Thành công từ việc sản xuất hạt giống lai và trồng kiểng Vạn niên tùng

  • Thread starter caremvn
  • Ngày gửi
Đến ấp Phước Hòa xã Phú An Hòa huyện Châu Thành hỏi anh Duy trồng hoa kiểng thì rất nhiều người biết, bởi anh là một thanh niên giàu nghị lực dám nghĩ, dám làm.

468916.jpg

nguồn ảnh net

Anh Nguyễn Lê Tư Duy sinh năm 1973 xuất thân từ gia đình có truyền thống trồng hoa kiểng ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Nông nghiệp khoa trồng trọt Long Định - Tiền Giang, Anh đi làm cho Công Ty sản xuất hạt giống rau màu, sau 2 năm làm tại công ty Anh đã học được kỹ thuật sản xuất hạt giống lai. Năm 2001 Anh nghỉ việc về thuê đất tại xã Hội Cư huyện Cái Bè để sản xuất hạt giống dưa hấu lai, lúc đầu chỉ sản xuất thử 2 ha, sau 1 vụ sản xuất đạt được hiệu quả kinh tế khá cao, từ đó mở rộng diện tích từ 5 - 6 ha mỗi vụ chủ yếu là sản xuất trong vụ Đông xuân và Xuân hè, do trong sản xuất cần nhiều lao động nếu sản xuất với diện tích lớn tập trung tại 1 nơi sẽ gặp khó khăn về lao động, nên trong thời gian này vừa sản xuất ở Cái Bè vừa thuê đất ở xã Tam Phước huyện Châu Thành, xã Long Hòa, Long Định huyện Bình Đại Tỉnh Bến Tre để sản xuất hạt gống dưa hấu lai, trong thời gian sản xuất Anh tích lũy được một ít vốn.
Năm 2002 Anh lập gia đình tại ấp Phước Hòa xã Phú An Hòa huyện Châu Thành, sau khi lập gia đình Anh mua gần 1 ha đất vườn dừa, nhãn ở đây, nhưng do vườn dừa lão, nhãn hiệu quả kinh tế không cao nên Anh mạnh dạn đốn bỏ toàn bộ vườn dừa, nhãn và tìm đến huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang mua 1.400 cây vạn niên tùng với giá 40.000 đồng/cây để trồng , đến nay cây đã hơn 5 năm tuổi. Từ kinh nghiệm của Cha truyền lại, Anh đã sửa, tạo dáng cho cây vạn niên tùng, nhờ vậy mà cây của anh có giá trị cao, ngoài ra còn trồng nhiều kiểng cổ như mai vàng, mai chiếu thủy, kim quýt….

Để có tiền chăm sóc vườn kiểng và lo cuộc sống gia đình hàng năm Anh vẫn tiếp tục thuê đất để sản xuất hạt giống dưa hấu lai, nhằm đa dạng hàng hóa, 2 năm gần đây Anh sản xuất thêm hạt giống khổ qua lai, mỗi vụ sản xuất khoảng 20 ha. Do sản xuất thủ công nên cần rất nhiều lao động với diện tích sản xuất như trên, mỗi ngày cần từ 180-200 lao động nhưng ở Bến Tre thì số công lao động nhiều như vậy rất khó tìm nên anh đến xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thuê đất để trồng, chủ yếu trồng trong vụ Đông Xuân và Xuân Hè. Năm 2007 và năm 2008 trồng 15 ha dưa hấu, 5 ha khổ qua, chi phí đầu tư và thu nhập mỗi loại trong 1 vụ sản xuất như sau: Dưa hấu đầu tư từ 60-65 triệu đồng/ha, sau 2 tháng thu hoạch, mỗi ha thu từ bình quân 110 kg hạt giống, giá bán bình quân 800.000 đồng/kg, bình quân mỗi ha lãi 25 triệu đồng; Khổ qua đầu tư 80 triệu đồng/ha, sau 2 tháng thu hoạch mỗi ha thu bình quân 270 kg hạt giống, giá bán bình quân 600.000 đồng/kg, bình quân mỗi ha lãi 80 triệu đồng.

Ngoài thu nhập từ sản xuất hạt giống dưa hấu và giống khổ qua lai, sau khi trồng vạn niên tùng được khoảng 2 năm thì anh bắt đầu chiết nhánh, giâm cành để bán cây giống. Năm 2005 chiết 700 nhánh, bán giá 30.000 đồng/nhánh, giâm 3.500 cành, bán giá 4.000 đồng/cành; Năm 2006 chiết 6.000 nhánh, bán giá 30.000 đồng/ nhánh; Năm 2007 chiết 6.000 nhánh, bán giá 40.000 đồng/nhánh; Năm 2008 có người đặt hàng 7.000 nhánh chiết, với giá 40.000 đồng/nhánh.

Đối với vườn kiểng thường xuyên thuê 2 lao động để chăm sóc, chi phí công lao động và phân thuốc mỗi năm khoảng 70 triệu đồng, hiện nay Anh có 1.400 cây vạn niên tùng hơn 5 năm tuổi, có nhiều người đến trả giá bình quân 1.700.000 đồng/cây, như vậy nếu chỉ tính riêng vườn vạn niên tùng thì Anh đã có hơn 2 tỉ đồng.

Với quy mô sản xuất như trên một mình Anh vừa theo dõi hướng dẫn kỹ thuật, vừa quản lý điều hành công việc. Điều giúp Anh Duy đạt được hiệu quả cao trong sản xuất là nhờ Anh nắm vững khoa học kỹ thuật, chọn giống cây trồng phù hợp nhu cầu thị trường, quan hệ đối xử với công nhân có tình, có nghĩa; sắp xếp, quản lý điều hành công việc có khoa học.

Với thành quả đạt được trong quá trình sản xuất đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn, Anh Duy còn tích cực tham gia đóng góp cho địa phương nơi anh sản xuất xã Tân Hội huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang 20 triệu đồng để xây cầu, trụ sở ấp; Anh đóng góp 27 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn nơi Anh đang cư trú xã Phú An Hòa huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre, đồng thời Anh còn tham gia hỗ trợ xây dựng nhiều nhà tình thương. Với những đóng góp nêu trên năm 2007 Anh đã vinh dự được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre tặng Bằng khen.

Thật đáng trân trọng một thanh niên biết vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội từ bàn tay và khối óc của chính mình như Anh Duy.

Nguyễn Thị Thu, Sở NN&PTNT
 




Back
Top