Thực hiện quy chế chứng nhận thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường Châu Âu: Cái khó của ngư dân và doanh nghiệp

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest



<b class="vl6">Nguồn tin:</b>


Báo Quảng Ninh, 29/06/2011


Ngày cập nhật trên web Việt Linh:


1/7/2011




Ngày 1-10-2010, Quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, hầu hết ngư dân Quảng Ninh vẫn chưa thực hiện đúng các quy định về đánh bắt thuỷ hải sản theo Quy chế.

<IMG
src="http://www.baoquangninh.com.vn/images_upload/small_86989.jpg">

Cán bộ kiểm ngư Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN&PTNT) kiểm tra việc thực hiện đánh bắt thuỷ sản theo quy định tại vùng biển Cô Tô.

Khi được hỏi về Quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào thị trường châu Âu, hầu hết ngư dân trong tỉnh đều nói chưa biết thông tin gì về những quy định này. Tại ngư trường thuộc vùng biển Đảo Trần (Cô Tô), anh Phạm Văn Tĩnh, chủ một tàu giã ván của xã Phong Cốc (Yên Hưng) cho biết: “Làm nghề đi biển từ năm 13 tuổi, đến giờ nhà báo hỏi tôi mới biết được là đánh bắt tôm cá phải ghi nhật ký đánh bắt ở đâu và bắt loại gì. Từ trước tới nay, đánh bắt được bao nhiêu là tôi bán ngay cho các chủ tàu thu mua ngay tại ngư trường từ Đảo Trần tới Cát Bà, họa hoằn lắm mới phải mang về bến và chúng tôi cũng không hề quan tâm đến việc tôm cá của mình tiếp đó được bán đi đâu, có xuất khẩu hay không. Còn nghề giã ván thì không loại trừ loại thuỷ sản gì, to hay bé, cứ kéo được con gì lên thì sau đó mới phân loại để bán”. Còn anh Bùi Huy Hùng, ngư dân xã Phong Hải (Yên Hưng) chuyên làm nghề chài, chụp kết hợp ánh sáng tại vùng biển Cô Tô thì cho hay: “Tôi cũng từng nghe đến việc phải ghi nhật ký khai thác thuỷ sản, song bây giờ người khôn của khó, không đời nào người ta lại khoe ra chỗ nào nhiều tôm cá để người khác đến đánh với mình. Anh thấy đấy, chi phí cho một chuyến khai thác trên 20 triệu đồng. Mỗi chuyến khai thác tốn trên 600 lít dầu, gần 2 tấn đá, thêm chi phí nhân công còn đâu là lãi mà tính đến ghi nhật ký khai thác”. Ngư dân vì giấu ngư trường, vì chi phí cho mỗi chuyến khai thác tăng cao mà không quan tâm đến việc thực hiện việc ghi nhật ký khai thác theo quy định. Còn các chủ thu mua thuỷ sản cũng không quan tâm đến những gì quy chế quy định. Ông Lưu Duy Hạnh, phường Cẩm Thuỷ (Cẩm Phả), chủ một cơ sở thu mua thuỷ sản trên biển cho hay: “Trên 20 năm làm nghề tôi chưa bao giờ hỏi các tàu đánh bắt ở đâu. Tuỳ loại thuỷ sản với giá khác nhau theo chủng loại, kích cỡ. Vừa bán lại cho các tư thương buôn bán tại các chợ, vừa bán cho các Công ty xuất khẩu thuỷ sản, song họ cũng không cần biết xuất xứ nguồn gốc, chỉ cần được giá”.

Trong khi ngư dân và người thu mua thuỷ sản không thực hiện các quy định của Quy chế thì các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vẫn phải thực hiện đúng quy định thì mới xuất được hàng. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản cho biết, họ thường mua nguyên liệu qua các đại lý chứ không trực tiếp thu mua từ ngư dân. Nếu có thì nguồn này cũng rất ít. Để xuất hàng sang thị trường châu Âu, bên cạnh bộ phận thu mua nguyên liệu các doanh nghiệp phải thành lập đội ngũ chuyên tập hợp thông tin từ phía ngư dân để làm nguồn gốc hàng hoá, song đây chỉ là một hình thức để đối phó vì nếu có xuất khẩu thuỷ sản, các doanh nghiệp chỉ cần chứng nhận của cơ quan chức năng. Khi được hỏi, các chủ doanh nghiệp đều khẳng định, họ chủ yếu thu mua nguyên liệu qua các đại lý. Trong khi đó, các đại lý này thu mua của hàng chục, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt trên biển. Hơn nữa, hầu hết ngư dân còn giấu ngư trường nên việc buộc họ phải ghi nhật ký khai thác, khai báo nơi khai thác là rất khó. Như vậy, Quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hiệu lực được hơn một năm, song ngư dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Quảng Ninh gặp khó trong thực hiện các quy định theo quy chế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đình Minh, Phó phòng Quản lý khai thác thuỷ sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: Để thực hiện tốt Quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho ngư dân về nội dung của quy chế. Hiện nay, Chi cục cũng đang tiến hành triển khai cấp nhật ký khai thác thuỷ sản cho các chủ tàu trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, để ngư dân thực hiện việc ghi nhật ký khai thác và thực hiện nghiêm các quy định theo quy chế còn gặp nhiều khó khăn, vì thế Chi cục đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ các quy định”. Được biết, từ đầu năm đến nay Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp được 8 giấy chứng nhận thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu cho Công ty Xuất khẩu thuỷ sản II với số lượng 124.360 kg mực ống. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khác vẫn chưa thấy động tĩnh gì, vì theo họ, với những quy định trên, doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc để tránh phiền hà.

Theo Quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khi tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản vi phạm 1 trong 9 hành vi sau:

Khai thác thuỷ sản mà không có giấy phép khai thác hợp lệ, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; không hoàn thành nghĩa vụ ghi nhật ký và báo cáo khai thác thuỷ sản theo quy định, bao gồm cả việc truyền dữ liệu từ hệ thống giám sát tàu cá thông qua vệ tinh đối với tàu cá sử dụng hệ thống giám sát tàu cá qua vệ tinh; khai thác trong vùng cấm khai thác, thời gian cấm khai thác, các loài thuỷ sản cấm khai thác hoặc khai thác các loài có kích thước nhỏ hơn quy định cho phép khai thác; sử dụng ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; che giấu, giả mạo hoặc huỷ chứng cứ vi phạm các quy định liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; cản trở công việc của cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; đưa lên tàu, chuyển tải hoặc vận chuyển thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn quy định được phép khai thác; chuyển tải hay cùng tham gia hoạt động khai thác, hỗ trợ hoặc tiếp ứng cho các tàu khai thác thuỷ sản đã được xác định có thực hiện hành vi khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; thực hiện hoạt động khai thác trong khu vực quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà không theo quy định của tổ chức quản lý nghề cá đó nếu Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Hữu Việt
 


Last edited:


Back
Top