Rau má Phước Yên vươn mình ra khỏi chợ làng

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Rau má Phước Yên đang trở thành một loại nông sản thu lại lợi nhuận cao cho nông dân, giúp họ làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
<em>Thương hiệu rau má Phước Yên

Phước Yên là một làng quê thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền gồm gần 300 hộ dân đang sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp với 111 ha diện tích đất gieo trồng. Hơn chục năm nay, cuộc sống của họ dần khấm khá, từ chỗ đủ ăn giờ đây đã có của dư của để vươn lên làm chủ trên chính mảnh đất quê hương, cái giàu đó được họ cho biết là nhờ rau má. Trước đây loại rau này chỉ phục vụ nhu cầu bữa ăn trong gia đình; sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế, các gia đình nhân rộng mô hình và phát triển nghề. Hiện tại ở Phước Yên có trên 90% hộ dân sống bằng nghề rau má, đất nông nghiệp chỉ dành một phần trồng lúa (41.8ha), còn lại dành hết cho ruộng rau. Rau má ở đây không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong địa bàn tỉnh mà còn có mặt nhiều trên thị trường các tỉnh thành, như Vinh, Quảng Bình, Đông Hà, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và TP HCM. "Khi các mối rau gọi, chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng, có năm mỗi ngày chúng tôi đóng đi cả 5 tạ rau". ông Nguyễn Văn Hiển, người dân thôn Phước Yên cho biết.

<em>Đầu ra sẵn sàng

Nếu như cách đây hơn chục năm, rau má Phước Yên loay hoay tìm đầu ra, khao khát vươn mình ra khỏi cái chợ làng bán vài ba kg lẻ thì đến năm 2000 ông Cao Quảng Thiện, một nông dân thôn Phước Yên đã mạnh dạn tìm thương lái để mở rộng mô hình trồng trọt; cũng kể từ đó thị trường đã mở rộng ra các tỉnh thành bên ngoài Huế, lớn nhất là Quảng Bình và thành phố Hồ Chí Minh. Hằng ngày, số lượng rau ở địa phương đóng đi các tỉnh lên tới hàng tấn. Nhiều người con của địa phương làm ăn xa cũng bỏ nghề để buôn rau má từ Huế vào bỏ mối vì kiếm lời cao, chỉ 5.000&ndash;15.000 đồng/1kg từ địa phương sản xuất vậy mà khi đi tiêu thụ ở các vùng khác giá bán lại rất cao. Ở TP HCM có khi 1kg rau má là 50.000 đồng. Cũng vì lẽ đó, nhiều người buôn chấp nhận hư hao, phí vận chuyển cao và dù đến nơi có khi chỉ còn dùng được một nửa nhưng người ta vẫn hợp đồng lâu dài với các chủ đầu mối ở Thừa Thiên Huế. Anh Nguyễn Văn Lâm, nhân viên khu Công nghệ cao TP. HCM cùng vợ bỏ nghề để buôn lại rau má từ gia đình ở Huế bán cho các mối khác mặc dù lương ở công ty lên đến 6 triệu đồng/ tháng. Anh Lâm cho hay ở đây rau luôn cần, lấy hàng bao nhiêu bán được bấy nhiêu. Mỗi ngày anh đều đặt hàng 1 đến 1,4 tạ rau, ước tính lãi 900.000 đến 1.500.000 đồng/ ngày. Thị trường tiêu thụ rộng đã giải quyết việc làm cho không ít người. Trung bình, mỗi gia đình ở đây có 3 đến 7 sào rau với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/3 sào/20 ngày, mỗi ngày thường cắt được đến 1 tạ, thu nhập 700 ngàn đến 1 triệu đồng, người nhanh tay có thể làm gấp đôi. Người đi buôn cũng hình thành ngay tại chính mảnh đất này, mỗi ngày họ thu mua được khoảng 1 đến 2 tạ rau má lợi nhuận thu lại khoảng 300 ngàn đến 1 triệu đồng. Những người làm thuê cắt lượm cũng kiếm được số tiền kha khá khoảng 80.000 đến 120.000 đồng/ ngày. Nhiều học sinh, tranh thủ những ngày nghỉ hoặc những buổi rảnh rỗi đến phụ làm rau cho các gia đình khác cũng kiếm được 70.000 đồng/ngày.




3.jpg




Nông dân cắt rau trên cánh đồng





<em>Còn lắm những nỗi lo

Cung đáp ứng, cầu sẵn sàng là điều kiện tiên quyết để rau má Phước Yên phát triển mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế đạt được thì đến nay, đây vẫnlà nghề trồng trọt tự túc, hoạt động dựa trên kinh nghiệm của mỗi hộ gia đình không có sự quản lý của hợp tác xã. Bác Nguyễn Phụ Phú, Trưởng thôn Phước Yên trăn trở: "Với cây lúa thì Chi cục Bảo vệ thực vật có phối hợp với hợp tác xã để hướng dẫn nông dân phòng trừ các loại sâu bệnh, còn cây rau má thì chủ yếu là người dân hỏi nhau cách làm. Chính vì vậy, nhiều người dân rất lo khi có sâu bệnh". Còn theo ông Nguyễn Lương Trí, Chủ nhiệm HTX Quảng Thọ II: "HTX chỉ quản lý về lúa, còn rau má bao năm qua người dân vẫn tự chăm. Ở HTX chỉ thực hiện dự án sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap 1.6ha vào năm 2010".

Nhiều trường hợp người dân lúng túng trong việc xử lý nhiều tình huống rau bị cháy, lá vàng, không thể tự tìm ra nguyên nhân và mỗi hộ gia đình lại tự tìm cho mình một cách giải quyết, người đúng kẻ sai. Bên cạnh đó, thời tiết ở Huế khắc nghiệt luôn đe dọa đến chất lượng rau gây sự lo lắng cho người dân...

Dẫu đã đạt hiệu quả kinh tế cao, nhưng người dân vẫn cần những phương pháp trồng trọt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động nghề nghiệp này, như một mơ ước mà em Nguyễn Văn Tuấn Vũ, 13 tuổi, vẫn thường nói tới: "Ước chi có máy lượm rau vàng".


Lê Hữu Phúc
Nguồn:http://www.baothuathienhue.vn/
 


Last edited:


Back
Top