Nuôi cá rô phi bằng bột hạt hướng dương

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Kenya cho thấy có thể thay 25% bột cá bằng bột hạt hướng dương trong thức ăn của cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) được nuôi trong ao đất.

Rô phi là loài cá đặc hữu ở Châu Phi và đã được nuôi trong nhiều thế kỷ ở các nước khác nhau. Trong suốt 70 năm qua, nhờ lợi thế tiềm năng mà các loài cá rô phi đã được phân bố hầu như trên toàn thế giới.

Bột cá biển là một nguyên liệu quan trọng trong chế biến thức ăn cho các loài thủy sản nuôi. Trong bột cá có nhiều các acid amin thiết yếu, có sự cân bằng các dưỡng chất và có mùi hấp dẫn đối với tôm, cá.

Tuy nhiên, hiện nay lượng bột cá trên thế giới khá hạn chế, giá cả càng tăng cao. Sự tăng trưởng liên tục của ngành nuôi trồng thủy sản sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thay thế bột cá bằng các loại bột khác có nguồn gốc thực vật hay bột côn trùng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học và các nhóm môi trường cũng đang gây áp lực cho ngành nuôi trồng thủy sản trong việc tìm kiếm nguồn thay thế bột cá. Trong tương lai có thể lượng bột cá và dầu cá trong thành phần thức ăn thủy sản sẽ giảm và việc sử dụng chúng được xem như thành phần đặc biệt, có giá trị cao, chỉ được dùng trong các loại thức ăn cho cá giống, vỗ béo cá và nuôi vỗ cá bố mẹ.

Một nghiên cứu đã được các nhà khoa học ở Kenya thực hiện nhằm xác định tỷ lệ thích hợp khi thay thế bột cá bằng bột hạt hướng dương trong thức ăn của cá rô phi (O. niloticus) được nuôi trong ao đất.

ha%CC%A3t-hu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81ng-du%CC%9Bo%CC%9Bng-bo%CC%A3%CC%82t.jpg


Bột hạt hướng dương được sử dụng để thay thế bột cá trong thức ăn nuôi cá rô phi

(Ảnh: Internet)

Cá thí nghiệm có trọng lượng ban đầu là 19,8 ± 6,3 g/con, thời gian thực hiện thí nghiệm là 210 ngày.

Bột hạt hướng dương thay thế cho bột cá trong thức ăn của cá thí nghiệm lần lượt ở các mức sau: 25%, 50%, 75% và 100% (sau đây gọi tắt lần lượt là D25, D50, D75 và D100). D0 là thức ăn đối chứng (không thay thế bột cá bằng bột hạt hướng dương). Các loại thức ăn thí nghiệm có cùng hàm lượng protein và cùng mức năng lượng.

D25 là mức thay thế bột cá tối ưu được xác định bằng phương trình hồi quy y = 177,5 + 26,5x – 7,9x2 với trọng lượng tối ưu khoảng 184 g/con sau 100 ngày thí nghiệm.

Sự tăng trưởng của cá thí nghiệm giảm khi sự thay thế vượt quá 25%.

Các thông số về khả năng sử dụng dưỡng chất của cá tương đươngnhau ở các loại thức ăn thí nghiệm, ngoại trừ D100. Hàm lượng protein của thịt cá đạt cao nhất ở cá ăn thức ăn đối chứng (D0) và D25. Cá ăn thức ăn D100 có hàm lượng xơ cao nhất trong thịt. Có thể sự mất cân bằng các acid amin và hàm lượng xơ cao đã làm giảm sự tăng trưởng của cá thí nghiệm được cho ăn các loại thức ăn D50, D75 và D100.

Kết quả thí nghiệm cho thấy thay thế 25% bột cá bằng bột hạt hướng dương là có hiệu quả nhất để cá rô phi tăng trưởng trong ao đất.

Đào Minh

Theo Journal of Applied Aquaculture
 




Back
Top