Nữ cựu chiến binh lên núi làm kinh tế

Không chỉ đảm đang với vai trò là một người vợ, một người mẹ, người nữ cựu chiến binh ấy còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Cùng ông Nguyễn Thái Bình - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Hạ đến thăm gia đình chị Dương Thị Minh Thi, 52 tuổi, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà trong lúc chị đang bận rộn với công việc chăm sóc cho đàn heo.
Tiếp chúng tôi trong một căn nhà nhỏ giữa núi đồi, chị Thi phấn khởi bày tỏ niềm vui khi mô hình trồng trọt và chăn nuôi của gia đình thu được nhiều kết quả.



images967481_IMG_3054.jpg

Chị Dương Thị Minh Thi bên đồng mía của mình.

Trở về từ Tiểu đoàn 6 - Cục Hậu cần quân khu V, hưởng ứng phong trào trồng mía đồi do UBND tỉnh phát động, năm 1993, chị Thi chọn vùng đất heo hóc trên núi Đá Đen, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà làm nơi “đóng quân” tiếp theo để phát triển kinh tế hộ gia đình với 12ha mía đồi.

Từng làm việc ở Nhà máy đường Quảng Ngãi nên chị có một tình yêu đặc biệt với cây mía và có không ít những kiến thức trong việc trồng, chăm sóc loại cây này. 12ha mía chị trồng phát triển xanh tốt từng ngày. Chị nghĩ thầm, có lẽ đây là một lựa chọn đúng khi rời Tp.Quảng Ngãi lên huyện Sơn Hà làm kinh tế.
Tuy nhiên, do lần đầu làm kinh tế, lại thiếu kinh nghiệm với thị trường, đầu ra cho cây trồng… chưa kịp vui mừng với 12ha mía phát triển xanh tốt, chị “méo mặt” với giá cả của nó thời điểm đó. Đầu tư lớn nhưng thu lại không đủ đồng vốn, với chị, “cú liều” này lỗ quá nặng.

Kiên quyết không bỏ đất hoang, năm 2007, sắp xếp ổn thỏa mọi việc gia đình, chị trở lại với mảnh đất này lần nữa. Chị tin, với bản lĩnh người lính, sự cần cù, sáng tạo trong lao động và tình yêu với mảnh đất này, chị sẽ lấy lại được cả vốn lẫn lời.

Khác với lần trước, lần này chị đầu tư có khoa học hơn. Tính toán kỹ lưỡng, vạch sẵn từng bước đi, chị mạnh dạn bàn với gia đình vay thêm nhà nước gần 1 tỷ đồng để tiếp tục phát triển kinh tế.

Bỏ ra một thời gian dài để nghiên cứu, tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất này, chị nhận thấy nơi đây là nơi có thể đẩy mạnh phát triển kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Điện và nước là hai yếu tố rất cần thiết trong sản xuất, đây lại là vùng đất nằm trên núi, xa quốc lộ. Chính vì vậy, ngoài cây, con giống, chị đầu tư ngay hai bể chứa nước với 50 khối để tận dụng mạch nước ngầm không bao giờ cạn, một hầm biogas 16 khối làm nguồn cung cấp điện.

Chị nói, làm kinh tế với cách thức áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi các mô hình trang trại hiệu quả ở các địa phương khác chính là cách làm giúp chị và gia đình thu nhiều “trái ngọt”.

Đến nay, ngoài 4ha mía, vườn đồi nhà chị còn có 12ha keo, hơn 2.000 cây công nghiệp có giá trị cao (chủ yếu xà cừ, sao đen, dó trầm), 350 mét vuông chuồng trại xây dựng theo mô hình công nghệ mới để nuôi bò và heo. Tổng số vốn đầu tư cho trồng trọt và chăn nuôi lên đến 2 tỷ đồng. Mỗi năm, trừ hết các chi phí, chị thu về hơn 200 triệu đồng.



images967482_IMG_3134.jpg

Hiện tại, tổng đàn heo trong chuồng trại nhà chị có khoảng 100 con lớn, nhỏ.

Kinh tế gia đình ngày càng vững, việc đi lại cũng nhiều, chị cùng gia đình “khoét núi”, mở đường. Con đường dài khoảng 4km chạy thẳng từ đường nhựa lên núi Đá Đen bây giờ đã ghi dấu không ít công lao của chị và gia đình.
Chị tâm sự: “Những ngày đầu mới lên, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, các con lại còn nhỏ dại. Nhìn quanh bốn phía chỉ toàn thấy núi rừng âm u, cây cối um tùm, nhất là khi trồng 12ha mía mà chẳng thu được gì, lúc đó chán nản lắm. Nhưng với bản lĩnh người lính, cùng quyết tâm làm giàu, những ý nghĩ ấy cũng dần biến mất”. Để rồi, chị lại có được thành công như ngày hôm nay. Nhất là, cả ba người con đều ăn học thành người. Một trong số đó, dự định sẽ “nối nghiệp” gia đình, lên núi Đá Đen tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.

“Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị Dương Thị Minh Thi còn là một nữ cựu chiến binh nhiệt tình trong các hoạt động xã hội của địa phương. Đồng thời, chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp đỡ hội viên khi họ cần. Cùng với những mô hình kinh tế khác trong xã, trang trại nhà chị đã tạo công ăn việc làm phần lớn cho lao động tại địa phương”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Sơn Hạ chia sẻ.

Có được thành công như hôm nay, với chị Dương Thị Minh Thi là cả một quá trình quyết tâm, ý chí và nỗ lực không lùi bước trước những khó khăn. Chị xứng đáng là người lính Cụ Hồ, một tấm gương nữ cựu chiến binh làm kinh tế giỏi để mọi người cùng học tập và làm theo.


Bài, ảnh: Th.Hậu
Nguồn: http://www.baoquangngai.vn
 


Một người rất nghị lực và có những suy nghĩ táo bạo đúng với danh hiệu Bộ đội cụ Hồ. Chúc Cô sức khỏe và có những bước phát triển mới ạ.
 


Back
Top