Trồng Bưởi

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Trà Ôn là một trong những huyện có diện tích vườn cây ăn trái khá lớn ở Vĩnh Long với 9.240,2 ha, trong đó vườn cây có múi 4.175 ha chiếm 47%, bao gồm cam sành 3.006 ha, bưởi khoảng 900 ha, còn lại quýt, cam soàn... Đến ấp An Thanh, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà ôn chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những vườn ăn cây trái um tùm xanh tốt với nhiều chủng loại cây đang vào mùa thu hoạch. Trong đó có mô hình trồng chuyên canh bưởi Năm Roi của anh Hồ Anh Tuấn. Với diện tích 7.000 m2 đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập rất ổn định.

Trước đây, gia đình anh cũng sống nhờ vườn bưởi này nhưng do giá trái không cao nên thu nhập ít, một số nhà vườn quanh đó cũng trồng bưởi không hiệu quả. Đã có lần anh định phá bớt vườn bưởi nhưng vì tiếc quá nên không nỡ. Thực tế cho thấy, trên cùng diện tích canh tác thì cam sành luôn cho lợi nhuận cao hơn bưởi và một số loại cây ăn trái khác.



Điều làm anh Tuấn lo lắng hơn nữa, là thời gian gần đây lại xuất hiện thêm loại sâu đục quả bưởi, làm cho các nhà vườn một lần nữa điêu đứng, không biết cách xử lý. Mặc dù các ngành chuyên môn đã vào cuộc nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

Từ những khó khăn đó, anh Tuấn đã mày mò suy nghĩ, tìm tòi học hỏi cộng với kinh nghiệm 12 năm gắn bó với vườn nên bước đầu thành công trong việc bảo vệ vườn bưởi với tỉ lệ sâu đục trái dưới 10% rất hiệu quả. Trong dịp Tết Quý Tỵ anh bán được hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí phân bón, thuốc trừ sâu 75 triệu đ, còn lãi hơn 300 triệu/7.000 m2.

Anh Tuấn chia sẻ, để SX hiệu quả thì phải quản lý đúng thời điểm và đúng kỹ thuật. Khi bưởi vừa ra đọt non tiến hành phun thuốc trừ sâu vẽ bùa. Khi có nụ thì phun thuốc trừ bọ trĩ, sâu. Khi hoa rụng nhụy thì phun sâu đục trái, nhóm nhện và bọ trĩ. Giai đoạn đậu trái nửa tháng phun thuốc trừ sâu 1 lần. Nên thay đổi thuốc và kết hợp giữa thuốc sinh học và hóa học thì hiệu quả cao hơn.

Điều lưu ý là, không phải cứ thấy trái bị sâu đục thì phun thuốc, vì làm như vậy sâu dễ bị kháng thuốc và cũng không tiêu diệt được con bên trong. Trước khi phun thuốc anh hái hết tất cả các trái bị sâu đục đem xuống, dìm xuống nước hoặc bỏ vô bao buộc kín lại đem ra khỏi vườn; sau đó thì mới tiến hành phun xịt, với cách làm như vậy sẽ hạn chế được rất nhiều sâu hại.

Theo anh Tuấn, chăm sóc quản lý bưởi không khó, hiệu quả kinh tế cao, chi phí lại thấp nhờ đầu tư đúng hướng, đúng quy trình kỹ thuật, nên năm qua có thu nhập khá cao.

Tuấn chia sẻ kinh nghiệm: Vườn bưởi phải có rãnh thoát nước tốt, thông thoáng, khoảng cách trồng hợp lý. Nên sử dụng thêm phân hữu cơ ủ với nấm Trico để bón dưới gốc. Vườn bưởi của anh sử dụng phân Yara. Đây là loại phân bón có hiệu quả tốt, cung cấp thành phần hữu cơ, NPK và trung vi lượng cho cây trồng, giúp cây tăng trưởng nhanh, tăng năng suất và phẩm chất, nâng cao độ phì nhiêu của đất và phù hợp với mọi giai đoạn phát triển của cây.

Trồng bưởi hạn chế phun thuốc hóa học là cách mà nhiều người dân hiện nay áp dụng, trong đó có anh Tuấn. Hằng năm, anh bón 1 - 2 lần phân chuồng với liều lượng khoảng 2,5 - 3 tấn/lần/7.000 m2 để cây giữ độ ẩm, tăng cường dưỡng chất (phân hữu cơ có nhiều bón nhiều, ít bón ít).

Sắp tới anh Tuấn sẽ làm thử mô hình nuôi gà trong vườn bưởi nhằm hạn chế sâu đục quả. Vì anh nhận thấy vườn của anh Bé Tư gần nhà có khoảng 40 gốc kết hợp nuôi gà thì bưởi hoàn toàn không có sâu đục trái, lại cho trái rất đẹp.
 


Last edited:


Back
Top