Thương nhân Trung Quốc đổ xô tới Vietfish mua thuỷ hải sản

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest
Một đoàn thương nhân Trung Quốc đến từ 35 công ty có mặt từ rất sớm tại hội chợ triển lãm quốc tế thuỷ sản Việt Nam – Vietfish 2011 (28 – 30.6) tìm mua thuỷ hải sản, lấn át cả các nhà nhập khẩu truyền thống đến từ EU, Mỹ, Nga… Sự xuất hiện với số lượng đông bất ngờ của các thương nhân Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng lúng túng khi tìm không đủ phiên dịch...
ImageHandler.ashx

Thương nhân Trung Quốc chọn mua thuỷ sản Việt tại Vietfish 2011. Ảnh: Lê Quang Nhật
Hội chợ vừa mở cửa, ông Lâm Đại Vân, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Vân Bằng, có trụ sở ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cùng vợ và một nam trợ lý nhanh chân đến thẳng gian hàng trưng bày của công ty Hải Nam (Bình Thuận).
Thứ gì cũng muốn mua
Bằng tiếng Trung Quốc phổ thông chuẩn, dễ nghe, ông Vân chỉ tay vào từng sản phẩm mẫu của Hải Nam, nói với người phiên dịch công ty Hải Nam: "Chúng tôi cần mua cá biển, tôm biển, khô mực, khô cá đuối, cá cơm với số lượng có thể là năm bảy container/tháng". ông Vân nói với bà Nguyễn Thị Thu Sắc, tổng giám đốc Hải Nam rằng, tập đoàn Vân Bằng có 20 công ty con, kinh doanh hàng thuỷ sản, từ gia công nguyên liệu cho đến sản phẩm chế biến, sản phẩm ăn nhanh. ông Vân tỏ ra hài lòng với những sản phẩm của Hải Nam.
"Nhu cầu thuỷ hải sản tại thị trường Trung Quốc rất lớn. Chúng tôi cần nguyên liệu thô hoặc qua chế biến với số lượng không hạn chế", ông Vân nói với tổng giám đốc Hải Nam như vậy và hẹn sẽ trao đổi chi tiết qua thư điện tử.
Không chỉ có ông Vân, trong ngày khai mạc Vietfish, thương nhân Trung Quốc có mặt ở các gian hàng chiếm áp đảo so với khách hàng châu âu, Mỹ, Nga... Đây là hiện tượng khá đặc biệt, chưa có tiền lệ. Đi đến đâu cũng thấy hai ba ông thương nhân Trung Quốc, đeo túi xách, chỉ vào các sản phẩm và hỏi han nhiều thứ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, đối tác làm ăn của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam thường là ở thị trường châu âu, Mỹ, Nga, ở khu vực châu á là Hàn Quốc, Nhật, còn Trung Quốc rất ít. Chính vì vậy, hội chợ lần này, việc thương nhân Trung Quốc tổ chức thành đoàn sang khá đông là một bất ngờ lớn và nhiều doanh nghiệp không chuẩn bị người phiên dịch để trao đổi.
Sau khi rời Hải Nam, nhóm ba người của ông Vân đến công ty TNHH Sài Gòn Thế Hệ Mới hỏi mua nghêu, mực ống đông lạnh và sò huyết.
Đến Vietfish lần này, ông Tự Ba, tổng giám đốc công ty Liên Vận, trụ sở đặt tại Giang Tô, Trung Quốc đặt ra mục tiêu rõ ràng là phải tìm được đối tác Việt Nam để nhập khẩu tôm sú, tôm thẻ chân trắng loại nguyên con và bóc vỏ. Sau khi trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hy, chuyên viên kinh doanh công ty cổ phần đầu tư thương mại thuỷ sản (Incomfish), ông Tự Ba yêu cầu, trước mắt mỗi tuần cần nhập khẩu khoảng 40 tấn tôm đông lạnh kích cỡ 20 – 30 con/kg.
Vẫn thích mua tiểu ngạch hơn chính ngạch
Buổi chiều tại hội chợ Vietfish, hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) tổ chức buổi toạ đàm cơ hội giao thương với 35 công ty chuyên lĩnh vực thuỷ hải sản Trung Quốc. Hầu hết thương nhân Trung Quốc đều khẳng định mong muốn mua số lượng lớn thuỷ hải sản của doanh nghiệp Việt Nam. ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký Vasep cho biết xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam mỗi năm từ 4,5 đến hơn 5 tỉ USD trong vòng ba năm trở lại đây. Mặc dù Trung Quốc là thị trường lớn, ngay sát Việt Nam, nhưng giao thương thuỷ sản giữa doanh nghiệp hai nước thời gian qua còn hạn chế, mỗi năm chỉ dừng lại ở con số vài trăm triệu USD và chủ yếu mua bán bằng con đường biên mậu, thủ tục thanh toán rủi ro, khó kiểm soát.
"Quý 4 năm nay Vasep tổ chức đoàn doanh nghiệp hội viên tới Bắc Kinh và Thượng Hải trao đổi giao thương với doanh nghiệp thuỷ sản ở hai thành phố lớn này. Doanh nghiệp Việt Nam rất muốn làm ăn bền vững với Trung Quốc", ông Hoè cởi mở.
Tuy nhiên, qua trao đổi, thương nhân Trung Quốc lại tỏ ý không hào hứng lắm với phương thức nhập khẩu chính ngạch mà chỉ thích làm ăn qua con đường mua bán mậu biên. "Nếu là mua bán chính ngạch, chúng tôi đề nghị trả trước 40% giá trị lô hàng, sau khi nhận và bán hết mới trả đủ", là lời đề nghị của ông chủ công ty thuỷ sản Liên Vận – Trung Quốc. ông Nguyễn Tấn Hy, đại diện công ty Incomfish không đồng ý với đề nghị trên vì cho rằng phương thức thanh toán này rủi ro cho bên bán.
ông Thái Minh Quang, giám đốc công ty Tam Trân, trụ sở ở tỉnh An Huy – Trung Quốc, địa phương gần giáp ranh với các tỉnh biên giới Việt Nam giải thích sở dĩ họ muốn nhập khẩu tiểu ngạch là vì chở hàng container lạnh bằng đường bộ thuận tiện, cước phí rẻ hơn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ nếu mua tiểu ngạch thương nhân Trung Quốc không phải đóng thuế và ít chịu ràng buộc hợp đồng. Khi có rủi ro xảy ra thì thường bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt.
"Trong ngày khai mạc, Hải Nam nhận được rất nhiều đề nghị cung cấp hàng từ thương nhân Trung Quốc nhưng chúng tôi chỉ chọn đối tác nào cam kết mua bán chính ngạch", bà Sắc khẳng định như vậy.
ĐẶNG HOàNG – MINH CúC
 


Last edited:


Back
Top