Lợi ích của việc nuôi trùn quế

  • Thread starter Nguyen Van Sang
  • Ngày gửi
Xung quanh chúng ta bất kỳ nơi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp rất nhiều trùn, đặc biệt ở những nơi tối tăm, ẩm thấp như dưới các đáy lu, khạp ở sàn nước, cống rãnh hoặc trong những đống rác, đống phân chuồng đã ủ lâu ngày, nơi có nhiều chất hữu cơ thối… Chúng quấn vào nhau thành từng nùi chứ không chỉ một vài con lẻ tẻ. Không chỉ bây giờ mà từ xưa người ta đã biết đến những lợi ích to lớn do giống trùn mang lại cho đời sống con người.

Trên thế giới tồn tại hàng ngàn giống trùn khác nhau. Trùn quế (có tên khoa học là Perionyx excavatus) là một trong những giống trùn đã được thuần hoá, nhập nội và đưa vào nuôi quy mô công nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một loại trùn được nuôi nhiều nhất, chúng có nhiều ưu điểm vượt trội: mắn đẻ, dễ nuôi, thức ăn là các loại phân dễ tìm, cho năng suất cao, có giá trị dinh dưỡng cao về mọi mặt và thích hợp phát triển với khí hậu nước ta.

Trùn quế là loại thức ăn giàu đạm, hàm lượng protein thô chiếm 70% trọng lượng thân. Đối với các loài thuỷ sản, trùn quế là một trong những loại thức ăn lý tưởng nhất, hấp dẫn nhất. Các loại cá, tôm, ếch, baba, cua, ... đều rất thích ăn trùn quế, đặc biệt đối với ấu trùng, con giống tôm cá, nòng nọc của ếch. Đối với các loại gia súc, gia cầm trùn là loại thức ăn bổ dưỡng, chỉ cần cung cấp một lượng rất nhỏ và cho ăn 2 lần trong một tuần sẽ làm cho vật nuôi chúng ta lớn rất nhanh. Nuôi trùn quế không phải dùng bất kỳ loại hóa chất hoặc chất kháng sinh, chất tăng trọng nào. Vì thế, việc sử dụng trùn quế thường xuyên làm thức ăn trong quá trình chăn nuôi sẽ tạo ra sản phẩm nuôi an toàn. Đây là điều mà ngành nông nghiệp đang quan tâm và khuyến khích.

Phân trùn là một loại phân hữu cơ thiên nhiên giàu chất dinh dưỡng nhất mà con người từng biết đến. Phân trùn thích hợp với nhiều loại cây trồng, chúng chứa các khoáng chất mà cây trồng có khả năng hấp thụ một cách trực tiếp mà không cần quá trình phân huỷ trong đất như những loại phân hữu cơ khác. Chất mùn trong phân trùn còn loại trừ độc tố nấm có hại và vi khuẩn trong đất nên nó có thể đẩy lùi những bệnh của cây trồng. Phân trùn còn gia tăng khả năng giữ nước của đất, chống xói mòn. Đặc biệt phân trùn thích hợp bón cho các loại hoa kiểng, làm giá thể vườn ươm và là nguồn phân thích hợp cho việc sản xuất rau sạch. Bên cạnh những lợi ích đó trùn còn là nguồn nguyên liệu để sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mĩ phẩm…với nhu cầu rất lớn và ổn định. Chính vì vậy đầu ra cho việc nuôi trùn làm hàng hóa là vô cùng thuận lợi. Trùn Quế còn có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc sấy khô, nghiền thành bột để sử dụng dần.Vốn đầu tư nuôi trùn quế chỉ cần rất ít, nuôi dùng trong chăn nuôi gia đình chỉ cần vài trăm ngàn đến một vài triệu đồng là có thể nuôi được. Mặt bằng nuôi có thể tận dụng trong vườn nhà hoặc các bãi nuôi công nghiệp, các chuồng trâu, bò, lợn, gà bỏ không, các vùng đất trống có mái che tạm; có thể sử dụng các vật dụng đơn giản như chum, chậu, khay, thùng xốp, thùng nhựa để nuôi.

Thức ăn cho nuôi trùn quế chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như rác hữu cơ (rau, củ, hoa, quả, vỏ trái cây loại bỏ, rơm rạ, các loại bã đã ép dầu, bã bia …), phân trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà … rất dồi dào và rẻ tiền. Nuôi trùn quế còn có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, chất hữu cơ, sản phẩm thải của chăn nuôi gia súc gia cầm mang lại. Vì vậy giá thành sản xuất trùn và phân trùn rất thấp.

Trùn quế sống được ở mật độ dày đặc, mỗi m2 sinh khối chiều dày trùn đạt từ 0,3 – 0,5m. Trùn quế sinh sản rất nhanh, mỗi con trùn trưởng thành cứ một tuần là đẻ 1 lần, mỗi lần đẻ 1 kén, mỗi kén có từ 1-20 trứng vì thế nuôi trùn quế không cần tái đầu tư con giống mà chỉ cần đầu tư con giống một lần đầu tiên rồi nhân rộng ra để nuôi.

Nuôi trùn quế ít bị bệnh, ít rủi ro, kỹ thuật đơn giản, dễ làm, sớm có thu nhập; Đồng thời nuôi trùn tốn ít công chăm sóc, rất phù hợp với điều kiện của bà con nông dân chúng ta, bất kỳ gia đình nào củng có thể nuôi trùn được. Nuôi trùn giảm chi phí thức ăn cho chăn nuôi, tăng thu nhập cho người nuôi.

Có hai phương thức nuôi trùn: nuôi trong hố đất và nuôi trong bể xây.

Nuôi trong hố đất: chọn nơi cao ráo, đào hố nuôi sâu 0,4 – 0,5 m, rộng 1 mét, dài có thể 2, 3, 4 mét tùy yêu cầu. Xung quanh hố có rãnh thoát nước. Nuôi trùn kiểu đắp luống trên mặt đất. Luống nuôi cao 0,3 – 0,4 m, rộng 1mét dài từ 2 – 4 mét. Xung quanh luống xếp gạch, ván, thân cây chuối, quây bao bì đựng thức ăn để ngăn phân nuôi không tràn ra ngoài. Trên luống có mái che, mái cách mặt luống khoảng 1m.

Nuôi trong bể xây: bể xây bằng gạch thành từng ô, mỗi ô cao 0,4 mét, rộng 1 mét, dài 2 mét. Có thể xây các ô liền nhau thành từng dãy dài. Ở 2 mặt đối diện mỗi ô nuôi chứa mỗi bên một cặp lỗ nhỏ để thoát nước.

Nuôi trùn quế là hướng đi vô cùng tiềm năng bởi bên cạnh những lợi ích đó, kỹ thuật nuôi hết sức đơn giản và hoàn toàn có thể phổ cập được. Hiện tại việc nuôi trùn quế chưa trở thành một nghề thực sự và còn mang tính tự phát vì bà con nông dân ta chưa hiểu hết tính đa dụng của nó. Trong tương lai chúng ta có thể tiến tới nuôi quy mô công nghiệp, sản xuất hàng hoá cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tin liên Quan:

Trùn Quế Tân Định
Tổng quan về trùn quế
Hiệu quả kinh tế từ trùn quế
Kỹ thuật nuôi trùn quế
Các mô hình kết hợp trong nuôi trùn quế
Tin tức về trùn quế
Tài liệu tham khảo về trùn quế
Video về trùn quế
 




Back
Top