Nghề nuôi ốc sên trở thành "thời thượng" ở Bulgaria

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Trên mảnh đất vắng lặng không có người ở, hơn 1 triệu con ốc sên "ẩn mình" dưới những tấm ván gỗ tránh ánh nắng mặt trời đang lặng lẽ phát triển và chờ ngày tiến ra thị trường trong trang trại của anh Krasimir Kostov ở Bulgaria.



Dù ngành nông nghiệp ở Bulgaria và châu Âu đã suy giảm trong 20 năm qua nhưng nghề nuôi ốc sên -  cung cấp một món ăn khoái khẩu đặc biệt phổ biến ở Pháp và Italy, đã trở thành một nghề phát triển năng động tại đất nước nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU) này.



Tháng 9 là mùa thu hoạch ốc sên và nguồn cung thường không theo kịp sức cầu của thị trường. Bulgaria đã chớp lấy cơ hội này để củng cố vị trí là một nước xuất khẩu những mặt hàng "xa xỉ " mà ít được tiêu thụ trên thị trường trong nước. Năm nay, khoảng 800 - 900 tấn ốc sên và sản phẩm từ ốc sên (gấp 6 lần năm 2008) sẽ được Bulgaria xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của những thực khách “cuồng” ốc sên, phần lớn là ở Pháp.



Trang trại ốc sên của anh Kostov chủ yếu cung cấp ốc sên con làm giống cho các trang trại khác. Anh Kostov cho biết, thị trường dành cho ốc sên rất lớn. Anh nói: “Năm nay chúng tôi có ít đơn đặt hàng nhưng cũng không đáp ứng hết vì các lò ấp không đủ lớn”. Anh sẽ giữ lại chừng 60.000 con ốc sên thuộc giống Helix ở Địa Trung Hải (một trong ba loại ốc sên có thể ăn được) để làm giống. Mỗi con sẽ đẻ khoảng 150 trứng. Số ốc sên còn lại, khoảng 470.000 con tương đương 10 tấn, sẽ được xuất khẩu.



Theo Hiệp hội nuôi ốc sên quốc gia, nhu cầu về ốc sên lớn đến nỗi năm tới sẽ có thêm 300 trang trại mới mọc lên ở Bulgaria, trong khi con số hiện tại chỉ là 50. Bà Simona Mollova, tư vấn viên của hiệp hội, cho biết: “Chúng tôi nhận được đơn đặt hàng từ Pháp, Đức, Áo, Hà Lan trong năm nay. Chúng tôi có rất nhiều khách hàng nhưng tại thời điểm này, chúng tôi không thể đáp ứng hết nhu cầu”.



Bà Mollova cho biết thêm, các đơn đặt hàng có thể lên tới 1 tỷ con ốc sên con trong năm 2009. Theo ông Pierre Commerce, Tổng Thư ký Hiệp hội các công ty chế biến thực phẩm Pháp (ADEPALE), thị trường ốc sên là một thị trường truyền thống và ổn định, không có biến động lớn bởi vì bất kỳ ai muốn làm một món ăn ngon miệng cho lễ Giáng Sinh cũng muốn thử ốc sên.



Pháp và Italy là hai nước tiêu thụ ốc sên lớn nhất châu Âu với 25.000 - 36.000 tấn ốc sên hàng năm. Một lọ ốc sên với nước sốt khoảng 0,4kg có giá là 50 euro, còn những suất ốc sên chất lượng cao có giá từ 55 - 235 euro. Ngược lại, một kg ốc sên sống nhập từ Bulgaria chỉ từ 2,5 - 4 euro.



Khi loài ốc sên Helix giảm dần ở Tây Âu thì thị trường ốc sên chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu từ các nước Đông Âu. Năm 2006, loài ốc sên này được nằm trong danh sách bảo tồn động thực vật của EU và mọi người không được tự do bắt ốc sên trong tự nhiên.



Ba Lan và Hungary từng dẫn đầu về “săn” ốc sên nhưng kinh tế phát triển từ khi gia nhập EU năm 2004 khiến nhiều người không còn làm công việc mệt nhọc này nữa. Do đó, sản lượng ốc sên Pháp nhập từ hai nước này năm 2008 bị thiếu hụt. Và những nước như Bulgaria đã tranh thủ cơ hội này để lấp đầy mức cầu đó.



Những người nông dân từng chăn nuôi lợn, bò và gia cầm nay đang tìm hướng đi mới sau khi bị phá sản do suy thoái kinh tế. Anh Kostov cho biết: “Giờ thì ai ai cũng là nông dân nuôi ốc sên. Cách đây 2 năm, mọi người cười phá lên khi biết chúng tôi đang nuôi ốc sên. Nhưng năm ngoái thì người ta lại sôi sục với ốc sên, họ gọi điện từ khắp mọi nơi để hỏi thông tin”.



Theo Kostov, mỗi người có thể dễ dàng chăm nom một nông trại rộng khoảng 0,1ha với 3 - 5 nhân công chủ yếu làm công việc đảm bảo độ ẩm vào chiều tối khi cho ốc sên ăn. Tuy nhiên, đến lúc thu hoạch thì cần cả phụ nữ và trẻ em làm việc từ sáng đến tối. Kostov dự định tăng gấp đôi quy mô sản xuất từ mùa xuân tới và tăng diện tích nuôi ốc sên lên 1,5ha từ 0,4ha như hiện nay.



Năm nay, ngoài loại ốc sên truyền thống chuyên ăn cỏ ba lá trắng và cỏ khô, Bulgaria cũng đang bắt đầu xuất khẩu nhiều loại ốc sên mới như loại ốc sên ăn cà rốt. Những con ốc này trông rất lạ vì nó màu vàng da cam nhưng chúng có giá tới 80 euro/kg.



Ở Pháp, ốc sên từ Bulgaria được ưa chuộng vì chất lượng tốt. Công ty chế biến ốc sên Romanzini đã dùng loại ốc sên của Bulgaria từ năm 1991 và nhập khẩu 50 tấn mỗi năm. Ông Olivier Romanzini nhận xét: “Sản phẩm của Bulgaria thuộc loại chất lượng tốt”, không kém gì ốc sên của Pháp.


(Theo Tin tức)











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top