Việt Nam đẩy lùi “Cơn sóng thần thuốc bảo vệ thực vật”

  • Thread starter repthuy
  • Ngày gửi

Thuyết phục người nông dân trồng lúa Việt Nam bớt sử dụng thuốc bảo vệ thực và cho người nông dân tự thấy lợi ích cho chính bản thân họ.

Trong nhiều năm, các nhà côn trùng học tại Trung tâm Bảo vệ Thực vật ở Long Đình, khu vực phía Nam Việt Nam đã cố gắng tuyên truyền cho bà con nông dân về lợi ích của việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng nỗ lực này hiệu quả không được bao nhiêu. Vào năm 2001, họ quyết định sử dụng một biện pháp khác: họ thách thức 950 người nông dân tự mình thử nghiệm.
Trong một khu vực, người nông dân trồng lúa sử dụng lượng hạt giống, phân bón thường dùng, phun thuốc diệt côn trùng bất cứ khi nào họ thấy cần, thực tế là khá thường xuyên. Ở gần đó, người nông dân không phun thuốc trong vòng 40 ngày sau khi gieo hạt và sử dụng ít hạt giống và phân bón hơn. Điều làm những người làm nông bất ngờ đó là, kết quả từ thử nghiệm rất tốt, thậm chí tốt hơn, trong khi chi phí thấp hơn, tạo thêm 8 đến 10% lợi nhuận. Từ đó, họ đã hoàn toàn bị thuyết phục, anh Hồ Văn Chiến, người hợp tác với dự án, nhớ lại.
Thí nghiệm này, được thiết kế bởi các đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu lúa nước quốc tế (IRRI) ở Los Baños, Philipine, là bước đầu tiên của chiến dịch mà anh Chiến nhắc đến đã đưa những người nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long đến việc cắt giảm sử dụng hóa chất diệt côn trùng từ 5 lần một vụ lúa xuống còn 1 lần, thậm chí là không sử dụng. Các chuyên gia đang cố gắng để áp dụng kết quả này ra toàn Đông Nam Á.


raynau.jpg


Do sự hiểu nhầm về việc kiểm soát côn trùng gây hại và các chiến dịch quảng cáo hùng hậu, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở châu Á đã tăng vọt trong những thập kỉ gần đây. Thuốc bảo vệ thực vật được nhập khẩu bởi 11 nước Đông Nam Á đã tăng gần 7 lần về số lượng từ năm 1990 đến năm 2010, theo số liệu từ tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), với kết quả nghiêm trọng. Việc sử dụng quá mức tiêu diệt cả côn trùng có lợi lẫn có hại, làm giảm một phần mười quần thể chim và động vật lưỡng cư. Thuốc bảo vệ thực vật cũng bị nghi gây hại đến sức khỏe con người và là một biện pháp tự tử phổ biến ở vùng nông thôn Châu Á.
Mỉa mai thay, đối tượng chính của cuộc chiến hóa học này, rầy nâu (Nilaparvata lugens), ngày càng trở nên miễn dịch với các chất này. Trong 5 năm gần đây, sự bùng nổ của các trận dịch rầy nâu đã tàn phá sản lượng lúa trên khắp châu Á:“nhưng không phải ở đồng bằng sông Cửu Long”, theo lời của K.L.Heong, một nhà sinh thái học công trùng của IRRI phát biểu. Nhờ việc sử dụng vừa phải các chất hóa học, các thiên địch tự nhiên giúp kiểm soát rầy nâu tại Việt Nam.​


Sạch như bể bơi

Cuộc Cách mạng Xanh của thập kỉ 60 và 70 đã cho ra đời các giống câu trồng khỏe hơn cho năng xuất cao hơn nhờ sử dụng nhiều phân bón hóa học. Sản lượng lúa ở châu Á tăng hơn gấp 2 lần. Nhưng điều này khiến cho người nông dân tin rằng nhiều hơn là tốt hơn cho dù đó là hạt giống, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
Người trồng lúa có thói quen phun thuốc ngay sau khi cấy, khi họ thấy những dấu hiệu đầu tiên của sâu cuốn lá, xuất hiện sớm vào đầu vụ lúa. Tuy vậy loài côn trùng này chỉ gây ra thiệt hại nhỏ và không làm giảm năng xuất. Tệ hơn nữa, việc phun thuốc trừ sâu sớm đồng thời tiêu diệt ếch, nhện, ong vò vẽ và chuồn chuồn, những loài săn rầy nâu, xuất hiện sau và nguy hiểm hơn nhiều. Heong nói rằng thay vì “rơi vào một biển cá mập”, rầy nâu thấy mình xuất hiện ở một nơi “sạch như bể bơi”. Thêm vào đó, các kiểm nghiệm cho thấy để tiêu diệt rầy nâu giờ cần 500 lần lượng thuốc diệt côn trùng so với trong quá khứ. Ngày càng nhiều rầy nâu sống sót để hút nhựa của những cây lúa non, làm cho chúng chết đi.
Từ những năm 80, IRRI và FAO đã thuyết phục một số chính phủ ở Đông Nam Á rằng với cái gọi là quản lí dịch hại tổng hợp (IPM), các thiên địch có thể kiểm soát được rầy nâu. Năm 1986, Indonesia đã cấm 57 loại thuốc bảo vệ thực vật và dừng hoàn toàn việc hỗ trợ sử dụng chúng. Nhưng kết quả này đã bị đảo ngược trong những năm 2000, với sự tăng lên về khối lượng sản xuất, điển hình là Trung Quốc, đã tạo nên một “làn sóng thuốc bảo vệ thực vật,” dẫn lời nhà côn trùng học Peter Kenmore của FAO. Một số người trong ngành công nghiệp hóa chất cũng đồng tình. Theo Kee Fui Kon, người quản lí R&D liên quan đến lúa thuộc người khổng lồ trong sản xuất hóa chất nông nghiệp Syngenta, Thụy Sĩ : “Chúng tôi đồng ý rằng ở Việt Nam, người nông dân đã sử dụng một cách quá mức thuốc bảo vệ thực vật trong một số môi trường sản xuất”.


Kịch nói truyền thanh

Tại Việt Nam, thử nghiệm tại đồng bằng sông Cửu Long đã giúp thay đổi nhận thức của người nông dân và các cán bộ nông nghiệp. Nghiên cứu đã dẫn đến chiến dịch “ba giảm, ba tăng” nhằm thuyết phục người nông dân rằng giảm số lượng hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm tăng sản lượng, chất lượng và lợi nhuận. Những điều này được lan truyền qua poster, tờ rơi, quảng cáo TV, và một loạt kịch nói trên radio, được phát năm 2004, trong đó nói về một người nông dân dần dần bị thuyết phục bởi tác dụng của IPM. Để củng cố thêm, trận dịch rầy nâu năm 2006 ảnh hưởng đến người dân dùng thuốc diệt côn trùng nặng nề hơn những người không sử dụng.
Gần đây, Trung tâm Bảo vệ Thực vật và IRRI cũng vận động người dân trồng hoa, đậu bắp và đậu trên bờ ruộng, thay vì hoa màu như bình thường. Những cây này thu hút ong và tò vò kí sinh trứng của rầy, đồng thời làm đa dạng sản lượng thực vật thu hoạch. Chiến nói rằng giờ đấy ít có người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nào sử dụng thuốc diệt côn trùng thường xuyên, dù là vẫn còn nhiều người dùng thuốc diệt nấm.
Dẫn lời Kenmore : “Tôi nghĩ đây là dấu hiệu cho thấy mọi việc gần đây đã diễn ra khá tốt ở Việt Nam”. Các chuyên gia khác vẫn chưa đưa ra nhận xét. “Tôi coi những báo cáo về [giảm sử dụng thuốc diệt côn trùng] có giá trị, nhưng là một nhà khoa học, tôi muốn nhìn thấy số liệu thống kê” theo lời nhà nông học Steve Wratten thuộc Đại học Lincoln tại Canterbury, New Zealand. Geoff Gurr thuộc Đại học Charles Sturt, Orange, Úc, người hợp tác với Heong và Chiến, nói rằng họ đang xử lí số liệu từ những nghiên cứu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hiệu quả của trồng hoa và thực vật; một báo cáo sẽ sớm được đưa ra. Kon thuộc Syngenta nói rằng vẫn tồn tại vai trò của thuốc diệt côn trùng, đặc biệt là tiêu diệt các loài sâu hại khác, như là sâu đục thân cây, ấu trùng của nhiều loài sâu bướm trên cây lúa. Số liệu của công ty cho thấy sản lượng có thể tăng đến 21% nếu sử dụng một cách hợp lý thuốc bảo vệ thực vật.
Các nước khác đang ghi nhận cách tiếp cận của Việt Nam. Năm 2010 và 2011, bùng phát dịch rầy nâu đã ảnh hưởng đến 400,000 hecta lúa của Thái Lan, gây thiệt hại khoảng 64 triệu đôla. Một chuyên gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Thái Lan, Kukiat Soitong “Chúng tôi bắt đầu nhận thức hơn rằng người nông dân đang mất rất nhiều vì sử dụng sai hóa chất bảo vệ thực vật”. Chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy chương trình “không phun trong 40 ngày đầu”.
Tất cả các sáng kiến này, theo Heong, “phải vượt qua lực lượng marketing hùng hậu,” như việc bán kèm thuốc diệt côn trùng cùng gói với hạt giống và phân bón, chào mời khuyến khích khi mua nhiều, và thổi phồng về những lợi ích có được. Và đồng thời, về việc này, Việt Nam cũng bắt đầu hành động. Một luật mới đang được đưa ra xem xét đề nghị việc quản lí bằng giấy phép đối với những nhà cung cấp thuốc bảo vệ thực vật và sự cho phép của chính phủ đối với quảng cáo để làm giảm những luận điệu được thổi phồng. Chuyên gia kiểm soát dịch hại của FAO Kevin Gallagher cho rằng những điều luật như vậy là cần thiết cho cả khu vực. “Người nông dân ở khắp mọi nơi đang bị ảnh hưởng bởi quảng cáo”, ông đã nói. Luôn có “nhiều thông tin sai lệch ở mọi nơi, vào mọi thời điểm.”

Dennis Normile

Người dịch : Grey-CGFED’s Tornado Group (nguồn http://vn.cgfed.org.vn)
 




Back
Top