Sáng chế khoa học bị 'bỏ rơi'

  • Thread starter connhen
  • Ngày gửi
Không công nhận phương pháp trồng ngô mật độ cao (8 cây một m2, có điều chỉnh tán lá song song) là một tiến bộ kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tác giả làm lại ba thí nghiệm để chứng minh sự khác biệt so với phương pháp thông thường.

Thế nhưng đã qua bốn lần làm thí nghiệm thành công, cơ quan đưa ra yêu cầu này vẫn không có ý kiến phản hồi. Kỹ sư Chu Văn Tiệp – tác giả của phương pháp trồng ngô mật độ cao có điều chỉnh tán lá cho biết từ năm 1967- 1978, ông đã nghiên cứu động thái tán lá loài ngô và phát hiện "mặt phẳng tán lá tương lai" của chúng.

Với phát hiện này, tác giả đã tự tìm ra định hướng cho việc trồng ngô phải mở rộng hàng và co ngắn khoảng cách cây, lá song song. Đề tài này đã được cấp bằng sáng chế năm 2002 và giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2004, song cơ quan quản lý ngành nông nghiệp lại cho rằng đây không phải là một phương pháp canh tác tiến bộ.

Thành công ở nhiều địa phương

Vụ đông năm 2009, phương pháp trồng ngô mật độ cao của Kỹ sư Tiệp được thực hiện tại 17 hộ dân ở thôn Tra, xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với diện tích thử nghiệm trên hai ha. Theo kết quả thu hoạch của các gia đình tham gia trồng trình diễn tại đây cho thấy, ngô trồng mật độ cao có điều chỉnh lá cho thu hoạch năng suất đạt thấp nhất 55 tạ một ha, cao nhất đạt 80 tạ một ha, cao hơn các loại ngô trồng truyền thống trên cùng một chân đất khoảng 35%. Trừ chi phí mức thu chênh lệch so với các loại khác thấp nhất cũng đạt 3 - 5 triệu đồng một ha, còn mức cao hơn đạt 8 - 16 triệu đồng một ha.


Các nhà khoa học kiểm tra kết quả trên ruộng ngô vụ đông 2009 tại Thanh Hóa. Ảnh: Quỳnh Anh
Là người chứng kiến quá trình thu hoạch, Kỹ sư Hoàng Lĩnh, cán bộ khuyến nông của Hiệp hội Khoa học Thanh Hóa cho biết: "Thực sự phương pháp mới này đã cho năng suất ngô cao vượt trội. Đây là một phát hiện mới mang lại hiệu quả cho người nông dân". Là người có hơn 10 năm nghiên cứu về cây ngô, Kỹ sư Lĩnh tỏ ra am hiểu: "Tôi hiểu tường tận về cây ngô và cũng đọc nhiều tài liệu, song đến bây giờ mới chứng kiến phương pháp điều chỉnh tán lá song song vừa giúp trồng được nhiều cây trên một diện tích lại cho năng suất cao hơn.Với cây ngô do phải đặt bầu nên cách này dễ làm và chắc chắn tôi sẽ in thành văn bản hướng dẫn cho bà con đồng loạt sử dụng phương pháp này".

Kỹ sư Hoàng Lĩnh không phải là người duy nhất đánh giá cao ưu điểm vượt trội của phương pháp này, bởi đến nay nó đã khẳng định không dưới chục lần tại nhiều địa phương như: Hòa Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên… Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cũng thừa nhận: "Những phát hiện của tác giả về tán lá song song, định vị phôi để điều chỉnh tán lá ngô là một phát hiện mới".

Muốn bác bỏ, phải chứng minh

Trở lại câu chuyện của những năm về trước, kể từ khi tác giả được nhận bằng độc quyền sáng chế và nhận giải thưởng, Bộ Nông nghiệp và PHát triển nông thôn cho các cơ quan tham mưu tiến hành kiểm tra, đánh giá.Tác giả trình diễn sản xuất thử ở Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa để chứng minh ưu thế trên sản xuất rộng, phục vụ mục đích nhân rộng. Thế nhưng, vẫn có một nhóm nhỏ nhà khoa học chưa đồng tình với phương pháp của Kỹ sư Tiệp và đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển cũng chưa công nhận kết quả.

Đánh giá cao nghiên cứu của Kỹ sư Tiệp, Giáo sư Vũ Hoan – Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nói: "Đề tài có khả năng ứng dụng được hay không thì những thí nghiệm trong suốt bốn năm qua đã chứng minh điều đó. Các nhà khoa học "lão làng" hãy giúp đỡ một nhà khoa học không có gì trong tay, chỉ có mong muốn góp phần mình, đưa tiến bộ kỹ thuật đến với người dân".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đôn, Trưởng ban Khoa học công nghệ và kinh tế, LHH Việt Nam, có thể khẳng định trồng ngô mật độ cao (có điều chỉnh tán lá hay định vị phôi) theo phương pháp của Kỹ sư Chu Văn Tiệp cho năng suất cao hơn hẳn và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô ở mật độ phổ biến hiện nay (quy phạm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và trồng dày (7 vạn cây một ha).

Đây là một tiến bộ kỹ thuật đã được thử nghiệm và chứng minh qua thực tiễn nhiều vụ, ở nhiều địa phương khác nhau, cần được đánh giá một cách khoa học, khách quan và công tâm, đồng thời cho phép phổ biến, nhân rộng trong sản xuất.

"Nếu ai đó hoặc một cơ quan nào muốn bác bỏ kết quả này thì phải làm thí nghiệm tương tự để chứng minh. Khi có kết quả rồi mới có thể phản kháng hoặc bác bỏ. Hiện nay, mọi ý kiến phản đối nghiên cứu của Kỹ sư Tiệp đều chỉ dựa trên lý thuyết", Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý nói.

Ủng hộ nghiên cứu của kỹ sư Chu Văn Tiệp, LHH Việt Nam từ năm 2008 đã hỗ trợ kinh phí và tiến hành làm thí nghiệm "So sánh năng suất một số giống ngô được gieo trồng trong năm 2008 theo ba phương thức khác nhau tại Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa" để có kết luận độc lập, khách quan. LHH Việt Nam cũng mời cán bộ ngành nông nghiệp tham dự tất cả những lần thu hoạch thí nghiệm nhưng không hiểu vì lý do gì phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại không cử người tham dự (?).

http://news.ndthuan.com/cong-nghe/2010/02/01/44245-sang-che-khoa-hoc-bi-bo-roi.shtml


Không biết mọi người có ý kiến gì về bài viết này, có ai đã từng trồng ngô theo phương pháp này và thành công chưa ạ ?
Em đã biết đến phương pháp này từ khi nó ra đời nhưng vì hồi đó còn nhỏ và giờ lại đang học đại học nên không có điều kiện thử nghiệm
Nếu nhưnhx điều trên là đúng sự thật thì em cảm thấy tội nghiệp cho nhà khoa học cũng như nông dân của chúng ta quá
 


1- Tôi cho rằng kỹ sư Chu Văn Tiệp đúng về lý thuyết, mặc dù chưa rõ cụ
thể ra sao.
*
2- Về thực tế, kỹ sư Chu Văn Tiệp chẳng có gì đáng tội nghiệp cả, và
nông dân chúng ta cũng chẳng có gì phải tội nghiệp hết.
*
Sau đây tôi nói rõ hơn về 2 ý trên:
1- Năng suất nông nghiệp là kết quả của thu hoạch năng lượng ánh sáng
mặt trời. Các cây trong tự nhiên đều gắng lấy được nhiều nắng nhất.
Cây loại hoà thảo (cỏ, lúa, mía, ngô) là những cây có năng suất quang
hợp cao nhất. Từ xưa, loài người đã biết khoảng cách cấy rất quan trọng
vì quyết định năng suất lấy ánh nắng mặt trời của cả diện tích cây trồng.
Nếu trồng quá dày, một số lá không được chiếu sáng, dẫn đến năng suất
thấp. Nếu trồng quá thưa, một số ánh nắng không được lá cây đón nhận, mà
lọt xuống đất mất. Khoảng cách giữa các cây trồng, hay mật độ cây trồng,
chưa hẳn bảo đảm năng suất nhận ánh nắng tối ưu, mà còn cần các lá cây
phân bố giàn trải hợp lý để tránh che mất nắng của nhau, và hở kẽ để lọt
mất ánh nắng. Vì thế, tìm ra được quy luật phân tán lá của cây trồng, để
cấy sao cho các lá giàn trải thích hợp nhất, tận thu ánh nắng mặt trời.
*
2- Mặc dù phát kiến của kỹ sư Chu Văn Tiệp đúng đắn, và giúp tăng năng
suất ngô, rất khó tìm ra chương trình nào của chính phủ phê chuẩn và bỏ
tiền của nhân dân ra mà trả giá mua phát kiến này. Mặt khác, không cần
các nhà bác học khác không chịu thừa nhận sáng kiến, nông dân ai muốn tin
và học làm theo, thì cứ tự nhiên, có ai cấm đoán đâu? Chính phủ cũng không
thể áp đặt, bắt nông dân phải làm theo kỹ thuật của kỹ sư Chu văn Tiệp này.
Mặc dù sáng kiến này tăng năng suất, nhưng nó đòi hỏi nông dân phải trồng
từng cây ngô đúng hướng thì mới đựợc, và điều này đòi hỏi tốn tiền công,
không chắc tiền lời năng suất có bù được tiền chi phí lao động cho kỹ
thuật này không, và nếu bù được thì có đáng kể không? Bây giờ công lao
động người ViệtNam còn thấp, nhưng sau này nó cao lên, thì áp dụng kỹ
thuật này lãi không đủ bù lỗ.
*
Kết luận: Sáng kiến của kỹ sư Chu Văn Tiệp rất có giá trị cả lý thuyết,
và thực tế cấy trồng, nhưng dần dần giá trị thực tế sản xuất của nó sẽ
mất đi, chỉ còn lại giá trị lý thuyết thôi. Phe bảo thủ và chậm tiến
cố gắng ngăn chặn bước tiến của dân tộc và của khoa học, sớm muộn cũng
nhường bước cho sự tiến bộ khoa học, chỉ vì quyền lợi riêng tư của họ,
đi ngược lại giòng sông của dân tộc. Đấu tranh này, mặc dù không nổi bật
về thành tựu kỹ thuật, nhưng cũng là bài tập luyện cho nhà nông chúng ta,
nên tích cực học hỏi và đấu tranh cho dân tộc.
*
 
có những sáng kiến trường tồn tại theo năm tháng nhưng cũng có những sáng kiến chỉ ứng dụng được trong một khoảng thời gian mà thôi. tôi nghĩ người nông dân khi thấy cái
---------------
hay thì học tập. Nếu sáng kiến của Ks Tiệp hiệu quả khi ứng dụng thực tế thì người nông dân sẽ tiếp thu thôi. Nhưng cái quan trọng là làm sao trong thời gian ngắn mà nhân rộng được pp này mà thôi
 
Last edited by a moderator:
Vậy là cuối cùng cũng không tìm được ai từng thử nghiệm theo phương pháp này sao ?

Còn về việc phương pháp nay có thể tốn nhiều công thì không biết mọi người có biết phương pháp "cấy lúa" không. Không biết nó có tốn nhiều công không mà cả miền bắc và một số tỉnh miền nam vẫn đang áp dụng nó đấy.

Chỉ là vài ý kiến lạm bàn thôi, nếu có gì không phải thì mọi người bỏ qua, connhen vẫn là một con ngựa non mà (năm nay mới tròn 22 thôi).

PS: còn nữa, về việc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thông không đưa ra phản hồi ta cũng nên đặt một dấu chấm hỏi. Nếu nó thiết thực thì phải coi như là một cải tiến mới và cổ động nông dân đưa vào áp dụng, còn nếu nó chỉ có tính lí thuyết thì cũng phải nói rõ nó hạn chế chỗ nào và đưa ra luận cứ phản bác rõ ràng chứ, cứ để nó "lềnh bềnh" thế này thì khác nào đánh đố nông dân, vì đâu phải ai cũng có điều kiện thử nghiệm đâu
 
Bạn ơi, sáng kiến này đang ở chỗ tranh tối tranh sáng, nên chưa
được phổ biến rộng rãi.
*
Bàn về nông nghiệp làm tay và làm máy cũng có nhiều chỗ lắm . Ví
dụ trong diễn đàn của chúng ta, có bàn về phun thuốc hoá học làm
rụng lá Mai vàng, và bứt lá Mai vàng bằng tay, mỗi cách có cái hay
riêng của nó, không cách nào hơn hắn cách nào.
*
Bạn nói về cấy lúa, thì ViệtNam chúng ta đều cấy lúa cả, mới cho
năng suất cao, nhưng trên đồi nương, bà con lại gieo hạt chứ không
cấy. Nước Mỹ là nước xuất khẩu gạo lớn (không biết có sát nút Việt
Nam không) nhưng có ai nghe nói người Mỹ đi cấy lúa bằng tay đâu?
*
 
Nông dân miền Nam có vẻ vẫn thích kiểu gieo sạ lúa. Ai cũng biết cấy lúa thì năng suất cao hơn. Nhưng sạ lúa thì "khỏe" hơn !!. Theo mình thì chuyện trồng cây ngô này phải nói cho đúng là " sáng kiến" hơn là " sáng chế". trồng dầy thì tăng năng suất nhưng mà lỡ bị sâu bệnh thì công sức giải cứu cũng kỳ công hơn nhiều. Mình nhớ cách đây hơn 10 năm, mình ngồi ăn đám cưới bên cạnh 2 ông nông dân ở đồng bằng sông cửu long ( mình chẳng còn nhớ chính xác nơi họ ở). Đại khái một ông ở vùng đã đắp bờ ngăn lũ làm lúa 1 năm 3 vụ và 1 ông ở vùng không đắp bờ nên mỗi năm làm chỉ 2 vụ thôi. Cái ông làm chỉ 2 vụ /năm phân tích như sau : vì được mùa nước nổi bồi đắp phù sa và diệt sâu bệnh nên năng suất hai vụ của ông cao, đỡ tiền phân, thuốc. Còn như ở bên làm 3 vụ thì tuy tính lợi nhuận cả năm có vẻ hơn làm 2 vụ thật nhưng rất bấp bênh. trúng 2-3 năm nhưng 1 năm mất trắng thì cũng chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào. Ngoài ra vào mùa nước nổi thì ông xoay qua đánh bắt và nuôi cá lồng. Vị vậy việc đáp đê bao ngăn lũ chưa chắc đã là quyết sách hay của nhà nước. Mình ngồi nghe rất thú vị nhưng chăng đủ trình độ để phán xét. Phương pháp trồng cấy tốt mà được nhà nước hỗ trợ tuyên truyền thì sẽ nhanh chóng nhân rộng. Nhưng nếu không thì cũng sẽ được đón nhận vì " hữu xạ tự nhiên hương " mà. Bằng không thì .... Nói chung mình thấy chẳng việc gì mà ấm ức. Nhất là nếu có được áp dụng thì tác giả có vẻ cũng chẳng nhận được xu nào tiền bản quyền từ nông dân mình đâu. hi hi hi !!!
Việt Hưng
 



Back
Top