Thảm thực vật canh tác tại vùng đất An Giang

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Đồi núi An Giang tập trung chủ yếu ở vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và 1 số ít ở thị xã Châu Đốc và huyện Thoại Sơn. Khi xưa, vùng này là rừng rậm với nhiều loại gỗ quí. Đến thế kỉ XVII nơi đây vẫn còn hoang vu, còn là một vùng rừng nguyên sinh.
Thảm thực vật canh tác
<i>Thảm thực vật đồi núi :</i>
Đồi núi An Giang tập trung chủ yếu ở vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và 1 số ít ở thị xã Châu Đốc và huyện Thoại Sơn.
Khi xưa, vùng này là rừng rậm với nhiều loại gỗ quí. Đến thế kỉ XVII nơi đây vẫn còn hoang vu, còn là một vùng rừng nguyên sinh.
Thảm thực vật vùng đồi núi An Giang thuộc kiểu rừng kín nửa rụng lá, ẩm nhiệt đới có cấu trúc 3 tầng rõ rệt , phong phú về chủng loại, có nhiều loại cây quí hiếm. Nhưng do tác hại tàn phá của chiến tranh và tác động khai thác của con người, thảm thực vật vùng đồi núi An Giang giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Thảm thực vật vùng đồi núi An Giang có 4 kiểu sau :
- <i>Kiểu trạng thái núi đá, cỏ, cây bụi và dây leo</i>: Phần lớn phân bố trên thảm lập địa sườn dốc từ 16-25 độ, 25-35 độ, và trên 35 độ, có nhiều đá lộ từ 50-100%.
Đối với kiểu đá gốc, ưu hợp cỏ cây bụi hay ưu hợp các loài cây bụi có đá gốc thì phát triển ở các dạng núi đá trên đất sialit-feralit. Thực vật sống ở đây phổ biến là các loại sò đo, ngành ngạnh, lòng mức, gòn rừng, ô rô rừng; đôi khi có cả loài bằng lăng nhiều hoa, dây móng bò, dây khoai rừng, cỏ tranh, cỏ đuôi chồn… sinh trưởng kém.
Kiểu ưu hợp cây bụi núi đá còn tập trung ở núi Cô Tô, Nam núi Dài và các núi nhỏ quanh thị trấn Nhà Bàn, thực vật chủ yếu là các bụi thừng mực, ngành ngạnh, mã tiền, quăng, sổ, mẻ là xoài, ô rô, duối gai, soi bông, gòn…
- <i>Kiểu trạng thái các loài cây bụi, có cây gỗ mọc rải rác</i>: Tập trung ở khu vực Tây Nam núi Cấm, thực vật bao gồm các loại: sung, mù u, tra, bồ đề, trường, trâm, trâm bầu. Có các loại cây bụi như ngành ngạnh, duối nhám, sậy, le gai, sổ, sầm, thấu tấu, phèn đen. Các loại cỏ thân cứng như cỏ lông tây, cỏ tranh, cỏ đuôi chồn. Các loại cây gỗ như trường, trám, dầu con rái; mécoxe, hubasoi, tam thụy lông chim…
- <i>Kiểu trạng thái cây ăn quả hỗn loài</i>: Tập trung ở lòng chảo núi Cấm, phía Đông Bắc của núi Dài, địa hình có độ dốc trung bình khoảng 25 độ. Đất thuộc loại xám vàng, tầng đất dày 40-50cm, khả năng giữ ẩm tốt.
Các loài cây nông nghiệp trồng ở đây là mít, xoài, sầu riêng, vú sữa, su, dừa, mận, điều, tiêu…, một số cây lâm nghiệp: sao, bạch đàn.
Thảm thực vật tự nhiên bao gồm: dự, sung, bứa, côm bông, gáo vàng, huỳnh đen, cà đuối, tràm, chưn bầu, trâm, ngái, bình linh…
Trên sườn Tây Bắc núi Dài còn có số cây như : gõ mật, căm xe, giáng hương, nín, cây xây… Phía Tây núi Phú Cường có: căm xe, giáng hương, cẩm lai, gõ mật, bằng lăng…
Các cây bụi và cây gỗ nhỏ cứng chiếm tỷ lệ lớn trong khu vực này, bao gồm các cây đại diện của họ cam như bí bái, họ mua như sầm, họ thầu dầu như sồi tía, phèn đen, cù đèn, tam thụy lông chim, hubasoi, họ bình linh như quao, bình linh, ma, trúc tiết, tầm vông, le, cây thân thảo như chuối, gừng…
- <i>Kiểu trạng thái các loài cỏ hình thành trên đất sau nương rẫy</i>: Được hình thành do khai thác kiệt các loài cây gỗ, cây bụi sau đó bỏ hoang, tập trung ở đỉnh núi Dài, phía Bắc núi Cô Tô, sườn phía Bắc núi Cấm có địa hình độ dốc trên 30 độ, đất khô cằn và bị xói mòn mạnh, có nơi trơ sỏi đá.
Thảm thực vật ở đây chủ yếu là các loại cỏ tranh, cỏ đuôi chồn phát triển thành quần thảo ổn định.
- Thảm thực vật ở vùng Bảy Núi có 187 loài phổ biến thuộc 154 chi, 54 họ. Trong đó cây thuốc Nam có khoảng 680 loài được sử dụng.
<i>Thảm thực vật đất ngập nước, bưng trũng :</i>
Thực vật chiếm ưu thế ở vùng này trước kia là tràm thuộc họ sim, mọc ở trũng thấp thuộc 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên trên 1 số diện tích đất phèn và than bùn. Ngoài tràm, còn có hơn 100 loài thực vật thuộc các họ khác nhau, trong đó có nhiều loài có giá trị phát triển và khai thác. Thảm thực vật của hệ sinh thái này có vai trò ngăn cản quá trình pyrits (oxid hóa khoáng sinh phèn) và quá trình jarosite (khoáng phèn) ở tầng đất dưới, đồng thời góp phần điều hòa khí hậu, độ ẩm, cản dòng chảy, làm tồn đọng phù sa.
Rừng tràm ở An Giang là kiểu rừng có những cây thẳng đứng cao từ 15-20m , có khi đạt tới 25m, xen kẻ lẻ một số cây gừa, mật cật, tràm sẻ, cà dăm…, tầng dưới hợp bởi các cây mua, sậy, để, dây cương, choại…
Ở ven bìa khu vực rừng tràm, trên các vùng đất khô cằn, bạc màu, ít ngập nước, tràm gió còn xen lẫn với 1 số thực vật trong vùng như: mun, chổi, sim, mai đực, mồng gà…
Các vùng ngập nước kéo dài, còn có các loài sen, súng, lúa ma, mồm mở, rau muống, rau dừa, nghễ, bèo tai chuột…
<i>Thảm thực vật trên đất hoang hóa:</i>
Thực vật tiêu biểu trên các vùng đất hoang hóa địa hình thấp, bưng trũng, trong mùa lũ thường bị ngập, đất nhiểm phèn từ trung bình đến nặng, chưa được khai thác là các loại năn kim, năn ngọt. Năn kim thường phát triển trên vùng đất phèn nặng ở Tri Tôn, Tịnh Biên. Bàng là cây phát triển trên các bưng phèn có địa hình trung bình, nước ngập lụt không sâu, có tầng jarosite khá dày và nằm gần mặt đất, lớp hữu cơ ở tầng mặt rất mỏng.
Các vùng đất hoang hóa từ phèn nhẹ đến trung bình, thực vật tiêu biểu ngoài năn còn có mồm mốc, mồm vàng, cỏ ống, lác… Cỏ mồm thường mọc xen lẫn với cỏ ống, nhàu nước, đuôi chồn, vòi voi…
<i>Thảm thực vật tự nhiên trên đất canh tác:</i>
Trên các loại đất ruộng phù sa làm 2-3 vụ trong năm dọc theo sông Hậu, sông Tiền ở các huyện cù lao như Tân Châu, An Phú, Chợ Mới, Phú Tân, tập đoàn cỏ dại chiếm ưu thế phần lớn là các loại cỏ lồng vực, lông công, cỏ cháo, rau bợ, rau om, rau mương.
Trên các ruộng lúa của đất phù sa ven sông mỏng phủ lên các bưng phèn của các huyện phía Tây sông Hậu như Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn còn thấy nhiều loài thực vật khác ngoài các loại cỏ nói trên như ráng gạc nai, cỏ chát, cỏ cói, cỏ đắng.
Ở các ruộng lúa thuộc huyện Tri Tôn , Tịnh Biên và các xã vùng sâu ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn chỉ mới khai hoang tăng vụ trong những năm gần đây trên nền đất bưng phèn vừa được cải tạo, thành phần có chiếm ưu thế là các loài lác, cỏ ống, cú ma, cỏ cói, điền ma và còn có rong đuôi chó, tầm bứt, ngũ phướng, an điển, vẩy ốc, cỏ năn, hoàng đầu, đũa bếp, đuôi chồn…
Ở các vùng đất bạc màu nghèo dinh dưỡng của 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên có xuất hiện các loài thực vật chịu hạn như cỏ ống, trãng quả 3 hoa, xuân thảo, đuôi chồn, bó dại, dây lức, đuôi chó, cỏ chỉ, rau mương…
Ở các vùng đất vườn trồng cây ăn trái, đất rẫy trồng hoa màu bao gồm các diện tích đất cao ven sông, đất cao của khu vực phù sa cổ, đê tự nhiên, ven sông rạch, giồng cát, đất đen thổ cư, đã được khai thác trồng các loại cây ăn trái, hoa màu; thành phần thực vật mọc tự nhiên xuất hiện các loài cỏ chỉ, cứt heo, cỏ lào, chổi đực, cam thảo nam, cải trời, nhản lồng, màn màn trắng, dền cơm, dền gai…
<i>Thảm thực vật ven sông rạch:</i>
Ven sông Tiền, sông Hậu và các sông, kênh, rạch lớn ở các vùng phù sa, thảm thực vật chủ yếu là các loài cà na, chiếc, gáo, cà dăm, nổ, lăng, lác nước, lác hến, lác chiếu, ráng gạc nai, bồn bồn, tầm bứt, lúa trồm, cỏ mồm, đưng, đế, sậy, nga…
Ven sông rạch ở các vùng đất nhiễm phèn, còn có các loại bình bát, gừa, trâm, mây nước, bòng bong, dây vác, dây mủ, dây cương, dây choại và các cây bụi thấp như ô rô, cóc kèn, ráng dại, mua…
<i>Thực vật nổi :</i>
Ở An Giang, ngành tảo chiếm ưu thế với 137 loài khác nhau, bao gồm: tảo lục chlorophyta 48 loài, tảo silic bacillariphyta 36 loài, tảo lam cyanophyta 25 loài, tảo mắt euglenophyta 22 loài, tảo vàng xanchophyta 2 loài, tảo vàng ánh chrysophyta 2 loài và tảo giáp pyrrophyta 2 loài. Có nhiều loài tảo là thức ăn tốt cho tôm cá.
 


Last edited:


Back
Top