kỹ thì mới biết kẻ trộm nhiều nhất lại là người làm thuê của mình. Mình ra tận chợ hỏi và người bán trái cây ngoài đó xác nhận việc này. Thật là đau lòng. Chưa hết, vài tháng họ lại đòi tăng lương một lần. Sau đó thì máy bơm nước 2 HP trong vườn không cánh mà bay. Hỏi thì họ lại nói ăn trộm trèo vào lấy. Nhưng nhiều người nói với mình là chính họ lấy bán chứ không ai khác. Mình tức quá điều tra kỹ thì thấy nhiều chuyện đau lòng khác. Họ ăn chặn và biển thủ từ vật tư xây dựng, phân bón cho đến thuốc trừ sâu. Do mình tin tưởng và cũng không rành nên mới giao tiền cho họ mua. Kết quả là họ thỏa thuận với dân địa phương kê khống để móc túi mình.
Sự tin tưởng bị đền đáp bằng sự dối trá, phản bội của người đời...Đau lòng thay...
Mình sa thải họ, khóa luôn vườn đu đủ 400 cây đang đổ bệnh vì không ai chăm sóc. May mắn cũng thu hoạch được 4 đợt. Mình không bán mà đem về SG cho bà con, họ hàng và bạn bè. Mình quyết định không mướn người nữa,bỏ hoang luôn vườn đu đủ.
4 tháng sau, mình lên lại thì tất cả đu đủ đã chết. Thấy có 2 con bò và một bầy gà đang nhơn nhơ trên đất của mình. Lưới B40 rào quanh đất thì bị người nào cắt nham nhở. Hỏi ra thì lại là người làm thuê cũ của mình. Nhưng giờ họ trở mặt tráo trở, côn đồ. Họ nói đất bỏ không thì họ có quyền cho bò, gà của họ vào. Họ còn thách mình thưa ra chính quyền. Cả nhà vợ chồng, con cái, anh em kéo nhau ra 7-8 người hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống một người thân cô thế cô như mình. Đau xót thay cho sự đời và lòng người...
Tổng kết sau 1 năm trồng đu đủ:
-Thành công: rất ít, có thể là kinh nghiệm bước đầu trong nông nghiệp và bài học về quản lý nhân sự. Ngoài ra còn thu được gần 1 tấn đu đủ về ăn và biếu mệt xỉu. hihihi
-Thất bại: ê chề. Thiệt hại nặng về tài chính. Lỗ hơn 5o triệu, chưa kể tiền đầu tư hạ tầng.
Cuối cùng, cái mình muốn nói cho những ai làm văn phòng, công chức mà nuôi mộng làm trang trại nhỏ. Các bạn phải suy nghĩ thật kỹ. Bài học thất bại của mình là khâu tuyển dụng nhân sự và công tác quản lý. Mình không thể giao cơ ngơi của mình cho bất kỳ người nào khác. Bởi vì người làm thuê hầu như không thể sống chết với trang trại như bản thân mình được. Mình chỉ tập trung đầu tư vào nó khi mình có thể toàn tâm toàn ý cho nó, không nên giao cho ai khác...
Chúc các bạn năm mới thành công và nhiều sức khỏe
Thân ái
 


Đó là một bài học rất nhớ đời.
Chuyện này xảy ra luôn luôn từ bao nhiêu đời nay,
và vẫn sẽ xảy ra mai sau.
Vẫn còn nhiều người chưa học đến.
*
Bài học cho vay tiền cũng vậy.
Rồi chung vốn làm ăn, cũng xảy ra như vậy.
Rồi cho ở chung nhà, thì nó xài của nhà chủ,
xài vợ và con gái của chủ, vân vân.
*
Nói tóm lại, nhân đạo là lý tưởng, nhưng không
thể thực hiện trong đời sống được.
*
 
Bài học thất bại của mình là khâu tuyển dụng nhân sự và công tác quản lý
Bác Hồ vẫn dạy là vấn đề bố trí cán bộ là rất quan trọng mà. Trong vụ này bác chọn nhầm đối tác rồi, tốt nhất là chẳng nên dây với họ. Tuy nhiên theo tôi xã hội cũng đủ loại người, có người xấu thì cũng có người tốt (chỉ tội bây giờ Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều thôi). Tìm người tử tế mà hợp tác, rồi mình có cơ chế phù hợp thì cũng vẫn làm được thôi.
 
Được rồi...! Còn may mà không phải đã đặt cược tất cả vào đó. Coi như tốt nghiệp một khóa thực hành về nông nghiệp. (Hic! học phí khá cao). Tôi cũng phải trả học phí tương tự nhưng...rẻ hơn vì mình có thời gian hơn.
Dân phi nông nghiệp mà muốn làm nông thì trước hết nên làm thật nhỏ thôi để lấy kiến thức cùng kinh nghiệm nhiều mặt. Kể cả thị trường nữa. Còn khi muốn "làm lớn" thì nhất thiết phải có mặt ở "hiện trường" thường xuyên .
Sau đó khi muốn "làm lớn" thì nhất thiết phải có mặt ở "hiện trường" thường xuyên và phải thể hiện ra hiểu biết nếu không dễ bị nhân công "khi dễ" lờn mặt lắm.
 
Xin cám ơn các bác đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình.
Đúng là nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên làm mô hình nhỏ trước. Nhưng làm mô hình nhỏ mà mướn nhân công thì có vẻ sẽ không có lời. Dù sao đi nữa thì mình cũng nên trực tiếp quản lý và là lao động chủ lực cho trang trại. Như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí nhân công và mới mong có lời...
Bác Botienthi ở Quy Nhơn có nuôi trùn phải không ạ? Vậy bác có nuôi bò để lấy phân không hay là thu gom từ các nguồn khác?
Nhà mình ở Q.6 TPHCM có trồng một vườn rau nhỏ khoảng 60 m2, gọi là để chủ động được nguồn thực phẩm xanh trong thời buổi rau bán ngoài thị trường không an toàn như hiện nay. Mỗi lần đi Củ Chi mình đều ghé trại trùn quế Phước Hiệp mua 3 bao phân trùn chở về (bao 30 kg). Qủa thật không có loại phân nào qua được phân trùn quế. Rau nhà mình trồng rất xanh tốt và hầu như rât ít bị sâu bệnh..Chắc mai mốt nếu bắt tay vào nuôi trùn chắc phải thỉnh giáo bác Botienthi rồi, hihi
Thân ái.
 
Bạn nếu nuôi trùn thì cứ lại chỗ Phước hiệp - Củ chi thỉnh giáo bác Huy là tốt nhất. Bác ấy nhiệt tình lắm. Hồi tôi tới đó bác ấy chỉ dẫn rất tận tình. Cơ sở này thuộc loại lớn. Diện tích mặt nuôi tới 20 ngàn m2.
 

cám ơn bác đã chỉ giáo.
Trại trùn của bác Huy ở Phước Hiệp Củ Chi đúng là hoành tráng thật. Bác ấy bán sinh khối, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu luôn sản phẩm. Mấy lần đến thấy bác ấy chất phân trùn chở đi bán ở Tây Nguyên đến mấy xe tải thấy mà ham, hihi
 
Chăn nuôi hay trồng trọt trêh mảnh đất thì ng chủ phải ở đó coi ngó, ko thể nào giao cho ng làm họ coi đc. Nhiều người cũng bị mất mát như vậy. Đơn giản là của đâu phải của họ?
Chuyện gà, bò thả lang vào đất ng khác thì tôi cũng thấy nhiều, thật ra chẳng mất mát gì! Nó vào ăn cỏ (khỏi mắc công làm cỏ), gà vào bươi con con trùn con dế thôi, nhưng nếu đất có trồng trọt thì bò gà nó bươi nát. Đất hoang hoặc trồng cây lâu năm thì mới có vẻ chả ảnh hưởng gì nhưng ngày qua tháng lại, riết nó thành đất hoang, thành cái "cầu tiêu công cộng". Đến lúc đó thì chuyện đã rồi, muốn phân giải rất khó khăn.

Họ thách ra chính quyền thì họ cũng có cái tin cậy để vin vào! Con bò con gà đi vào kiếm cỏ thì luật nào, người nào xử thế nào đây? Đặt mình vào thế người ở chính quyền, mình xử thế nào?

Người làm họ ăn bớt tiền vật tư, phân bón... tháo đồ đi bán là chuyện... bình thường. Mình thử nghĩ, có nơi có lúc trái mít, trái mướp, bãi cỏ, đống củi hớ ra còn bị rút. Nó rút hết, ko có gì để rút ... quê độ còn quay qua chửi chủ nhà nữa chứ! Ở thành thị có những rối rắm của thành thị, ở nông thôn lắm khi có nhiều chuyện hài không tưởng. Chuyện thưa kiện, đổ máu cũng từ thước đất, trái mít, con chó, bãi cỏ mà ra!

Chuyện lấn đất thì... lúc nào cũng manh nha. Ban đầu là họ coi ngó... trồng cây cho nhảy nhảy ra từ từ... một ngày nào đó xây lưới xây trụ cái vèo. 2 quốc gia còn dời lên hạ xuống đường biên giới (có tọa độ kinh vĩ tuyến làm mốc), chửi nhau óanh nhau đùng đùng thì... 2 nhà cũng sẽ thế thôi.

Anh còn chưa bán đu đủ, đem cho bạn bè người thân chứ mà khi anh bán, thấy anh ko phải dân bản xứ, thương buôn nó vô trả rẻ mạt thì vừa vác bao tải cho người này ng kia, phần ăn-cho ko hết băm bón lại cho đất. Ôm thêm cục tức nữa

Làm trang trại (nuôi hoặc trồng) ngoài chuyện đấu trí, đấu miệng với tư thương thì canh cánh nỗi lo trộm cắp.
Nhiều lúc nằm nghĩ, mấy công ty nước ngoài nó quản lý nhân viên-nhân công sao hay quá!? Cũng ko phải ngẫu nhiên việc quản lý nhân sự là một ngành, một ban.
Hồi nhỏ đọc Tôn Tử có đọan: điều khiển đc 3 người đó thể khiến đc 100 ng, khiến đc 100 ng có thể khiến đc 1000 người. Tôi ko hiểu lắm về sự thâm thúy này, nhưng chỉ cần có 3 ng là phải quản rồi!

Làm chủ và làm người phải có sự độ lượng, có lòng nhân ái, biết nghĩ cho người khác (trong trường dạy, trong sách dạy) nhưng trước khi nhân nghĩa thì phải áp chế, mua chuộc được (sự thật thường ko ai dạy).

Thành thật chia sẻ với anh, mong anh chân cứng đá mềm, trong cái rủi gặp điều may.
 
Chuyện quản lý trong nông nghiệp là không đơn giản như có lần mình đã nói, làm nông nghiệp nếu chỉ áp dụng phương thức trả lương thời gian thì thất bại gần như 100%. Do đó nên áp dụng phương thức liên doanh cùng bỏ vốn và phải chọn người tin tưởng mới được.

Trong chọn người nên chọn người có tay nghề, kỹ thuật và thật sự quan tâm đến công việc mà họ làm, hai bên cùng bỏ vốn và tính toán trước lợi nhuận được hưởng của hai bên.

Về khâu tiêu thụ thì tốt nhất là mình tự xây dựng kế hoạch, đừng bao giờ để họ làm luôn công tác này.

Nói thêm về việc chọn đối tác, phải chọn thật kỹ người trung trực, đừng chọn người hay khen mình, và trên môt khu vực nên chia làm hai nhóm để giao, cố tình tạo ra sự cạnh tranh về năng suất giữa hai nhóm.

Chọn thêm một nhân sự là người thân của mình làm công tác giám sát công việc sản xuất chung.

Cơ bản là thế, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề khác phát sinh mà mình phải giải quyết, nói chung không đơn giản.

 
Ở Mỹ, chủ trại vẫn phải có mặt, không thể đi vắng được.
Trại có thể rất to lớn, hàng trăm nghìn hécta, nhưng nhờ có
máy móc, nên số công nhân cũng rất ít, thừa sức cai quản.
Họ còn thuê công nhân bên ngoài nữa, tức là trả tiền ngay
ngày hôm ấy, hôm sau lại thuê lại. Nói thế, nhưng thật ra,
một người không thể làm nông nghiệp được, vì người chủ
không bao giờ sổ mũi hắt hơi sao? Vì thế phải cả nhà, gồm
vợ chồng con cháu mới làm chủ trại được. Công nhân cũng
chỉ vài người, cho đến chục người là cùng. Công nhân thuê
ngày thì tuỳ mùa mà thuê. Dù có thừa hay thiếu một vài
người một vài ngày, thì cũng chỉ mất một chút sản phẩm thôi,
không ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
*
 
Từ bài học này, có lẽ các anh chị em mê làm giàu từ trang trại cần phải có một quyển sổ gọi là bài học vỡ lòng:


1- Không làm trang trại, khi chủ ở một nơi, đất một nơi.


2- Có nhiều tiền không phải là tất cả. Thiên thời - Địa lợi - Nhân Hòa.... Sau đó Tiền cũng rất quan trọng, đang làm cụt vốn, vay lãi nặng ngân hàng thì biết bao giờ mới có lãi.


3- Làm từ nhỏ đến lớn. Nhỏ thành công chuyển sang làm trung. Trung thành công có bao tiêu đầu ra hay lên kế hoạch làm lớn.


4- Hope for the Best, Plan for the Worst. Tục ngữ nước ngoài tạm dịch ra là Hy vọng ở điều tốt nhất, nhưng sẵn kế hoạch cho điều xấu nhất. Cái này chả cứ làm trang trại mà cho bất kỳ việc gì trong cuộc sống.


5- Có sức mình chưa đủ, phải có sức vợ, và phải dạy con cái nối nghiệp làm trang trại. Đừng tự biến mình thành Robinson sống một mình trong trang trại, tự đốt cháy nhiệt huyết làm nông dân, không qua hai năm, tự thu binh rút quân về thành phố.


6- Không chỉ chuẩn bị kỹ năng, kiến thức làm nông dân, mà còn phải biết các kỹ năng khác ở mức căn bản như nề, điện nước, sửa chữa động cơ đốt trong, mộc, tự chữa dăm ba bệnh căn bản.... Giữa đồng không mông quạnh có việc gì xảy ra không lẽ phóng ô tô về thành phố.


7- Học bắn súng hoa cải, đặt mìn, đặt bom cháy. Cái này mình học tập từ vụ nhà Đoàn Văn Vươn. Làm nông hiện nay thiên tai - chính quyền - hàng xóm họa là nhiều đấy. Cùng quá cũng phải có hàng nóng phòng thân. Cái này các bác cho ý kiến thêm.




minhcuong
 
hi bạn Cuongminh
Rất cám ơn bài viết hữu ích của bạn, rất chí lý và cũng rất vui...
7- Học bắn súng hoa cải, đặt mìn, đặt bom cháy. Cái này mình học tập từ vụ nhà Đoàn Văn Vươn. Làm nông hiện nay thiên tai - chính quyền - hàng xóm họa là nhiều đấy. Cùng quá cũng phải có hàng nóng phòng thân. Cái này các bác cho ý kiến thêm.

Link: http://agriviet.com/home/threads/78007-Lan-dau-trong-du-du-mot-bai-hoc-dang-gia-/page2#ixzz1kfuymg7D
Đúng là làm nông dân bây giờ khó thật, phải đối phó với biết bao thử thách từ thiên tai, từ thị trường nông sản luôn tiềm ẩn sự bất ổn và cả "nhân họa" nữa....hihi
Chúc cho cả nhà agriviet chúng ta năm nay mùa màng bội thu, nhiều sức khỏe và nhiều niềm vui...
Thân ái.
 
Kinh nghiệm thương đau bị mất đất do chính quyền thay đổi chính sách, gia đình ông bà - bố mẹ mình đã trải qua không dưới một lần. Lúc ban đầu, chỉ là những mảnh đất, căn nhà mua với giá rất rẻ. Trải qua chục năm lao động xây dựng tích cóp vất vả, cả gia đình cùng làm mỗi ngày ~ 10 tiếng, đến khi có thành quả, là y rằng có biến. Một là tử thủ thì khổ vợ con, cách khôn hơn là chịu mất đất thì mới có mình sinh ra hôm nay :).

Hiện giờ mình không làm nông dân, và cũng chưa có ý định làm trong vòng 5-8 năm nữa. Nhưng nếu làm chắc chắn sẽ chuẩn bị nhiều thứ từ đất đai, kinh nghiệm lý thuyết (đi học hỏi - sách vở), con người (cả gia đình : vợ - chồng - con cái), vốn, và cả những quan hệ con người để lo đầu ra sản phẩm... Người tính không bằng trời tính những vẫn cứ phải trù bị kế hoạch ứng phó.

Những dự án nông nghiệp, các bạn có thể dùng Excel để lên kế hoạch tính toán chi tiết từng đầu mục công việc, chi phí.... Sau khi tính xong, nhân hệ số 2 lên để phòng trường hợp xấu nhất. Thời gian cũng nhân gấp 2 lên. Kinh nghiệm quản lý dự án từ phần mềm, đến xây sửa nhà của mình đúc kết lại với môi trường làm việc ở VN là như vậy.

Với nông nghiệp, mình chỉ là cậu học sinh vỡ lòng, nên tranh thủ vào đây học hỏi chuẩn bị cho lúc về hưu làm vườn vui tuổi già.

Chúc các anh chị thành công bền vững.
 
Xin chia buồn cùng chủ topic!
Tôi cũng giống bạn,làm việc dành dụm được ít tiền,thế là hùn hạp với người quen mở Coffee shop trên đường NTMK -Q1.Khi bàn tính với nhau thì là một chuyện nhưng bắt tay vô làm là một chuyện.Người làm chung tuy vốn nhiều hơn tôi nhưng luôn tìm cách kê khống các khoản đầu tư.Từ nhân công,trang trí,trang thiết bị ...tất cả đều do họ quyết định để như vậy quán sẽ có một phong cách riêng nhưng đó cũng chính là những lý do khiến hai bên bất hoà.Thu nhập hàng tháng từ coffee buổi sáng,cơm trưa văn phòng,ban đêm có bar rượu nên rất cao,nhưng cuối tháng cộng sổ,tra tiền nhân công,mặt bằng,nguyên vật liệu...lại âm,đầu bếp thì kê khống tiền đi chợ,...Vì làm nhà nước ban ngày,chiều về tranh thủ chạy ra quán nhưng vẫn không thể nào quản lý hết được...Cuối cùng thì tôi đành rút vốn.Quả đúng là việc quản lý quan trọng cũng giống như việc muốn làm một dự án nào và tìm được người tin tưởng giao phó thì hiếm như mò kim đáy bể.
 
Bài này rất hay vì nhắc nhở những ai muốn đầu tư vào trang trại khía cạnh an ninh - quản lý. Tuy rằng, chưa có lời giải đáp thật sự hiệu quả. khu vực trang trại ở miền Đông và tây nguyên vẫn bị tình trạng ăn trộm lẫn ăn cướp khi đến mùa.
Rất mong các anh chị , các bạn nào có tình huống & giải pháp cụ thể chia sẽ thêm để mọi người cùng học hỏi kinh nghiệm và có khi hợp tác được cách nào đó.

Và có lẽ, nếu đươc admin cho tách vấn đề quản lý - an ninh trang trạng thành một mục riêng, vì thiết nghĩ nó cũng là yếu tố quan trọng đến sự thành công của trang trại.
 
Nhiệt tình không chưa đủ sức làm trang trại

Làm trang trại đầu tư vào đó là tiền bạc và cả tâm sức. iceman bị bài học này không phải mình bạn đâu.
Theo tôi nên chọn người làm tại địa phương thì công cán rẻ hơn. Tuy nhiên cũng cần tuyển một người làm quản lý cho mình mà mình thật sự quen biết nhưng không ở cùng địa phương đó là tốt nhất
 
Xin chân thành cám ơn tất cả các bác đã chia sẻ những đóng góp hết sức quí báu. Ông bà có câu "vạn sự khởi đầu nan". Tuy thất bại bước đầu nhưng mình vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp. Mình sẽ rút kinh nghiệm, tiếp tục chuẩn bị vốn liếng và kỹ thuật để gầy dựng lại.
Kính chúc mọi người luôn vui khỏe và thành công.
Trân trọng.
 
Tôi nghĩ chúng tôi, những người yêu thích hay đang làm trang trại, cũng cần cám ơn bạn vì đã chia sẻ kinh nghiệm rất thực tế. Bữa nào rảnh, tui mời bạn đi cafe nói chuyện chơi.
 


Back
Top