Thương nhân chợ đầu mối làm thương hiệu nông sản

UWHmPd.jpg


Lần đầu tiên hơn 70 thương nhân chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức cùng nhau làm thương hiệu cho hàng hoá nông sản.

Từ củ ớt, củ hành, khóm ngò thơm cho đến trái bưởi, trái chanh, trái xoài lần lượt được thương nhân giám sát quy trình sản xuất ngay tại vườn để đảm bảo loại bỏ tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Những loại nông sản này còn được thương nhân đăng ký xây dựng thương hiệu, có đầy đủ thông tin nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…

11 giờ đêm, từng bao tải ớt tươi lần lượt trút xuống vựa Ngọc Vân. Tại đây, năm, sáu công nhân bắt đầu công việc phân ớt ra từng loại lớn nhỏ. Ớt sừng trâu chín đỏ mọng được đóng vào bịch nilông loại 1kg; ớt xanh loại quả dài, to bằng ngón tay đóng bịch 5kg; ớt sừng trâu loại vàng đóng xô 10k; ớt hiểm vào bịch loại 10kg… Sau khi hoàn tất công đoạn đóng vào bịch nilông, công nhân xếp từng bịch ớt ngay ngắn vào thùng cáctông để giao cho khách hàng ở khắp mọi vùng miền. Trên mỗi thùng đều có in logo hình trái ớt, có ghi địa chỉ công ty kinh doanh chợ, địa chỉ vựa Ngọc Vân cùng số điện thoại liên lạc.

Khác với các vựa ớt khác ở chợ đầu mối Tam Bình, vựa Ngọc Vân phải tốn thêm nhiều thời gian để phân loại từng quả ớt sao cho đúng kích cỡ, đạt sự đồng đều cao về hình thức, trọng lượng, màu sắc và cảm quan bên ngoài. Chưa tính tiền công chi trả thêm cho các công đoạn phân loại, sơ chế ớt, nội chi phí mua thùng cáctông làm đội giá thành mỗi ký ớt thêm 1.000 đồng. Ấy vậy mà, khi được hỏi làm sao để cạnh tranh với các vựa ớt xô, chị Thuý Vân, chủ vựa vẫn tươi rói: “Không sợ gì đâu anh, hàng mình có thương hiệu thì mình bán cao giá hơn một chút. Hôm nào chợ ế thì mình chịu thiệt một vài giá cũng chẳng sao!”

Làm vì lương tâm, trách nhiệm

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có hơn 70 vựa kinh doanh đang áp dụng quy trình giống như vựa ớt tươi Ngọc Vân. Quy trình làm bắt đầu từ việc thương nhân chợ đầu mối bàn bạc với nhà vườn áp dụng các bước sản xuất nông sản sạch như: không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, nếu sử dụng thì phải tuân thủ liều lượng, thời gian cách ly. Việc sử dụng phân bón và kiểm tra nguồn nước phải có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Sau khi nhà vườn đã làm đúng quy trình, có sản phẩm đầu tay đem lên chợ đầu mối thì được cơ quan chức năng lấy mẫu, nếu đạt hai bên tiến hành thoả thuận hợp tác.

Bà Năm Thìn, chủ vựa xoài cùng tên nói đang liên kết với hàng chục nhà vườn trồng xoài cát Hoà Lộc ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Các nhà vườn này cam kết sản xuất xoài sạch, không sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích kể từ khi quả xoài đậu trái sau một tháng rưỡi. Ngoài ra, xoài phải được bao trái vào bọc cho đến lúc thu hoạch để tránh nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp trái xoài có độ láng bóng, không bị thiên địch xâm hại.

Cũng như quả ớt, chi phi bao trái vào bọc tiêu tốn của Năm Thìn 1.000 đồng/quả xoài, bù lại, giữa chủ vựa và nhà vườn chia nhau phần chênh lệch giá có khi lên đến 50% so với xoài chưa được áp dụng quy trình sản xuất sạch. Khi đã có trái xoài sạch, Năm Thìn cũng tiến hành xây dựng thương hiệu bằng cách đăng ký bản quyền thương hiệu cho trái xoài cát, in logo, bao bì…

Bà Năm Thìn khẳng định, quả xoài của mình tuyệt đối an toàn và truy xuất nguồn gốc đến tận nhà vườn. Để chứng minh, bà cầm một quả xoài lên bảo: “Nếu xoài xài thuốc sẽ có một lớp váng đọng lại ở đít trái. Nhìn vào lớp váng cũng có thể biết nhà vườn sử dụng thuốc gì. Nếu lớp váng có màu trắng vàng thì đích thị là thuốc trừ sâu antaco (Mỹ), màu vàng sậm là loại thuốc ditrast…”

“Nếu xoài xài thuốc sẽ có một lớp váng đọng lại ở đít trái. Nhìn vào lớp váng cũng có thể biết nhà vườn sử dụng thuốc gì. Nếu lớp váng có màu trắng vàng thì đích thị là thuốc trừ sâu antaco (Mỹ), màu vàng sậm là loại thuốc ditrast”.
Thương nhân bảo họ kỳ công xây dựng thương hiệu vì lương tâm và trách nhiệm thôi thúc. Trước đây, hàng đêm cơ quan bảo vệ thực vật và cán bộ công ty chợ đầu mối đều tiến hành lấy mẫu rau củ quả để thử. Sau những lần cho ra kết quả “không như mong muốn” thì họ sợ. Sợ một ngày nào đó chính con cháu, họ hàng, người thân của họ cũng ăn phải loại thực phẩm không an toàn. Từ suy nghĩ như vậy nên từng thương nhân, không ai bảo ai, họ tự tìm đến nhà vườn và thương lái để bàn cách kiểm soát chất lượng nông sản.

“Lúc đầu tôi cũng nghĩ đơn giản là nhà vườn đưa lên cho mình thứ gì thì mình bán thôi. Nhưng sau này nghĩ làm vậy là có tội, có lỗi với người tiêu dùng nên tui quyết định phải ra tay cùng với họ làm cho tốt”, chị Thuý Vân tâm sự.

Không ký hợp đồng, họ chỉ hứa với nhau bằng miệng, nhưng niềm tin và uy tín trách nhiệm thì có thừa. Bà Năm Thìn giải thích: “Bằng kinh nghiệm lâu năm tui biết quả xoài xài thuốc hay không. Nhà vườn làm bậy còn bị phát hiện qua các đợt lấy mẫu kiểm tra thường xuyên hàng đêm ở chợ đầu mối. Họ làm sai là tui cắt, không lấy hàng nữa”. Còn chị Vân thì bảo: “Một vụ ớt làm hai ba tháng trời, có chuyện gì thì nhà vườn chỉ có nước bán đổ bán tháo chứ làm sao mà đưa lên đây được nữa”.

Thương nhân làm sai cũng bị bêu tên

“Vài tháng tới sẽ có khoảng mười thương nhân được nhận giấy chứng nhận thương hiệu đợt đầu do cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học và công nghệ) cấp. Sau đó là đợt hai, đợt ba”, bà Nguyễn Thị Hà, phó giám đốc công ty quản lý kinh và doanh chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức cho biết. Theo bà Hà, hiện nay tâm lý người tiêu dùng rất lo sợ sử dụng phải các loại rau củ quả có hoá chất độc hại và nhiều người cũng tự hỏi phải ăn gì cho an toàn.

Hàng đêm có từ 2.800 – 3.500 tấn thực phẩm rau củ quả các loại, vào các đợt ngày rằm, lễ lượng hàng tăng đến 4.500 tấn/đêm nên chợ phải lý lấy mẫu kiểm định theo sự hướng dẫn của chi cục Bảo vệ thực vật thành phố. Có lúc một đêm lấy đến hơn 20 mẫu nhằm ngăn ngừa số lượng rau có thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng. “Thương nhân nào có hàng vi phạm sẽ bị đọc tên lên loa phóng thanh mỗi đêm. Ai bị bêu tên sẽ không bán hàng được nữa nên họ phải buộc nhà vườn làm ăn đàng hoàng thôi”, bà Hà nêu biện pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được chợ Tam Bình áp dụng.

Ngoài ra, chợ Tam Bình còn nhấn thêm một bước đó là tiến hành xây dựng thương hiệu cho chợ và các thương nhân. Đã có khá nhiều đợt tuyên truyền vận động cho thương nhân hiểu phải nâng cao vai trò trách nhiệm đối với khách hàng, phải đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng chứ không vì lợi nhuận trước mắt mà làm suy kiệt dần sức khoẻ người tiêu dùng. Thương nhân cũng được khuyến cáo không ngâm tẩy hàng hoá bằng chất độc hại trên các loại rau củ.

“Tôi nghĩ việc xây dựng thương hiệu đối với thương nhân kinh doanh tại chợ là rất cần thiết và đem lại nhiều lợi ích, bởi khi có thương hiệu thì người tiêu dùng sẽ tín nhiệm. Thông qua thương hiệu hàng hoá được nhiều người biết đến để đặt hàng và mối quan hệ kinh doanh được mở rộng hơn so với khi chưa xây dựng thương hiệu”, bà Hà giải thích thêm.

bài và ảnh Minh Khoa
Nguồn: thegioitiepthi.net
 


"nhà vườn này cam kết sản xuất xoài sạch, không sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích kể từ khi quả xoài đậu trái sau một tháng rưỡi", điều này có thể tin được không? Với áp lực sâu bệnh trên vườn là rất lớn mà không phun thuốc thì mất mùa, chất lượng kém là điều hiển nhiên. Vấn đề ở đây là nhà vườn phải biết phun loại thuốc gì? liều lượng bao nhiêu? thời gian cách ly trước thu hoạch là bao nhiêu ngày? Hiện nay chưa có thông tin này. Thời gian cách ly trên bao thuốc vẫn chưa đảm bảo, vì có loại thuốc ghi thời gian cách ly trên lúa là 14 ngày chẳng hạn, nhưng khi lấy phun cho xoài thì phải cách ly bao nhiêu ngày? trên bao thuốc không có ghi vì nhà sản xuất chỉ đăng ký cho cây lúa thôi.
 
Mình cần mua ớt chỉ thiên, ớt sừng, đóng thùng số lượng lớn để xuất khẩu. Bên bạn có cung cấp được không ạ?
Mọi thông tin liên hệ: Ms Sa.
Hotline: 0918.000.310 hoặc 0988.357.470
Mail: kcs01@greenworldvn.com
 


Back
Top