Vua” cá bống tượng

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Sau nhiều năm “đeo đuổi” cá bống tượng với không ít lần thất bại, mới đây, anh đã gặt hái kết quả trong việc nhân giống cá này và cung cấp cho người nuôi ở Bến Tre cũng như các tỉnh lân cận... Đó là anh Nguyễn Văn Bảo, ở xã An Qui, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Nhờ liên tục thành công từ mô hình nuôi cá bống tượng, anh đã vươn lên giàu có và được người dân nuôi cá đặt cho biệt danh là “vua cá bống tượng”…
Thời… trắng tayChuyện anh Bảo liên tục “trúng” với mô hình nuôi cá bống tượng và khấm khá đang làm cho nông dân nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL chú ý. Cái tin anh nhân giống cá bống tượng thành công đã thu hút nhiều bà con nông dân tìm đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi và mua giống cá có giá trị kinh tế cao này về nuôi. Tuy mới bắt đầu cung cấp giống đại trà, nhưng từ đầu năm đến nay anh đã bán được gần 200.000 con cá bống tượng con. Anh Bảo cho biết: “Mỗi ngày tôi tiếp trên, dưới 20 người đến tham quan, hỏi thăm cách nuôi và mua con giống. Riêng huyện Bình Đại, số lượng con giống mà bà con đăng ký đã trên 50.000 con”. Nhắc lại chuyện đầu tư nuôi cá bống tượng của mình và thành quả hôm nay, anh Bảo nói: “Hồi mới ra lập nghiệp, tôi đụng đến đâu là thất bại đến đó. Tại nghèo, vốn ít nên tôi mới bám được với loài cá chỉ có ngoài tự nhiên này. Nói thiệt, nếu không kiên trì, tôi cũng khó thành công vì rất khó để tìm ra quy trình nuôi phù hợp cho con cá bống tượng”. Năm 1990, anh lập gia đình khi mới 22 tuổi và bắt đầu lập nghiệp với 2.000m2 đất bị nhiễm mặn của cha mẹ cho. Lúc đó, nông dân các xã ven biển của huyện Thạnh Phú khó có ai làm giàu được trên mảnh đất phèn bạc, hoang hóa. Thạnh Phú là huyện có nhiều hộ nghèo nhất tỉnh. Nghèo quá nên cũng như nhiều người ở đây, anh Bảo phải bỏ miệt biển để đi xứ khác làm ăn. Anh đến Đồng Nai, tạo dựng cuộc sống trên chiếc bè với nghề đánh bắt cá ở lòng hồ Trị An. Anh nhớ lại: “Trong số cá, tôm tôi bắt được ở đây, có rất nhiều cá bống tượng. Cá lớn bán còn có tiền chứ cá cỡ ngón chân cái rẻ như cho nên tôi không bán mà đóng bè nuôi với suy nghĩ bỏ ống để dành làm vốn. Nhưng do dòng nước ở đây thay đổi thất thường nên cá không phát triển. Với lại cá bị chài lưới bắt đã trầy xước nên khi nuôi bị ghẻ và chết hết”.
Ra đi với hai bàn tay trắng. Sau hai năm lập nghiệp không khá, anh đành chịu trắng tay quay về lại quê nhà. Lúc này, Thạnh Phú bắt đầu có phong trào nuôi tôm sú quảng canh, anh quyết định nuôi tôm sú. Hai năm của vụ nuôi tôm sú quảng canh anh trúng liên tục và lời gần 40 triệu đồng. Thấy làm ăn được, anh đầu tư chuyển sang nuôi tôm công nghiệp và rồi... trắng tay vì tôm chết.
“Bén duyên” với cá bống tượng
Trong thời gian nuôi tôm, mỗi chuyến dọn ao tôm, anh bắt được vài con cá bống tượng lớn và rất nhiều cá nhỏ. Nhận thấy cá bống tượng phát triển được ở vùng nước lợ, anh quyết định nuôi thử loại cá này. Ngoài việc bắt cá tự nhiên để làm giống, anh còn tìm mua lại cá bống tượng con. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này anh chỉ mua cá loại nhỏ cỡ đầu các ngón tay, không bị trầy xước để thả nuôi. Năm 2001, từ 4.000 con cá bống tượng thả nuôi anh thu được 800 kg cá thịt và bán được 140 triệu đồng (lúc này, giá cá bống tượng loại nhất: 210.000 đồng/kg; loại nhì: 190.000 đồng/kg; loại ba: 70.000 đồng/kg). Anh cho biết: “Đợt cá này tôi nuôi đến 2 năm mới thu hoạch vì không có vốn, chỉ cho cá ăn cầm chừng nên cá lâu lớn. Nuôi mấy ngàn con cá mà tôi chỉ tốn khoảng 4 triệu đồng chi phí. Còn bây giờ tôi nuôi cá bài bản hơn, cho ăn đầy đủ, chỉ 12 tháng là thu hoạch, đảm bảo cá đạt tiêu chuẩn”.
Sau thành công đầu tiên, anh quyết định thuê thêm gần 2 ha đất để mở rộng diện tích nuôi cá bống tượng. Những năm sau đó, mỗi đợt thu hoạch cá anh đều thu lãi trên dưới 50 triệu đồng trên diện tích nuôi khoảng 1 công đất. Lợi nhuận giảm là do anh tính kế lâu dài: thu hoạch cá luân phiên và để dành cá giống lại ép đẻ, nhân giống cá con để chuẩn bị nuôi qui mô lớn. Tham khảo tài liệu, anh phát hiện cách làm cho cá bống tượng đẻ rất dễ: chỉ cần chất gạch xuống hồ thì cá đẻ trên gạch, sau đó đem trứng đi ấp bằng cách cho chạy oxy cá sẽ nở. Nhưng tỷ lệ thành công rất ít. Hàng triệu con post cá bống tượng nhưng khi thu đầu con không con bao nhiêu. Rồi đột nhiên cá bống tượng mẹ chết hàng loạt. Tìm hiểu anh mới biết cá đẻ vài lứa bị nhiễm trùng đường sinh dục nên chết. Coi như sản xuất cá giống không thành công, kế hoạch thả nuôi cá bống tượng qui mô lớn lại thất bại vì không có nguồn cá giống. Tính riêng phần đầu tư sản xuất cá giống, do hao hụt cá mẹ anh bị lỗ liên tục 3 năm khoảng 150 triệu đồng.
Không nản chí, anh thử nhiều cách. Cuối cùng anh cũng tìm được cách khắc phục tình trạng cá mẹ bị bệnh sau khi đẻ và nhân giống thành công cá bống tượng con vào cuối năm 2005. Anh không ngần ngại tiết lộ một phần bí quyết của mình: Cá bống tượng mẹ để giống tốt nhất là khi đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg. Nếu cá lớn hơn, khi đẻ, cá con rất yếu, khó dưỡng. Một con cá bống tượng sau khi đẻ 3 - 4 lứa thì phải đổi giống. Cá đẻ mỗi tháng 1 lần, vì vậy phải gầy dựng và thay đổi cá mẹ liên tục thì cá giống mới đạt chất lượng. Theo quy trình này, tỷ lệ cá con từ khi anh nhân giống và cung ứng ra thị trường đạt khoảng 50%. Hiện anh có khoảng 500 cặp cá bống tượng giống và không ngừng thả cá tiếp nối. Anh còn có ý định sẽ thuê đất ở vùng nước ngọt để đầu tư thêm điểm sản xuất cá bống tượng giống. Hiện nay anh đang ở vùng nước mặn, phải đợi đến khi nước lợ mới sản xuất được cá giống nên năng suất không cao, không đáp ứng được hết nhu cầu cá giống của bà con.
Hiện tại, anh đang bán cá bống tượng con với giá 1.000 đồng/con (40 ngày tuổi) và 1.200 đồng con (50 ngày tuổi). Anh cho biết thêm: “Tôi đã in tài liệu nuôi cá bống tượng và sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm cho bà con nuôi cá. Trong đó, việc quan trọng nhất để nuôi cá bống tượng thành công là cần xử lý thuốc định kỳ 15 ngày/lần, nếu không cá rất dễ bị bệnh”. 10.000 con cá bống tượng có thể thả trong diện tích 1.000 m2 mặt nước. Theo tính toán của anh, cá bống tượng nuôi thành công cho dù hao hụt đến 90% thì người nuôi vẫn đạt lợi nhuận rất cao. Nếu nuôi 10.000 con cá bống tượng, trừ tất cả chi phí đầu tư khoảng 25 triệu đồng, chỉ với 1.000 con cá bống tượng còn sống bán ra, người nuôi sẽ thu được 150 triệu đồng. Cá bống tượng hiện nay có giá 290.000 - 300.000 đồng/kg (loại nhất, trọng lượng 0,5 kg/con); loại nhỏ hơn, giá thấp hơn 10 ngàn đồng/kg; cá cỡ 0,3 kg/con, giá khoảng 200.000 đồng/kg. Trong năm, có lúc giá cá bống tượng tăng lên đến 320.000 đồng/kg (loại nhất). Thị trường tiêu thụ cá bống tượng cũng rất triển vọng. Một ngày, anh có thể mua hết 10 tấn cá của bà con để chuyển lên TP. Hồ Chí Minh đóng thùng xuất qua Trung Quốc.
Hiện nay, anh Bảo đang đầu tư 60 triệu đồng để nuôi trùn quế nhằm cung cấp thức ăn ban đầu cho bà con khi đến mua cá giống. Trùn quế được trộn với thức ăn công nghiệp cho cá ăn giúp cá mau bắt mồi, phát triển nhanh. Việc cho cá ăn trùn quế liên tục 6 tháng đầu kể từ khi thả nuôi giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
 


Last edited:


Back
Top