Quỳ Vàng : Một tuổi thơ của tôi

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest
Trong giấc mơ tôi…Nắng ửng vàng lên, thắp thành những dãi sợi mềm óng ả, hong phơi khắp cả non đồi…… Gió cũng nhẹ mơn làm rung rinh những mắt hoa quỳ vàng nằm lấp ló tít tận triền xa. Vậy là một mùa nắng lạnh đã trở về, cao nguyên Lâm Đồng đang khoác lên mình một nền trời trong xanh man mác. Gọi đó là mùa-nắng lạnh vì bởi lẽ, dù có cất công đi tìm ở đâu xa trên khắp dãi đất này, bạn cũng khó có thể bắt gặp được một vùng sơn nguyên với nắng vàng hanh heo đi kèm những triền gió lộng như thế này. Có ai đó đã từng nói: Tp Đà Lạt mùa này như hội đủ cả khí sắc bốn mùa trong cả một ngày, thời tiết đẹp - tất nhiên, nếu không có những đợt mưa áp thấp bất chợt khác thường thi thoảng đến - công với cảnh trí thanh nhàn đang gọi mời bao bước chân lữ thứ tìm về với những hành trình kỉ niệm…
Kỷ niệm cao nguyên. Kỷ niệm tuổi thơ một thời thông xanh tít tắp, hoa dại giăng mắc khắp nơi hay nằm vu vơ ngơ ngác ở ven đường. Khi đám quỳ vàng bắt đầu ló dạng kéo theo cái lạnh mơn man da thịt cũng là lúc người lớn trẻ con phải khoác choàng thêm len ấm, bởi lẽ phấn hoa nồng bay xa dễ gây cảm cúm với những cơ thể nào nhạy cảm. Mẹ tôi thường nhắc nhở mỗi khi ra đường vì sợ bị ho. Còn lũ trẻ con không có món gì chơi nên ngắt mấy lõi hoa quỳ xâu laị thành vài cái bánh xe nhỏ xíu, lấy đọt cây quỳ cột lại thành ra một cái xe đẩy, thế là chơi vui đáo để. Bọn con gái điệu đàng hơn một chút, ngắt cánh quỳ vàng cài lên trên tóc hoặc kết thành vòng đeo lên đầu lên cổ cho giống mấy cô dâu, y hệt như trong phim ảnh. Mấy chị lớn hơn thì cắt vài đoá hoa quỳ thật to thật vàng về chưng cạnh bên cửa sổ, mùi quỳ hoa ngan ngát đắng, cắm cũng chỉ non một ngày là phải thay. Cũng như nhiều loại hoa mọc tự nhiên khác, hoa quỳ đẹp nhất là khi còn bình yên trong cây trong bụi, cái màu vàng mơn mởn cứ lung lay hoài theo nắng gió cho tới phút tàn phai. Thì ra ở đời vẫn có những loài hoa như thế, lúc ngắt lìa khỏi thân cành thì hương sắc cũng bay theo… Các bà, các mẹ thường hái lá quỳ nấu sôi để tắm cho lũ trẻ mỗi khi nấm ghẻ hay mẩn ngứa. Rát, nhưng quả thật rất công hiệu. Nhiều nhà vườn còn phạt thân-lá quỳ để ủ thành phân xanh rất tốt. Ơ mà cũng lạ, thời đó chỗ nào cũng đầy quỳ, quỳ mọc thành bụi, thành đám, thành đồi xanh. Thân cao, gốc chắc, lá xoè to mà hoa cũng rất lớn. Ví như bầy chim yến cằm trắng di trú đã trăm năm trên mấy chái nhà hình chữ A trong phố núi này, quì vàng cũng trở thành một sinh vật có tác dụng chỉ định môi trường. Hoa nở có nghĩa là đã cuối thu, chuẩn bị bước sang đông, hoa thường nở rộ giữa cuối tháng 11, thời tiết bình thường có khi phải sang tháng 3 mới tàn hết. Dù có thích hay không thì cái màu vàng rực rỡ của sắc hoa cũng đã in đậm trong trí tưởng biết bao thế sinh ra, lớn lên hoặc đã đi xa thành phố nhỏ bé hiền hoà này. Mấy ông văn nhân nghệ sĩ ưu ái gọi loài hoa mọc hoang dã này bằng cái tên mỹ miều hơn - cúc quỳ -quì hoa. Hoa quỳ dại đã đi vào trong thơ nhạc nghe cứ lâng lâng bao nhiêu niềm thương nỗi nhớ. Ở mấy kỳ lễ hội hoa rồi festival hoa mà chính quyền Tp Đà Lạt đã tổ chức, người ta còn chọn hoa quì làm thành biểu tượng. Nhiều mẫu lôgo, thiết kế… cũng đã khắc hoạ quì hoa như một hình tượng mang dáng vẻ đặc trưng của cao nguyên. Còn với người dân Đà Lạt, loài hoa hoang dại đó thân thuộc tới mức qúa đỗi bình thường…
      Bình thường lắm lắm để rồi có lúc nào đó bất chợt ngoái nhìn lại, nhở tưởng lại thì - đã-thấy-không-còn-là-bình-thường - như - trước - nữa. Chưa đến lập đông thì hoa đã trổ, màu quì nở sáng rực rồi mà thời tiết có lúc vẫn cứ âm u bởi những trận mưa muộn kéo dài. Dọc khu vực đường cao tốc Liêng Khương thuộc huyện Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng, may mắn thay vẫn còn sót lại những mãng đồi hoa quỳ vàng rực rỡ làm ngẫn ngơ mắt nhìn du khách mỗi lúc ngang qua.. Ngay cả loài hoa anh đào nở vào cuối đông cũng thế, có năm nở sớm hơn thường lệ, tết chưa kịp đến thì cành lá đã xanh um. Một số đồi quì hoa dọc đường Duy Tân-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Phan Đình Phùng-khu vực Đô Men xưa kia bây giờ đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là cửa nhà cao thấp lố nhố đến chóng cả mặt. Cuộc sống mưu sinh, tiện nghi vật chất lẽ cố nhiên là quan trọng hơn chứ ai lại đi quan tâm làm gì tới những bầy hoa dại! Thủa còn tiểu học, đám bạn trường tôi thường có thú chơi sưu tập nhiều cánh hoa bươm bướm-mắt nai-bìm bìm và còn nhiều nữa… ép vào lưu bút, ghép mấy cánh xương hoa tạo thành bưu thiếp nhỏ xinh gửi tặng thầy cô dịp lễ Hiến chương, vì thời đó làm gì có tiến để học trò hoa hoè hoa sói như bây giờ. Giật mình một cái nhìn ngoảnh lại: hoa-cỏ-giờ-này-ôi-sao-cũng khác… Những thứ ví tế nhỏ nhặt thủa nào từng góp thành hồn thơ riêng cho phố núi đã dần dà biến mất đến không ngờ. Những hoa chậu-hoa cành xếp lớn thành hàng, thành mô hình ở các trục đường – ở các tháp hoa hiện thời không phải không cần hay không đẹp nhưng rõ ràng vẫn thiếu vắng đi cái nét quyến rũ cuốn hút như những loài hoa nở dại. Ngoảnh lại một thời mơn man hoa cỏ… Lũ hoa leo thủ thỉ bên vách, ven tường. Bầy hoa cánh nhỏ đua chen theo từng lối-ngỏ. Từng đám, từng vạt từng thảm hoa mơn mỡn lấp ló sau cổng những ngôi nhà yên tĩnh. Những vạt hoa rắc đầy các mỏm đồi, thung lũng… Tất cả như một giấc mơ đã chìm vào nhớ thương thương nhớ. Khi những ngôi nhà cổ chữ A mái dốc bị thay thế, bầy yến cằm trắng (người Đà Lạt thường gọi là chim én) cũng thưa thớt dần tiếng ríu ran mỗi giấc hừng đông hay mỗi chiều mưa phùn giăng lất phất. Giữa thập niên 90, anh Lâm Ngọc Tuấn-một giảng viên Khoa Sinh vật trường Đại Học Đà Lạt đã dốc nhiều tâm sức vào việc nghiên cứu đề tài về chim yến cằm trắng với khát vọng bảo tồn loài chim có ích này, dù hàm lượng yến sào có trong tổ của chúng không nhiều như loài yến đảo nhưng nếu biết cách bảo vệ nuôi dưỡng, yến cằm trắng vẫn có tác động tốt đến việc cân bằng hệ sinh thái và môi trường nói chung. Đáng tiếc thay, khi dự án nghiên cứu này bị cắt đi nguồn tài trợ từ một doanh nghiệp ở Nha Trang, yến cằm trắng đã chìm vào quên lãng. Tiếng gọi ríu ran của bầy én núi thủa nào có lẽ sẽ khó mà phai quên trong ký ức du khách khi có một lần trở lại, và rồi còn cả tiếng vó ngựa lóc cóc, tiếng rao hàng quen thuộc của những bà những chị mỗi sớm mai lên… Ngay cả đám quỳ hoa bây giờ cũng khác trước: cánh hoa bé hơn, thân cây còi cộc và cũng mọc èo uột hơn. Điều đáng kinh ngạc nếu bạn để ý xem có khi chưa tới đầu đông hay thậm chí ngay giữa ngày hè thì hoa quỳ cũng tự nở lác đác. Một thời mộng mơ ngơ ngác trước những bụi hoa dã quì hoang dại khiến người ta lãng quên mất bao điều… Khi môi trường, môi sinh biến đổi một cách sâu sắc thì tạo vật cũng bị cuốn theo vòng ảnh hưởng nghịch. Nhìn những cánh quì vàng nhỏ xíu, cong queo xác xơ trên các mép đường đèo, có ai đó cho rằng bổn phận của chúng ta không phải là hồn nhiên thọ hưởng mà là phải tạo lập – vun trồng ?! Ông Nguyễn Trọng Hoàng – nguyên GĐ Sở Du lịch thương mại LĐ một thời đã cổ xướng cho công cuộc trồng lại hoa đường, hoa đồi ở DaLat. Nhưng tiếc thay, mãi cho tới nay, những đề xuất chí lý của ông và nhiều người tâm huyết từng góp mặt trong đề án “Xây dựng môi trường du lịch DaLat theo hướng bền vững” vẫn còn bị bỏ ngỏ …
      Hoa ơi hoa, phải chăng hoa cũng như người – thiếu chăm, thiếu trồng làm sao mọc tiếp được ? Và hoa cũng là người – cho dù có là thứ dại hoa như loài quỳ vàng xứ lạnh – nếu thiếu đất để mọc, thiếu môi trường để dung dưỡng, tự nó cũng sẽ tàn lụi hoặc phản ứng lại bằng những gốc cành leo teo, bằng những mắt hoa nhỏ khô, trơ trụi … Oi , Hoa quỳ vàng – một thời tuổi thơ tôi !
(Trần Minh Đức, Pv Đài PTTH Lâm Đồng; địa chỉ nhà: 27b, đường Ba Tháng Tư, phường 3, Tp Đà Lạt, Lâm Đồng, Đt: 0916233264)
 


Last edited:


Back
Top