Thua thiệt vì “hai ông hiệp hội”

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest



<b class="vl6">Nguồn tin:</b>


Tuổi Trẻ, 22/07/2011


Ngày cập nhật trên web Việt Linh:


23/7/2011




Gần ba tuần trôi qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu đã không thực hiện đúng cam kết với nông dân khu vực ĐBSCL: từ tháng 7-2011, nâng giá mua cá tra từ 24.000 đồng/kg lên 26.000 đồng/kg (cá từ 800 - 850 gram/con).

Giá cá tra khu vực này hiện vẫn dao động ở mức 21.000 - 24.000 đồng/kg. Đáng lo hơn, hiện nay nhiều người nuôi không bán được cá tra đạt trọng lượng 1 kg/con trở lên. Một số người nuôi cá phải “cậy nhờ” quan chức để liên hệ doanh nghiệp bán cá với giá rẻ bèo nhưng doanh nghiệp vẫn “phớt lờ”! Không những thế, hiện nay đã xuất hiện tình trạng người dân nôn nóng muốn bán được cá tra ở trọng lượng này phải thông qua “cò” mua cá và bấm bụng chịu mất 1.000 đồng/kg cá cho dịch vụ “cò”.

Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng “hiên ngang” tuyên bố mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân, rồi đến lúa hè thu cũng tự tuyên bố mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Nói “hiên ngang” bởi lẽ trước đây Chính phủ thường quyết định chuyện mua tạm trữ ở những thời điểm khó khăn và kèm theo “hỗ trợ lãi suất” cho doanh nghiệp. Tuyên bố mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ lúa đông xuân, xuất khẩu thuận lợi, VFA đã “ghi điểm”!

Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch rộ của vụ hè thu, VFA lại đột ngột tuyên bố ngưng mua tạm trữ, trong khi đây là vụ lúa “chua” nhất trong năm của nông dân ĐBSCL: cắt lúa, phơi lúa, trữ lúa đều gặp khó do mưa dầm. Và phản ứng tức thời từ quyết định này của VFA là giá lúa rục rịch giảm. “VFA tạm hoãn mua tạm trữ vì giá lúa đang ở ngưỡng cao, hay vì muốn co cụm để “thủ thân” hoặc muốn làm mình, làm mẩy để Chính phủ hỗ trợ lãi suất mới triển khai thu mua tạm trữ...?” - tiến sĩ Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, đặt vấn đề.

Nông dân trồng lúa, nuôi cá tra, doanh nghiệp xuất khẩu là những chủ thể chính hình thành chuỗi giá trị lúa gạo, cá tra hiện nay. Và thực tế họ chưa liên kết hình thành theo dạng “cùng ngồi chung thuyền” để làm đối trọng với khách hàng. Phần lớn giao dịch hiện nay theo dạng doanh nghiệp “nắm cán” và chưa có sự chia sẻ rủi ro với nông dân, nên một khi có rủi ro xảy ra nông dân luôn chịu thiệt thòi. Với vị thế là một cường quốc xuất khẩu gạo, ý nguyện của nông dân trồng lúa, nhà khoa học, quản lý trong vùng là: chuyện mua lúa gạo của nông dân phải được xem như chiến lược dự trữ chứ không phải mua tạm trữ theo tình thế như hiện nay.

Chính phủ đã đưa các sản phẩm từ cá tra là mặt hàng chiến lược đến năm 2020. Chính vì vậy, các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch, tín dụng, liên kết với doanh nghiệp cần phải nhanh chóng xúc tiến. Nông dân trồng lúa, nuôi cá tra ĐBSCL đã đảm trách tốt vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hằng năm cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu, mang về hàng tỉ đôla. Họ cần được tôn vinh và những giá trị họ tạo ra cần được tôn trọng. Đừng để họ phải gánh chịu những thua thiệt, mà có người phải phá sản vì những chuyện bội tín như VFA hay VASEP đã làm vừa qua.

H.TRÍ DŨNG - PHONG CAO
 


Last edited:


Back
Top