Trồng cam Canh thành tỷ phú

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Biết anh Bùi Đức Long thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn - Bắc Giang) có ý định đầu tư trồng cam đường Canh, nhiều người có cả kỹ sư chuyên ngành trồng trọt đến khuyên không nên thâm canh loại cây này vì nó dễ nhiễm bệnh vàng lá gân xanh - một bệnh nguy hiểm chưa có thuốc chữa. Mặc dù đắn đo, nhưng không bỏ cuộc bởi anh biết rằng chẳng có việc gì là dễ dàng cả.


Ý TƯỞNG TỪ NHÀ ĐÀI


Năm 2003, trong một lần nghe Đài tiếng nói Việt Nam, anh Long có được thông tin về hiệu quả kinh tế cây cam đường Canh của các hộ dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trong đó tiêu biểu nhất là gia đình ông Thiết, chỉ với 3 sào trồng cam, mỗi năm cũng thu tới 120-130 triệu đồng. Khăn gói quả mướp anh Long tìm về Khoái Châu học hỏi kinh nghiệm. Ngày gặp mặt ông chủ Thiết, anh Long mừng quýnh, nhưng ông chủ vườn cam nổi tiếng Khoái Châu thì dửng dưng.


Hỏi gì ông cũng ậm ừ cho xong chuyện. Kệ, anh Long vẫn hồ hởi, nhiệt tình. Thái độ kiên trì, cầu thị của người đến học nghề thông qua việc giúp bứng cây, vặt lá, tỉa cành… đã thuyết phục ông chủ vườn giầu kinh nghiệm. Đến khi nhận nhau làm anh em, ông Thiết mới truyền kinh nghiệm trồng cam cho anh Long. Tuy nhiên đó mới là kiến thức ban đầu nên khi triển khai anh đã vấp phải thất bại: cây phát triển kém; quả đậu ít; mầu sắc không đẹp. Đặc biệt tỷ lệ quả vỡ và rụng nhiều. Có năm thời kỳ thu hoạch cam rụng tới 2/3 lượng quả. Nhiều lúc ngồi trên đống cam ngọt bị rụng mà lòng đắng ngắt.


Anh lại lặn lội về các Cục, Viện (Bộ Nông nghiệp và PTNT) gặp các chuyên gia về cam để học hỏi kiến thức. Vừa làm, vừa học, kinh nghiệm trồng cam của anh Long ngày một nhiều lên. Vườn cam 4,6 mẫu từ đậu quả ít đến đậu quả nhiều; từ mầu vỏ thâm đến mầu vàng sáng, đỏ; từ vỡ nứt khi chín đến lành lặn, đẹp đẽ và chắc cuống. Thu nhập của gia đình anh tăng dần. Năm 2005, năm đầu thu hoạch, gia đình anh thu từ quả được gần 100 triệu đồng. Các năm tiếp theo lần lượt là: 240 rồi 800 triệu đồng. Năm 2008, đang lúc trái sai, quả đẹp hứa hẹn một vụ bội thu thì lũ về, vườn cam chìm trong nước. Mặc dù nước lũ rút nhanh nhưng cũng cuốn đi gần 600 triệu đồng tiền quả và tài sản trong trang trại. Đau nhất là 400 cây cam bị chết úng. Tuy nhiên khi lũ qua đã để lại một lớp phù sa dày gần 30 cm.


Lớp đất mầu này rất tốt cho cây. Cây phát triển tốt, quả sai, mã đẹp. Năm 2009, vườn cam của gia đình anh đẹp như tranh vẽ. Tất cả các cây đều sai quả. Cuối vụ, gia đình anh thu hơn 60 tấn, trị giá 1,92 tỷ đồng, lãi 1,2 tỷ đồng. Ngay khi thu hoạch, anh tiếp tục mua đất phù sa về bón cho cây. Đây cũng là bí quyết gia đình anh Thuyết áp dụng từ trước đến nay. Kể về những ngày đầu làm cam, anh Long không giấu diếm kể: “Khi đặt vấn đề trồng cam, vợ tôi không đồng ý. Giả vờ nghe theo vợ, tôi loay hoay tìm nguồn tiền. Vào một ngày tháng 7 năm 2003, tôi sướng run khi cô ấy mở két đưa 300 triệu đồng (số tiền hai vợ chồng tích cóp sau hơn 10 năm lao động vất vả) sai đi gửi vào ngân hàng. Giấu cô ấy, tôi đem tiền mua đất, trồng cam. Khi phát hiện ra tôi đem toàn bộ số tiền của gia đình đầu tư trồng cam, cô ấy sốc thật sự, phải một thời gian mới quay lại ủng hộ tôi. Cả gia đình gắng sức chăm sóc loại cây khó tính này”.


ĐƯỢC NƯỚC BẠN CAM PU CHIA MỜI LÀM CHUYÊN GIA


Thấy anh Long làm cam đường Canh có hiệu quả, nhiều hộ dân trong huyện đến học hỏi kinh nghiệm cũng như đề nghị hợp tác. Anh Long không hề giấu bí quyết. Anh còn đến tận các gia đình quy hoạch trồng cây. Tất cả các vườn đều bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Diện tích cam ngày một tăng. Hiện toàn huyện Lục Ngạn đã tới gần 20 ha, tập trung nhiều ở các xã Hồng Giang, Quý Sơn, Tân Mộc, Thanh Hải. Nhiều hộ có mức thu 5-6 tấn quả, trị giá 180-200 triệu đồng/năm.


Nhiều gia đình trong tỉnh cũng tìm đến anh học hỏi kinh nghiệm. Tháng 8 vừa qua, một đoàn cán bộ nước bạn Cam Pu Chia đến thăm vườn cam của gia đình anh Long. Họ mê tít và mời anh sang làm chuyên gia giúp họ phát triển vùng cam ở các vùng ngoại ô bên đó. Anh Long đồng ý truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm thâm canh loại cây này bằng cách sang đó chọn đất, nhân giống và hướng dẫn kỹ thuật. Anh đề nghị họ cử một số nông dân sang cùng làm rồi về phổ biến kỹ thuật cho các hộ khác. Đây là thiện ý rất tốt của anh Long, ông chủ vườn cam bạc tỷ. Như vậy vùng cam Canh không chỉ mở rộng trong huyện, tỉnh mà còn sang cả nước bạn. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn làm cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Cam Pu Chia ngày càng bền chặt.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top