Tại sao cá rô đồng lại đi khi trời mưa?

  • Thread starter Vo Viet
  • Ngày gửi
Nếu bạn đã từng đi "lượm" cá rô "rạch" thì ắt hẳn bạn sẽ không quên những điều thú vị còn đọng lại trong tâm trí. Cứ mỗi mùa mưa đến các trẻ em vùng nông thôn lại háo hức chờ cơn mưa đầu mùa để cùng nhau đi lượm cá rô đồng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao cá lại leo lên bờ để cho chúng ta lượm nhỉ? mà tại sao chỉ là cá rô đồng mà không phải là cá diêu hồng, cá lóc hoặc cá rô phi?

Hai bản năng có ở tất cả mọi sinh vật là: sinh tồn và sinh sản. Cá rô đồng leo lên ruộng vào mùa mưa chính là để thực hiện bản năng duy trì nòi giống của mình, mục đích sự di cư của cá là tìm một vùng nước sâu hơn để đẻ trứng. Lý do cá chọn đẻ trứng vào mùa mưa là vì vào mùa mưa thực vật thủy sinh, các loại tảo phát triển mạnh theo đó thức ăn của cá rô cũng phát triển mạnh cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, năng lượng cho cá bố lẫn cá mẹ thực hiện bản năng sinh sản và đó cũng là nguồn dinh dưỡng phong phú để dành cho cá con, và cũng là vì đây là loài không có tập tính giữ và nuôi con nên nguồn thức ăn có được trong mùa mưa là yếu tố sống còn. Nghiên cứu trong lĩnh vực sinh sản cá đã chỉ ra rằng chính nước mưa cũng là một yếu tố kích thích sự sinh sản của cá và một số động vật thủy sinh vùng nhiệt đới (Một số vấn đề về nội tiết học sinh sản cá, Nguyễn Tường Anh và Trần Mai Thiên, NXB Nông nghiệp Hà Nôi, 1999, tr 170), trong nước mưa có một có một hoạt chất tên là axit humic, chất này là tín hiệu cho cá bắt đầu sự đẻ trứng.

Và để trả lời tại sao các loài cá khác không leo giống cá rô đồng vì đơn giản là chúng không leo được. Mang cá rô đồng rất khỏe và có nhiều gai sắc giúp cá có thể di chuyển trên cạn một cách dễ dàng và còn một nhân tố quan trọng hơn là cá rô đồng còn có cơ quan hô hấp phụ trên mang nên cá có thể ở trên cạn (trong điều kiện ẩm ướt) một thời gian dài mà các loài cá vừa nêu không thể bì kịp.

Vẫn biết cảm giác bắt được cá thì thật là thích!... và thích hơn nữa khi đó là chiến lợi phẩm dành cho mẹ, cho chị và cho người ấy. Nhưng chúng ta biết cá mạo hiểm, vất vả leo lên bờ là để sinh sản duy trì nòi giống thế nên nhớ "bắt 3 thả 1" để cá đẻ và để còn cá để bắt vào mùa mưa sau...

Hiện nay cá rô đồng được nuôi khá phổ biến và theo ghi nhận của các nông hộ (thông qua báo chí) thì cá nuôi lại mất tập tính di cư. Tôi thấy hơi nghi ngại thông tin này vì tập tính sinh sản thuộc về bản năng của sinh vật nên không dễ dàng bị mất như vậy. Có thể bài báo khuyến khích người nông dân nuôi giống cá rô đồng (tôi cũng khuyến khích vì đã từng thí nghiệm trên đối tượng này và thấy cũng có hiệu quả kinh tế) nên đưa thông tin có phần cường điệu chăng? Các bác các chú (đã từng nuôi thương phẩm loài cá này) có thể cho một đánh giá chân thật về hiệu quả kinh tế cũng như các khó khăn trong quá trình nuôi và có thể cho các thành viên khác cùng Vo Viet biết thêm về tập tính sinh sản của cá trong quá trình nuôi được không?

Hy vọng được học hỏi và giao lưu cùng các anh em. :snail:
 


Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, thì người ta đi đến
kết luận rằng, các động vật nuôi nhiều đời, thì chất di
truyền thay đổi, nên một số tính cách của động vật cũng
mất đi. Vì thế, cá rô nếu nuôi nhiều đời mà không cho lách
bờ trời mưa đi nơi khác đẻ, thì đặc tính này rất có thể
không còn mà di truyền cho đời sau nữa.

Vịt cỏ ở ngoài bắc chỉ đẻ, nhưng không ấp, vì đã hàng chục
hàng trăm đời, người ta cứ lượm trứng đưa vào lò ấp. Tuy
vậy các đặc tính hoang dã khá thì vẫn còn, vì người ta vẫn
lùa chúng đi ăn ngoài đồng, chứ không nuôi trong chuồng.
Chúng bay và lặn rất giỏi.

Bồ câu Mỹ nuôi công nghiệp thì không bay được nữa, nhưng vẫn
ấp, vì chủ nó vẫn cho ấp, chứ không ấp trứng bằng máy ấp.

Hai bằng chứng thực tế đó cho thấy, người nuôi vẫn có thể cho
vật nuôi giữ được những đặc tính di truyền mong muốn, và bỏ
những đặc tính di truyền mà mình không cần.
 
Không chỉ cá rô mà cá lóc cá “trê phi” cũng leo lên bờ bò đi nơi khác được
Nhưng cá rô đi nhiều nhất

Bài viết trên còn thiếu 1 thói quen đặc biệt của cá rô :

Mưa đầu mùa cá rô đi ngược giòng nước chảy để đến đầu nguồn chỗ xa hơn mà vẫn đảm bảo có nước rồi đẻ trứng nơi đó…

cá con lớn lên chỉ vài tháng là to, lúc này mưa bắt đầu vào cuối mùa, cá nhảy lên bờ đi xuôi gìong nước, để về cuối nguồn nơi luôn có nước khi mùa khô sắp đến…
Như thế chúng mới tồn tại được

đi ngược giòng hay xuôi giòng của cá rô khi đầu mùa hay cuối mùa mưa, người nhiều tưởng tượng cho rằng do “người ngoài hành tinh” cài sẵn cho chúng
 
Cá Chình, cá Hồi, cá Mòi, và nhiều cá khác
đều đẻ một nơi, sống một nẻo.

Cá Chình thì đẻ ngoài biển khơi. Trứng cá
Chình nở ra cá con ngoài biển. Cá con bơi
vào cửa sông và ngược giòng sông lớn lên.
Khi đến tuổi trưởng thành, cá Chình bơi ra
biển, tìm cặp đôi, và đẻ trứng.

Cá Hồi, cá Mòi thì đẻ trên nguồn. Trứng
chảy theo giòng suối ra sông, ra biển, và
nở ra cá con và lớn lên. Khi cá trưởn thành,
thì ngược lên nguồn cặp đực cái và đẻ.

Cá Mè, cá Trắm, cá Chép, các cá nước ngọt
thì cũng ngược giòng lên nguồn đẻ. Trứng và
cá mới nở xuôi xuống sông nhưng ra đến cửa
sông có nứoc mặn thì bơi ngược lại, và sống
suốt đời bơi ngược để khỏi bị trôi vào nước
mặn.

Những đặc tính đó, đã ăn vào thớ thịt của chúng,
vào chất di truyền trong tế bào, để truyền lại
cho đời sau, con cháu phải sống và đẻ trứng như
thế. Cho đến nay, trừ cá nước ngọt và cá biển đẻ
trong nươc ngọt đã được người cho đẻ nhân tạo,
nhưng cá đẻ ngoài biển rồi cá con mới nở bơi vào
sống trong nước ngọt thì người chưa cho đẻ nhân tạo
được. Vì thế đặc tính này của chúng vẫn chưa bị mất.
Nếu đặc tính này mất, thì loài cá Chình sẽ tuyệt
diệt.
 


Back
Top