Phân bón phân giải chậm (CRF): Thông tin cơ bản, ưu và nhược điểm

  • Thread starter Yellowsurian
  • Ngày gửi
Y

Yellowsurian

Guest
Phân bón phân giải chậm (Controlled Release Fertilizer) là sản phâm đang được sử dụng rất nhiều tại các nước phát triển (Anh, Pháp, Đức, Mĩ, Nhật) cũng như tại một số nước quanh ta (Malaysia, Indonesia và Thái Lan). Dựa vào kinh nghiệm cũng như kiến thức thu thập được tôi xin được phép chia xẻ tới mọi người kiến thức chung về loại sản phẩm này:

Phân bón phân giải chậm (Controlled Release Fertilizer – CRF)

Phân bón phân giải chậm và việc sử dụng các khoáng chất một cách hiệu quả:
Bằng việc bọc quanh hạt phân bón một vách ngăn, việc phân giải của phân bón sẽ được kiểm soát. Nhờ có vách ngăn giữa phân bón và môi trường xung quanh, phân bón sẽ phân giải từ từ các khoáng chất từ bên trong ra môi trường bên ngoài giúp cho phân bón tồn tại lâu hơn trong môi trường.

Tính năng của phân bón phân giải chậm CRF:
Phân bón phân rả chậm eKote bao gồm có 2 phần: bao bọc bên ngoài là một lớp polymer (polyUrethane), phần bên trong là các khoáng chất dễ hòa tan (N-P-K và các nguyên tố vi khoáng Mn, Boron,…)

Sau khi bón phân phân giải chậm vào đất: nước thấm qua lớp bọc polymer đi vào bên trong hạt phân, các nguyên tố khoáng chất sẽ hòa tan vào nước ở bên trọng lớp bọc polymer.

Nước tiếp tục thẩm thấu qua lớp polymer đi vào bên trong hạt phân, trong thời gian đó các nguyên tố khoáng đã hòa tan sẽ khuếch tán qua lớp polymer đi ra môi trường xung quanh, các nguyên tố khoáng này là nguồn cung cấp cho cây trồng.

Quá trình phân giải của các phần tử khoáng hòa tan bên trong hạt phân tiếp tục cho đến khi các phần tử này khuếch tán hết ra ngoài môi trường xung quanh (% release = 100%), khi đó chỉ còn lớp bọc polymer và nước. Sau một thời gian (1-2 năm), lớp bọc này sẽ tự phân hủy hữu cơ và không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn đất.

Phân bón CRF có thể có thời gian phân giải kéo dài 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm, 18 tháng tùy theo yêu cầu của cây trồng và thời vụ.

Lợi ích của Phân bón phân giải chậm (Controlled Release Fertilizer – CRF):

1. Tối ưu quá trình phát triển của cây trồng, góp phần tăng năng suất cây trồng – Các chất dinh dưỡng được cung cấp một cách chính xác theo từng loại cây và nhu cầu dinh dưỡng của cây ở từng giai đoạn phát triển, giúp cây trồng phát triển tối ưu nhất

2. Bón phân chỉ một lần mỗi mùa vụ
• Tiết kiệm chi phí lao động: công lao động cho việc bón phân và làm đất mỗi lần bón phân sẽ giảm
• Tiết kiệm chi phí bón phân: lượng phân bón sử dụng sẽ giảm (theo tính toán lượng phân bón sử dụng chỉ còn 40-60% so với thông thường)
• Giảm bớt sự tác động cơ học đến đất do việc sử dụng người hoặc máy móc mỗi lần bón thân, gây nén chặt đất

3. Tối thiểu lượng phân bón bị mất mát do sự xói mòn đất, sự bay hơi hay do sự kết dính chặt vào trong đất
• Sự sẵn sàng của các chất dinh dưỡng suốt vòng đời phát triển của cây trồng được bảo đảm, theo từng giai đoạn phát triển của cây, nhu cầu đạm-lân-kali ở từng thời điểm được cung cấp đúng lúc, đúng liều và đúng cách. Đồng thời giúp rễ cây phát triển tốt và sâu, góp phần tăng sức đề kháng của cây.
• Tối ưu hóa việc sử dụng phân bón, hạn chế sự hao phí phân bón
• Không yêu cầu phải bón thúc phân bón giữa vụ mùa – góp phần giảm số lần bón phân mỗi vụ mùa
• Có ưu thế rất cao khi đánh giá tác động về mặt sinh thái học, môi trường (không gây ô nhiễm mạch nước ngầm, không khí và không gây thoái hóa đất), đối với cây chiết hoặc ghép rất quan trọng vì việc bón quá nhiều phân sẽ đầu độc cây trong giai đoạn đầu phát triển của cây trồng.


4. Việc bón phân hoàn toàn không phụ thuộc vào việc tưới tiêu, quá trình phân giải của phân vẫn tiếp diễn ngay cả khi không cung cấp nước

• Không cần sử dụng các trang thiết bị phun và trộn phức tạp
• Trong mùa mưa không cần phải có kĩ thuật tưới tiêu đặc biệt, vì hat phân vẫn tồn tại trong cả môi trường ngập nước.
• Không xảy ra việc thất thoát của phân bón trong quá trình tưới tiêu để ngăn chặn việc tăng độ mặn trong đất

Tuy nhiên chi phí của loại phân này vẫn còn khá cao, và đòi hỏi người sử dụng phải có một ít kiến thức cơ bản về cách sử dụng loại phân này.
Nhưng khi tính toán về: giảm lượng phân sử dụng cũng như giảm chi phí lao động, việc sử dụng phân bón phân giải chậm CRF thật sự mang lại rất nhiều lợi thế vì tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng và tổng chi phí sẽ giảm xuống./.

Trên đây là một số kiến thức tổng hợp của tôi về loại sản phẩm này. Nếu các anh/chị có ý kiến đóng góp thì cho tôi biết nhé; cũng như anh/chị có nhu cầu trao đổi thông tin thì cứ liên lạc với tôi. Chân thành cám ơn!
 
ưu điểm:

1.phân bón viên nén chậm tan thích hợp để bón cho phong lan, các loại cây kiểng , cây thế, cây trồng trong nhà, các loại cây không có nhu cầu chăm sóc, vun xới nhiều hoặc người trồng muốn tiết kiệm hoặc không có thời gian chăm sóc

2.bón 1 lần , sử dụng lâu dài

3. là loại phân đa yếu tố, có tất cả các nguyên tố cần thiết cho cây trồng
4.lượng bón ít

nhược điểm:
1. giá thành còn cao
2.chưa được sử dụng phổ biến
3.chủng loại chưa đa dạng
4.chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cây do mỗi giai đoạn sinh trưởng cây cần nhu cầu dinh dưỡng khác nhau
5.quy trình bón phân phức tạp vì phân bón 1 lần nên phải tích toán mật độ giải phân, vị trí bón phân, lượng phân cần dùng, độ sâu bón cho từng loại cây cụ thể.
6. canh tác trên đồng ruộng theo kiểu luân canh cây trồng như vậy loại phân bón, cách bón phân cho cây trồng vụ này lại ko thích hợp cho cây trồng vụ sau, khi cày xới lại đất hạt phân có thể nổi trên bề mặt đất như vậy hiệu quả sử dụng sẽ ko cao
7.loại phân đơn yếu tố là loại phân được sử dụng phổ biến cho các cây trồng hằng năm, đa yếu tố thích hợp cho cây trồng lâu năm như cây ăn quả, cây công nghiệp
 
giá thành khá là cao đấy ạ. tôi mua 1 túi lưới nhỏ phân viên nén chậm tan bé bằng 2 ngón tay có giá là 3000 đồng/túi, nếu mua cả túi lớn gồm nhiều túi lưới nhỏ bên trong nặng chừng 1kg có giá là 67.000 đồng. nếu bón cho phong lan thì 3 tháng thay túi phân 1 lần.
 
- Về mặt giá thành khá cao là do hiện nay ở Việt Nam phân bón này chỉ sử dụng hạn chế cho một số sản phẩm ở qui mô khá nhỏ, vì vậy các công ty chỉ nhập khẩu lượng nhỏ để bán cho người trồng cây cảnh là chính. Nếu ứng dụng ở qui mô lớn thì giá thành của sản phẩm này sẽ khá cạnh tranh.

- Việc sử dụng sản phẩm phân bón này chưa phổ biến vì người tiêu dùng chưa được biết nhiều về loại sản phẩm này cũng như các nhà sản xuất chưa chú trọng cho việc phát triển và ứng dụng sản phẩm

- Chủng loại chưa đa dạng là do đặc thù của sản phẩm yêu cầu phải xây dựng một hệ thống chuẩn các sản phẩm để ứng dụng cho từng loại cây trông vì mỗi cây trồng có thời gian phát triển khác nhau, nhu cầu khác nhau. Hiện tại với khả năng kĩ thuật và kinh tế vẫn chưa có nhiều công ty dám mạnh tay đầu tư cho việc này.

- Nói không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây cho mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây do cây cần nhu cầu dinh dưỡng khác nhau: điều này chắc bạn đáng nói đến một số sản phẩm bọc sulfur hoặc dạng phân IBDU, thực chất các phân này gọi là slow release fertilizer chứ không phải là controlled release fertilzer, loại phân bọc sulfur hoặc IBDU chỉ là làm chậm quá trình hòa tan, và hạn chế vì không thể trộn nhiều loại phân khác nhau.

Trong khi đó phân bón điều khiển (CRF) thì có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây bằng cách rất dễ dàng nhờ việc trộn lẫn với nhau các loại phân có thời gian phân rã khác nhau nên sẽ cung cấp nhu cầu dinh dưỡng của cây đúng cách, đúng lục, đúng loại. Vì dụ: Cây trồng cần đạm trong 2-3 tháng đầu; cần lân 5-6 tháng giữa và cần kali vào giai đoạn cuối (tháng 8-9); phân được sử dụng sẽ là hỗn hợp của urea có thời gian phân giải tối đa 3 tháng, phân DAP có thời gian phân giải 6 tháng và Kali Sulfat có thời gian phân giải 9 tháng. Nhờ đó chỉ cần bón 1 lần và cây phát triển tốt.

- Qui trình bón không phức tạp như mọi người vẫn nghĩ, chỉ cần có hướng dẫn chi tiết. Một lợi thế là việc bón phân tiến hành trước hoặc cùng thời điểm trồng cây con, hoặc gieo hạt, nên sẽ thuận tiện hơn là việc bón phân kiểu bón lót khi cây đã phát triển.

- Hạt phân nổi lên mặt đất bạn nói đến đó là phân IBDU theo mình nghĩ, thực tế kích thước hạt phân IBDU rất lớn trong khi phân CRF kích thước cũng như phân thông thường, vì lớp polymer rất mỏng. Khi hạt phân sử dụng hết thì chỉ còn lớp bao và nước bên trong chứ không còn phân. Việc này rõ ràng không ảnh hưởng đến đất, chứ như cách bón thông thường thì khoang 40% phân bị trôi và mất vào đất, rõ ràng làm ảnh hưởng đến chất lượng đất, nguồn nước còn nhiều hơn.

- Hiện nay phân bón CRF đang được sử dụng phổ biến tại Malaysia và Indonesia, đặc biệt là cho cây cọ dừa. Còn ở Châu Âu và Mĩ, loại phân này dùng nhiều cho các cây trồng: Ngô, Dâu tây, Củ cải đường, cà chua, bắp cải, Cần tây, Tỏi tây, Nho, Táo...


http://agriviet.com/home/threads/12...ong-tin-co-ban-uu-va-nhuoc-diem#ixzz2EP7nc5EW
---> Đây là sản phẩm Slow release fertilizer dang IBDU chỉ là sản phẩm phân đạm thôi, công nghệ này chỉ là làm nóng chảy hạt phân ra một phần rồi ép thành viên phân to, quá trình phân giải chậm là do sự thuỷ phân và quá trình điều khiển vi sinh trong đất. Phân này ở Châu Âu chẳng ai dùng nữa cả, cách đây 20 năm thì có, vì hiệu quả kém.

Bạn có thể thâm khảo về phân CRF như trang này của Haifa, một công ty nổi tiếng của Israel: http://www.haifa-group.com/products/plant_nutrition/controlled_release_fertilizers/ (Xin lỗi bằng tiếng Anh)
 
Hiện nay mình đang làm việc tại Hà Lan cho công ty nghiên cứu và sản xuất phân bón CRF này, sản phẩm cũng đang khảo nghiệm trên các loại cây trồng ở Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Ý cho khoảng 20 loại cây ăn quả, ở Châu Á thì đang khảo nghiệm ở Malaysia, Indoneía, Đài Loan và Trung Quốc.

Trong năm tới, công ty mình sẽ triển khai khảo nghiệm tại Việt Nam trên cây Lúa, Mía, Ngô và Cao su (cao su chỉ là giai đoạn ươm cây - 1 năm) tại các tỉnh phía Nam. Lí do là vì các loại cây trồng này có diện tích trồng khá lớn ở nước ta, và nhu cầu sử dụng phân bón một cách hiệu quả đang là mục tiêu hướng tới của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
 
bạn giải thích rất là đúng ý của tôi. cái loại phân viên nén chậm tan tôi đã từng cầm trên tay có kích thước rất lớn , đường kính tầm 1cm và rất nhanh bị ẩm khi để ngoài không khí tầm 1 tiếng như vậy khó khăn trong bảo quản.

theo logic thì cái gì càng cầu kì, chất lượng thì giá thành sẽ càng cao. trong công tác khuyến nông điều quan trọng đó là "mắt thấy tai nghe", cần có các mô hình trình diễn và những điển hình tiên tiến đã áp dụng tiến bộ khkt và đã thành công , ngoài ra còn là vấn đề dễ áp dụng, chi phí thấp đó là bước đầu để thuyết phục người nông dân.

tôi hi vọng sản phẩm phân viên nén chậm tan và hạt giữ nước sẽ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp cho các vùng khó khăn về nước tưới ở các tỉnh nam trung bộ. chúc bạn thành công.
 
Em đang rất quan tâm chủ đề này vì em đang làm thuyết trình về nó.
Sẵn tiện cho em hỏi nghĩa sát của "Moisture" là gì ạ, e dịch là nước ẩm đọng lại nghe ko hay lắm
Em cảm ơn
 
phân bón phân giải chậm (CRF)

Em cần tìm hiểu về phân bón phân giải chậm, anh /chị Yellowsurian có thông tin chuyên sâu chia sẽ với em nhé. Cảm ơn anh/chị
 
Back
Top