Trồng rau VietGAP thu lãi lớn

  • Thread starter Nguyen Van Sang
  • Ngày gửi
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm an toàn, thời gian gần đây, một số nông dân ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP. Và họ đã thu lãi lớn.
Anh Nông Văn Lưu ở thôn Hợp Tân, xã Gia Cát cho biết: “Trước đây, chúng tôi trồng rau chỉ để ăn chứ không nghĩ tới bán, nay được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP nên năng suất, chất lượng rau được cải thiện, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cụ thể, với 1 sào (360m2) trồng rau cải làn, chỉ sau 45 ngày có thể thu hoạch, trừ chi phí, lãi gần 6 triệu đồng (canh tác theo tập quán cũ chỉ được 2 triệu đồng/sào); 1 sào su hào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thu lãi 11,5 triệu đồng (trồng theo cách cũ chỉ thu được 3 triệu đồng/sào); nếu trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, 1 sào cà chua có thể đạt năng suất 3.000 kg, với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi hơn 5,7 triệu đồng/sào. Đặc biệt, trồng rau sạch sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho người trồng, người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường, lại tiết kiệm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Với mong muốn thay đổi phương thức sản xuất, năm 2011, chị Hoàng Thị Ỷ ở thôn Nà Pán, xã Tân Liên mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trên 3 sào rau của gia đình. Chị Ỷ tâm sự, ban đầu do còn nhiều bỡ ngỡ nên chị chưa biết cách ươm giống, trồng, chăm sóc đúng quy trình. Tuy nhiên, chị đã dành thời gian học hỏi kỹ thuật qua sách, báo, tham gia các lớp tập huấn do cán bộ khuyến nông tổ chức. Dần dần, chị thành thạo từng khâu kỹ thuật nên năng suất, chất lượng rau đều tăng. “Trước đây, chúng tôi thường bón nhiều đạm cho rau nhưng khi chuyển sang trồng rau theo quy trình VietGAP, lượng đạm được giảm tối đa, rau ngọt hơn và không độc hại”, chị Ỷ nói.

Theo chị Ỷ, chăm sóc rau theo quy trình VietGAP giúp giảm 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thời gian cách ly sau khi bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phải đạt 10 - 15 ngày nên chất lượng rau đảm bảo. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Ỷ thu lãi 40-50 triệu đồng từ việc trồng các loại rau bắp cải, su hào, cải, hành, tỏi,... theo quy trình VietGAP, cao hơn 30% so với trước đây. Nhờ đó, vợ chồng chị có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt.

Từ mô hình ở Cao Lộc thấy, sản xuất rau an toàn không chỉ góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo cung cấp nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất rau an toàn ở Cao Lộc vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Thiết nghĩ, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cũng như mở rộng và phát triển bền vững mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP, các ngành chức năng trong huyện cần mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp đưa các giống rau có năng suất, chất lượng cao vào trồng, đồng thời bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Nếu có được sự gắn kết đó sẽ tạo động lực để xây dựng các vùng chuyên canh rau an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Khoa học Nông Vận
 


viec su dung rau mam,rau sach,rau k su dung thuoc bvtv va p.b.h.h la xu huong hien nay
 


Back
Top