Thấy gì từ nông nghiệp công nghệ Israel

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Vừa dẫn đầu đoàn công tác tham dự khóa đào tạo về “Sản xuất rau quả và công nghệ sau thu hoạch” tại Israel trở về, TS. Phạm Hữu Nhượng, Phó BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao (TP.HCM) đã dành cho NNVN cuộc phỏng vấn về những vấn đề xung quanh lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…


Qua chuyến thực tế từ Israel, ông đánh giá thế nào về nền nông nghiệp của đất nước này?


Israel là một nước nhỏ, dân số chỉ khoảng 7 triệu người. Diện tích đất có thể canh tác được là 440.000 ha, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2007 đạt 22,7 tỷ USD; trong đó rau chiếm 25%, quả 17%, chăn nuôi gia súc 17%, gia cầm 17%, cây có múi là 5%. Điều kiện tự nhiên của Israel rất khắc nghiệt, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học trong chọn tạo giống phù hợp đã thúc đẩy nền nông nghiệp của Israel phát triển mạnh, với khoảng 3% dân số làm nông nghiệp đã sản xuất đủ lương thực và thực phẩm cho cả nước và xuất khẩu. Hiện nay, một nông dân Israel sản xuất nông nghiệp đủ nuôi 100 người. Đặc biệt, việc sử dụng có hiệu quả nguồn nước để phát triển nông nghiệp là một trong những thành công lớn của đất nước Israel.


Vậy khoá đào tạo tại Israel đã mang lại hiệu quả như thế nào thưa ông?


Khóa học này được tổ chức chỉ dành riêng cho người VN, tập trung vào công nghệ sản xuất rau trong điều kiện có bảo vệ (nhà lưới, nhà kính); Công nghệ tưới và bón phân qua hệ thống tưới; Công nghệ sau thu hoạch; Hệ thống kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng nông sản tươi xuất khẩu… Sau gần 3 tuần tham dự khóa học, thực tế tại nhiều địa điểm tại Israel đã giúp chúng tôi học hỏi được về phương pháp tổ chức sản xuất, quản lý nông nghiệp hiện đại và nhiều kiến thức chuyên môn liên quan đến sản xuất rau quả tươi, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.


Ngành nông nghiệp Israel đã gây ấn tượng gì với ông? Để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả như Israel thì cần phải có điều kiện gì?


Tại Israel, hầu hết rau quả ăn tươi đều được trồng trong nhà kính, nhà lưới và họ đã thành công trong việc áp dụng trên diện rộng. Trong điều kiện như thế sẽ rất thuận tiện cho việc kiểm soát, điều khiển các yếu tố khí hậu, quản lý sâu bệnh hại, mình cần phải học tập ứng dụng. Để nông nghiệp phát triển nhanh chóng như Israel, chúng ta cần thiết phải ứng dụng ngay công nghệ cao và đưa công nghệ thông tin vào sản xuất.


Ông đánh giá như thế nào về công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Israel và việc ứng dụng vào VN?


Có thể nói Israel là nước đứng đầu thế giới về công nghệ tưới tiết kiệm theo hình thức tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa kết hợp với bón phân. Lượng dung dịch tưới được lập trình theo nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây qua từng thời kỳ sinh trưởng. Công nghệ tưới này có thể ứng dụng ở nhiều điều kiện khác nhau như trong nhà kính, nhà lưới, cây trồng ngoài đồng ruộng, vườn ươm sản xuất cây giống, trang trại trồng cây ăn quả... Tuy nhiên, ở VN cần phải nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tế chứ không cần phải “rinh” 100% công nghệ hoàn toàn tự động như đất nước Israel. Hiện nay, Đà Lạt là một trong những nơi ứng dụng NNCNC tốt nhất VN và cũng không thua kém bất cứ đất nước nào.


Ứng dụng công nghệ cao, khâu giống có phải là yếu tố quan trọng và quyết định?


Đúng vậy, trong sản xuất công nghệ cao thì khâu giống được xem là rất quan trọng để phù hợp với điều kiện canh tác, vì nếu đầu tư công nghệ hiện đại nhưng giống không tương xứng thì cũng không đem lại hiệu quả. Do vậy, cần phải đi vào sản xuất chuyên môn hoá cây con giống. Người dân Israel không tự ươm cây giống mà phải đặt hàng cho các công ty chuyên sản xuất cây giống để cung ứng theo nhu cầu của người trồng. Ở nước ta, việc sản xuất cây giống hiện còn rất hạn chế nên cần phải tập trung đầu tư nghiên cứu giống mạnh hơn nữa.







Khu NNCNC TP.HCM có gì hấp dẫn các nhà đầu tư?


Khu NNCNC TP.HCM được đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, điện nước, thông tin liên lạc rất tốt. Các nhà đầu tư được thuê đất 50 năm, chỉ phải trả tiền thuê đất nông nghiệp theo quy định chung của nhà nước (không tính chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng). Hiện giá chỉ khoảng15 triệu đồng/ha/năm, rẻ hơn giá thuê đất trồng… rau muống.






Công nghệ sau thu hoạch có được chú trọng trong sản xuất NNCNC không thưa ông?


Thực trạng thất thoát sau thu hoạch hiện vẫn còn khá lớn, như đối với những nước phát triển khoảng 5-25%; và những nước đang phát triển là 20-50%; nhưng với Israel tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch khá thấp, chỉ chiếm khoảng 5%. Tuy nhiên, công nghệ sau thu hoạch vẫn được đất nước này chú trọng nghiên cứu, áp dụng. Đối với rau quả tươi, Israel có hệ thống thu mua, bảo quản và kiểm tra chất lượng rất nghiêm ngặt.


Nếu vậy, để ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thì cần có điều kiện gì?


Thực tế, nếu không ứng dụng theo hướng công nghệ cao thì nông nghiệp nước ta khó để phát triển và có sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới như Israel. Để áp dụng được công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần phải có sự tích tụ ruộng đất, sản xuất theo hình thức trang trại. Có những chủ trang trại đủ tiềm lực về vốn đầu tư cho công nghệ, cho việc mời chuyên gia thì mới có đủ điều kiện đưa công nghệ mới vào sản xuất. Xây dựng các HTX kiểu mới để có diện tích đủ lớn, có tư cách pháp nhân để huy động vốn đầu tư sản xuất. Qua đó, những quy trình sản xuất rau quả tươi an toàn sẽ thực hiện và quản lý nghiêm ngặt, đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.


Hiện nay một số địa phương cũng chuẩn bị làm khu NNCNC, vậy khi nào VN có nền nông nghiệp kỹ thuật cao như Israel?


Nhiều địa phương có ý định thành lập các khu NNCNC, nhưng TPHCM được xem là bước đi “tiên phong” cần thiết cho các địa phương học hỏi. Có lẽ vài chục năm nữa VN mới hình thành được nền NNCNC như Israel, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện.


Xin cám ơn ông!











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top