Nuôi lợn rừng - nghề hấp dẫn

  • Thread starter truongdinh
  • Ngày gửi
T

truongdinh

Guest
Với mức giá luôn giữ từ 160.000 đ - 250.000đ/kg thịt hơi, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 so với nuôi lợn nhà, thị trường luôn khát hàng và không ngừng mở rộng nên nuôi lợn rừng đang là nghề hốt bạc mới rất hấp dẫn của nhiều tỉnh thành trên cả nước.

* Nghề nuôi lợn rừng "sốt"!

Nhu cầu tiêu thụ lợn rừng ngày càng tăng cao, thậm chí một số nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, ... còn rỉ tai nhau ăn thịt lợn rừng năm Hợi này sẽ được mạnh khỏe và nhiều may mắn nên ngay từ trước Tết, không chỉ lợn rừng mà cả những lợn địa phương như lợn Nít, lợn Mẹo, lợn Cỏ, ... có ít nhiều đặc điểm giống lợn rừng mà đồng bào dân tộc thiểu số nuôi thả rông cũng theo đà mà tăng giá, luôn đắt hơn các loại thịt lợn nhà ít nhất 30.000đ/kg, vậy mà cũng không có mà bán.

Giá con giống cũng luôn ở mức cao ngất ngưởng (3 - 5 triệu đồng/con hoặc 210.000đ/kg), thậm chí chủ trang trại Trần Đình Bá đã từng phải khởi nghiệp từ cặp lợn rừng thuần chủng nhập từ Thái Lan với giá 35.000 USD, ... Từ giữa năm 2006, công ty ANFA cho biết có hơn 400 đơn đặt hàng mua giống lợn rừng lai từ khắp các tỉnh miền Nam mặc dù các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, ... đã có rất nhiều hộ nuôi lợn rừng lai với quy mô 20 - 50 con/hộ song nhu cầu tiêu thụ ngày một lan rộng nên hiện vẫn không thể đáp ứng đủ.

Một trong những cơ sở thành đạt từ nuôi lợn rừng hiện nay là trang trại của ông Nguyễn Trùng Phương (Phước Chỉ - Trảng Bàng - Tây Ninh) với khởi nghiệp từ 1 cặp lợn rừng con mua ở quán cơm ven đường nay đã phát triển thành 2 trang trại lợn rừng ở Tây Ninh và Đồng Nai, mỗi năm xuất chuồng khoảng 200 con và duy trì đàn nái hơn 70 con để sản xuất giống. Chủ trang trại lợn rừng đầu tiên và duy nhất hiện nay ở miền Bắc (Lương Sơn - Hòa Bình)- ông Trần Đình Bá cho biết nếu nuôi thịt thì mỗi con lợn rừng cho thu lãi 3 - 4 triệu đồng/con, nếu bán giống thì còn lãi hơn. Nhiều trang trại khác như trang trại lợn rừng của ông Bẩy Dũng (Tân Hưng - Đồng Phú - Bình Phước), trại Chín Định (Cây Trường - Bến Cát - Bình Dương), trại Lê Song Bình (Mã Đà - Vĩnh Cửu - Đồng Nai), Nguyễn Phước Hùng (Hòa Phú - Hòa Vang - Đà Nẵng), ... cũng cho kết luận tương tự.

Thực ra, nghề nuôi lợn rừng ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu được lan rộng từ năm 2005 và được chú ý mới từ năm 2006. Trên thị trường thịt và giống chủ yếu là lợn rừng lai. Đa số các trang trại mua lại giống (nhập lậu giống lợn rừng Thái Lan) hoặc mua của các trang trại đi trước và tự nhân giống.

Một phương thức khác là lai lợn rừng đực với lợn địa phương thuần chủng. Một ví dụ điển hình là ông Phan Tỵ (Bình Châu - Xuyên Mộc - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm mua vài con lợn rừng đực thuần về nuôi, rồi bằng cách lai lợn nhà (các giống bản địa thuần chủng 100% như lợn Thuộc Nhiêu, Móng Cái, Mường Khương, lợn Mẹo, ... ) về phối với lợn rừng đực cho đến đời F3 ông đã có con giống chứa 75% phẩm chất lợn rừng. Ông Tỵ cho biết nuôi lợn rừng lai thế này tuy không sản xuất con giống hàng loạt được nhưng không những cho con lai đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn có tác dụng tích cực trong việc gìn giữ nguồn gen các giống lợn bản địa vốn đang đứng trước tình trạng bị mai một trong những năm qua. Mặt khác, các hộ trồng rừng cây gỗ lớn, rừng cây nguyên liệu đã trưởng thành, ... có thể kết hợp nuôi lợn rừng khá hiệu quả để tăng thêm nguồn thu nhập rất đáng kể. Chủ trang trại lợn rừng lai Ea Lâm (huyện Krông - pa, tỉnh Gia Lai) - anh Phan Đình Thế cũng với cách thả lợn nái đen bản địa (vốn được người Ê -Đê nuôi thả rông dưới chân nhà sàn) vào trang trại giáp rừng sâu để lợn rừng đực tìm đến phối giống tự nhiên và anh thu về các đàn lợn rừng lai con với những vết sọc dưa đặc trưng trên lưng. Với phương thức này, anh Thế đã có thể thổ lộ quyết tâm không hề viển vông là sẽ xây dựng thương hiệu lợn rừng lai Ea Lâm.

Trường hợp của ông Hà Ngọc Trung (Bắc Kạn) thì còn chẳng phải đầu tư một đồng nào mua lợn rừng đực giống vì đàn lợn nái trong trang trại lợn Mẹo ở khe Khuổi Làn sâu tít trong rừng của ông thường được ông thả vào rừng chơi, tự kiếm đa phần thức ăn và tự tìm lợn rừng đực phối giống. Ông Trung cho rằng nuôi lợn rừng hoặc lợn rừng lai kiểu tự nhiên như thế có lãi cao do đầu tư thấp và thị trường tiêu dùng ưa thích chứ tuyệt đối không phải do lợn quá mắn đẻ hoặc tăng trọng nhanh như các giống lợn công nghiệp.

* Lý giải "cơn sốt" nuôi lợn rừng

Thịt lợn vốn là thực phẩm truyền thống và ưa thích của người Việt Nam nay lại có thịt lợn rừng thơm ngon hơn, gần như không có mỡ, da dầy và giòn ngậy rất hấp dẫn mà cung đang rất không đủ cầu nên hiện vẫn đang được coi là hàng "đặc sản". Cả nước hiện chỉ mới có khoảng 20 trang trại lợn rừng kéo dài từ Nam ra Bắc. Ngoài 3 công ty đang kinh doanh giống, thịt lợn rừng quy mô và hiệu quả là Công ty TNHH Khánh Giang (Đồng Nơ - Bình Long - Bình Phước), Công ty TNHH Xây dựng, dịch vụ, thương mại Hương Tràm (Phường 2, Q.Phú Nhuận, TP. HCM) và Công ty ANFA (171 Cao Thắng, P12, Q10, TP HCM) thì còn lại là các trang trại tư nhân với ngàn lẻ một cách tiếp cận lợn rừng và nuôi lợn rừng nhưng chưa có ai thất bại mà đều có thể thu lãi từ các trang trại của mình đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Lợn rừng là loài ăn tạp và tham ăn, đến 95% thực đơn chỉ là rau, củ, quả, cỏ, phụ phẩm công nông nghiệp rẻ tiền và dễ kiếm. Người nuôi chỉ phải đầu tư ít cám gạo (5% còn lại trong khẩu phần). Mỗi lợn rừng trưởng thành tiêu thụ mỗi ngày hết khoảng 2 kg cỏ hoặc thức ăn thô xanh khác và 0,2 kg cám gạo. Chuồng trại lại đơn giản, gần gũi với tự nhiên. Lợn rừng có sức đề kháng rất tốt, hiện chỉ thấy cùng lắm là mắc bệnh ngoài da và rối loạn tiêu hóa đơn giản, do đó chi phí về thú y rất thấp. Lợn rừng phối giống tự nhiên mà hiệu quả nên người chăn nuôi cũng không phải trả khoản phí nào cho dẫn tinh viên trong mùa sinh sản của đàn lợn nái. Lợn rừng đã có thể khai thác thịt ngay từ 6 tháng tuổi với trọng lượng 25 kg. Lợn rừng mẹ 7 - 8 tháng tuổi đã cho phối giống thành công, mang thai 130 ngày, sinh hạ mỗi lứa khoảng 5 - 8 con, sau 4 tháng nuôi con lợn mẹ lại có thể tham gia phối giống cho lứa sau. Lợn rừng mẹ tự đào ổ, lót ổ bằng các cây, cỏ mềm trước khi sinh, tự nuôi dưỡng và chăm sóc con rất khéo nên người chăn nuôi cũng chẳng phải can thiệp gì. Lợn rừng là loài có vùng phân bố rộng lớn trên khắp thế giới trừ những miền quá lạnh hoặc đóng băng kéo dài nên việc chăn nuôi lợn rừng có thể phát triển chăn nuôi lợn rừng ở bất cứ vùng miền nào của nước ta.

Đầu tư thấp, thị trường rất tiềm năng, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, rủi ro ít, sức cạnh tranh với thịt lợn công nghiệp rất cao lại thêm không bị ràng buộc gì từ các chính sách về bảo tồn động vật hoang dã của Nhà nước. Mặt khác chính sách "khóa cửa rừng" của Nhà nước làm hạn chế việc săn bắt lợn rừng tự nhiên nên thị trường tiêu thụ lợn rừng chủ yếu vẫn là từ nguồn chăn nuôi trong dân chúng. Với những lý do này, nuôi lợn rừng đang là một nghề chăn nuôi mới đầy hứa hẹn và rộng mở nhiều tiềm năng.


THs: Đào Lệ Hằng - Cục chăn nuôi​

Hiện nay trang trại chúng tôi đang có con giống lợn rừng Việt Nam. Lợn từ 5 - 20kg/con giá bán từ 200.000 - 300.000/kg. Địa chỉ: Hoài Đức - Hà Nội. Cách đường láng 14km. Cách bến xe Mỹ Đình 12km. Tel: 091 441 29 29 A.Định
 


Last edited by a moderator:


Back
Top