Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân Nhật Bản: Từ bài học Oita

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Oita là một quận ở Nhật Bản, một vùng thuần nông cách thủ đô Tokyo cỡ 1.000km, dân số 1,2 triệu người. Cái tên Oita sẽ chẳng nhắc nhở điều gì nếu năm 1979 tại đây không xuất hiện một phong trào mang tên “Mỗi làng- Một sản phẩm”, để rồi sau đó nó trở thành thương hiệu phát triển nông thôn của đất nước Mặt trời mọc.

Phong trào “Mỗi làng- Một sản phẩm” được khởi nguồn từ sáng kiến tại quận Oita vào năm 1979, do Thị trưởng lúc đó là ông Morihiko Hiramatsu (sinh năm 1924) phát động. Ông Morihiko Hiramatsu đi vào lịch sử phát triển của Nhật Bản thời hậu chiến với một hình ảnh chính trị gia đầu tiên trực tiếp xắn tay vào lo phát triển thương mại cho địa phương mình phụ trách. Người dân nơi đây kể lại, không ít lần ông trực tiếp đi thu gom thịt bò trong dân chở lên tận chợ Tokyo bán.

Chương trình bắt đầu triển khai trên quy mô rộng là từ năm 1980. Tham gia chương trình, mỗi làng nghề sẽ chọn ra một sản phẩm chủ lực của mình, một sản phẩm có khả năng cạnh tranh nhất và có thị trường rộng nhất để được hỗ trợ về chính sách, vốn nhằm giúp những người tham gia được hưởng lợi ích gia tăng nhiều nhất. Đến nay, tại Oita đã có 336 sản phẩm được lựa chọn vào chương trình, đem lại kim ngạch thương mại lên đến 141 tỷ yên.

Nhắc tới chương trình “Mỗi làng- Một sản phẩm” ở Oita, không thể không nhắc đến điển hình Oyama, nơi được coi là nơi khai sinh ra mô hình phát triển nông thôn này. Lãnh đạo thị trấn, ông Harumi Yahata đã khuyến khích người dân trồng mận và hạt dẻ. Chủ trương này của ông khiến chính quyền TƯ rất giận dữ, bởi thời điểm đó Nhật Bản đang khuyến khích trồng lúa. Nhưng trồng lúa ở Oyama không thể cho năng suất cao và có lợi nhuận như cây dẻ.

Đây là vùng núi, thửa ruộng chia cho các hộ gia đình đều rất nhỏ. Ngay từ năm 1961, ông Harumi Yahata đã nung nấu tìm phương cách để người dân có thể chấm dứt cảnh ăn đong từng mùa, thậm chí mỗi nông dân Oyama có thể nghĩ tới những chuyến nghỉ dưỡng tại Hawaii (Mỹ). “Hãy trồng mận và hạt dẻ rồi đi Hawaii” trở thành khẩu hiệu giúp đổi đời người dân thị trấn Oyama. Mận và hạt dẻ cũng là sản phẩm tiêu biểu của thị trấn, ngày nay trở thành đặc sản có thương hiệu nổi tiếng ở Nhật Bản.






Cuối tháng 6 vừa qua, đoàn Bộ NN-PTNT cùng một số Bộ, ngành khác đã có chuyến đi khảo sát tình hình phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân tại Nhật Bản. Tiếp đoàn ngay tại Oita, cựu Thị trưởng Morihiko Hiramatsu, hiện giữ nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến giao thương quốc tế về Phong trào “Mỗi làng- Một sản phẩm” của Oita đã đưa ví dụ so sánh cực kỳ ấn tượng: Một chiếc Toyota hạng trung có giá 3 triệu yên, chiếc xe nặng 1,5 tấn thì trung bình cứ 100g của chiếc xe này giá 200 yên. Con số này quá “bèo” so với giá trị của nấm shiitake: 100g nấm có giá 3.000 yên. Giá trị gia tăng của các loại nông sản đặc sản từ Oita là vô giá, khiến cho những hãng công nghiệp như Toyota không bao giờ “có cửa” xâm nhập Oita. Hay một ví dụ khác, rượu gạo shochu đóng chai tại Oita có giá bán 1.200 yên, nếu vào một nhà hàng ở trung tâm thương mại Ginza, nó được đẩy giá lên tới 8.000 yên.

Theo ông Morihiko Hiramatsu, đó là minh chứng cho thành công của nguyên tắc “Từ địa phương - Tiến ra toàn cầu”.





Năm 1967, thành công ở Oyama được đánh dấu bằng chuyến đi du lịch Hawaii của 16 nông dân. Họ tự bỏ tiền túi. Đời sống ở thị trấn thay đổi rõ rệt. Năm 2000, thị trấn đạt doanh thu 1 tỷ yên từ mận và hạt dẻ bán thẳng chưa qua xử lý. Ngoài ra là khoảng 1,2 tỷ yên từ các sản phẩm chế biến của hai loại nông sản đó. Đó là thu nhập vào loại cao. Đáng lưu ý là thị trấn Oyama chỉ có 3.910 dân, trong số đó người già trên 65 tuổi chiếm đến 1.063 người.

Từ thành công của Oyama và một làng du lịch khác là Yufuin - nơi hiện thu hút tới 3,9 triệu du khách mỗi năm, phong trào “Mỗi làng Một sản phẩm” chính thức hình thành và xác lập nguyên tắc: “Từ địa phương - Tiến ra toàn cầu”; “Tự tin - Sáng tạo”; “Tập trung phát triển nguồn nhân lực”. Các sản phẩm được phát triển từ chương trình đến nay đều có thương hiệu trên toàn Nhật Bản: Chanh Kobosu; thịt bò Bungo (đoạt giải Quán quân cuộc thi Vô địch sản phẩm thịt bò toàn Nhật Bản năm 2002); nấm Oita (nấm shiitake) là loại nấm thượng hạng ở Nhật Bản, chiếm 28% thị trường tiêu thụ nấm trên toàn quốc.

Đến đầu những năm 2000, Bộ Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản (METI), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) phối hợp triển khai một kế hoạch chung về phát triển phong trào “Mỗi làng Một sản phẩm”. Ba cơ quan này cũng là đầu mối tăng cường hợp tác và quảng bá phong trào này ra nước ngoài, đặc biệt là các nước đang phát triển. Phong trào ưu tiên nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực mỗi khi áp dụng ở một địa phương mới đi kèm sản phẩm mới. Nội dung này bao gồm việc tập huấn kỹ năng chế biến nông sản, kiểm soát chất lượng, sáng tạo mẫu mã bao bì sản phẩm và huấn luyện kỹ năng tiếp thị đưa sản phẩm ra thị trường.






“Mỗi làng có một nghề, mỗi xã sẽ có một làng nghề”, đó là mục tiêu cơ bản của Đề án Chương trình phát triển “Mỗi làng, mỗi nghề” giai đoạn 2006 - 2015 do Bộ NN-PTNT chủ trì. Chương trình đặt mục tiêu đưa mức tăng trưởng bình quân của ngành nghề nông thôn (NNNT) ổn định và đạt 15%/ năm; tăng trưởng kim ngạch XK sản phẩm NNNT đạt 20 - 22% năm và tạo việc làm cho trên 300.000 lao động/năm. Nguồn vốn để triển khai chương trình ước tính 22.000 triệu đồng mỗi năm.

Chương trình đã tạo thành phong trào mạnh tại Hà Nội (gồm cả Hà Tây cũ), Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang. Tại 10 tỉnh thành này, đã có 450 làng nghề được công nhận, nhiều nhất là Hà Nội với 201 làng. Hiện nay, đã có hơn 40% sản phẩm NNNT Việt Nam được xuất khẩu đến trên 100 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.

(Nguồn: Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối)











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top