Thái Thụy (Thái Bình): Ngư dân lao đao vì nhà máy “bị đóng cửa”

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest



<b class="vl6">Nguồn tin:</b>


Báo Thái Bình, 26/08/2011


Ngày cập nhật trên web Việt Linh:


27/8/2011




Lấy lý do Nhà máy Bột cá Thụy Hải thải nước và khí gây ô nhiễm môi trường, vừa qua một số người dân ở làng Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã xây bờ tường ngăn ngay tại cổng buộc nhà máy phải đóng cửa ngừng hoạt động.

<IMG
src="http://www.baothaibinh.com.vn/Includes/NewsImg/8_2011/6336_nhamaythaithuy.jpg">

Khoảng 250 phương tiện khai thác cung cấp nguyên liệu chế biến cho nhà máy với 3.000 ngư dân, hàng trăm người làm dịch vụ phụ trợ lâm vào cảnh “ngồi chơi, xơi nước”, mỗi ngày mất đi nguồn thu gần 1 tỷ đồng, chưa kể các nguồn thu khác từ dịch vụ hậu cần nghề cá...

Nhà máy thu mua “cá vụn” cứu cánh dân nghèo

Thái Thụy là huyện ven biển, trước kia nghề khai thác hải sản phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu ở những xã: Thụy Hải, Thụy Xuân, Thị trấn Diêm Điền. Khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn lợi hải sản từ biển giảm đi đáng kể nên nghề khai thác cá ở đây thu hẹp dần. Các đôi tầu xa bờ còn rất ít, chủ yếu là tầu khai thác tầm trung và gần bờ.

Sau các chuyến đi biển, số ít tôm cá to được ngư dân bán cho các tàu thu mua phục vụ các nhà máy chế biến hải sản; còn một lượng lớn cá vụn, cá tạp thông thường vẫn gọi là “cá lợn” được đem vào bờ bán lẻ cho dân làm thức ăn nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá chỉ vài trăm đồng/kg. Đang lúc các chủ tàu thuyền “loay hoay” với những phương kế sinh nhai trước biển thì nhu cầu về bột cá phục vụ các nhà máy chế biến thức ăn gia súc trong cả nước tăng mạnh.

Sau khi đi khảo sát, nắm tình hình thấy nguồn “cá lợn” ở vùng Thái Thụy rất dồi dào, năm 2003 Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Bột cá Thụy Hải cạnh cảng cá Tân Sơn (làng Quang Lang, xã Thụy Hải) để tận dụng toàn bộ nguồn “cá lợn” làm nguyên liệu chế biến bột cá nhạt với 2 dây chuyền công suất 200 tấn cá/ngày. Có đầu mối thu mua nguyên liệu, ngư dân hồ hởi vay tiền đóng tầu “tiến quân” ra biển khai thác cá bán cho nhà máy nên đã hồi sinh cho nghề cá của Thái Thụy và các vùng lân cận.

Bà Vũ Thị Hoà, chủ đầu mối thu gom “cá lợn” (khu 9, Thị trấn Diêm Điền) cho biết: “Khi nhà máy bột cá Thụy Hải được xây dựng, thu mua nguyên liệu, “cá lợn” trở thành sản phẩm có giá trị. Nhà máy liên tục tăng giá thu mua và hiện ở mức 3.500 đến 3.600 đồng/kg, tạo một nguồn thu nhập khá cho người đi biển”. Còn anh Nguyễn Văn Uân, ngư dân xã Thụy Xuân chia sẻ: “Trung bình một tàu công suất 130 CV với 10 lao động, sau 3 ngày đi biển đánh bắt được khoảng 10 tấn cá vụn, bán cho nhà máy được 35 triệu đồng, chưa kể các nguồn thu từ các loại hải sản khác đánh bắt được. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động thu nhập khoảng 1 triệu đồng”.

Thực tế, nguồn “cá lợn” của ngư dân Thái Thụy và các vùng lân cận đánh bắt về mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu, nhà máy phải mở rộng vùng thu mua ra hầu khắp cánh tỉnh phía Bắc, vào tận miền Trung. Khi “cá lợn” có đầu ra, không những làm cho đội tầu thuyền đánh bắt có việc làm, tăng thu nhập, mà còn kéo theo nhiều dịch phụ khác phát triển như: dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vận tải, sản xuất đá lạnh... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động dôi dư trên bờ. Trong đó, riêng nghề sản xuất đá lạnh ở Thụy Hải, khi “cá lợn” có đầu ra đã khai sinh tới 11 cơ sở sản xuất đá với công suất ước chừng khoảng 200 tấn đá/ngày, tạo việc làm cho khoảng 150 lao động địa phương.

Chặn đứng niềm vui

Những gì đang được coi là vui vẻ, hồ hởi và có thu nhập về một “nghề độc” là khai thác “cá lợn” của vài nghìn ngư dân ở Thái Thụy mấy năm qua ở đây bỗng dưng bị chặn đứng vì nhà máy “bị đóng cửa”. Ngày 08/08/2011 vừa qua, khoảng 150 người dân ở làng Quang Lang (xã Thụy Hải) tập trung yêu cầu nhà máy phải đóng cửa với lý do gây ô nhiễm môi trường nước và khí thải ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân xung quanh. Khi không đạt được thoả thuận, một số đối tượng đã dùng đất đá, gạch vỡ, xi măng, cát... đắp thành bờ ngăn không cho xe và phương tiện chở cá từ cảng vào nhà máy, buộc nhà máy phải đóng cửa, ngừng hoạt động.

Ông Lê Đức Dương, Đội trưởng Đội an ninh tự quản ở đây cho biết: “Với 2 dây chuyền sản xuất mỗi ngày nhà máy thu mua khoảng 200 tấn cá vụn của ngư dân phục vụ sản xuất, nay buộc phải đóng cửa, mọi hoạt động bị ngừng trệ. ước tính, hiện có khoảng 250 phương tiện, 3.000 ngư dân, hàng trăm người làm dịch vụ hậu cần phụ trợ cho nghề khai thác đành neo tàu tại bến “ngồi chơi xơi nước” mỗi ngày mất gần 1 tỷ đồng thu nhập”.

Trước món nợ vay ngân hàng lớn, lãi suất tăng cao, nhiều ngư dân vẫn cố gắng ra biển hi vọng kiếm thêm thu nhập về trang trải nợ nần nhưng cá về tới bến không biết bán cho ai. Bà Đinh Thị Mơ (khu Bến Cũ, Diêm Điền) than thở: “Trước nguồn lợi từ “cá lợn”, vừa rồi gia đình tôi và 2 hộ nữa phải thế chấp 3 “bìa đỏ” cho ngân hàng để vay 800 triệu đồng đóng tầu ra biển hi vọng kiếm sống bằng nghề này. Có tầu, mỗi tháng gia đình cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng, trừ lãi ngân hàng còn 20 triệu đồng để tích sinh sống và tích lũy. Nay nhà máy đóng cửa, “cá lợn” không biết bán cho ai, tầu nằm bờ, lao động ngồi chơi. Tình hình cứ kéo dài thế này, không biết lấy gì trả nợ ngân hàng và sinh sống nữa”.

Người dân cần câu trả lời thoả đáng của các cơ quan chức năng

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá Tân Sơn nói chung, trong đó có việc ô nhiễm môi trường (mùi hơi khó chịu) từ Nhà máy Bột cá Thụy Hải mà một bộ phận nhân dân phản ánh là có cơ sở. Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ có mùi hơi khó chịu từ Nhà máy mà còn do nước thải từ các cơ sở chế biến trong khu vực, nước thải sinh hoạt của địa phương lân cận đổ ra cảng cá. Nhiều chủ tàu thuyền, người thu gom cá, sau khi xuất bán cá cho các cơ sở chế biến hải sản, còn lại bao nhiêu chất cặn bã, chất thải, cá thối đổ lên trên mặt cảng hoặc trút hết xuống biển. Mặt khác, do cảng cá không được quản lý, nạo vét nên lắng đọng nhiều chất cặn bã, ni lon, bèo bồng rất lớn khiến cho môi trường ở khu vực này bị ô nhiễm.

Qua nắm bắt tình hình, bên cạnh việc một số đối tượng lấy lý do ô nhiễm môi trường do khí thải và nước thải của Nhà máy để lôi kéo một bộ phận nhân dân làm cản trở sản xuất kinh doanh của nhà máy, còn có nguyên nhân bắt nguồn từ lợi ích kinh tế của một số chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến hải sản tại địa phương. Khi sự việc xảy ra, lực lượng công an huyện Thái Thụy và chính quyền xã Thụy Hải đã có mặt kịp thời vận động, tuyên truyền nhưng chưa đạt hiệu quả.

Hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp với tổ công tác của huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, lên án các hành vi vi phạm pháp luật nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời thực hiện tổng thể việc kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường của toàn bộ khu vực cảng cá và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt của nhân dân quanh khu vực cảng. Huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường, các ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm định và đánh giá thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy nói riêng và khu vực cảng cá Tân Sơn nói chung.

Cũng phải nói thêm rằng: công nghệ sản xuất của Nhà máy Bột cá Thụy Hải được nhập từ Thái Lan. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy đã nhiều lần cải tiến công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường (mùi và nước thải) và hiện nay đang sử dụng công nghệ xử lý nước và khí thải của Ôtrâylia. Tháng 5/2011 vừa qua, Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường tỉnh đã có đợt kiểm tra quan trắc môi trường định kỳ đối với Nhà máy. Kết quả quan trắc đã kết luận: Các hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường sinh thái xung quanh khu vực.

Sự việc xảy ra đến nay đã gần 3 tuần, mọi việc vẫn “án binh bất động”, Nhà máy Bột cá Thụy Hải vẫn “bị đóng cửa”. Nếu thời gian càng kéo dài, thì thiệt hại của cả doanh nghiệp và ngư dân sẽ càng lớn. Đề nghị UBND huyện Thái Thụy và các ngành chức năng cùng nhà máy sớm có câu trả lời để ngư dân yên tâm tiếp tục khai thác sản phẩm từ biển và để nhà máy đi vào hoạt động.

Nguyễn Hình - Đăng Duy
 


Last edited:


Back
Top