Tâm sự nàng Thúy Vân

  • Thread starter ngoinhanhotrenthaonguyen
  • Ngày gửi
N

ngoinhanhotrenthaonguyen

Guest
Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim.


Ơ kìa sao chị ngồi im!
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên.


Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!


Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường.


Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim.


Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?

Trương Nam Hương

------------------------------------------------------------


"Truyện Kiều" là một chuỗi những bi kịch nối tiếp nhau, những cung "gió thảm mưa sầu" xoay quanh cuộc đời nàng Kiều. Nhưng bên cạnh đó còn ẩn sâu một bi kịch mà chỉ đến nhà thơ Trương Nam Hương mới được phát hiện, khai thác: "Tâm sự nàng Thúy Vân":

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim!


21_tranh183-450.jpg

Tranh minh họa hai chị em Thúy Kiều - Thúy Vân.

Đọc "Truyện Kiều", người ta thường ít chú ý đến Thúy Vân. Bởi so với cô chị tài sắc mà bạc mệnh, số phận cô gái này xem ra may mắn, suôn sẻ mọi bề. Có nhà phê bình thời xưa nặng lời khi đánh giá nàng: "Thúy Vân như một khối đá trơ (...) chỉ để làm bà quan là hợp" (Vũ Trinh). Người ta quên rằng nàng cũng là một người con gái có tâm hồn, có tình cảm. Tuy cuộc đời không chông gai như chị song nàng cũng mang niềm đau khó ai thấu hiểu. Trương Nam Hương đã nói hộ tâm sự của nàng: "Lấy người yêu chị làm chồng/ Đời em thể thắt một vòng oan khiên".

Ta còn nhớ, Thúy Vân nhận lấy Kim Trọng bởi lời nhờ cậy "trao duyên" của Kiều. Nàng lấy chồng như một nghĩa cử, cốt cho yên lòng người chị đau khổ. Người chồng ấy - chàng Kim - dù sống với nàng nhưng vẫn canh cánh bên lòng mối tình sâu nặng với nàng Kiều: "Khi ăn ở, lúc ra vào/ Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa" (Truyện Kiều).

Tâm tình ấy, dù là người vô tâm nhất cũng nhận ra. Thúy Vân làm sao không chạnh lòng, tủi phận! Có người nói: Cái gì cũng có thể chia sẻ, trừ tình yêu. Tình Kim - Kiều chẳng thể san sẻ cho nàng Vân. Còn Thúy Vân, nàng cũng chưa bao giờ yêu Kim Trọng. Cái buổi gặp gỡ trong tiết Thanh Minh, tuy "Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" nhưng "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e" thì chỉ có Kiều với Kim. Cho nên: "Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim!".

Chấp nhận làm vợ Kim Trọng, thay chị trả nghĩa cho chàng, nhưng Thúy Vân không thể dập tắt niềm khao khát được sống được yêu như mọi người con gái bình thường khác. Bởi vì, đến "máu còn biết chảy về tim để hồng" kia mà! Hai câu thơ tiếp sau như một lời trách cứ: "Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên/ Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn".

Chị đa cảm, thương người lắm, chị đừng quên đứa em đã hy sinh cho chị, sống một cuộc hôn nhân không tình yêu! Trách cứ dồn nén lại để vỡ òa hai câu thơ thực tài tình: "Mấp mô số phận vuông tròn/ Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!".

Tôi yêu nhất hai câu thơ này. Bao nhiêu tài hoa, tình cảm dồn đúc nên mười bốn chữ ấy. Có lẽ Trương Nam Hương là người đầu tiên tạc nên hình ảnh "mấp mô số phận". Phải chăng tác giả muốn gợi đến những nấm mồ, mỗi nấm mồ là một số phận không ai giống ai, long đong, khúc khuỷu, nhọc nhằn. Đất đen đã chôn kín kiếp người, nhưng không thể chôn vùi những linh hồn cháy bỏng khao khát yêu đương. Thế thì em, làm sao có thể chôn vùi niềm khao khát ấy bên chuyện tình của chị, chị ơi! Từng chữ trong câu thơ như linh hồn muốn phá tung song sắt của định mệnh để sống và yêu hết mình. Đây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, đầy biểu cảm của Trương Nam Hương.

Thúy Vân hiểu rõ cuộc đời oan khổ của chị. Nàng thương chị vô ngần: "Là em nghĩ vậy thôi Kiều/ Sánh sao đời chị ba chiều bão giông/ Con đò đời chị về không/ Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường".

Nhưng, chị còn hạnh phúc hơn em, vì: "Chị nhiều hờn giận yêu thương/ Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò/ Em chưa được thế bao giờ/ Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim".

Câu thơ như một tiếng nấc xót xa tức nghẹn. Chị đã yêu và được yêu. Còn đó vầng trăng vằng vặc chứng giám tình yêu của chị. Còn em, em chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ được thế. Vì thương chị mà em phải đánh lừa trái tim biết yêu và khao khát tình yêu đích thực của mình để thành vợ người yêu chị. Nỗi đau của em, chị có thấu chăng? Bi kịch của Thúy Vân đã lên đến đỉnh điểm. Nỗi đau dồn vào từng chữ nặng như chì, nhức nhối, xoáy sâu vào tim óc: "Tiết trinh - thương chị - đánh lừa trái tim". Oan khốc đổ xuống đầu gia đình Kiều không chỉ làm cho một người con gái phải lìa bỏ người thân yêu, dấn mình vào kiếp giang hồ nhục nhã, xé nát trái tim "trong giá trắng ngần" mà còn khiến một người con gái khác phải "đánh lừa trái tim" mình, dìm sâu nỗi khao khát sống và yêu để trọn tình với chị. Có cái gì như một lời phản kháng, gào thét trong lặng lẽ, căm uất, nghẹn ngào bật lên trong câu thơ.

Bài thơ kết lại bằng một câu hỏi day dứt, quặn lòng: "Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu".

Câu hỏi vọng vào không gian và thời gian. Biết đến kiếp nào em mới được yêu? Kiếp này em đã là vợ chàng Kim, làm tròn việc thừa gia, trả nghĩa. Nhưng đến bao giờ, bao giờ em mới được một lần dưới vầng trăng lấm mùi hương hẹn hò như chị đã từng được thế?

Bài thơ khép lại mà dư âm về nỗi đau, nỗi khát khao "giấu đầy đêm" của nàng Vân vẫn đọng mãi trong lòng người đọc…
Trần Thị Tích (Sở tư pháp Bắc Ninh)
 


HjHj! tám ......xíu nhe NNN! Có gì hổng đúng bỏ qua cho!
Bài thơ nói lên cảm xúc nội tâm của Thúy Vân rất hay nhưng có lẽ là cách nhìn của người đời sau. Bởi xét theo thời phong kiến lúc bấy giờ. Thân phận của người phụ nử vốn dĩ chỉ là sự hy sinh, sự cam phận. Trong bốn chử Công, dung, ngôn, hạnh thì chử Dung luôn được coi trọng trong đời sống vợ chồng. mặc dù Thúy Vân thay chị lấy Kim Trọng nhưng cuộc hôn nhân như vậy, đã hơn xa những người phụ nử khác. Vì lẽ đó Thúy Vân sẽ giử vẹn chử Dung, luôn tôn trọng chồng và không tơ tưởng điều gì khác. Có chăng chỉ là chút hờn mác khi Kim Trọng mãi cảm thương cho số phận của Thúy Kiều mà thôi.
Dù bài thơ rất hay, nhưng vẫn không thích cách lột tả cảm xúc về nhân vật Thúy vân như vậy, bởi nó sẽ làm mất đi ý nghĩa của tác phẩm chính là nêu bật sự hy sinh, sự cam chịu của Thúy Vân, cũng như nói lên sự bất công cho thân phận của người phụ nử lúc bấy giờ.
 
Hihi… hình như anh nông dân hậu giang có nhầm lẫn một chút xíu. “Dung” là dung nhan. Có phải ý anh muốn nói đến chữ “hạnh” - phẩm hạnh - của người phụ nữ không?

Anh nói rất đúng về lễ giáo nho gia phong kiến ngày xưa rất khắt khe với người phụ nữ. Tuy nhiên chúng ta cần chú ý một điều, mặc dù sống dưới thời phong kiến nhưng Nguyễn Du khi đó đã có một tư tưởng rất tiến bộ, ông đã để cho nhân vật Thúy Kiều nửa đêm “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến nhà trọ của Kim Trọng dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Xấu hổ và tội nghiệp lắm! Hành động táo bạo này đến “hai trăm năm sau chúng ta còn ngỡ ngàng” (theo Hoài Thanh), vậy mà thời đó Kiều đã dám yêu và dám vượt qua mọi lễ giáo phong kiến khắt khe để tìm gặp nhân tình, dưới ánh trăng nặng lời thề thốt.

Nguyễn Du đã cho nhân vật Thúy Kiều được yêu và được thể hiện tình yêu một cách mãnh liệt đến như vậy thì sao lại không nghĩ đến nội tâm của Thúy Vân khi bị chị “ép” duyên chứ? Rõ ràng đây là một thiếu sót! Thúy Vân bằng lòng làm vợ của Kim Trọng vì nàng hiểu chuyện và vì thương chị, nhưng có ai biết ẩn sâu trong tâm hồn nàng là một bi kịch nội tâm sâu sắc? Và đó cũng là một đức hy sinh cam chịu của người phụ nữ thời phong kiến.

Bài thơ "Tâm sự nàng Thúy Vân" của Trương Nam Hương theo NNN là rất hay. Hihi... Chỉ là ý kiến cá nhân, mọi người cứ thoải mái bình luận nha! :)
 


Back
Top